Tin tức » Tin tức - Sự kiện
Đăng ký mua SGK qua trường, cửa hàng uy tín giúp tránh mua phải sách giả
Thứ Ba, 21/01/2025 | 09:48
Số lượt xem: 29Tình trạng mua phải sách giáo khoa giả, sách in lậu vẫn còn, nguyên nhân chính từ sự tinh vi trong sản xuất và tâm lý chủ quan, ham rẻ của phụ huynh.
Mua phải sách giả do ham rẻ
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Thế Viên - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đại Phạm (Hạ Hòa, Phú Thọ) cho hay, theo kế hoạch tổ chức và phân phối sách giáo khoa hàng năm, việc cung cấp sách cho học sinh tại trường được thực hiện một cách bài bản, thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện.
“Vào cuối mỗi năm học, nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm các lớp phối hợp cùng phụ huynh học sinh, để đăng ký danh mục sách giáo khoa theo chương trình học của năm tiếp theo.
Do nhà trường nằm tại vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên một số học sinh chưa thể mua trọn gói tất cả sách trong bộ sách giáo khoa. Vì vậy, các thầy cô giáo chủ nhiệm sẽ hướng dẫn các em ưu tiên lựa chọn những sách thật sự cần thiết để phục vụ việc học tập, đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả trong việc sử dụng tài liệu học tập.
Sau đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hạ Hòa sẽ phối hợp cùng Công ty cổ phần Sách và Thiết bị Trường học Phú Thọ cung cấp sách tới nhà trường, nhằm đảm bảo giao đến đúng số lượng, chất lượng và thời gian đã cam kết” - vị phó hiệu trưởng thông tin.
Ảnh minh họa: Mạnh Dũng
Cũng theo thầy Nguyễn Thế Viên, việc học sinh đăng ký mua sách giáo khoa thông qua nhà trường sẽ giúp các em tránh được việc mua phải sách giả, sách lậu.
“Việc tổ chức mua sách giáo khoa tại trường mang lại nhiều lợi ích rõ ràng. Thứ nhất, phụ huynh và học sinh sẽ được đảm bảo mua đúng sách chính thống, chất lượng và phù hợp với chương trình học. Thứ hai, giá sách cũng được duy trì ở mức thống nhất, không chênh lệch, giúp các gia đình dễ dàng hơn trong việc dự trù chi phí. Do đó, việc mua sách tại trường không chỉ giúp học sinh có nguồn sách đảm bảo chất lượng mà còn tạo ra sự đồng bộ trong việc sử dụng sách giáo khoa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của học sinh”.
Vị phó hiệu trưởng cũng cho biết, từ trước đến nay, trong trường chưa gặp phải trường hợp nào mua phải sách giả, sách lậu qua phản ánh từ phụ huynh và học sinh.
Thầy Nguyễn Thế Viên (ngoài cùng bên phải) - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đại Phạm (Hạ Hòa, Phú Thọ). Ảnh: website trường.
Trên thực tế, mặc dù được nhà trường hỗ trợ trong việc mua sách nhưng vì nhiều lý do khác nhau, phụ huynh vẫn mua phải các loại sách giả.
Chị Đào Thị Minh Tú - một phụ huynh có con đang học ở một trường trung học cơ sở tại Hà Nội bày tỏ sự thất vọng khi mua phải sách giáo khoa giả tại một cửa hàng nhỏ nằm dọc lề đường.
“Hằng năm, tôi đều đăng ký mua sách cho con qua nhà trường, để đảm bảo con có tài liệu học tập chất lượng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, con trai tôi đề nghị mua thêm một bộ sách giáo khoa để sử dụng thêm tại nhà, tránh việc phải mang theo chiếc cặp sách nặng trĩu với đầy sách mỗi ngày. Tôi thấy đây là một nhu cầu hợp lý, nên quyết định mua thêm cho con.
Trên đường tan làm, tôi đi qua một cửa hàng nhỏ ven đường, thấy có bày bán rất nhiều sách giáo khoa với giá rẻ hơn so với giá niêm yết. Người bán nhiệt tình cam kết: “sách chuẩn, chất lượng như ở nhà sách lớn”. Do đó, vì muốn tiết kiệm chi phí và thời gian, tôi quyết định mua luôn cả bộ sách mà không kiểm tra kỹ.
Tuy nhiên, khi mang sách về, con tôi ngay lập tức nhận ra vấn đề: "Mẹ ơi, sách này kỳ lạ lắm, chữ mờ, giấy mỏng, có cả trang bị nhòe nữa!” Khi so sánh với sách cũ mà con đã dùng ở trường, tôi phát hiện nhiều lỗi rõ ràng như sai sót nội dung và chất lượng in kém.
