Tin tức » Tin tức - Sự kiện
Cách phân biệt sách giáo khoa thật – sách in lậu
Thứ Tư, 12/07/2023 | 08:00
Số lượt xem: 6096NXBGDVN - Thời gian vừa qua, tại một số địa phương, tình hình in và phát hành sách giáo khoa giả sử dụng trong năm học 2023-2024 diễn biến phức tạp. Qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm đầu sách giáo khoa bị in lậu (đặc biệt là sách giáo khoa Tiếng Anh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) và những đơn vị phân phối này không xuất trình được hoá đơn, chứng từ hợp pháp.
Làm thế nào để phân biệt sách lậu – sách thật?
Quý thầy cô, phụ huynh và các em học sinh có thể nhận biết sách thật của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và sách in lậu qua các dấu hiệu sau:
- Sách in lậu là sách do các cá nhân/đơn vị tự sao chụp/ scan từ các tựa sách thật rồi in lại, với nội dung và cách trình bày giống sách thật. Nhiều cuốn sách in lậu không đảm bảo đầy đủ nội dung, chất lượng hình minh họa để tiết kiệm chi phí in ấn. Do các đối tượng in lậu không phải thực hiện quy trình xuất bản theo quy định, không trả chi phí bản quyền cho tác giả theo Luật sở hữu trí tuệ nên chi phí làm sách lậu thấp hơn nhiều so với giá thực tế của cuốn sách. Sách in lậu được bán ra với nhiều mức giá khác nhau, thậm chí có nơi bán sách lậu ngang với giá niêm yết trên bìa của sách thật.
- Sách in lậu thường bị cắt xén, có khổ sách nhỏ hơn sách thật, đóng gáy cẩu thả, gáy sách mỏng dễ bị bong rời các trang, thiếu trang.
- Sách in lậu thường in ấn kém chất lượng hơn sách thật, sử dụng giấy in chất lượng thấp, không sử dụng các công nghệ in đặc biệt (ép nhũ, cán mờ,…). Để cắt giảm tối đa chi phí in ấn, nhiều đơn vị làm sách lậu thường chỉ scan/phô tô, đánh máy lại nội dung từ trong sách thật mà không qua các khâu kiểm duyệt rồi in đại trà dẫn đến việc phần chữ dù được xử lý lại nhưng quan sát kĩ vẫn thấy bị vỡ, nét đậm nhưng không sắc, đôi lúc bị đứt. Phần hình ảnh không rõ ràng, bị nhòe, màu sắc không đồng đều (thường là đậm hơn so với sách thật) do dùng máy scan và xử lí lại.
Sách giả ảnh hưởng đến học sinh và giáo viên như thế nào?
Khi mua phải sách in lậu, sách kém chất lượng, người tiêu dùng đã vô tình làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân. Đầu tiên phải kể đến việc khi mua sách in lậu, các em học sinh sẽ không được sử dụng những cuốn sách chất lượng, được bảo hộ nguồn gốc từ NXB Giáo dục Việt Nam. Các hình ảnh, nội dung trong sách bị nhòe, mờ, không rõ nét dẫn đến việc thị lực bị suy giảm nếu sử dụng sách kém chất lượng trong thời gian dài.
Một số nội dung trong sách in lậu được đánh máy lại nhưng không qua các khâu kiểm duyệt như sách thật, có thể làm sai lệch kiến thức trong quá trình học tập của học sinh. Đây cũng là một trong những lí do quan trọng để người tiêu dùng nên nói KHÔNG với sách in lậu, sách kém chất lượng.
Đặc biệt, từ năm 2020 trở đi, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã dán tem định danh với các cuốn sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Đối với sách lậu, các mã tem được in cùng một mã số seri và không kích hoạt được. Nếu mua nhầm sách in lậu, học sinh không thể truy cập và sử dụng kho học liệu điện tử của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Làm sao để mua được sách thật?
Để tránh mua phải sách in lậu, quý thầy cô, phụ huynh và các em học sinh nên lựa chọn các đơn vị phát hành sách giáo dục thuộc hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (các Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục, các Công ty Sách-Thiết bị giáo dục miền, Công ty Sách - Thiết bị trường học tại địa phương).