GIỚI THIỆU SGK MỚI THEO CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018 » BỘ SÁCH CHÂN TRỜI SÁNG TẠO
Giới thiệu Sách giáo khoa lớp 6 bộ sách Chân trời sáng tạo
Thứ Năm, 18/03/2021 | 10:49
Số lượt xem: 79764NXB Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô, các em học sinh, các bậc phụ huynh sách giáo khoa lớp 6 bộ sách Chân trời sáng tạo.
NGỮ VĂN 6
Tác giả
Tập một
Nguyễn Thị Hồng Nam (Chủ biên), Trần Lê Duy, Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Thành Thi, Nguyễn Thị Ngọc Thúy
Tập hai
Nguyễn Thị Hồng Nam (Chủ biên)
Trần Lê Duy, Dương Thị Hồng Hiếu, Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trần Tiến Thành, Nguyễn Thành Thi, Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Lê Quang Trường
SGK Ngữ văn 6 được biên soạn bởi đội ngũ tác giả là những GV, giảng viên, các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy văn học hiện nay.
Ngữ văn 6 gồm 2 tập được biên soạn thành 10 chủ điểm thú vị, hấp dẫn, phù hợp với tâm lí lứa tuổi của HS lớp 6, đó là Lắng nghe lịch sử nước mình, Miền cổ tích, Vẻ đẹp quê hương, Những trải nghiệm trong đời, Trò chuyện cùng thiên nhiên, Điểm tựa tinh thần, Gia đình yêu thương, Những góc nhìn cuộc sống, Nuôi dưỡng tâm hồn, Mẹ Thiên Nhiên. Các chủ điểm này đảm bảo bám sát yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, sách còn có hai bài học hướng dẫn HS tìm hiểu SGK, phương pháp dạy học và thực hành giải quyết một số tình huống mà các em thường gặp trong cuộc sống.
Ngữ văn 6 được biên soạn trên quan điểm tích hợp. Tích hợp các chủ điểm với thể loại văn bản, tích hợp các hoạt động đọc, viết, nói và nghe trong một chủ điểm, tích hợp đọc với tiếng Việt. Hướng dẫn HS học các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập, thông qua việc hướng dẫn HS phân tích mẫu và các bảng kiểm. Điều này giúp GV dễ dàng hướng dẫn hoạt động học tập của HS đồng thời phát triển khả năng tự học của HS.
Sách được biên soạn trên quan điểm vì người học; tích cực hoá hoạt động học; luôn đặt hoạt động học của HS trong sự tương tác, diễn ra trong một bối cảnh cụ thể. Đó là sự tương tác đa chiều giữa người dạy với người học, giữa người học với người học và giữa người học với môi trường xã hội. Qua đó HS học được kiến thức, kĩ năng (tự chủ, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề, sáng tạo) và xây dựng cho mình niềm tin và giá trị sống.
Ẩn trong từng nội dung bài học là các lí thuyết, mô hình, phương pháp dạy học, phương tiện dạy học hiện đại, giúp HS học được những bài học sâu sắc về cuộc sống, đồng thời hình thành những phẩm chất, năng lực mà Chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu, đặc biệt là năng lực văn học và năng lực giao tiếp.
Ngữ văn 6 được thiết kế hiện đại, nhiều hình ảnh minh hoạ đẹp, có khả năng gợi mở và kích thích hứng thú học tập, kích thích trí tưởng tượng và khả năng tư duy, liên tưởng của HS.
Video giới thiệu:
https://www.youtube.com/watch?v=pDsCYPTyos4
TOÁN 6
Tác giả
Trần Nam Dũng, Bùi Văn Nghị (đồng Tổng Chủ biên), Vũ Quốc Chung, Trần Đức Huyên (đồng Chủ biên), Nguyễn Cam, Nguyễn Hắc Hải, Nguyễn Văn Hiển, Chu Thu Hoàn, Lê Văn Hồng, Đặng Thị Thu Huệ, Ngô Hoàng Long, Dương Bửu Lộc, Trần Luận, Huỳnh Ngọc Thanh, Chu Cẩm Thơ, Phạm Thị Diệu Thùy, Nguyễn Đặng Trí Tín
Nội dung SGK Toán 6 thể hiện tư tưởng dễ dạy, dễ học, gắn Toán học với thực tiễn. Các hoạt động học tập được chọn lọc phù hợp với lứa tuổi và khả năng nhận thức của HS, thể hiện tinh thần tích hợp, gắn bó môn Toán với các môn học khác, đáp ứng được nhu cầu của HS trên mọi miền đất nước.
