GIỚI THIỆU SGK MỚI THEO CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018 » BỘ SÁCH CHÂN TRỜI SÁNG TẠO

Giới thiệu bộ SGK: Chân trời sáng tạo

Thứ Ba, 31/12/2019 | 14:59

Số lượt xem: 127500

Bộ SGK với thông điệp Chân trời sáng tạo được biên soạn dựa trên các tiêu chí và quy định của SGK mới: Bám sát định hướng giáo dục phát triển năng lực HS với trọng tâm là chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành và phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực người học; tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn SGK mới theo Thông tư số 33/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 22/12/2017. 

Bộ sách Chân trời sáng tạo hàm ẩn ý nghĩa về sự rộng mở của một thế giới tri thức, sự vô hạn của kiến thức khoa học và công nghệ, sự bao la của thế giới nghệ thuật và hướng đến những giá trị tinh thần tốt đẹp của nhân loại. Bộ sách không chỉ là nơi chuyển tải tri thức mà còn gợi mở, truyền cảm hứng để các em HS tìm tòi, khám phá, sáng tạo và chinh phục… Chân trời sáng tạo giúp các em HS định hướng tư duy; tự khám phá và phát triển mọi tiềm năng của bản thân. 

Bộ sách không chỉ giúp người học dễ dàng vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn cuộc sống; giải quyết một cách linh hoạt, hài hoà các vấn đề giữa cá nhân và cộng đồng; nhận biết các giá trị bản thân và năng lực nghề nghiệp mà còn nuôi dưỡng lòng tự hào, tình yêu tha thiết với quê hương đất nước, mong muốn được góp sức xây dựng non sông này tươi đẹp hơn.

TIẾNG VIỆT 1 (Tác giả: Bùi Mạnh Hùng (Tổng chủ biên), Nguyễn Thị Ly Kha (Chủ biên), Nguyễn Lương Hải Như, Phạm Thị Kim Oanh, Vũ Minh Tâm, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Thành Ngọc Bảo, Phạm Vĩnh Lộc, Nguyễn Thị Xuân Yến).


SGK Tiếng Việt 1 tạo điều kiện để GV tổ chức dạy học và phát triển các kĩ năng ngôn ngữ cho HS trên cùng một ngữ liệu nguồn; tạo điều kiện để GV sử dụng phương pháp dạy học đa giác quan - phương pháp dạy học giúp HS tiếp nhận kiến thức, rèn luyện kĩ năng bằng nhiều kênh khác nhau, như thị giác, thính giác, xúc giác. 

Tiếng Việt 1 liên kết các thể loại văn bản trong trục chủ đề của bài học. Chủ đề chi phối các thể loại bài đọc cũng như định hướng và chi phối các hoạt động rèn luyện và phát triển các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe; gia tăng tỉ lệ các văn bản thông tin; tích hợp dạy đọc, viết, nói và nghe với dạy các môn học khác trong chương trình, như Đạo đức, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Tự nhiên và Xã hội…

Sách thiết kế các bài học theo dạng hoạt động. Theo đó, các bài học đều bắt đầu bằng hoạt động nói và nghe giúp HS khai thác kinh nghiệm ngôn ngữ, vốn sống để rút ra những nội dung liên quan đến bài học, đồng thời cảm nhận được ý nghĩa của việc đọc, viết; từ đó tự giác tham gia vào hoạt động đọc viết và vận dụng các điều đã học ở bài học để nói, nghe, viết (sáng tạo). Ngoài ra, Tiếng Việt 1 cũng thể hiện hoạt động đọc mở rộng theo tiến trình hợp lí nhằm giúp GV có thể tổ chức các hoạt động hướng dẫn HS đọc mở rộng hiệu quả. 

Tiếng Việt 1 xây dựng các chủ đề với những tên gọi gần gũi, thân thuộc với HS, lấy HS làm trung tâm, phát triển và mở rộng dần theo nguyên tắc đồng tâm. Mặt khác, qua các bài học, các nội dung giáo dục về sự chia sẻ, về những nét đẹp của văn hoá, phong tục tập quán phần nhiều được bố trí sắp xếp gần hoặc trùng với các dịp lễ tết, với các hoạt động văn hoá, giáo dục, v.v.. 

Tiếng Việt 1 chú trọng phát huy vai trò của kênh hình. Tiếng Việt 1 SHS được in với giấy chất lượng tốt, nhiều tranh ảnh được đầu tư công phu, nhờ vậy các trang sách có tính thẩm mĩ cao, gây hứng thú với HS. 

