Hội thảo được tổ chức với mục đích tăng cường và mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế trong việc nghiên cứu và phát triển sách giáo khoa phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Dự Hội thảo có đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển; Hội thảo còn có sự tham gia của gần 30 nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học sư phạm - Ucraina, Viện Georg Eckert - Đức, Đại học Tổng hợp Uppsala - Thụy Điển, Đại học Tổng hợp Stockholm - Thụy Điển, Đại học Tổng hợp Utrecht - Hà Lan, Đại họcCentral Queensland – Australia, một số NXB của Singapore, Pháp, Australia; Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Cao đẳng Sư phạm Hà Nội,…
Hội thảo giới thiệu các thành tựu nghiên cứu trong nước và quốc tế, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, nhà quản lí và các chuyên gia, từ đó tăng cường nhận thức về việc nâng cao chất lượng SGK theo định hướng đổi mới và hiện đại hóa của giáo dục hiện đại.
Với mục đích trên, Hội thảo tập trung vào 4 nội dung chính:
1. Những định hướng trong đổi mới và hiện đại hóa SGK phổ thông.
Theo Đề án Đổi mới Chương trình, SGK phổ thông sau 2015, các định hướng xây dựng chương trình, SGK mới là tiếp cận theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, đẩy mạnh đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục theo hướng phát triển năng lực cho học sinh, đổi mới đánh giá kết quả giáo dục theo yêu cầu phát triển năng lực, điều chỉnh hài hòa, cân đối giữa “dạy chữ”, “dạy người” và từng bước “dạy nghề”. Nội dung giáo dục mang tính cơ bản, hiện đại, thực tiễn giúp hình thành và phát triển các năng lực học tập và phẩm chất học sinh,…
2. Xây dựng, phát triển, sử dụng SGK và học liệu điện tử.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, việc ứng dụng các tiện ích này vào giáo dục là một xu thế tất yếu. Vì thế, ngoài sách in truyền thống, sách điện tử đã ra đời.
Hiện nay, các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… đã và đang trong quá trình xây dựng, xuất bản và đưa vào sử dụng các loại hình SGK điện tử. Tại Việt Nam đã bắt đầu có các sản phẩm sách điện tử. Đó là các sách được tích hợp trên các thiết bị chuyên dụng, các trang web dành cho HS và GV… Mới đây, sản phẩm Classbook củaNXBGDVN ra đời, mang nội dung của hơn 400 cuốn SGK và sách giáo viên từ lớp 1 đến lớp 12.
Để có những cuốn SGK điện tử tốt cho giai đoạn sau 2015, cần có những nghiên cứu, học tập kinh nghiệm cần thiết từ các nước tiên tiến đi trước trong lĩnh vực này.
3. Xây dựng và phát triển mô hình SGK mới và hiện đại.
Ở các nước phát triển, để có một bộ SGK tốt, việc nghiên cứu một mô hình SGK phù hợp với các yêu cầu của chương trình, điều kiện thực tế của đất nước là rất quan trọng. Điều đó giúp cho các tác giả viết sách có một tầm nhìn, định hướng chung, góp phần làm nên bộ SGK nhất quán và đáp ứng đúng yêu cầu của chương trình.
Hiện nay, NXBGDVN là đơn vị đầu tiên trong cả nước nghiên cứu về vấn đề này. Đến nay đã thu được một số kết quả nhất định. Kết quả này được các nhà nghiên cứu trình bày trong Hội thảo với mong muốn nhận được góp ý của các chuyên gia…
4. Đánh giá và sử dụng SGK trong nhà trường phổ thông hiện đại.
Để hướng tới một bộ SGK tốt nhất cho tương lai, việc định ra những tiêu chí đánh giá SGK là rất quan trọng và cần thiết. Điều này giúp cho các tác giả có một định hướng chung khi biên soạn SGK để có bộ SGK nằm trong một chỉnh thể thống nhất. Tiêu chí đánh giá SGK cần nắm bắt được các nhu cầu của cuộc sống hiện thực, các yếu tố hiện đại trong công nghệ làm sách…
Các nội dung trên sẽ được các đại biểu trình bày tham luận và trao đổi ý kiến trong hai ngày diễn ra Hội thảo.
Một số hình ảnh về Hội thảo:
Thứ trưởng Bộ Giáo dục -Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo
Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái, Chủ tịch Hội đồng thành viên - Tổng Giám đốc NXBGDVN tại Hội thảo
Các đại biểu dự Hội thảo
GS.TS.Vũ Văn Hùng, Phó TGĐ kiêm TBT NXBGDVN phát biểu tại Hội thảo
Các đại biểu quốc tế tham luận tại Hội thảo
Phòng TVTH - TT