Phương pháp biên soạn Toán 6 được chọn lọc nhằm mục đích hỗ trợ GV, hạn chế được những khó khăn trong quá trình dạy học, đồng thời giúp các em HS hứng thú hơn khi học tập.
Sách được biên soạn theo tinh thần dễ dạy, thể hiện ở các điểm sau:
1. Kế thừa tất cả các ưu điểm và kinh nghiệm sư phạm của SGK hiện hành vốn đã quen thuộc với quí Thầy Cô.
2. Thể hiện tốt tinh thần tích hợp gắn môn Toán với các môn học khác và gắn với thực tế cuộc sống.
3. Thể hiện tốt tinh thần định hướng năng lực, giúp GV đặt mục tiêu cho HS không phải chỉ học được những gì mà còn phải cần phải làm được những gì.
4. Mỗi bài học đều được xây dựng theo tinh thần 5E:
- Engage : Kết nối
- Explore: Khám phá
- Explain: Giải thích
- Elaborate: Áp dụng cụ thể
- Evaluate: Đánh giá
5. Hệ thống bài tập được chọn lọc, phân loại kĩ lưỡng đặc biệt cuối mỗi chương đều có sơ đồ ôn tập và hệ thống hóa kiến thức rất tiện lợi cho quý thầy cô.
Video giới thiệu:
https://www.youtube.com/watch?v=SOzoMe1lN38&t=3s
KHOA HỌC TỰ NHIÊN 6
Tác giả
Cao Cự Giác (Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên), Phạm Thị Hương, Trần Thị Kim Ngân, Nguyễn Thị Nhị, Trần Ngọc Thắng
Về nội dung, sách bao gồm các bài học được thiết kế theo hướng mở giúp phát triển năng lực cho HS; tăng cường tính trải nghiệm, thực hành trong nội dung và phương pháp dạy học; thể hiện tinh thần tích hợp giữa các nội dung Vật lí, Hoá học, Sinh học, Khoa học Trái Đất và Thiên văn học vào bài học. Bên cạnh đó, sách còn sử dụng ngữ liệu đa dạng, gắn với cuộc sống của HS ở các khu vực, vùng miền khác nhau.
Về hình thức, Khoa học tự nhiên 6 sử dụng các kênh hình phong phú nhằm hỗ trợ tối đa cho kênh chữ, các tiến trình hoạt động được mô tả và khái quát hoá bằng hệ thống các logo thống nhất. Sách được thiết kế với tính thấm mĩ phù hợp với HS THCS.
Các điểm nổi bật của sách Khoa học tự nhiên 6:
1. Sách được trình bày dưới dạng các chủ đề gắn với mạch nội dung xuyên suốt. Sau mỗi chủ đề là bài Ôn tập chủ đề với hệ thống bài tập gắn với thực tiễn nhằm phát triển tối đa năng lực vận dụng kiến thức và kĩ năng của HS.
2. Sách được biên soạn nhất quán theo hướng tiếp cận kiến thức thông qua trải nghiệm, thực tiễn. Cách tiếp cận này giúp HS được đóng vai trò là chủ thể, hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực thông qua các hoạt động học tập của HS và phương pháp giảng dạy của GV.
