Tin tức » Tin tức - Sự kiện
Điểm sáng về công tác thư viện và văn hóa đọc tại Trường THCS Nguyễn Cao Cảnh -Chợ Mới - An Giang
Thứ Hai, 30/05/2022 | 09:00
Số lượt xem: 5956Rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh (HS), giúp các em nâng cao sự hiểu biết và phát triển kĩ năng sống là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Trường THCS Nguyễn Cao Cảnh – Chợ Mới – An Giang chú trọng trong những năm qua. Qua đó, vừa phát huy tối đa vai trò của thư viện trường học, vừa phát triển văn hóa đọc trong học đường.
Thầy giáo Huỳnh Văn Màu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Cao Cảnh chia sẻ: Sách đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Qua sách, người đọc được cung cấp những thông tin cần thiết, hữu ích, rèn luyện tính kiên nhẫn, khả năng ngôn ngữ, giao tiếp, trí tưởng tượng... Đây là những yếu tố rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của HS. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc cho HS được Trường quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, dưới nhiều hình thức:
* Đầu tư, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị cho thư viện: Nhận thức được tầm quan trọng của cơ sở vật chất đối với hoạt động thư viện, nhà trường luôn dành cho thư viện một khoản kinh phí hợp lí hàng năm để bổ sung, nâng cấp trang thiết bị cần thiết. Diện tích thư viện 250m2 bao gồm: Phòng đọc sách giáo viên 40m2; Phòng đọc sách cộng đồng 50m2; Phòng kho kín 20m2; Phòng đọc sách học sinh 140m2.
* Thư viện cũng được chia thành nhiều góc hoạt động như: Góc giải trí: Nơi đây được trang bị bàn và các loại cờ vua, cờ ca rô, cờ tướng… cho nhóm các em cùng nhau giải trí.
Góc viết – vẽ: Học sinh có thể vẽ lại nhân vật, hình ảnh mình thích trong quyển sách vừa đọc và trưng bày trên tấm bảng cho các bạn cùng thưởng thức.
Góc văn hóa địa phương: Là không gian trưng bày các sản phẩm văn hóa đặc trưng của các địa phương trên địa bàn huyện, nhằm giáo dục, giới thiệu cho các em những làng nghề hay di tích văn hóa lịch sử của huyện nhà.
Góc tra cứu: gồm các loại từ điển, tài liệu tham khảo được tập hợp thành mục lục đóng tập trưng bày trên tủ… Nếu bạn đọc có điện thoại thông minh có thể quét mã QR, không mất nhiều thời gian để truy cập vào đúng trang sách cần tìm. Với hình thức này, bạn đọc có thể tra cứu tại nhà, chọn tên cuốn sách cần tìm và ghi lại số đăng kí cá biệt là có thể mượn được sách một cách nhanh chóng. Đặc biệt ngay trên sân trường, trong lớp học, nhà trường đều trang bị tủ sách thư viện, thay đổi nội dung chuyên đề, chủ điểm từng tháng rất phong phú, đa dạng.
* Trang bị máy quét mã vạch: Bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin, mỗi khi vào thư viện các em chỉ cần dùng thẻ tra vào máy quét và đến đọc sách hay mượn sách rất dễ dàng. Khi đọc xong không cần đến thư viện làm thủ tục trả mà các em có thể để vào tủ “Hãy cho tôi xin sách” bất kì trên hàng lang lớp học hay hàng lang thư viện. Đội ngũ trực thư viện sẽ dùng máy quét tra vào mã được dán trên gáy sách, phần mềm sẽ cập nhật thông tin mượn trả cho các em. Vì vậy, công tác mượn - trả cũng là điểm thu hút các em học sinh.