Kèm SHS là SGV gồm giới thiệu chung về bộ sách, hướng dẫn dạy học các kiểu bài và các thiết kế (giáo án) hướng dẫn dạy học các bài cụ thể mà SHS đã hiện thực hoá, cụ thể hoá Chương trình. Đồng thời, Tiếng Việt 1 còn gồm vở tập viết (VTV), vở bài tập (VBT) và Sách đọc mở rộng (theo Chương trình GDPT mới) để giúp HS rèn luyện, phát triển các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe.

TOÁN 1 (Tác giả: Trần Nam Dũng (Tổng chủ biên), Khúc Thành Chính (Chủ biên), Đinh Thị Xuân Dung, Nguyễn Kính Đức, Đinh Thị Kim Lan, Huỳnh Thị Kim Trang).

Nội dung sách Toán 1 chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất của HS. Mỗi đơn vị kiến thức đều được hình thành qua việc sử dụng các phẩm chất của HS (theo yêu cầu của Chương trình tổng thể) và năng lực đặc thù môn Toán, gồm: năng lực tư duy và lập luận toán học, năng lực mô hình hoá toán học, năng lực giải quyết vấn đề toán học, năng lực giao tiếp toán học, năng lực sử dụng công cụ -phương tiện toán học. 

Sách tiếp cận người học theo “cách học sinh học toán”, phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân. Mỗi bài học ưu tiên để HS tiếp cận, tìm tòi, khám phá, không áp đặt khiên cưỡng; HS có thể lựa chọn giải pháp phù hợp với sở thích, năng lực để thực hiện nhiệm vụ học tập. 

Các phẩm chất chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm được hình thành qua quá trình “làm toán”, đặc biệt qua việc giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, qua các hoạt động Đất nước em hình thành cho HS phẩm chất yêu nước, nhân ái xuyên suốt quá trình học tập. 

Toán 1 tăng cường kết nối giữa phụ huynh và HS thông qua hoạt động ở nhà, giúp cha mẹ hiểu thêm về con em mình; các hoạt động tham khảo tạo thêm cơ hội giúp HS áp dụng  kiến thức đã học với thực tiễn cuộc sống. 

Toán 1 được tích hợp xoay quanh hai mạch kiến thức: Số và Phép tính, Hình học và đo lường. Mặt khác, thông qua các nội dung được học, kiến thức toán học được khai thác, sử dụng trong các môn học khác. Chẳng hạn, với quan điểm đồng hành cùng Tiếng Việt trong quá trình dạy học, Toán 1 chủ động dạy một số từ và cấu trúc câu thiết yếu cho môn Toán theo cách thức dạy tiếng mẹ đẻ, không đi sâu vào âm, vần. Đối với môn Tự nhiên và xã hội, sách Toán 1 đề cập nhiều tới trái cây Việt Nam, các con vật quen thuộc, cảnh quan chốn thị thành, miền quê, vùng biển đều xuất hiện, bản đồ Việt Nam cũng được HS làm quen một cách tự nhiên ngay từ lớp 1. 
Từ các nội dung bài học của Toán 1, hoạt động về nhà hình thành cho HS nề nếp học tập, sinh hoạt, chuẩn mực đạo đức qua mỗi tiết học. Nhiều hình ảnh trong SGK cổ vũ HS chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh thân thể, vận động và rèn luyện sức khoẻ, cổ vũ HS ca hát, biểu diễn âm nhạc… Các hoạt động thực hành và trải nghiệm có thể được tổ chức trong lớp học, sân trường, câu lạc bộ… Các hoạt động này vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết các vấn đề dưới hình thức một tình huống giả định hoặc thực tế cuộc sống. Qua đó, HS được ôn tập các kiến thức cốt lõi, phát triển các phẩm chất cũng như năng lực đặc thù bộ môn.

ĐẠO ĐỨC 1 (Tác giả: Đinh Phương Duy (Tổng chủ biên), Trần Thanh Bình (Chủ biên), Trần Minh Hường, Lê Phương Trí, Trần Hoàng Tuý)

SGK Đạo đức 1 kế thừa Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành về nguyên tắc xây dựng nội dung giáo dục đạo đức nhưng thay thế các mạch nội dung xoay quanh những mối quan hệ với bản thân, gia đình, cộng đồng, môi trường bằng các phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Với định hướng giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp, kĩ năng cần thiết trong học tập và sinh hoạt, SGK Đạo đức 1 triển khai 8 chủ đề trong chương trình môn Đạo đức  lớp 1 thành 14 bài học; mỗi bài học đều bao gồm các hoạt động: Khởi động, Khám phá, Luyện tập, Thực hành. 

