Sản phẩm » Giới thiệu sách

KÉM KHOÁNG HOÁ MEN RĂNG HÀM LỚN - RĂNG CỬA (MIH) – NGHỆ THUẬT CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VÀ KIỂM SOÁT

Thứ Năm, 30/11/2023 | 10:57

Số lượt xem: 1004

Trong nhiều thập kỉ qua, nghiên cứu cơ chế bệnh sinh và điều trị các khiếm khuyết men răng trong quá trình phát triển luôn là một chủ đề mà các chuyên gia nha khoa bảo tồn quan tâm đến. Đặc biệt, men răng kém khoáng hoá ở các răng hàm lớn-răng cửa (MIH) luôn là chủ đề nóng bỏng.

Cơ chế bệnh sinh phức tạp, bệnh lý có nhiều yếu tố nguy cơ cho nên khi nhắc đến MIH, hiện tại vẫn còn có nhiều bí ẩn cần phải giải mã, đặc biệt là các nguyên nhân liên quan đến di truyền phân tử. Việc điều trị MIH không đơn giản vì đòi hỏi bác sĩ vừa phải hiểu biết cơ chế bệnh sinh, giải phẫu bệnh... thuần thục các kĩ thuật xử lí đơn giản đến phức tạp cũng như phải có lòng đam mê và kiên trì.

Các vấn đề về MIH đã được đề cập nhiều trong các công trình nghiên cứu trên thế giới. Ở Việt Nam cũng có một số nghiên cứu về MIH, trong đó có các nghiên cứu đã được xuất bản mà tiêu biểu là cuốn Kém khoáng hoá men răng hàm lớn - răng cửa (MIH) – Nghệ thuật chẩn đoán, điều trị và kiểm soát của nhóm tác giả là bác sĩ nha khoa biên soạn do GS. TS Võ Trương Như Ngọc làm chủ biên, sách do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 2013.

Trong cuốn sách, các tác giả đã đề cập toàn diện đến các vấn đề của MIH như: từ lịch sử, thuật ngữ đến cơ chế sinh bệnh, thăm khám, điều trị, kiểm soát thông qua mười bài viết chuyên sâu:

Bài 1: Lịch sử nghiên cứu và thuật ngữ

Bài 2: Cơ chế bệnh sinh, các yếu tố nguy cơ của MIH

Bài 3: Mô bệnh học, đặc điểm cơ học và hóa học của răng mắc MIH

Bài 4: Các phương pháp thăm khám, chẩn đoán răng mắc MIH

Bài 5: Chẩn đoán, phân loại MIH và chiến lược điều trị

Bài 6: Điều trị nhóm răng hàm mắc MIH

Bài 7: Điều trị MIH ở nhóm răng phía trước

Bài 8: Kiểm soát đau ở trẻ em mắc MIH

Bài 9: Kém khoáng hoá răng hàm sữa thứ hai

Bài 10: Nhổ răng mắc MIH nặng

Từ bốn thập kỉ qua, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về răng kém khoáng hoá (MIH) được công bố trong đó có nhiều nghiên cứu về trẻ em bị MIH. Các nghiên cứu chỉ ra răng trẻ em bị MIH có nguy cơ bị sâu răng vĩnh viễn cao hơn 2,1 đến 4,6 lần so với trẻ không bị MIH. Nhu cầu điều trị của trẻ em bị MIH cũng cao và khó khăn hơn. Ở Việt Nam có các công trình nghiên cứu của Võ Trương Như Ngọc và Nguyễn Phúc Minh, Hoàng Bảo Duy về MIH và các vấn đề liên quan đã được thực hiện trong năm 2020 và 2021.