3. Mỗi bài học được biên soạn theo mô hình hoạt động học tập định hướng phát triển năng lực, trong đó nhấn mạnh đến năng lực đặc thù của môn Khoa học tự nhiên thông qua các hoạt động sau:
Hoạt động khởi động bài học |
Giúp HS sẵn sàng đón nhận kiến thức và chuẩn bị cho bài học mới. |
Hoạt động thảo luận |
Bao gồm hệ thống các câu hỏi giúp HS phát triển năng lực nhận thức và tìm hiểu khoa học tự nhiên. |
Các hoạt động bổ trợ bài học |
Mở rộng thêm thông tin bài học, tạo hứng thú học tập cho HS. |
Hoạt động nhận xét/kết luận |
Giúp nhận xét/kết luận các nội dung bài học. |
Những nội dung cần chú ý trong bài học. |
|
Hoạt động vận dụng |
Nhằm tạo cơ hội cho HS vận dụng kiến thức vào thực tiễn. |
Video giới thiệu:
https://www.youtube.com/watch?v=hlKgYyI9H7A&list=PLRVKHhclmXrlETxqfV-mGZvlxgFkurNwk&index=12
ÂM NHẠC 6
Tác giả
Hồ Ngọc Khải, Nguyễn Thị Tố Mai (đồng Tổng Chủ biên), Nguyễn Văn Hảo (Chủ biên)
Lương Diệu Ánh, Nguyễn Đăng Bửu, Nguyễn Thị Ái Chiêu, Nghiêm Thị Hồng Hà
Trần Vĩnh Khương, Trần Đức Lâm, Phạm Gia Hoàng My, Lương Minh Tân
SGK Âm nhạc 6 khẳng định giáo dục âm nhạc chính là phương tiện hiệu quả để giáo dục lòng yêu nước cho HS, điều đó được thể hiện ngay từ trang bìa và trang lời nói đầu.
Sách biên soạn cho HS với những định hướng: cơ hội tiếp cận tri thức như nhau; phù hợp với năng lực nhận thức khác nhau; cơ hội phát triển năng lực như nhau; tự chủ trong học tập; chủ động trong học tập; tự do trong sáng tạo; chủ động trong giải quyết các vấn đề.
Âm nhạc 6 mang tính hiện đại thể hiện qua sự vận dụng định hướng triết lí và phương pháp giáo dục âm nhạc tiên tiến của thế giới, cấu trúc và thiết kế mĩ thuật của sách, bao gồm:
1. Nhằm hiện thực hoá mục tiêu chung của Chương trình môn Âm nhạc: Giáo dục các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; các năng lực chung như: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; các năng lực âm nhạc.
2. Xây dựng trên cơ sở bám sát nội dung của chương trình môn Âm nhạc: Bám sát nội dung chương trình môn học nói chung và cho phần lớp 6 nói riêng, với các nội dung cụ thể của từng phân môn Hát, Nhạc cụ (bao gồm nhạc cụ tiết tấu, nhạc cụ giai điệu viết để cho các trường lựa chọn 1 trong 2 loại là sáo recorder và kèn phím), Đọc nhạc, Lí thuyết âm nhạc, Thường thức âm nhạc và Nghe nhạc.
3. Bảo đảm nguyên tắc gắn kết nội dung âm nhạc giữa các phân môn trong chủ đề
4. Bảo đảm nguyên tắc coi trọng hoạt động thực hành, đa dạng hoá hoạt động của HS: Toàn bộ sách được thiết kế thành hệ thống các hoạt động, gồm: Nhận diện – Khám phá, Các nội dung bài học và thực hành, Góc âm nhạc trong mỗi chủ đề, tạo điều kiện để HS có thể phát huy khả năng sáng tạo, khả năng tự học.
5. Bảo đảm nguyên tắc tích hợp: Quan điểm tích hợp trong dạy học SGK Âm nhạc 6 được thể hiện ở hai khía cạnh: trong phân môn và giữa các phân môn.
6. Bảo đảm nguyên tắc phân hoá: Sách được biên soạn có các nội dung để dạy học phân hoá theo năng lực của HS, lấy yêu cầu cần đạt làm mục tiêu tối thiểu và các lệnh hoạt động khó hơn cho đối tượng khá phát triển năng lực nâng cao.
