Tin tức » Tin tức - Sự kiện
Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông : Độc quyền hay không không phải chuyện lớn
Thứ Ba, 28/06/2011 | 10:07
Số lượt xem: 2302Xóa bỏ độc quyền, có nghĩa là phải cạnh tranh. Vì sao NXB Giáo dục lại chọn con đường không bằng phẳng ấy, phải chăng vì đã đến lúc phải chấp nhận hay vì "biết mình biết người, trăm trận trăm thắng", thưa ông ?
Dù là độc quyền hay cạnh tranh thì mục tiêu cao nhất phải là học sinh được học những cuốn SGK có chất lượng tốt nhất. NXBGD đã nhiều lần đề nghị cấp trên cho nhiều NXB tham gia tổ chức biên soạn SGK cũng là vì mục tiêu ấy. Khi có cạnh tranh, nếu chất lượng tăng lên thì mục tiêu đạt được. Độc quyền cũng như thế. Trong một giai đoạn lịch sử nhất định, khi các điều kiện cạnh tranh chưa chín muồi, các cấp quản lý phải lựa chọn phương án độc quyền. Không chỉ với SGK, nhiều loại hàng hóa khác cũng thế thôi. Song, với loại hàng hóa đặc biệt này thì cần phải có sự cẩn trọng hơn rất nhiều.
Nếu nhiều NXB cùng tổ chức biên soạn SGK trên cùng một chương trình, người làm sách phải cạnh tranh để nâng cao chất lượng, giáo viên và học sinh có nhiều lựa chọn. Với bề dày kinh nghiệm nhiều năm làm SGK, chúng tôi tin rằng NXBGD có nhiều thuận lợi trong cuộc cạnh tranh ấy nhưng không phải vì thế mà chấp nhận xóa bỏ độc quyền. Độc quyền là một hiện tượng lịch sử, nếu có một sự phân công khác, một cơ chế khác phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp giáo dục thì hơn ai hết chúng tôi phải ủng hộ và đã sẵn sàng cho sự thay đổi đó.
Tuy nhiên, xóa độc quyền cũng sẽ đặt ra nhiều vấn đề về quản lý nhà nước. Làm sao để loại trừ được những tiêu cực chi phối việc lựa chọn SGK của người sử dụng sách là mối lo lớn nhất. Nếu không làm được điều đó thì mục tiêu ban đầu và cao nhất là giáo viên, học sinh được dùng những cuốn SGK tốt nhất sẽ không đạt được và gây sự lộn xộn, lãng phí lớn trong xã hội. Đó là chưa kể đến chuyện quản lý giá cả, thẩm định chất lượng...
Có lẽ, nhiều người không biết rằng, xuất bản SGK là nhiệm vụ chính trị, không phải là ngành kinh doanh "một vốn bốn lời” dẫu "đầu ra” có sẵn “khách hàng” với số lượng lớn. Và vì thế, họ mới muốn xóa độc quyền ?
Tôi không cho rằng, những tổ chức, cá nhân ủng hộ việc xóa độc quyền là vì chuyện kinh tế. Nhiều năm nay NXB GD đều phải bù lỗ cho SGK, bởi trên thực tế, khi giá SGK được khống chế, chi phí đầu vào luôn biến động tăng thì mong tìm kiếm lợi nhuận từ làm SGK là điều không dễ dàng. Vả lại, các cấp quản lý khi quyết định giữ hay xóa bỏ độc quyền thì đều vì mục tiêu chung và lớn hơn như tôi đã nói ở trên, chứ không phải vì lợi nhuận kinh doanh của một NXB nào.
Không có lãi là tính trên chi phí đầu vào và giá bán. Nhưng còn kinh phí đổi mới chương trình và SGK thì sao ? Hẳn đây cũng là một khoản rất lớn mà không phải NXB nào cũng có được từ ngân sách ?
Lớn là bao nhiêu ? Ví như đề án "Đổi mới chương trình và SGK" với dự toán 70 nghìn tỷ đang được xây dựng thì chỉ có 1/73 số đó dành cho biên soạn chương trình và SGK. Xây dựng chương trình không phải là nhiệm vụ của NXBGD và đây lại là khâu quan trọng nhất. Biên soạn SGK cũng bao gồm rất nhiều hoạt động như tổ chức biên soạn, biên tập, in ấn, thẩm định, tổ chức dạy thí điểm, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của toàn xã hội đối với SGK thí điểm, in thử và in đại trà... Phần việc của NXBGD trong quy trình này cũng không nhiều, đồng nghĩa là phần ngân sách nhà nước nếu có cũng không phải là lớn, nhưng lại là đơn vị đảm nhiệm khâu cuối cùng nên hay bị "tai tiếng". Lẽ ra, với 65 nghìn tỷ dành cho xây dựng cơ sở vật chất, chỉ có 962 tỷ dành cho xây dựng chương trình và biên soạn SGK thì đề án không nên mang tên "Đổi mới chương trình, SGK" khiến người đọc hiểu lầm. Mặc dù, để triển khai được chương trình và SGK mới thì phải có cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên tương ứng.
Vất vả, tai tiếng, không lợi nhuận - thế thì trong tương lai, khi phải đổi mới chương trình và SGK, NXBGD có tham gia và nếu có thì với cương vị gì, thưa ông?
Làm SGK là nhiệm vụ chính trị cho nên đã đổi mới chương trình, nghĩa là sẽ phải có SGK mới thì đương nhiên NXB phải tham gia với vai trò chủ lực. Ở những nước còn tồn tại NXB Giáo dục thì bao giờ đơn vị này cũng phải đảm đương nhiệm vụ đó. Nếu có thay đổi gì trong việc phân công nhiệm vụ, cơ chế biên soạn SGK với sự tham gia của nhiều đơn vị xuất bản thì tôi cho rằng chúng tôi vẫn phải giữ vai trò đó và NXBGD đã sẵn sàng với những đổi mới này.
Nếu lại làm những khâu cuối trong lần đổi mới này, ông có nhắn nhủ gì với những "khâu đầu" không ?
Trước hết, cần phải xác định rõ hệ thống giáo dục phổ thông gồm những gì, tránh tình trạng như lần thay sách vừa qua, ban đầu là soạn theo 2 phân ban Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, sau lại chuyển thành sự phân biệt giữa chuẩn và nâng cao. Tiếp đến, cần xây dựng chương trình kèm chuẩn của chương trình và sau đấy mới tổ chức biên soạn, khắc phục những nhược điểm do cách làm ngược trong đợt làm sách vừa qua: chỉ có chương trình khung đã viết sách, sau đó dựa trên sách để xây dựng chương trình hoàn thiện và chuẩn chương trình. Thứ ba, lộ trình làm SGK cũng cần phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, làm kiểu cuốn chiếu như vừa rồi hay triển khai đồng thời trên cả 3 cấp vì mỗi cách làm có ưu, nhược điểm riêng.
Tôi nghĩ rằng, đổi mới chương trình và SGK là việc cần thiết nhưng rất hệ trọng. Chúng ta cần chuẩn bị kỹ lưỡng mọi điều kiện rồi hãy triển khai, không nên vì một cái mốc nào đó cần phải phấn đấu mà vội. Khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyện xóa bỏ độc quyền sẽ trở thành việc không lớn nữa bởi nó chỉ là phương cách để SGK được biên soạn và phát hành trên cơ sở pháp lệnh là chương trình và chuẩn chương trình mà thôi.
Xin cám ơn ông.