Cơ chế bệnh sinh của MIH chưa rõ ràng nhưng các yếu tố được coi là nguyên nhân gây bệnh được chỉ ra như mắc các bệnh cấp và mãn tính, tiếp xúc với ô nhiễm môi trường trong ba tháng cuối thai kì và ba năm đầu đời. Trẻ em  có các vấn đề trước sinh, trong sinh, sau sinh như bị nhiễm trùng đường hô hấp, thiếu oxy, rối loạn chuyển hoá… cũng dễ gặp các vấn đề về răng. Các chuyên gia cũng cho rằng các yếu tố về di truyền cũng dẫn đến MIH.

 Các đặc điểm mô bệnh học, cơ học và hoá học của răng mắc MIH luôn được các bác sĩ nha khoa chú ý để đưa ra được các giải pháp điều trị phù hợp và cũng như như kiểm soát được quy trình sự phòng, ít xâm lấn. Men bị ảnh hưởng bởi MIH có độ xốp tăng lên từ 5% đến 25% so với men răng khoẻ mạnh, mô đun đàn hồi cũng thấp hơn đáng kể. Khi có lực tác động lâu dài, lớp men này có thể bị gãy, vỡ kéo theo làm vỡ các men lành. Men răng bị MIH có đặc trưng là giảm số lượng và chất lượng khoáng chất (giảm hàm lượng Ca2+ và P3+), giảm độ cứng và mô đun đàn hồi (bao gồm cả vùng chuyển tiếp). Ngoài ra, men răng bị MIH có nồng độ carbon và carbonate tăng lên, hàm lượng protein cao hơn men răng lành mạnh.

Để chẩn đoán răng mắc MIH, có nhiều phương pháp khác nhau nhưng phổ biến vẫn là các phương pháp: khám lâm sàng, khám qua ảnh, đèn ánh sáng xuyên thấu. Phương pháp khám lâm sàng hay được sử dụng vì thuận tiện, cho cảm giác tiếp xúc thật và ba chiều về răng, dụng cụ sử dụng đơn giản… nhưng có nhược điểm mang tính chủ quan, dễ bỏ sót tổn thương, tốn kém nhân lực. Phương pháp khám qua ảnh chuẩn hoá thể hiện rất nhiều ưu điểm như: cho phép phát hiện các khuyết tật của men răng, hình ảnh được sao lưu sử sụng nhiều lần… Nhược điểm của phương pháp này là quy trình chụp ảnh cần phải được chuẩn hoá, trang thiết bị  đồng bộ, ảnh chỉ có hai chiều. Phương pháp đèn xuyên thấu được sử dụng để ước tính độ sâu và độ dày của tổn thương một cách tương đối cũng như giúp đánh giá kết quả điều trị, khắc phục được sự hạn chế của phương pháp khám qua ảnh.    

Sau khi phát hiện được các tổn thương thì việc cần thiết là chẩn đoán phân loại MIH để lựa chọn quy trình điều trị và tiên lượng điều trị. Các tiêu chí đánh giá để chẩn đoán MIH dựa theo bộ tiêu chuẩn của EAPD (Viện Nha khoa trẻ em châu Âu) năm 2003. Phương pháp điều trị răng MIH bao gồm: dự phòng, phục hồi cho tới nhổ răng. Trong quá trình điều trị MIH ở trẻ em thì người bác sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa lo lắng và tăng cường khả năng hợp tác của của trẻ. Đối với nhóm răng hàm bị mắc MIH rất dễ gây sâu răng và dễ bị phá huỷ nhanh, vì vậy việc tăng cường vệ sinh răng miệng bằng cách sử dụng nước súc miệng có fluor, véc-ni fluor.  Việc phục hồi thân răng có thể bằng vật liệu trám (nhựa composit, GIC), bằng chụp thép có sẵn, phục hình gián tiếp, điều trị tuỷ và cuối cùng là nhổ răng. Đối với nhóm răng phía trước như răng cửa hàm trên bị MIH thường ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nụ cười. Việc điều trị vẫn dựa trên dự phòng như đối với răng hàm mắc MIH, bên cạnh đó các phương pháp như: vi mài mòn (cơ học và hoá học), nhựa xâm nhập, tẩy trắng cũng được sử dụng.      