7. Bảo đảm nguyên tắc chú ý đặc điểm nhận thức và hứng thú của HS: Chú ý tính vừa sức khi xây dựng các hoạt động/bài tập; tạo điều kiện để HS có cơ hội tự chủ trong học tập, cơ hội sáng tạo; tạo cơ hội để đa dạng hoá các hình thức tổ chức hoạt động dạy học; hỗ trợ tối đa bằng nguồn học liệu số.
Video giới thiệu:
https://www.youtube.com/watch?v=2Wn4v_VoMuc&list=PLRVKHhclmXrlETxqfV-mGZvlxgFkurNwk&index=6
CÔNG NGHỆ 6
Tác giả
Bùi Văn Hồng (Tổng Chủ biên), Nguyễn Thị Cẩm Vân (Chủ biên), Trần Văn Sỹ
SGK Công nghệ 6 được biên soạn theo mô hình học tập trải nghiệm và định hướng phát triển năng lực, trong đó nhấn mạnh năng lực đặc thù của môn Công nghệ theo quy định của chương trình Giáo dục phổ thông mới, đồng thời thể hiện rõ quan điểm giáo dục công nghệ.
Nội dung sách được chọn lọc, thiết kế đảm bảo phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức và gắn liền với đời sống thực tiễn của HS; thể hiện sự tích hợp kiến thức, kĩ năng với các môn học khác và kết hợp các nội dung cần thiết như: giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống, bảo vệ môi trường…
Các điểm nổi bật của sách:
1. Cấu trúc bài học được xây dựng theo hướng phát triển năng lực cho HS.
2. Bài học có tính mở, tạo sự linh hoạt cho GV trong quá trình dạy học.
3. Phần mở đầu bài học được thiết kế thành các tình huống với hình ảnh và bóng nói, bóng nghĩ nhằm tạo ra sự hấp dẫn, kích thích HS tìm hiểu nội dung bài học.
4. Các hoạt động học tập được thiết kế giúp HS tìm kiếm, khám phá kiến thức mới hoặc rèn luyện để củng cố, khắc sâu kiến thức vừa học.
5. Các nhiệm vụ thực hành được thực hiện theo một quy trình với các bước cụ thể kèm theo yêu cầu cần đạt ở mỗi bước, giúp HS tự đánh giá thao tác thực hành của bản thân.
6. Thể hiện tinh thần kết nối nghề nghiệp thông qua các dự án học tập ở cuối mỗi chủ đề.
7. Tích hợp các nội dung: giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống, giáo dục tài chính hoặc bảo vệ môi trường trong mỗi bài học.
8. Kênh hình phong phú, đẹp, thực tế, hỗ trợ tối đa cho kênh chữ.
9. Sử dụng ngữ liệu đa dạng, gắn với cuộc sống của HS ở các khu vực, vùng miền khác nhau.
Video giới thiệu:
https://www.youtube.com/watch?v=Qn2bExXSG7A
GIÁO DỤC CÔNG DÂN 6
Tác giả
Đinh Phương Duy, Đào Thị Ngọc Minh, Huỳnh Văn Sơn (đồng Chủ biên)
Đào Lê Hòa An, Trần Tuấn Anh, Đào Thị Hà, Lưu Thị Thu Hà, Ngô Thái Hà,
Nguyễn Thị Bích Hồng, Tiêu Thị Mỹ Hồng, Đỗ Công Nam, Vũ Thị Thanh Nga
SGK Giáo dục công dân 6 dựa trên nguyên tắc của sự trải nghiệm, khám phá của HS lớp 6 song song với quan sát, luyện tập và suy ngẫm để hoàn thiện bản thân. Các hoạt động được triển khai và ẩn sâu trong đó là các gợi mở dành cho HS, định hướng về giá trị và hành vi thông qua các chủ đề, đề tài gắn kết cùng bối cảnh cuộc sống thật của các em…
Khi biên soạn Giáo dục công dân 6, để tăng tính hấp dẫn, thiết thực và hiệu quả cho việc dạy và học môn học này, nhóm tác giả đã khai thác các tiêu chí cụ thể bằng việc phác thảo ma trận chi tiết và cụ thể:
- Bám sát mục tiêu và yêu cầu cần đạt, dạng thức hoạt động theo ma trận có thể tải được mục tiêu và yêu cầu cần đạt nhưng vừa sức và phù hợp với đặc trưng của môn Giáo dục công dân.