Ngoài ra, thư viện nhà trường được trang bị phần mềm quản lí thư viện, nâng cấp trang OPAC, bạn đọc có thể tìm kiếm dễ dàng thông tin, tài liệu trong thư viện qua trang OPAC, mạng xã hội facebook, youtube của thư viện. Thư viện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện Mục lục album được in trên giấy. Tại mỗi bìa đều có chứa mã QR để truy cập nội dung trực tuyến với âm thanh sống động, hiệu ứng quyển sách lật từng trang, tạo sự tò mò, thích thú, thu hút học sinh và rất thuận tiện trong việc mượn - trả, thống kê bạn đọc.
Thầy giáo Nguyễn Văn Phú - Phó hiệu trưởng, Tổ trưởng tổ công tác thư viện nhận định: “Muốn đổi mới phương pháp dạy học cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó xây dựng thư viện, cải tiến hoạt động của thư viện là biện pháp quan trọng”. Để hoạt động nhà trường đi vào chiều sâu, trong cuộc họp tổng kết hoạt động của tổ công tác thư viện cuối năm 2021, Hiệu trưởng Nhà trường đã chỉ đạo tổ chuyên môn và bộ phận thư viện nhà trường định hướng các hoạt động trong năm học tiếp theo, đảm bảo mới lạ, với tiêu chí đa dạng hình thức, phong phú về nội dung, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, thu hút học sinh đến thư viện. Ngay đầu năm 2022, lãnh đạo nhà trường đã lồng ghép tất cả nội dung sinh hoạt của tổ chuyên môn và thư viện vào kế hoạch hoạt động giáo dục, hoạt động chuyên môn chung trong nhà trường. Tất cả thành viên nhà trường căn cứ vào kế hoạch chung, triển khai xây dựng kế hoạch, chương trình công tác năm của từng bộ phận trong từng tháng cụ thể. Vì vậy, mọi hoạt động của các bộ phận trong nhà trường luôn luôn mang tính nhất quán, đồng bộ.
Trong năm học 2021 - 2022, do tình hình dịch covid diễn biến phức tạp, mọi hoạt động nhà trường đều tạm dừng, nhưng thư viện đã chủ động tham mưu lãnh đạo Nhà trường tổ chức các hoạt động trực tuyến đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế tại đơn vị. Điển hình, thư viện đã phối hợp tổ chức 3 hoạt động trực tuyến: phối hợp cùng tổ bộ môn Sử tổ chức hoạt động “Tiểu sử anh hùng nhỏ tuổi”; tổ Địa lí với “Trái đất của chúng em” và tổ chức cho các em tham gia đố vui chủ đề ‘Làm quen thư viện”.
Tháng hai vừa qua, ngay khi học sinh khối 6 vừa học tập trung, thư viện đã phối hợp tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Giới thiệu học sinh đầu cấp làm quen thư viện” để các em trang bị cho mình kiến thức về thư viện, cách tìm sách, tra cứu thông tin, phương pháp đọc sách và những quy định khi đến thư viện.
Bên cạnh những hoạt động phối hợp cùng các bộ phận trong nhà trường, thư viện trường cũng đã phối hợp cùng xã Đoàn để tổ chức hoạt động “Hè vui đọc sách” cho học sinh từ cấp Tiểu học đến Trung học cơ sở trên địa bàn xã tham dự. Đây là hoạt động tiêu biểu đầu tiên trong công tác phối hợp giữa thư viện trường và xã Đoàn trên địa bàn huyện Chợ Mới.
Ngoài việc nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường, nhân viên thư viện đã mạnh dạn tham mưu lãnh đạo trường, lãnh đạo địa phương xây dựng thí điểm mô hình “Thư viện thân thiện - phục vụ cộng đồng” để mọi người dân trên địa bàn xã có thể đến học tập, giải trí. Nguồn tài liệu thư viện cộng đồng rất phong phú, bám sát với đối tượng bạn đọc chủ yếu là người dân nông thôn như: kĩ thuật trồng cây ăn quả, chăn nuôi, canh tác, nuôi trồng thủy sản...v.v.