Việc điều trị răng hàm bị MIH ở trẻ em gặp nhiều khó khăn do răng hàm thường có độ nhạy cảm mạn tính, nhiều trẻ do sợ đau nên có tâm lý sợ hãi nên không hợp tác. Do vậy, việc thăm khám cần đảm bảo không đau và tạo sự tự tin cho trẻ, tránh để trẻ nhìn thấy các dụng cụ sắc nhọn bằng cách cho trẻ dùng kính đeo mắt, gây tê giảm đau trước khi sử dụng các thủ thuật, sử dụng thuốc giảm đau, an thần sau điều trị.

Giải pháp cuối cùng của việc điều trị răng bị MIH nặng là nhổ răng. Đây  là lựa chọn khả thi mang lại những lợi thế nhất định so với phương pháp phục hình răng giả. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cần lưu ý đến tầm quan trọng của việc lựa chọn đúng thời điểm nhổ răng để tận dụng được xu hướng di chuyển răng tự nhiên, tạo điều kiện thuận lợi đáng kể cho việc đóng khoảng sau khi nhổ răng hàm mắc MIH và cải thiện tiên lượng. Bên cạnh đó, kỹ thuật nhổ răng sang chấn tối thiểu cũng như các biện pháp điều trị bảo tồn xương ổ răng là cần thiết để giảm tối đa tiêu xương sinh lý và phục hồi xương ổ răng sau nhổ răng hàm bệnh lý.

Những bài viết trong cuốn sách đã phân tích về cơ chế bệnh sinh, mô bệnh học về MIH, cách chẩn đoán và phân loại MIH, những ưu nhược điểm của các phương pháp đang được sử dụng để điều trị MIH cho người lớn và trẻ em nhằm mang lại kết quả điều trị tối ưu cho bệnh nhân. Mỗi bài viết đều có nhiều ví dụ cụ thể, có tính thực tiễn, là tài liệu hữu ích cho sinh viên, bác sĩ, nghiên cứu sinh chuyên ngành Nha khoa.

Sách được in trên giấy trắng bóng, bìa cứng, nội dung các bài viết trình bày đẹp với nhiều hình ảnh minh hoạ rất thuận tiện cho việc học tập, nghiên cứu.

Bạn đọc có nhu cầu mua sách vui lòng liên hệ:

Hot line: 0243.9718437 hoặc 0989124110.

Website: https://hevobooks.com/

 

      

Kim Ngọc

Cùng chuyên mục

Kĩ năng phòng cháy và chữa cháy cho học sinh tiểu học

Thứ Năm, 25/04/2024 | 15:51

Hoả hoạn luôn là hiểm họa tiềm ẩn hàng đầu đe dọa sự an toàn của gia đình, nhà trường và xã hội, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ dân cư tập trung đông đúc.

Himalaya - Những cuộc phiêu lưu - Thiền- Cuộc sống

Thứ Sáu, 12/04/2024 | 14:39

Himalaya là dãy núi cao ở châu Á, nơi có đỉnh núi nổi tiếng và cao nhất thế giới là đỉnh Everest - Đỉnh cao kiêu hãnh in dấu chân người.

Văn học trong những tầng sinh quyển văn hoá

Thứ Sáu, 05/04/2024 | 09:47

Văn học trong những tầng sinh quyển văn hoá của PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp là một trong những cuốn sách thuộc mảng sách chất lượng cao của NXBGD VN.

Hướng dẫn nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ tại nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập

Thứ Sáu, 29/03/2024 | 15:47

Làm thế nào để chăm sóc giáo dục toàn diện cho trẻ dưới 3 tuổi luôn là mối quan tâm của giáo viên/người nuôi dưỡng, bởi lứa tuổi này, các em chưa thể bày tỏ rõ những nhu cầu cơ bản của bản thân với những người xung quanh