- Nghiên cứu, chọn lọc các ngữ liệu thu thập được của nhóm thông qua các đề tài khoa học có liên quan, thông qua việc đánh giá, phân tích các ngữ liệu hiện có của các bộ sách: Đạo đức, Giáo dục lối sống, Rèn luyện kĩ năng sống, Giáo dục kinh tế, Giáo dục pháp luật để chọn lọc các ngữ liệu theo chủ đề thật phù hợp, gần gũi.
- Sử dụng kĩ thuật chọn lọc các ngữ liệu thực tiễn từ cuộc sống thông qua các diễn đàn dành cho phụ huynh, GV với sự chắt lọc và điều chỉnh phù hợp; nguồn dữ liệu thực tiễn còn được thu thập thông qua kinh nghiệm của các GV được khai thác theo kênh facebook: bình luận câu chuyện cho trẻ em và các nguồn tư liệu khác từ báo chí, các kênh học tập trực tuyến.
- Khai thác các ý tưởng phục vụ cho hoạt động cụ thể với các câu chuyện, tranh vẽ hay bộ tranh từ các tác giả theo hướng gần gũi và gắn với đời sống của HS nhưng kết nối với các hoạt động và yêu cầu cần đạt.
- Sử dụng các hình thức thử nghiệm từng phần, thử nghiệm giả định các câu chuyện, các trò chơi, các bài tập, các tình huống ứng xử... trên nhóm HS thực nghiệm để có thể điều chỉnh các ngữ liệu phù hợp... khi trình bày trong sách HS.
- Thao tác hoá các mô hình kĩ năng, các kĩ năng thành phần ở các bài kĩ năng sống và đưa ra các bước cần rèn luyện cụ thể sao cho phù hợp với lứa tuổi, bối cảnh khác nhau nhưng tuân thủ logic đường dẫn của ma trận về mục tiêu và yêu cầu cần đạt. Với các chủ đề về giáo dục kĩ năng sống, sự phân tích các đề tài không tiếp cận về nội dung như phân loại các tình huống nguy hiểm hay các nội dung chi tiết; các đề tài trong chủ đề tiếp cận trên bình diện mục tiêu cần đạt, từ đó định hướng phát triển các thành phần của kĩ năng, cấu trúc của kĩ năng sống cụ thể dựa trên nền tảng của giá trị sống...
- Cân đối giữa kênh hình và kênh chữ trong việc thể hiện các chủ đề, các hoạt động cụ thể trong từng đề tài; kênh hình và chữ tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc đảm bảo bình đẳng giới, bình đẳng trong giáo dục, cân bằng về văn hoá địa phương, dân tộc, tôn trọng các quy định về thể hiện không gian văn hoá học đường, không vi phạm các vấn đề có liên quan về tư tưởng, chính trị, tôn giáo...
Video giới thiệu:
https://www.youtube.com/watch?v=hfcIBngqCw8&list=PLRVKHhclmXrlETxqfV-mGZvlxgFkurNwk&index=9
GIÁO DỤC THỂ CHẤT 6
Tác giả
Trịnh Hữu Lộc (Tổng Chủ biên), Lưu Trí Dũng (Chủ biên), Lê Minh Chí
Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Thiên Lý, Lâm Thanh Minh, Lê Văn Quan, Phạm Thái Vinh
Cấu trúc bài học của SGK Giáo dục thể chất 6 được biên soạn theo quy định của Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT. Các bài học đều có tính mở, giúp GV được chủ động lựa chọn và sáng tạo trong quá trình biên soạn nội dung giảng dạy, giúp HS được lựa chọn các hoạt động phù hợp với thể lực và đặc thù của cá nhân.
Phần nội dung sách được trình bày trực quan, sinh động kết hợp giữa kênh hình và kênh chữ; sử dụng ngữ liệu đa dạng, phù hợp với thực tiễn giảng dạy trong trường phổ thông hiện nay tại các địa phương trong cả nước.
