Tin tức » Tin tức - Sự kiện
Hơn 3 triệu cuốn sách giáo khoa giả gây hệ lụy thế nào?
Thứ Tư, 07/07/2021 | 08:00
Số lượt xem: 2605Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết sách giả, in lậu được bán công khai ở vỉa hè, lề đường, thậm chí trong các cửa hàng sách và len lỏi vào cả trường học.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt giam Cao Thị Minh Thuận (52 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát), Hoàng Mạnh Chiến (39 tuổi, Giám đốc Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội) và 5 bị can khác vì liên quan đến đường dây sách giáo khoa giả.
Cảnh sát xác định họ đã làm giả hàng triệu bản sách giáo khoa của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam suốt một năm qua, thu lợi bất chính gần 50 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Chí Bính, Phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, khi những cuốn sách giáo khoa giả đến tay học sinh, được đặt trên bàn học, tức là người học đang đối mặt với rủi ro phải tiếp nhận những kiến thức sai lệch.
Hệ lụy khi sử dụng sách giả
“Điều đầu tiên, dễ nhận thấy nhất khi học sinh mua phải sách giả là giấy in và mực in các cuốn sách đó kém chất lượng. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập của học sinh”, ông Bính cho biết.
Theo Phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, vấn đề hình thức chỉ là phụ, rủi ro về nội dung, chất lượng "bên trong” cuốn sách giáo khoa giả mới là điều đáng báo động. “Điều đáng lo ngại nhất là học sinh sử dụng sách in lậu với những sai sót về màu sắc, đường nét, nội dung, dẫn đến sai lệch về kiến thức thu nhận”.
Sách giả (bên trái - được khoanh đỏ) với các sai sót về nội dung, quy chuẩn so với sách thật. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam.
Lấy ví dụ, ông Bính chỉ ra điểm khác nhau trong hình ảnh bản đồ giữa một cuốn sách thật và sách lậu. Cụ thể, sách thật có màu sắc, đường nét phân chia ranh giới lãnh thổ, biển đảo, chủ quyền đúng quy định còn sách giả thì các nét in mờ nhạt, đường ranh giới sai quy chuẩn.
Trong nhiều trường hợp khác được phát hiện, sách giả trong quá trình in ấn, scan lậu đã làm sai hẳn bản chất, nội dung bên trong cuốn sách.
“Trong atlat địa lý, đá Gia Hội - bãi Thám Hiểm thì bị in thành đá Gia Phú - bãi Thám Hiểm trong bản sách giả. Hay trong một cuốn sách bài tập lớp 5, một phép tính chính xác trong sách thật là dấu “=” thì sách giả lại in thành dấu “+” ”, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam phân tích.
Bên cạnh nội dung sai, hình thức kém, sách giả còn không thể cung cấp những tiện ích, phần mềm hỗ trợ dạy và học mới, mà chỉ sách thật mới có.
Sách giả sai chính tả, sai phép tính. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam.
Cụ thể, sách tiếng Anh của NXB Giáo dục Việt Nam được dán thẻ cấp quyền sử dụng phần mềm hỗ trợ tại bìa 4. Học sinh mua phải sách giả sẽ không thể truy cập và sử dụng các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung... do mã code của sách được quản lý trên dữ liệu online, sách lậu in code giả bị chặn truy cập.
Tại sao sách giả vẫn “tồn tại”?
Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho biết các tổ chức, cá nhân in lậu, làm giả, tiêu thụ xuất bản phẩm giả không phải đầu tư xây dựng đề tài, bản thảo; không phải chi tiền bản quyền, nộp thuế cũng như chất lượng mực, giấy in, chất lượng hoàn thiện thấp... nên xuất bản phẩm lậu, giả thường có mức giá "ưu đãi".
Sách giả (bên phải) không thể truy cập mã code như sách thật. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam.
Phân tích thêm, ông Bính cho biết tình trạng in lậu chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả nên mặc cho có rất nhiều khuyết điểm, rủi ro, sai sót nhưng sách giả, không chỉ riêng SGK mà sách ở nhiều thể loại, vẫn được bán công khai ở vỉa hè, lề đường, thậm chí trong các cửa hàng sách và len lỏi vào cả trường học.
“Tình trạng in và phát hành sách in lậu vẫn diễn ra phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô”, Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam nhận định.
Theo ông, dù những quy định của pháp luật trong Luật Xuất bản, Luật Bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ cũng như các Thông tư, Nghị định đã đảm bảo tương đối chặt chẽ trong việc quản lý các cơ sở in, nhưng sự phát triển của công nghệ cũng như trong việc trao đổi thông tin, giao nhận hàng hóa đã tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức in - phát hành sách giả hoạt động ngày càng tinh vi, chặt chẽ, kín đáo.
Công nghệ in ấn phát triển tạo điều kiện cho tội phạm in - phát hành sách giả. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam.
Một vấn đề nữa dẫn đến tình trạng sách giả tràn lan là hệ thống pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập trong việc xử lý các vụ sách giả.
“Dù vụ buôn bán sách giả có lớn đến đâu, thu lợi tiền tỷ, thì các cơ quan chức năng cũng chỉ có thể xử phạt hành chính. Bộ luật Hình sự chưa có quy định hay khung hình phạt cho hành vi phát hành sách giả, sách in lậu”, ông Bính cho biết.
Chia sẻ với Zing, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng sách giả nên được coi là một loại hàng hóa giả, và khi đó, cơ quan tố tụng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm tại Điều 192, Bộ luật Hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.
Trước đó, ngày 18/6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an, phối hợp với Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động đã triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ hơn triệu sách giáo khoa giả. Trong vụ án, cơ quan chức năng đã tạm giữ hơn 3,2 triệu cuốn SGK giả của NXB Giáo dục Việt Nam, 3 dây chuyền máy in Offset; hơn 1,5 triệu tem giả của nhà xuất bản; 5 ôtô tải và nhiều máy móc, công cụ dùng để bốc xếp, vận chuyển sách; khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn thu bất hợp pháp. Kết quả điều tra ban đầu xác định đường dây này đã thu lời bất chính gần 50 tỷ đồng. |