Tin tức » Tin tức - Sự kiện
Hiệu quả môn học mang lại “cái nhìn” đúng đắn
Thứ Hai, 30/12/2019 | 11:09
Số lượt xem: 3476GD&TĐ - Dẫu được đưa vào dạy học khá lâu trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) nhưng Âm nhạc và Mĩ thuật luôn bị xã hội và không ít phụ huynh nhìn nhận như môn học “phụ”. Cũng chính bởi tâm lý này mà vẫn còn nhiều nhà trường, GV thiếu nhiệt tình, sự đầu tư cho môn học. Chất lượng và hiệu quả dạy học mĩ thuật còn hạn chế.
PGS.TS Đinh Gia Lê - Tổng chủ biên môn Mĩ thuật 1 - Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” chia sẻ những thông tin xung quanh SGK Mĩ thuật 1 mới cũng như cách dạy và học môn Mĩ thuật 1 trong Chương trình GDPT mới.
Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
- Là Tổng chủ biên SGK môn Mĩ thuật 1 – Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, ông có thể cho biết vì sao môn Mĩ thuật có vị trí quan trọng với HS ngay từ khi bước vào lớp 1?
- Các môn học trong chương trình GDPT đều có mục tiêu cụ thể. Trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật, mà cốt lõi là môn Âm nhạc và môn Mĩ thuật, nhằm góp phần hình thành, phát triển năng lực thẩm mĩ, đáp ứng mục tiêu giáo dục hài hòa về đức, trí, thể, mĩ cho HS. Cùng với đó, khi chúng ta xây dựng nội dung, phương pháp dạy học lấy HS làm trung tâm cần có công cụ để tổ chức cho HS hoạt động tích cực, sáng tạo, lấy tự học làm chính. Do đó, việc môn học Mĩ thuật có SGK dành cho HS cũng là để đáp ứng yêu cầu của đổi mới và thực tiễn dạy học trong bối cảnh mới.
- Những nội dung cơ bản, điểm đáng chú ý trong SGK Mĩ thuật 1 - Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” là gì? SGK Mĩ thuật 1 sẽ hữu ích ra sao đối với cả người dạy và người học?
- Điểm mới trong SGK Mĩ thuật 1 giúp HS hình thành, phát triển năng lực mĩ thuật dựa trên nền tảng kiến thức, kĩ năng, thái độ về môn học thông qua quy trình: Quan sát – Thể hiện – Thảo luận – Vận dụng, kết hợp với phát triển năng lực giao tiếp, làm việc nhóm và truyền thông về sản phẩm. Thông qua đó, HS biết thể hiện cảm xúc, trí tưởng tượng về thế giới xung quanh, từ đó bước đầu biết sáng tạo, làm quen, tìm hiểu về vẻ đẹp của sản phẩm.
Theo đó, SGK Mĩ thuật 1 không chỉ là công cụ giúp HS tiếp cận nội dung bài học một cách tích cực mà giáo viên (thậm chí là nhà quản lý giáo dục) kiểm soát được quá trình lĩnh hội của HS. Cụ thể: Đối với giáo viên, trong quá trình tổ chức dạy học sẽ nhận thấy: Nếu HS không thể hiện được đối tượng thẩm mĩ của bài học (mục 2 – Thể hiện) thì hoạt động ở mục 1 – Quan sát làm chưa tốt.
Nếu HS thực hiện mục 3 – Thảo luận chưa được thì hoạt động ở mục 1, 2 chưa được triển khai hiệu quả. Nếu HS thực hiện hoạt động ở mục 4 – Vận dụng khó khăn chứng tỏ hoạt động ở mục 1, 2, 3 chưa được hiểu đúng, đủ. Điều này giúp giáo viên giúp đỡ, can thiệp kịp thời với từng đối tượng HS, phù hợp với năng lực riêng. Hay có thể hiểu rằng, việc học mĩ thuật được quy trình hóa theo các bước và có thể kiểm soát được, tránh được yếu tố may rủi trong giáo dục ở môn học này.
Giáo viên quyết định chất lượng dạy học
- Với thực trạng đội ngũ giáo viên dạy môn Mĩ thuật bậc tiểu học hiện nay, việc triển khai môn Mĩ thuật từ lớp 1 có những ưu thế và hạn chế nào?