Mỗi bài học trong Giáo dục thể chất 6 được biên soạn theo hình thức cung cấp nhiều lựa chọn các hoạt động vận động, định hướng đến phát triển phẩm chất và năng lực. Thông qua các hoạt động đa dạng và hấp dẫn, tạo điều kiện cho GV quan sát và đánh giá quá trình rèn luyện, học tập của HS.
Giáo dục thể chất 6 được biên soạn với cấu trúc và nội dung có yếu tố tích hợp liên môn cao thông qua việc lồng ghép kiến thức các môn học khác trong các hoạt động trò chơi. Các bài học của từng chủ đề có tính mở cao. GV có thể lựa chọn, vận dụng và sáng tạo của từng bài học để đạt được mục đích giáo dục mà không cần phải theo trình tự từ bài 1 đến hết.
Sách bao gồm 8 chủ đề riêng biệt nhưng bổ trợ và gắn kết chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau với mục đích cao nhất là giúp HS có ý thức, trách nhiệm với sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng, sống vui vẻ và hoà đồng với mọi người.
Ngoài ra, đặc thù của môn Giáo dục thể chất là môn học vận động, thông qua nhiều hình thức vận động khác nhau để thực hiện mục tiêu giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực của HS.
Video giới thiệu:
https://www.youtube.com/watch?v=YUtdSeOT5J4&list=PLRVKHhclmXrlETxqfV-mGZvlxgFkurNwk&index=11
LỊCH SỬ VÀ ĐỊA LÍ 6
Tác giả
Nguyễn Kim Hồng (Tổng Chủ biên phần Địa lí), Hà Bích Liên (Chủ biên phần Lịch sử), Phạm Thị Bình (Chủ biên phần Địa lí), Nguyễn Trà My, Mai Thị Phú Phương, Nguyễn Kim Tường Vy, Hà Văn Thắng, Nguyễn Hữu Bách, Huỳnh Phẩm Dũng Phát, Phan Văn Phú, Nguyễn Thị Kim Liên, Vũ Thị Bắc, Phạm Đỗ Văn Trung
SGK Lịch sử và Địa lí 6 được biên soạn bám sát những nội dung, yêu cầu của Chương trình môn Lịch sử và Địa lí cấp THCS nhằm hình thành, phát triển ở HS năng lực lịch sử và năng lực địa lí.
Sách gồm hai phần, tương ứng với hai phân môn Lịch sử và Địa lí:
Phần Lịch sử: Giới thiệu những nội dung cơ bản về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam từ thời nguyên thuỷ đến thế kỉ X
Theo định hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học, mỗi bài học đều được tổ chức thành các hoạt động học tập trên cơ sở của các thành phần cơ bản: khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập và vận dụng. Cuối mỗi chương đều có một bài thực hành để giúp các em luyện tập, vận dụng kiến thức được hiệu quả hơn.
Phần Lịch sử được biên soạn với tư tưởng chủ đạo là Đổi mới, sáng tạo để hấp dẫn HS. Phần này có những điểm nổi bật sau:
1. Bám sát chương trình, kế thừa bộ SGK hiện hành và học hỏi kinh nghiệm viết SGK ở các nước tiên tiến.
2. Thay đổi cách tiếp cận khi biên soạn: Gồm 7 vấn đề
- Tăng tính hấp dẫn của SGK: Ưu tiên hàng đầu khi biên soạn sách là khơi gợi được hứng thú của người học qua tư liệu, cách khai thác tư liệu, ngôn ngữ sử dụng và cách diễn đạt nội dung mới, sự hài hòa giữa kênh hình và chữ, giữa thiết kế và nội dung.
- Chú trọng SGK là công cụ giúp HS phát triển khả năng tự học: Quán triệt quan điểm SGK là sách của HS, dùng để tự đọc, tự học và hỗ trợ cho các em học trên lớp dưới sự hướng dẫn của GV:
+ Khuyến khích ngôn ngữ viết SGK lịch sử giàu hình ảnh, cụ thể, giản dị, phù hợp với lứa tuổi HS lớp 6.
