Sản phẩm » Giới thiệu sách

ĐẠI CƯƠNG LỊCH SỬ VIỆT NAM

Thứ Hai, 13/11/2023 | 09:21

Số lượt xem: 2563

NXBGDVN – Đất nước Việt Nam đang trong thời kì mở cửa, hội nhập sâu rộng với thế giới. Để hoà nhập nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá truyền thống thì đòi hỏi mỗi người Việt Nam phải có sự hiểu biết đầy đủ hơn, mới mẻ hơn về toàn bộ lịch sử dân tộc theo tinh thần “ôn cố tri tân”, lấy xưa phục vụ nay. Trước yêu cầu chính đáng đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã cho biên soạn Bộ sách Đại cương lịch sử Việt Nam gồm ba tập. Đây là bộ sách viết lịch sử dân tộc Việt Nam theo tinh thần mới trên cơ sở tiếp nhận chọn lọc những thành tựu nghiên cứu mới về lịch sử và văn hoá dân tộc. Ở mỗi giai đoạn, sách đều có các nhận định đánh giá khái quát để độc giả có được cái nhìn tổng thể. Các tác giả đều là những nhà nghiên cứu, giảng dạy lịch sử có uy tín trong và ngoài nước.

 

Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I: Từ thời kì nguyên thuỷ đến năm 1858

Đây là thời kì người Việt cổ xuất hiện cách đây hàng chục vạn năm qua các phát hiện khảo cổ học về răng người cổ ở các hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn), những công cụ thô sơ bằng đá của người nguyên thủy ở núi Đọ, núi Nuông (Thanh Hóa). Trải qua quá trình lao động sản xuất đã hình thành nên các cộng đồng dân cư với nhiều nền văn hoá tiêu biểu như: Hoà Bình, Bắc Sơn (thời đại đồ đá), Đồng Đậu, Gò Mun (thời đại đồ đồng), Sa Huỳnh, Đông Sơn (thời đại đồ sắt)… và kết quả là nhà nước Văn Lang – Âu Lạc ra đời, đánh dấu một bước chuyển biến cơ bản trong lịch sử xã hội Việt Nam - thời đại dựng nước. Và từ đây, dân tộc ta luôn phải đấu tranh chống lại sự xâm lược, đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc. Hơn một nghìn năm Bắc thuộc, nhân dân ta liên tục vùng lên đấu tranh vũ trang giành lại độc lập, sự đấu tranh còn diễn ra liên tục trên mặt trận văn hoá tư tưởng để bảo tồn và phát triển những tinh hoa giá trị của nền văn hoá cổ truyền. Các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Phùng Hưng... thời Bắc thuộc đã tiếp thêm sức mạnh để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh thắng lợi và mở ra thời kì xây dựng và bảo vệ quốc gia, độc lập thống nhất. Và đó cũng là thời kì nhà nước phong kiến dân tộc hình thành, phát triển và suy tàn trong gần 10 thế kỉ từ thời Khúc, Ngô, Đinh -Tiền Lê cho đến Lý, Trần, Hậu Lê.   

Ngay trong những buổi đầu độc lập, đất nước đã phải đương đầu với sự xâm lược của quân Nam Hán nhưng với tinh thần đấu tranh anh dũng, nhân dân ta đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938 khẳng định quyền làm chủ của người Việt trên đất nước mình. Ở các thời kì tiếp theo, bên cạnh phản ánh quá trình kháng chiến đánh bại  quân xâm lược nhà Tống (thời Đinh - Tiền Lê, Lý), quân Mông - Nguyên (thời Trần), quân Minh (thời Lê), sách cũng chú trọng phản ánh quá trình phát triển kinh tế, văn hoá xã hội cũng như các thành tựu đạt được ở các thời kì này. Song song với quá trình phát triển cũng nảy sinh những mâu thuẫn không thể khắc phục dẫn đến giai đoạn khủng hoảng và suy tàn của chế độ phong kiến. Từ thế kỉ XVI, nhà Lê bắt đầu suy sụp, đời sống nhân dân cực khổ dẫn đến sự tranh chấp của các thế lực phong kiến dẫn đến sự phân chia đất nước thành Đàng Trong và Đàng Ngoài. Điều này càng làm cho xã hội bất ổn, các cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn xảy ra liên miên, các phong trào nông dân khởi nghĩa nổ ra khắp nơi khiến đất nước bị suy yếu. Và đó là cơ hội để thực dân Pháp thực hiện việc xâm lược nước ta năm 1858.        