Lúc này, tôi mới nhận ra mình đã mua phải sách giả. Cảm giác hối hận vì sự vội vàng, tôi xin lỗi con và hứa sáng hôm sau sẽ đến nhà sách uy tín mua lại bộ sách mới.
Qua sự việc này, tôi cũng rút ra bài học rằng, việc ham rẻ đôi khi phải trả giá đắt hơn, không chỉ bằng tiền bạc mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập của con trẻ”.
Cần tích cực tuyên truyền đối với sách giả, sách lậu tới phụ huynh và học sinh
Cùng chia sẻ về vấn đề này, cô Đỗ Thị Bích Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đại An (Thanh Ba, Phú Thọ) cho biết, do trường nằm tại khu vực còn khó khăn nên học sinh đều được nhà trường hỗ trợ mua sách hoặc các em chủ động xin và sử dụng lại sách của học sinh khóa trước. Vì vậy, nhà trường chưa từng ghi nhận trường hợp phản ảnh về sách giả, sách lậu.
Theo cô Hồng, mặc dù sách của các nhà xuất bản hay các công ty sách hiện nay đều có tem chống hàng giả, nhưng những loại tem này vẫn có thể bị làm giả. Cùng với đó, phụ huynh thường có tâm lý ham rẻ, không kiểm tra kỹ sách dẫn tới khó tránh khỏi việc mua phải sách giả, sách lậu.
Cô Đỗ Thị Bích Hồng (ngoài cùng bên trái) - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đại An (Thanh Ba, Phú Thọ). Ảnh: website trường.
Cô Hồng cho biết, tại Trường Trung học cơ sở Đại An, công tác tuyên truyền về sách giáo khoa luôn được nhà trường đặc biệt chú trọng nhằm đảm bảo học sinh và phụ huynh có đầy đủ thông tin về các loại sách cần thiết cũng như nguồn gốc, chất lượng của sách.
Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi họp đầu năm với sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh, để phổ biến danh mục sách giáo khoa theo đúng chương trình quy định, đồng thời, khuyến nghị các kênh mua sách uy tín. Những buổi họp này không chỉ là cơ hội để nhà trường giải đáp các thắc mắc, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng sách giáo khoa chính thống, tránh tình trạng mua nhầm sách giả, sách lậu ảnh hưởng đến quá trình học tập.
Bên cạnh đó, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đại An cũng nhấn mạnh vai trò của mỗi trường học trong việc thực hiện công tác thu hồi và rà soát kỹ lưỡng đối với các loại sách giáo khoa được sử dụng: “Trường học cần kiểm tra thường xuyên để phát hiện và loại bỏ những cuốn sách không đạt tiêu chuẩn, in sai nội dung hoặc không phù hợp với chương trình học. Đây là một phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, bởi sách giáo khoa là tài liệu cơ bản hỗ trợ học sinh trong suốt quá trình tiếp thu kiến thức”.
Đồng tình với quan điểm trên, thầy Nguyễn Thế Viên cũng cho biết: “Ngoài việc lên kế hoạch xử lý nếu như sách giáo khoa giả vào trong nhà trường, hiện nhà trường cũng triển khai một số công tác tuyên truyền đối với sách giáo khoa. Trong đó, ngoài việc tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh để cung cấp thông tin và hướng dẫn cần thiết về sách giáo khoa, nhà trường cũng thường xuyên thông báo đến giáo viên chủ nhiệm, nhằm hỗ trợ trong việc truyền đạt thông tin và tư vấn cho học sinh trong quá trình học tập.
Điều này nhằm đảm bảo rằng cả phụ huynh và học sinh đều nắm rõ được danh mục sách cần thiết, cách nhận biết sách chất lượng, cũng như lưu ý về nguồn gốc sách giáo khoa”.
Ngoài ra, thầy Viên cũng có một số đề xuất, kiến nghị nhằm khắc phục tình trạng sách giáo khoa giả, sách in lậu len lỏi vào môi trường học đường: “Các trường học cần tiếp tục tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh trong việc chọn lựa sách giáo khoa phù hợp, không chỉ dừng lại ở việc cung cấp danh mục sách cần thiết, mà còn phải hướng dẫn để học sinh và phụ huynh nắm rõ thông tin về nguồn gốc, chất lượng, cũng như những lưu ý quan trọng khi mua sách.
Cùng với đó, để đảm bảo sự đồng bộ và nhất quán trên quy mô lớn, vai trò của các cơ quan chức năng và các cấp có thẩm quyền là vô cùng quan trọng. Các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý cần có các chính sách chặt chẽ hơn về việc phân phối sách giáo khoa cũng như các biện pháp kiểm tra, giám sát thường xuyên để ngăn chặn tình trạng sách giả, sách lậu tràn lan trên thị trường.
Điều này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của học sinh và phụ huynh, mà còn hỗ trợ các đơn vị phát hành sách giáo khoa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”.