Tin tức » Tin tức - Sự kiện
Giới thiệu và trao đổi với giáo viên về SGK mới của NXBGDVN
Thứ Năm, 19/12/2019 | 17:30
Số lượt xem: 3963NXBGDVN – Vừa qua, tác giả SGK mới của NXB Giáo dục Việt Nam đã có các buổi giới thiệu và trao đổi với các thầy cô giáo về sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sau khi Bộ GD&ĐT có quyết định ban hành các bộ SGK mới lớp 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) đã chủ động triển khai nhiều hoạt động nhằm giới thiệu các bộ SGK mới. Trong đó, phải nói đến các cuộc hội thảo chuyên đề được tổ chức tại các tỉnh thành như: Sơn La, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Lào Cai… Thông qua các cuộc hội thảo này, các thầy cô giáo trực tiếp dạy học ở lớp 1, các cán bộ quản lí giáo dục đã được tiếp cận với 4 bộ SGK mới của NXBGDVN, để trên cơ sở đó có thể lựa chọn SGK phù hợp với địa phương mình.
Những điểm nổi bật của 4 bộ SGK mới của NXBGDVN
4 bộ SGK mới của NXB Giáo dục Việt Nam gồm:
• Kết nối tri thức với cuộc sống
• Chân trời sáng tạo
• Cùng học để phát triển năng lực
• Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục
Các bộ SGK do NXBGDVN biên soạn có những điểm sáng nổi bật như: a. tính hiện đại, nhờ vận dụng các lí thuyết dạy học mới nhất trên thế giới, tiếp thu kinh nghiệm biên soạn SGK của nhiều nước có nền giáo dục phát triển; b. tính thực tiễn, nhờ bám sát cuộc sống và điều kiện giáo dục của Việt Nam; c. tính phân hóa, các nội dung dạy học và hệ thống bài tập có độ khó đa dạng đảm bảo phù hợp với các đối tượng học sinh khác nhau; d. tính mở, nhờ thiết kế các nội dung dạy học theo chủ đề, không theo tiết học, giúp cho giáo viên linh hoạt hơn trong dạy học tùy theo điều kiện thực tế; e. hệ thống hình ảnh sinh động, hấp dẫn; f. những tuyến nhân vật xuyên suốt, giúp học sinh cảm thấy gần gũi khi có người bạn đồng hành và lớn lên cùng các em qua từng bài học, từng lớp học.
Tất cả đều nhằm giúp học sinh phát huy được sự chủ động, tích cực, sáng tạo và giúp các em hình thành, phát triển các phẩm chất và năng lực theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Từ những ưu điểm nói trên, các bộ SGK mới của NXBGDVN đã được các thầy cô giáo đánh giá cao. Chẳng hạn, một thầy giáo dạy Mỹ thuật của trường Tiểu học Thanh Bình (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhận xét: SGK Mỹ thuật của NXB Giáo dục Việt Nam có các chủ đề rất cụ thể, nội dung phù hợp với độ tuổi của các em, hình ảnh hấp dẫn, thu hút sự chú ý của học sinh”. Một giáo viên của trường Tiểu học Bình Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu) đưa ra ý kiến về SGK môn Toán: Nhìn chung các bộ SGK đều dùng được cho tất cả các vùng miền và các đối tượng học sinh. Các cuốn sách có kiến thức cơ bản, dễ tiếp cận, linh hoạt đối với thầy cô giáo và học sinh. Cấu trúc các bài học được thiết kế theo chủ đề, như vậy giáo viên có thể linh hoạt trong dạy học. Các chi tiết như trang phục, thời tiết, địa lí được lồng ghép trong bài học, giúp các em được học thêm kiến thức của các môn học khác.
Giải đáp một số băn khoăn của giáo viên về SGK mới
Từ các cuộc hội thảo, NXBGDVN đã ghi nhận nhiều ý kiến của các thầy cô giáo, bao gồm nhận xét, góp ý và cả những băn khoăn về việc dạy học theo SGK mới.
Thầy Nguyễn Hồng Hà (Hiệu trưởng trường Tiểu học Huỳnh Minh Thạnh, Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi: Trong những năm qua chúng ta sử dụng bộ SGK năm 2000, các cán bộ quản lí và giáo viên đều quan tâm đến các nội dung lồng ghép như: kỹ năng sống, chủ quyền biển đảo, học tập theo tấm gương Bác Hồ, an toàn giao thông, phát triển năng lực… Vậy, các chủ đề này đã được lồng ghép, tích hợp ở trong SGK mới hay chưa? Và khi sử dụng các bộ SGK này trong những năm tới thì có còn thêm nội dung nào sẽ được lồng ghép vào nữa hay không?
PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, Nguyên Điều phối viên chính, Ban Phát triển Chương trình GDPT 2018 (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – Tổng chủ biên SGK Tiếng Việt & Ngữ Văn, NXBGDVN cho biết: Những năm 2000, khi thiết kế chương trình và biên soạn SGK thì chúng ta chưa có định hướng rõ để cài đặt các nội dung “xuyên chương trình”. Còn theo Chương trình GDPT 2018, ngay từ khi biên soạn SGK mới, các tác giả đã cài đặt các chủ điểm như: chủ quyền quốc gia, quyền trẻ em, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường,… vào bài học một cách tự nhiên, phù hợp với từng lớp, từng độ tuổi. Ví dụ ngay như ở lớp 1, SGK không nhất thiết phải có những văn bản viết riêng về tất cả các chủ điểm này, mà chỉ cần với một số chi tiết, hình ảnh, chúng ta cũng có thể bước đầu giáo dục cho học sinh nhận thức về chủ quyền biển đảo, quyền trẻ em, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới,... Việc đưa đầy đủ các chủ điểm “xuyên chương trình” vào SGK cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá SGK theo Thông tư 33 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Một câu hỏi cũng được rất nhiều giáo viên tại Đồng Tháp quan tâm, đó là: Có khó khăn, bất cập gì nếu nhà trường chọn đan xen các cuốn sách ở các bộ SGK khác nhau? Ví dụ như nhà trường chọn sách Tiếng Việt của bộ A nhưng lại chọn sách Toán của bộ B?
PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng đưa ra quan điểm: Về phương diện tổ chức dạy học trong nhà trường, việc chọn đan xen các cuốn sách ở các bộ SGK khác nhau sẽ không gây trở ngại nào đáng kể, bởi các bộ SGK đều được biên soạn dựa trên chuẩn đầu ra của chương trình. Tuy nhiên, dù sao đi nữa thì được học SGK các môn học thuộc một bộ sách thì vẫn tốt hơn vì SGK của các môn thuộc cùng một bộ sách có sự kết nối, tích hợp liên môn, giúp cho HS hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc chọn đan xen các cuốn sách ở các bộ SGK khác nhau có thể có khó khăn trong việc triển khai công tác tập huấn giáo viên và phát hành của nhà xuất bản.
Trong quá trình đưa SGK đến với giáo viên và học sinh, NXBGDVN sẽ triển khai hệ thống hỗ trợ tích cực như: tập huấn giáo viên dạy học theo SGK mới (bao gồm phương thức tập huấn trực tiếp và tập huấn trực tuyến (online)), cung cấp miễn phí một số sách giáo viên, xây dựng kho tài nguyên học liệu điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong việc tiếp cận với các thông tin cần thiết, thiết thực nhằm sử dụng hiệu quả SGK mới.
Tất cả đều được thực hiện với phương châm phục vụ sự nghiệp giáo dục là mục tiêu hàng đầu của NXBGDVN trong việc triển khai SGK mới tới các trường học trong thời gian tới.