Đại cương lịch sử Việt Nam, tập II : Từ năm 1858 đến năm 1945

Thực dân Pháp đã chọn Đà Nẵng làm mục tiêu đầu tiên để xâm lược nước ta vào năm 1958. Nhân dân ta với truyền thống chống giặc ngoại xâm kiên cường đã tổ chức đánh Pháp ngay từ những ngày đầu chúng xâm lược nhưng các cuộc khởi nghĩa theo ý thức hệ phong kiến, do giai cấp phong kiến lãnh đạo đều thất bại. Các phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản như Đông Du do Phan Bội Châu đề xướng, Duy Tân (Phan Chu Trinh phát động), Khởi nghĩa Yên Bái (Nguyễn Thái Học lãnh đạo)…  tuy cũng gây được tiếng vang nhưng đều không thành công. Đất nước vẫn chìm trong đêm tối.

Trong bối cảnh ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xuất hiện đem lại con đường giải phóng dân tộc. Trong quá trình hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra được bản chất của chế độ thực dân và đã tìm ra được con đường giải phóng dân tộc dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên nhằm tập hợp và xây dựng lực lượng để đánh thực dân Pháp, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê nin... Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đóng vai trò tích cực chuẩn bị tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập một đảng cộng sản chân chính ở Việt Nam.

Sự ra đời của Đảng là khâu chuẩn bị quan trọng đầu tiên cho một thời kì vùng dậy oanh liệt nhất và là bước nhảy vọt vĩ đại nhất của lịch sử dân tộc. Giai đoạn 1939-1945, sự trỗi dậy của các thế lực phát xít quốc tế đã gây nên chiến tranh thế giới thứ 2. Trước sức ép của quân Nhật, thực dân Pháp phải chấp nhận các yêu sách của Nhật và cùng dựa và Nhật để đàn áp cách mạng Đông Dương. Nhân dân ta phải chịu sự áp bức cùng lúc của Pháp và Nhật. Trước tình hình đó, tháng 1- 1941, Nguyễn Ái Quốc quyết định trở về nước để lãnh đạo phong trào cách mạng. Đảng thành lập Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp rộng rãi tất cả các lực lượng yêu nước chống Pháp - Nhật. Sau khi Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương và thi hành các chính sách đàn áp tàn bạo, tinh thần kháng Nhật của nhân dân ta lên cao, phong trào phá kho thóc cứu đói vừa có ý nghĩa đời sống mà còn là tập dượt quần chúng với các hình thức đấu tranh từ chính trị tiến lên đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh với vũ trang. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, Đảng đã phát động nhân dân thực hiện cuộc Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc. Chỉ trong 2 tuần lễ, nhân dân ta đã giành hoàn toàn thắng lợi và ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước tự do, độc lập.

 Đại cương lịch sử Việt Nam, tập III: Từ năm  (1945-2006)