+ Tạo điều kiện cho HS có thể tự đọc, tự học bằng hệ thống câu hỏi dẫn dắt tìm hiểu nội dung chính và hệ thống câu hỏi và bài tập, luyện tập, vận dụng cuối bài bám sát mục tiêu bài học.
- Hạn chế đưa ra những nhận định lịch sử chung chung hay phương pháp định tính trong miêu tả, đánh giá sự kiện.
- Chú trọng kiến thức tích hợp ở cả hai cấp độ tích hợp nội môn và tích hợp liên môn. Kiến thức tích hợp không bóc tách ra thành một phần riêng mà được thể hiện xuyên suốt các phần trong sách. Chú trọng xây dựng kĩ năng lịch sử, năng lực vận dụng, kết nối lịch sử với hiện tại.
- Nội dung và hình thức của sách chú trọng đến trình độ và đặc điểm tâm sinh lí HS lớp 6.
- Đặc biệt chú ý đến việc phân phối bố cục và nội dung hợp lí để GV có thể giảng dạy hai tiết tách biệt vào hai ngày khác nhau, cũng như cho phép GV có thể dễ dàng tham khảo xây dựng kế hoạch dạy học của mình mềm dẻo, linh hoạt tuỳ theo điều kiện của địa phương và đối tượng HS.
- Chú trọng giáo dục phẩm chất yêu nước, nhân ái và có tinh thần trách nhiệm bởi vì những nội dung giáo dục này nằm trong chính nội dung kiến thức. Phẩm chất và năng lực được kết nối hài hoà, xuyên suốt chương trình bộ môn.
Phần Địa lí: Giới thiệu những nội dung cơ bản về địa lí tự nhiên đại cương
Mỗi bài được trình bày theo cấu trúc 4 phần như sau: khởi động, kiến thức, luyện tập và vận dụng.
Phần Yêu cầu cần đạt: nêu ngắn gọn các mục tiêu cần đạt trong bài bám sát chương trình.
Phần Mở đầu (Khởi động) nhấn mạnh nội dung trọng tâm của chủ đề; vừa khơi gợi hứng thú tìm hiểu vừa nêu bật những nội dung chủ đạo về chủ đề.
Phần Kiến thức mới là phần cụ thể hóa các yêu cầu cần đạt trong mỗi chủ đề.
Phần Luyện tập và vận dụng HS sẽ nhận biết và vận dụng các cách thức khái quát hóa kiến thức khác nhau một cách sáng tạo.
Nội dung 7 chương trong sách được viết thành 26 bài học. Mỗi bài học có bố cục hợp lí, nhằm làm nổi bật các quan điểm biên sọan sách là Tiếp cận năng lực và Tích hợp.
Hình thức phong phú, đẹp, thiết kế hiện đại.
Video giới thiệu
https://www.youtube.com/watch?v=dGDtvZRSUwY&list=PLRVKHhclmXrlETxqfV-mGZvlxgFkurNwk&index=10
MĨ THUẬT 6
Tác giả
Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Xuân Tiên (đồng Tổng Chủ biên), Nguyễn Tuấn Cường, TS. Nguyễn Hồng Ngọc (đồng Chủ biên),
Quách Thị Ngọc An, Nguyễn Dương Hải Đăng, Nguyễn Đức Giang, Phạm Ngọc Mai, Trần Đoàn Thanh Ngọc, Đàm Thị Hải Uyên, Trần Thị Vân
Ở Mĩ thuật 6, các bài học liên kết với nhau theo tiến trình ở mỗi chủ đề, thúc đẩy năng lực sáng tạo và sáng tạo không ngừng cho HS.
Bài học được thiết kế gồm 5 hoạt động theo mô hình nhận thức và học tập trải nghiệm luôn hướng tới việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực chung và năng lực thẩm mĩ thông qua các hình thức mĩ thuật đa dạng.
