Tin tức » Tin tức - Sự kiện
HỘI THẢO NGĂN CHẶN HOẠT ĐỘNG IN LẬU SÁCH GIÁO KHOA - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
Thứ Tư, 20/12/2023 | 08:00
Số lượt xem: 923NXBGDVN - Ngày 19/12, tại Hà Nội, Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp cùng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) tổ chức Hội thảo “Ngăn chặn hoạt động in lậu sách giáo khoa, thực trạng và giải pháp”. Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo, về phía NXBGDVN có ông Hoàng Lê Bách – Tổng Giám đốc, ông Nguyễn Chí Bính – Phó Tổng Giám đốc; đại diện các cơ quan quản lý nhà nước có ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, ông Phạm Tuấn Vũ – Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cùng đại diện một số nhà xuất bản, các công ty in, công ty phát hành thuộc khu vực miền Bắc…
Trong những năm vừa qua, hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục các bậc học phổ thông được đánh giá đã xuất bản, in, phát hành cơ bản đúng tiến độ, nhằm phục vụ kịp thời, đầy đủ nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh trên cả nước. Tuy nhiên, tình trạng in lậu, in giả, sao chép trái phép sách giáo khoa diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp, tập trung vào các sách dạy ngoại ngữ, sách bài tập… Thực tế cho thấy, tình trạng in lậu, in nối bản, vi phạm bản quyền trong hoạt động xuất bản vẫn còn phức tạp, chậm khắc phục; công tác đấu tranh ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền, in lậu, in nối bản tuy có một số chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều tồn, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Nếu không có giải pháp hành động kịp thời, sách giáo khoa giả sẽ “giết chết” sách giáo khoa thật, làm xói mòn tư tưởng, đạo đức của một bộ phận sinh viên, học sinh.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Tuấn Vũ - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết: “Nạn sách giáo khoa lậu, sách giáo khoa giả và các sản phẩm in lậu, in giả luôn là vấn đề nhức nhối, tồn tại dai dẳng trong nhưng năm qua. Ngăn chặn in lậu sách giáo khoa là vấn đề rất quan trọng cho phát triển của ngành xuất bản, đặc biệt thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”.
Do đó, tại Hội thảo, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã đưa ra những yêu cầu trọng tâm :
- Đánh giá công tác phòng, chống in lậu sách giáo khoa, sách giả và ngăn chặn vi phạm bản quyền trong hoạt động xuất bản.
- Đánh giá tác động của sách giáo khoa giả, sách giáo khoa lậu đối với học sinh, sinh viên trong quá trình tiếp nhận các giá trị tri thức được truyền tải qua sách giáo khoa.
- Đánh giá những tác động của việc sử dụng sách giáo khoa giả, sách giáo khoa lậu đối với việc chấp hành các quy định pháp luật; đối với mục tiêu xây dựng xã hội học tập, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
- Đưa ra giải pháp tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên không sử dụng sách giáo khoa lậu, sách giáo khoa giả, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển, đem lại các giá trị có ích cho cộng động.
- Đề xuất các giải pháp cụ thể cho công tác phòng, chống hoạt động in lậu sách giáo khoa.
Ông Phạm Tuấn Vũ - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành phát biểu tại hội thảo.
Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Chí Bính – Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Thường trực Chống in lậu NXBGDVN đã trình bày tham luận “Tăng cường phòng, chống in lậu SGK tại NXBGDVN”, trong nội dung nêu rõ hiện trạng in lậu và phát hành sách giáo khoa giả trong thời gian vừa qua, cũng như sự phối hợp chặt chẽ, chủ động của NXBGDVN với các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống, ngăn chặn in lậu sách giáo khoa.
Ông Nguyễn Chí Bính – Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Thường trực Chống in lậu NXBGDVN trình bày tham luận.
Các ý kiến tham luận của đại biểu, chuyên gia đến từ nhiều nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành liên kết làm sách giáo khoa và công ty giải pháp công nghệ đã thể hiện rõ sự quan tâm tới công tác phòng, chống in lậu sách giáo khoa. Nhiều giải pháp, kiến nghị được đưa ra mang tính xây dựng và phù hợp với thực tế cuộc sống, đặc biệt là những giải pháp công nghệ để có thể từng bước đẩy lùi nạn in lậu sách nói chung, sách giáo khoa nói riêng.
Hi vọng sự chung tay của các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan sẽ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng in lậu sách giáo khoa.