Tin tức » Tin tức - Sự kiện

Chung kết Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài” năm 2023

Thứ Sáu, 01/12/2023 | 14:00

Số lượt xem: 1035

NXBGDVN - Ngày 1/12, tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Chung kết Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam” năm 2023. Vòng chung kết toàn quốc có sự tham gia của 12 đội thi xuất sắc nhất đến từ 12 cơ sở đào tạo đại diện cho 63 cơ sở đào tạo tiếng Việt trên khắp cả nước.

Tới dự vòng Chung kết Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam” năm 2023 có Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ông Phan Anh Sơn - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Ono Masuo, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM và đại diện Tổng lãnh sự quán Lào, Tổng lãnh sự quán Campuchia tại TP. Hồ Chí Minh; Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GDĐT) Phạm Quang Hưng; ông Lê Huy - Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo một số trường đại học.

Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam” năm 2023 với chủ đề “Việt Nam trong tôi" được tổ chức với mục đích tạo điều kiện cho lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam được giao lưu, thi đua học tập, tạo động lực cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt, đồng thời góp phần quảng bá giáo dục, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) hân hạnh là nhà tài trợ giải thưởng và đồng hành cùng Ban tổ chức xuyên suốt cuộc thi này.

Được phát động vào tháng 8/2023, trải qua 3 vòng thi sơ khảo tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam với hơn 600 lưu học sinh đến từ 15 quốc gia đang học tập ở 63 cơ sở đào tạo của Việt Nam đăng ký tham gia. Với chủ đề “Việt Nam trong tôi", tại vòng sơ khảo các thí sinh đã khai thác chủ yếu về đặc trưng văn hóa Việt Nam, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn, tình đoàn kết hữu nghị và có góc nhìn rất thú vị về những trải nghiệm lần đầu tại Việt Nam. Các bài dự thi đã sử dụng vốn từ phong phú, cách diễn đạt hợp lý và cuốn hút, mang lại nhiều cảm xúc, tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng người xem.

Vòng chung kết toàn quốc có 12 đội tham gia thi đấu là lưu học sinh đến từ các nước như: Australia, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Nhật Bản, Pháp... đến từ các trường đại học trong cả nước đã xuất sắc giành được thứ hạng cao ở vòng sơ khảo diễn ra vào tháng 11 vừa qua.

 

 

Ông Lê Huy - Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (thứ tư từ trái qua) và ông Ono Masuo - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM trao giải Ba cho các đội thi đến từ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh).

Với 12 phần thi đặc sắc ở vòng Chung kết, Ban Giám khảo đã lựa chọn, trao giải Nhất cho đội thi đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). 2 giải Nhì thuộc về Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Cửu Long; 3 đội thi đạt giải ba gồm: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh).

6 giải Khuyến khích được trao cho Trường Đại học Y khoa Vinh, Trường Hữu Nghị 80, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Kiên Giang và Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng 22.000 lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại hơn 160 cơ sở đào tạo Việt Nam. Trong 5 năm gần đây (2016-2022), Việt Nam tiếp nhận, đào tạo hơn 45.000 lưu học sinh nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung bình, hằng năm có từ 4.000 đến trên 6.000 lưu học sinh được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục của Việt Nam. Cùng với xu hướng đào tạo của các nước trên thế giới, lấy nền tảng ngôn ngữ là chìa khóa mở cánh cửa đầu tiên trong hành trình học tập đầy hứa hẹn nhưng cũng nhiều thử thách, Bộ GDĐT Việt Nam luôn xác định yếu tố then chốt quyết định chất lượng giảng dạy, học tập của lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam là trình độ tiếng Việt. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực tiếng Việt luôn được xem là một nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong quá trình đào tạo tại tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.

Một số hình ảnh trong cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam” năm 2023:

Ông Nguyễn Chí Bính - Phó Tổng Giám đốc NXBGDVN (áo trắng giữa) và ông Nguyễn Hải Thanh - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GDĐT trao giải tại vòng sơ khảo khu vực Miền Bắc.

Ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng Biên tập NXBGDVN (áo trắng bên phải) và ông Nguyễn Hải Thanh (ngoài cùng bên trái) - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GDĐT trao giải tại vòng sơ khảo khu vực Miền Bắc.

Ông Đỗ Thành Lâm (ngoài cùng bên trái) - Giám đốc NXBGD tại TP. Hồ Chí Minh trao giải tại vòng sơ khảo khu vực Miền Nam.

Hiền Thương

Cùng chuyên mục

Khi nhà giáo là nhà thơ

Thứ Ba, 19/11/2024 | 15:16

Xuất phát từ tình yêu nghề, yêu trẻ thơ, nhiều nhà giáo đã sáng tác được nhiều  bài thơ hay và được lựa chọn vào sách giáo khoa.

Kỉ niệm 45 năm thành lập Nhà xuất bản Giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, 15/11/2024 | 14:06

Ngày 15/11/2024, NXB Giáo dục tại TP.HCM đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm thành lập

GS.NGND Đoàn Quỳnh - Nhà sư phạm, nhân cách lớn

Thứ Tư, 13/11/2024 | 08:52

GS.NGND Đoàn Quỳnh - một nhà trí thức uyên bác, tài hoa, am hiểu nhiều lĩnh vực toán học và giáo dục toán học đã qua đời vào hồi 14h25 ngày 12/11.