Hoạt động mĩ thuật trong bài học tạo cơ hội cho HS sử dụng các giác quan để tác động đến các loại hình trí thông minh nhằm phát triển phẩm chất và năng lực ở mỗi cá nhân.
(Tr 6, 30, 42, 46, )
Hình thức tổ chức học tập đa dạng, linh hoạt tạo hứng thú cho HS và luôn kết nối kiến thức với cuộc sống.
Ngôn ngữ, hình ảnh khoa học, hấp dẫn, khuyến khích HS khám phá sự đa dạng của các yếu tố và nguyên lý mĩ thuật trong sản phẩm, tác phẩm
(Tr. 71, 72)
Video giới thiệu:
https://www.youtube.com/watch?v=7nK9aSBQeU4
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM, HƯỚNG NGHIỆP 6
Tác giả
Đinh Thị Kim Thoa, Vũ Quang Tuyên (đồng Tổng Chủ biên), Vũ Đình Bảy, Trần Thị Quỳnh Trang (đồng Chủ biên), Trần Minh Hường, Nguyễn Thị Bích Liên, Vũ Phương Liên, Trần Bảo Ngọc, Lại Thị Yến Ngọc, Vũ Thanh Thủy, Phạm Đình Văn
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc trong nhà trường. SGK Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6 được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Lần đầu tiên, hoạt động giáo dục trong nhà trường được biên soạn SGK làm phương tiện tổ chức hoạt động giáo dục cho HS theo định hướng hình thành từng hành vi, thái độ cụ thể, từ đó góp phần phát triển năng lực và phẩm chất theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6 được biên soạn với thời lượng 105 tiết theo 9 chủ điểm, chủ đề hướng tới 4 mạch nội dung: hoạt động hướng vào bản thân, hoạt động hướng đến xã hội, hoạt động hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp. Các chủ điểm, chủ đề này được thực hiện trong 3 loại hình bắt buộc: Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động giáo dục theo chủ đề.
Mỗi chủ đề được bắt đầu bằng tranh chủ đề và câu nói tựa đề phản ánh khái quát nội dung cũng như ý nghĩa cốt lõi của chủ đề. Trang định hướng nội dung giúp HS có cái nhìn tổng quát cho toàn chủ đề, và sự cụ thể hoá chúng trong mỗi nhiệm vụ cần thực hiện. Điều này giúp HS rèn luyện kĩ năng tư duy vấn đề, biết cách giải quyết vấn đề cũng như xây dựng con đường phát triển cho bản thân.
Tất cả các chủ đề được viết theo cấu trúc dựa trên chu trình trải nghiệm: Khám phá – Kết nối kinh nghiệm; Rèn luyện kĩ năng; Vận dụng – Mở rộng; Tự đánh giá. Việc thực hiện đầy đủ chu trình với nhiều hoạt động, nhiều tình huống phong phú, đa dạng nhưng đều hướng cùng về mục tiêu, đã giúp HS có nhiều cơ hội để rèn luyện đúng hướng – yếu tố quyết định để hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực.
Sách đã đưa dung lượng đáng kể về kiến thức liên quan đến tâm sinh lí độ tuổi để HS hiểu bản thân và mọi người xung quanh. Từ đó, có những biện pháp điều chỉnh bản thân hiệu quả hơn, biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt. Với cách viết hướng dẫn chi tiết cụ thể, theo qui trình và chỉ ra khả năng vận dụng vào thực tiễn, sách đã tạo cơ hội cho HS tự học, tự rèn luyện và sáng tạo được khả năng của bản thân.
Giáo dục tài chính và hướng nghiệp cũng là những nội dung bắt đầu được đề cập đến một cách độc lập hơn ở lớp 6. HS được trải nghiệm với những tình huống giáo dục tài chính và định hướng nghề nghiệp nên HS cảm nhận được thực tế một cách rõ ràng và thú vị hơn.
SGK Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6 là cuốn giúp HS tự học, tự rèn luyện, tự đánh giá; cha mẹ HS hỗ trợ khi cần và GV dựa vào đó để thiết kế các hoạt động khác nhau giúp HS đạt được mục tiêu đặt ra.
Video giới thiệu: