Tin tức » Tin tức - Sự kiện
Chung tay đẩy lùi vấn nạn sách giả
Thứ Bảy, 29/03/2025 | 08:54
Số lượt xem: 37Trong bối cảnh ngành giáo dục Việt Nam đang từng bước đẩy mạnh cải cách toàn diện nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, tình trạng đạo nhái sách giáo khoa và học liệu đã trở thành một thách thức nghiêm trọng, gây hệ lụy sâu xa cả về mặt học thuật và đạo đức xã hội…
Triển lãm Trưng bày phân biệt SGK thật - SGK giả do NXBGDVN phối hợp với Cục QLTT tổ chức
Việc xuất hiện tràn lan các ấn phẩm giả mạo, sách in lậu, học liệu vi phạm bản quyền hoặc xuyên tạc nội dung không chỉ làm tổn hại đến tính minh bạch và uy tín của hệ thống giáo dục quốc gia, mà còn trực tiếp đe dọa đến chất lượng học tập và sự phát triển tư duy của học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Trong một hệ sinh thái hướng đến đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế, những hành vi vi phạm bản quyền, sao chép tùy tiện chính là rào cản đối với nỗ lực hình thành một nền giáo dục lấy chất lượng làm cốt lõi và trung thực làm nền tảng.
Đã đến lúc, toàn xã hội cần hành động quyết liệt hơn nữa để chấn chỉnh thực trạng này, đảm bảo môi trường giáo dục trong sạch, công bằng và bền vững.
Cần mạnh tay đối với các đối tượng vi phạm
Trao đổi với Văn Hóa, Luật sư Lê Thu Hằng, Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú cho rằng: Sách lậu, sách giả đang trở thành vấn nạn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của nhà nước. T
heo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi buôn lậu, sản xuất và kinh doanh sách giả, sách lậu có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Trước thực trạng sách giả, sách lậu và vi phạm bản quyền ngày càng gia tăng, hệ thống pháp luật Việt Nam đã thiết lập nhiều chế tài nghiêm khắc nhằm bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan và môi trường học thuật lành mạnh.
Theo Nghị định 131/2013/NĐ- CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/ NĐ-CP), mức xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn lậu, kinh doanh sách giả có thể lên đến 500 triệu đồng đối với tổ chức và 250 triệu đồng đối với cá nhân.
Ngoài ra, các hình phạt bổ sung có thể bao gồm tịch thu toàn bộ số sách vi phạm, đình chỉ hoạt động kinh doanh hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Bên cạnh chế tài hành chính, hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Mức phạt tù dao động từ 6 tháng đến 3 năm; trong trường hợp hành vi có tính chất nghiêm trọng hoặc gây thiệt hại lớn, hình phạt có thể lên đến 8 năm tù giam.
Ngoài ra, cá nhân và tổ chức vi phạm còn có thể bị buộc bồi thường thiệt hại dân sự cho các tác giả, nhà xuất bản hoặc chủ thể quyền bị ảnh hưởng, theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Luật sư Lê Thu Hằng nhận định, hiện nay, các đối tượng buôn lậu sách giả thường sử dụng những phương thức tinh vi để trốn tránh sự giám sát của cơ quan chức năng.
Họ dùng địa chỉ ảo, tài khoản ẩn danh, thay đổi địa điểm liên tục, khiến cho việc phát hiện và xử lý trở nên khó khăn. Khi bị bắt giữ, các đối tượng có thể chỉ bị xử lý ở mức phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe.
Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng, nhà xuất bản và các nền tảng thương mại điện tử còn chưa hiệu quả. Các biện pháp kiểm soát, giám sát và xử lý vi phạm chưa được thực hiện đồng bộ, dẫn đến tình trạng sách giả vẫn có thể lọt lưới và công khai “tung hoành” trên mọi mặt trận…
Để nâng cao sức răn đe và từng bước ngăn chặn triệt để tình trạng buôn lậu, sản xuất và kinh doanh sách giả, cần thiết phải xem xét tăng mức phạt hành chính và hình sự, đặc biệt với các trường hợp tái phạm hoặc vi phạm có quy mô lớn.
Mức xử phạt cần đủ sức làm giảm động cơ trục lợi, khiến hoạt động in lậu, buôn bán sách giả trở nên không còn hấp dẫn về mặt kinh tế. Đồng thời, việc thực thi nghiêm minh các quy định pháp luật hiện hành, xử lý dứt khoát các hành vi vi phạm sẽ tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Đặc biệt, đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, cần truy tố hình sự và áp dụng hình phạt nghiêm khắc để gửi đi thông điệp rõ ràng về quyết tâm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tác giả và nhà xuất bản - những chủ thể đang nỗ lực gìn giữ không gian tri thức lành mạnh.
Về mặt thể chế, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt trong bối cảnh “bùng nổ” thương mại điện tử và logistics số. Điều này không chỉ giúp quản lý tốt hơn các giao dịch học liệu trên môi trường mạng mà còn tăng cường khả năng phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại ẩn danh.
Cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý xuất bản, cơ quan bảo vệ pháp luật và hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo nên một mạng lưới giám sát và phản ứng pháp lý đồng bộ, hiệu quả.
Mặc dù hành lang pháp lý về bản quyền đã được thiết lập tương đối đầy đủ, vẫn cần tiếp tục rà soát, cập nhật các quy định còn giới hạn để đảm bảo tác giả và nhà xuất bản có đủ công cụ pháp lý bảo vệ quyền lợi chính đáng trong kỷ nguyên số.
Triển lãm Trưng bày phân biệt SGK thật - SGK giả do NXBGDVN phối hợp với Cục QLTT tổ chức
Chung tay đẩy lùi vấn nạn sách lậu
Thị trường hiện vẫn tồn tại một bộ phận khách hàng muốn mua sách với giá thành rẻ do họ chưa có ý thức về bảo vệ bản quyền, cũng chưa hiểu rằng sử dụng sách lậu, sách giả là tiếp tay cho việc vi phạm pháp luật.
Hành vi phát hành SGK giả, kém chất lượng trên các sàn thương mại điện tử cũng phản ánh việc thực thi các quy định về bản quyền và chống sách in lậu còn chưa đủ mạnh, thiếu nhân lực và công nghệ để kiểm soát. Do đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng những kẽ hở trong luật pháp để in và phát hành sách lậu.
Để ngăn chặn vấn nạn này, NXBGDVN đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp. Trước hết, đó là việc duy trì yêu cầu chuẩn mực cao và tính chính xác đối với chất lượng nội dung và hình thức, mẫu mã sách của NXBGDVN; thực hiện áp dụng công nghệ mới như: Mã vạch, QR code, tem chống giả đặc thù, tem công nghệ mới dán trên xuất bản phẩm để có quyền truy cập vào tài nguyên, dữ liệu online, ứng dụng nhận diện sách thật, sách giả...
NXB cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật, chính quyền địa phương... để phát hiện, xử lý các hành vi in và phát hành sách giả.
Đồng thời, tăng cường các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc mua và sử dụng sách giả. Chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức bạn đọc về tác hại của sách giả, sách lậu thông qua tổ chức trưng bày nhận diện ấn phẩm chính thống; thường xuyên cử cán bộ tham gia hội nghị tập huấn nghiệp vụ phòng chống in lậu, các cuộc hội thảo về chống sách lậu, sách giả.
Tăng cường ý thức bảo vệ bản quyền của cả người làm sách, người đọc sách và nhận thức của các cấp, các ngành trong bảo vệ bản quyền sách.
NXBGDVN đã đưa ra khuyến cáo đối với đội ngũ giáo viên, phụ huynh và học sinh: Hãy mua sách tại hệ thống phân phối chính thức của NXBGDVN, các công ty Sách - thiết bị trường học địa phương, không mua sản phẩm trôi nổi trên thị trường; kiểm tra kỹ trước khi mua về chất lượng in, đối chiếu giá với giá niêm yết. Đồng thời, phản ánh ngay khi phát hiện sách giả bằng cách báo cáo với NXBGDVN, sàn thương mại điện tử, cơ quan chức năng...
Để ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi nạn in lậu, phát hành sách giả, cần triển khai những giải pháp mạnh mẽ, triệt để và mang tính hệ thống. Trọng tâm là việc tăng cường áp dụng các chế tài nghiêm khắc đối với hành vi sản xuất, phân phối và tiêu thụ sách lậu - không chỉ xử phạt hành chính mà còn kiên quyết truy cứu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp nghiêm trọng.
Tuy nhiên, pháp luật và chế tài thôi là chưa đủ. Cuộc chiến chống sách giả, sách lậu rất cần sự vào cuộc chủ động, thường xuyên của các cơ quan truyền thông, báo chí.
Việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về hậu quả của việc sử dụng sách giả sẽ góp phần cắt đứt chuỗi cung ứng tiêu thụ, từ đó làm giảm động lực sản xuất bất hợp pháp.
Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà xuất bản và các đơn vị truyền thông, công tác chống sách lậu mới có thể chuyển biến thực chất.
Truyền thông không chỉ là công cụ phản ánh, mà còn là lực lượng tiên phong trong việc xây dựng văn hóa tôn trọng bản quyền và gìn giữ môi trường tri thức minh bạch, công bằng.