Ngay sau khi giành được chính quyền, đất nước ta lại phải đương đầu tình thế ngàn cân treo sợi tóc”,  20 vạn quân Tưởng ở miền Bắc luôn có ý đồ đánh đổ chính quyền để lập một chính quyền tay sai cho chúng. Ở miền Nam, được quân Anh giúp đỡ, quân Pháp đã quay lại xâm lược nước ta, các lực lượng phản cách mạng trong nước cũng liên kết với nhau chống phá cách mạng quyết liệt. Nền kinh tế đất nước kiệt quệ do chính sách vơ vét bóc lột của Pháp – Nhật. Trước tình cảnh đó, Đảng Cộng sản Đông Dương dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào diệt giặc đói và giặc dốt được đẩy mạnh, hệ thống chính quyền nhân dân và pháp luật được xây dựng, khối đoàn kết dân tộc mở rộng… Thành quả sau một năm kiến quốc đã đưa nước ta vượt qua những tình thế hiểm nghèo. Dù đất nước đang cần hoà bình để kiến thiết đất nước nhưng với dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, để bảo vệ độc lập tự do, toàn dân ta bước vào cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19-12-1946. Trong quá trình kháng chiến, Đảng và Chính phủ không ngừng tăng cường khối đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, văn hoá, giáo dục, quân sự..., đồng thời tranh thủ sự ủng hộ thế giới. Quân đội ta đang đã phát triển chiến tranh du kích thành chiến tranh chính quy và dần chiếm thế chủ động. Và kết quả là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu đã kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết năm 1954, quân Pháp rút lui, nhân dân miền Bắc bắt tay vào công cuộc khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa. Ở miền Nam, đế quốc Mĩ thay thế Pháp bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, ra sức đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Nam  đã kết hợp các hình thức đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao để tạo ra nhiều thắng lợi. Nhân dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược Chiến tranh đặc biệt (1961-1965), Chiến tranh cục bộ (165-1968), Việt Nam hoá chiến tranh (1969-1973) của đế quốc Mĩ, buộc Mĩ phải kí Hiệp định Pari ngày 27-1-1973, tạo đà để quân và dân ta tạo nên chiến thắng lịch sử 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Sau đại thắng mùa xuân 1975, Việt Nam xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã thực hiện việc công cuộc đổi mới tạo đà để đất nước ngày càng phát triển.

Bộ sách  Đại cương lịch sử Việt Nam với khối lượng kiến thức lịch sử chuyên sâu sẽ giúp bạn đọc có được cái nhìn xuyên suốt, đầy đủ, trọn vẹn về lịch sử dân tộc Việt Nam, về con người Việt Nam, về văn hoá Việt Nam. Nhưng không chỉ dừng ở đó, các tác giả còn muốn bạn đọc thông qua bộ sách này hiểu thêm về những nét đẹp của đạo đức, đạo lí làm người Việt Nam; vì chính đó là cái gốc của mọi sự nghiệp lớn hay nhỏ của dân tộc, không phải chỉ ở thời xưa mà cả ở ngày nay và mai sau.

Bạn đọc có nhu cầu mua sách vui lòng liên hệ:

Hot line: 0243.9718437 hoặc 0989124110.

Website: https://hevobooks.com/

Kim Ngọc

Cùng chuyên mục

Kĩ năng phòng cháy và chữa cháy cho học sinh tiểu học

Thứ Năm, 25/04/2024 | 15:51

Hoả hoạn luôn là hiểm họa tiềm ẩn hàng đầu đe dọa sự an toàn của gia đình, nhà trường và xã hội, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ dân cư tập trung đông đúc.

Himalaya - Những cuộc phiêu lưu - Thiền- Cuộc sống

Thứ Sáu, 12/04/2024 | 14:39

Himalaya là dãy núi cao ở châu Á, nơi có đỉnh núi nổi tiếng và cao nhất thế giới là đỉnh Everest - Đỉnh cao kiêu hãnh in dấu chân người.

Văn học trong những tầng sinh quyển văn hoá

Thứ Sáu, 05/04/2024 | 09:47

Văn học trong những tầng sinh quyển văn hoá của PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp là một trong những cuốn sách thuộc mảng sách chất lượng cao của NXBGD VN.

Hướng dẫn nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ tại nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập

Thứ Sáu, 29/03/2024 | 15:47

Làm thế nào để chăm sóc giáo dục toàn diện cho trẻ dưới 3 tuổi luôn là mối quan tâm của giáo viên/người nuôi dưỡng, bởi lứa tuổi này, các em chưa thể bày tỏ rõ những nhu cầu cơ bản của bản thân với những người xung quanh