Mỗi hoạt động đều được thể hiện thông qua những câu hỏi nhẹ nhàng, tình huống thiết thực, hình ảnh sinh động, phù hợp với nhận thức và gần gũi với thực tiễn đời sống của HS lớp 1, giúp HS rèn luyện phẩm chất và phát triển năng lực bản thân.
Các bài học trong Đạo đức 1 không truyền thụ, cung cấp kiến thức có sẵn cho HS mà tổ chức, hướng dẫn để HS thông qua các hoạt động phù hợp, vừa sức, tự trải nghiệm, tự phát hiện các đặc điểm, dấu hiệu, biểu hiện, vai trò, giá trị, ý nghĩa… của những chuẩn mực hành vi phù hợp; qua đó hình thành kiến thức, kĩ năng cần lĩnh hội trong bài học.

MĨ THUẬT 1 (Tác giả: Nguyễn Xuân Tiên (Tổng chủ biên), Hoàng Minh Phúc (Chủ biên), Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Nguyễn Hồng Ngọc, Lâm Yến Như).

Trên cơ sở những nội dung dạy học được quy định trong Chương trình môn Mĩ thuật lớp 1, SGK Mĩ thuật 1 triển khai thành 8 chủ đề: Thế giới Mĩ thuật, Ngôi nhà của em, Thiên nhiên và bầu trời, Khu vườn của em, Khéo tay hay làm, Những người bạn, Con vật em yêu, Phong cảnh Việt Nam. Mỗi chủ đề giải quyết một vấn đề về năng lực và những kĩ năng chuyên biệt của mĩ thuật tạo hình, mĩ thuật ứng dụng; cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản theo hướng mở, sinh động, hấp dẫn.

Sách chú trọng phát triển các kĩ năng quan sát và nhận thức, sáng tạo và ứng dụng, phân tích và đánh giá thông qua các nhiệm vụ học tập gắn với thực tiễn đời sống, phù hợp với đặc điểm tâm lí, nhận thức của HS lớp 1.

Mĩ thuật 1 chú trọng việc trải nghiệm, thực hành sáng tạo, ứng dụng từ các yếu tố đơn lẻ đến tổng hợp, tích hợp với các môn học khác.
Sách giúp HS chủ động tìm hiểu, tăng cường kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng trình bày, phản biện và tạo hứng thú trong học tập.

ÂM NHẠC 1 (Tác giả: Hồ Ngọc Khải (Tổng chủ biên kiêm Chủ biên), Nguyễn Đăng Bửu, Trần Ngọc Hưng).

SGK Âm nhạc 1 là sự thể hiện sinh động chủ trương xây dựng một nền giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực HS. Đặc trưng nổi bật của Âm nhạc 1 là tính dân tộc, tính khoa học – hiện đại, tính thẩm mĩ và sự phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi học sinh đối với năm đầu cấp tiểu học.

Âm nhạc 1 khẳng định giáo dục âm nhạc chính là phương tiện hiệu quả để giáo dục lòng yêu nước cho HS thể hiện ở việc dành cả hai chủ đề 7 và 8 cho HS được học những bài hát, bài đồng dao và trò chơi dân gian Việt Nam. Thêm vào đó, các nhạc cụ được sử dụng trong những bài học đầu tiên là trống con, thanh phách tre - những nhạc cụ gõ truyền thống gần gũi với mọi trẻ em từ lớp mẫu giáo. 

Âm nhạc 1 mang tính hiện đại thể hiện qua sự vận dụng định hướng triết lí và phương pháp giáo dục âm nhạc tiên tiến của thế giới, cấu trúc và thiết kế mĩ thuật của sách. Cấu trúc các chủ đề và các nội dung học tập trong từng chủ đề thể hiện tính hệ thống, chặt chẽ và khoa học. Trong đó các chủ đề vừa kết hợp giáo dục phẩm chất, năng lực chung cho HS thông qua nội dung bài hát, việc tổ chức hoạt động học tập âm nhạc vừa lồng ghép, tích hợp với trải nghiệm và khám phá các yếu tố khác biệt bên trong của các phương tiện diễn tả âm nhạc như cao độ, trường độ, cường độ và âm sắc.

Sách được thiết kế phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh lớp 1 về tính thẩm mĩ nghệ thuật. Mỗi chủ đề đều bắt đầu từ những bức tranh đôi mô tả cuộc sống chung quanh các em, những câu chuyện gợi mở sinh động với những nhân vật đẹp như trong cổ tích. Xuyên suốt các chủ đề, những bức tranh với hình ảnh gần gũi tạo các giác cho các em như đang được hòa trộn vào cuộc sống chung quanh đa dạng và sống động. Hơn nữa, sự bố trí hài hoà giữa kênh hình và kênh chữ, sự kết hợp màu sắc nóng và lạnh tạo nên sự hấp dẫn của phối cảnh của từng trang sách hấp dẫn các em đến với những bài học cụ thể. 

Các nhân vật trong sách được xây dựng ổn định, cân đối số lượng giữa học sinh nam và nữ vừa bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, vừa hướng các em đến sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong một tập thể.