- Tôi cũng tham gia quá trình giảng dạy, đào tạo giáo viên mĩ thuật đúng chuyên ngành ở nhiều trình độ, từ đại học đến thạc sĩ, nên về cơ bản có niềm tin vào năng lực của đội ngũ giáo viên hiện nay. Với những kiến thức, kĩ năng được đào tạo, giáo viên mĩ thuật không ngại tiếp cận với những cái mới, từ nội dung đến phương pháp dạy học.
Do đó, khi triển khai môn Mĩ thuật từ lớp 1, với nền tảng đã có, các bạn được tập huấn, trao đổi với chuyên gia, tự học hỏi thì tôi hy vọng việc triển khai sẽ có nhiều thuận lợi ngày từ những lớp học đầu cấp. Những hạn chế nếu có sẽ liên quan đến cơ sở vật chất ở một số vùng sâu, vùng xa hoặc đối với giáo viên kiêm nhiệm.
- Đổi mới phương pháp giảng dạy là đòi hỏi tất yếu của đổi mới căn bản giáo dục và triển khai Chương trình GDPT mới. Với môn Mĩ thuật 1, GV cần đổi mới gì trong phương pháp giảng dạy?
- Như đã đề cập, SGK Mĩ thuật 1 dành cho học sinh, giáo viên có sách giáo viên hướng dẫn cụ thể về các bước tổ chức hoạt động dạy học ở mỗi chủ đề trong sách. Cùng với đó, để triển khai hiệu quả bộ sách, giáo viên mĩ thuật được chính nhóm tác giả và các chuyên gia trong lĩnh vực này tập huấn việc sử dụng sách, nội dung, phương pháp dạy học mới.
Điều này giúp giáo viên hiểu đúng, đủ để có tổ chức các hoạt động dạy học đạt hiệu quả cao nhất. Việc đổi mới nội dung, phương pháp trong môn Mĩ thuật trên cơ sở kế thừa những thành tựu trước đây nên hoàn toàn phù hợp với nền tảng mà mỗi giáo viên đã có.
- Để triển khai môn Mĩ thuật 1 những điều kiện đi kèm trong dạy và học như: SGK, sách hướng dẫn; cơ sở vật chất, đồ dùng giảng dạy cho giáo viên; đồ dùng học tập cho HS… cần được quan tâm, bảo đảm ra sao?
- Trong quá trình biên soạn tài liệu dạy học môn Mĩ thuật 1 – Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, nhóm tác giả chúng tôi đã cân nhắc đến thực tiễn cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục nên đưa ra những giải pháp khác nhau phù hợp với phòng học, trang thiết bị dạy học, đồ dùng học tập hiện nay.
Cùng đó, nhóm cũng biên soạn cuốn Tài liệu tập huấn giúp giáo viên hiểu về những điểm đổi mới, cũng như làm quen với các dạng bài mẫu. Cuốn Lý luận và phương pháp dạy học mĩ thuật phổ thông - Theo định hướng phát triển năng lực nhằm bổ sung thêm tri thức cần thiết, giúp giáo viên mĩ thuật tiếp cận nhanh và đúng hơn với những đổi mới môn học này.
PGS.TS Đinh Gia Lê - Tổng chủ biên môn Mĩ thuật 1.
- Tâm lý xem nhẹ môn Mĩ thuật, vẫn tồn tại trong không ít phụ huynh. Vậy GV cần lưu ý gì trong quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá môn Mĩ thuật 1?
- Kiểm tra, đánh giá môn Mĩ thuật theo quá trình học sinh học và sản phẩm mà học sinh làm được, cũng như hiệu quả đối với việc hình thành và phát triển năng lực mĩ thuật theo từng mục tiêu, yêu cầu cần đạt ở mỗi cấp/lớp. Khi đó, qua mỗi sản phẩm trong môn học, học sinh hình thành nên năng lực riêng cho chính bản thân, chứ không phải do “người khác” cung cấp cho.
Nói cách khác, học sinh muốn có năng lực mĩ thuật đến đâu thì phải tự mình “làm ra”, thông qua sản phẩm cụ thể, qua đó hình thành được năng lực phù hợp với khả năng, sở thích, hứng thú, động cơ đối với môn Mĩ thuật. Điều này tác động trở lại nhận thức của cộng đồng, với phụ huynh học sinh và khi có hiệu quả đích thực thì chúng tôi không tin rằng ai đó lại xem nhẹ.