Thầy Lê Phước Thọ, nhân viên thư viện nhà trường cho biết thêm: "Đọc sách không chỉ giúp HS phát triển trí tuệ, hình thành nhân cách mà còn là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm tạo hứng thú cho học sinh mỗi khi đến trường”.
Em Huỳnh Tuấn Tú – HS lớp 8A3 tâm sự: “Em và các bạn rất vui vì được đọc nhiều cuốn sách bổ ích tại thư viện. Ở góc vẽ, chúng em được trải nghiệm bằng những bức tranh do chính tự tay mình vẽ thông qua nội dung các cuốn sách, cảm nhận rồi phác thảo thành hình ảnh các nhân vật. Ở góc trò chơi, chúng em được thể hiện năng khiếu của mình qua tài liệu và thực hành hoạt động cùng các bạn";
Em Nguyễn Minh Yến Nhi – lớp 6A1 rất phấn khởi nói: “Chúng em là học sinh vùng nông thôn, ngoài những buổi học thì chúng em chỉ biết giải trí thông qua chơi game trên chiếc điện thoại thông minh hay xem tivi. Giờ có thư viện trường khang trang, chỗ đọc sách thoáng mát, bố trí đẹp mắt, đến đây ngoài việc đọc sách chúng em còn được chơi cờ vua, tiện thể cùng bạn bè vẽ những bức tranh theo nội dung cô giảng, hay mang những sản phẩm mình thiết kế thông qua môn Mỹ thuật mang lên thư viện trưng bày. Đến mượn - trả sách bằng máy đọc mã vạch, hay trả ở tủ sách lưu động “Cho tôi xin sách” cũng rất thú vị… Chúng em rất thích đến thư viện trường. Nhờ có thư viện đẹp mà chúng em bớt bị ba mẹ la rầy, học cũng tiến bộ hơn” .
Để có được một thư viện đúng chuẩn, đầy sự sáng tạo, là điểm đến học tập, chia sẻ kinh nghiệm của các nhân viên thư viện cũng như lãnh đạo nhà trường như hôm nay, phải kể đến công sức của người nhân viên thầm lặng, tâm huyết, cống hiến hết mình với sự nghiệp thư viện, đó là Thầy Lê Phước Thọ - nhân viên thư viện của trường. Thầy rất tận tâm với công việc, luôn có những đổi mới, sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng hoạt động thư viện; thường xuyên định hướng cho HS lựa chọn sách, phối hợp tốt với giáo viên trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa thiết thực; linh hoạt, sáng tạo, thu hút giáo viên và học sinh tham gia, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.
Thầy từng đoạt giải Ba cuộc thi nhân viên thư viện giỏi cấp Tỉnh, có nhiều sáng tiến cải tiến đạt giải B cấp Phòng.
Tâm huyết với nghề, luôn xem thư viện là nhà, thầy Thọ từ một giáo viên Đại học sư phạm Sử trở thành nhân viên thư viện giỏi, đi đầu trong phong trào xây dựng thư viện trường học nâng chuẩn một cách thuận lợi. Kết quả sau 11 năm công tác, thầy đã mang về cho nhà trường thành tích sau:
- Năm học 2014-2015 thư viện nhà trường được Sở GD&ĐT An Giang công nhận thư viện trường học đạt chuẩn.
- Năm học 2017-2018 thư viện nhà trường được Sở GD&ĐT An Giang công nhận thư viện trường học đạt chuẩn Tiên tiến.
- Năm học 2021-2022 thư viện nhà trường được Sở GD&ĐT An Giang công nhận Thư viện trường học xuất sắc đầu tiên của Tỉnh An Giang.
Với phong trào đọc sách ngày một phát triển, nhân viên thư viện năng nổ, tâm huyết, nhiệt tình trong công tác, Trường THCS Nguyễn Cao Cảnh - huyện Chợ Mới – tỉnh An Giang đã có nhiều thành công trong việc giáo dục đạo đức, rèn luyện kĩ năng sống, góp phần khơi dậy khả năng tư duy, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường./