Tin tức » Tin tức - Sự kiện

Khám phá chuỗi hoạt động học trong SGK tiếng Việt lớp 5 bộ Chân trời sáng tạo

Thứ Ba, 19/03/2024 | 15:03

Số lượt xem: 8519

Mỗi bài học trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5, bộ sách Chân trời sáng tạo được thiết kế thành chuỗi hoạt động khép kín.

Các hoạt động được nhận diện bằng hệ thống logo sinh động và các kí hiệu quen thuộc. Cùng tìm hiểu những điều thú vị và tác dụng của chuỗi hoạt động này mang lại.

Mở đầu bài học bằng hoạt động khởi động, nhóm tác giả muốn kết nối trải nghiệm của học sinh với bài học và văn bản đọc. Hoạt động này gồm câu lệnh và thường kèm từ ngữ hoặc tranh ảnh để khơi gợi hứng thú, giúp học sinh bắt đầu bài học từ những trải nghiệm về văn hoá, xã hội, ngôn ngữ sẵn có.

Hoạt động khởi động được thiết kế phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, là những gợi ý để giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp, kĩ thuật dạy học.

Chuỗi hoạt động khám phá và và luyện tập bao gồm: Đọc, nói và nghe, luyện từ và câu, viết.

Hoạt động đọc gồm đọc văn bản và đọc mở rộng.

Đọc văn bản

Sau văn bản đọc là một số từ ngữ mới hoặc khó cần chú giải.

Hệ thống câu hỏi, bài tập đọc hiểu được đặc biệt chú trọng để đáp ứng các yêu cầu đọc hiểu nội dung; đọc hiểu hình thức… và phù hợp với thể loại văn bản; phát triển và nâng cao so với các lớp dưới. Bên cạnh câu hỏi tự luận, câu hỏi trắc nghiệm cũng được chú ý khai thác với một số hình thức: trắc nghiệm lựa chọn, trắc nghiệm đúng – sai, trắc nghiệm trả lời ngắn... Đặc biệt, nhiều câu hỏi được thiết kế kèm gợi ý là hình ảnh, sơ đồ... sinh động, phù hợp với đặc điểm nhận thức của học sinh.

Sau các câu hỏi, bài tập đọc hiểu ở bài 1 và bài 5, sách có thiết kế thêm hoạt động cùng sáng tạo nhằm mục đích khuyến khích khả năng liên tưởng, tưởng tượng và năng lực sáng tạo của học sinh trên cơ sở hiểu nội dung và ý nghĩa của văn bản đọc.

Đọc mở rộng

Hoạt động đọc mở rộng được được thiết kế dưới dạng giờ sinh hoạt câu lạc bộ đọc sách theo chủ điểm, thường gồm các hoạt động: Tự học (thực hiện ở nhà) với những gợi ý cụ thể, chi tiết, giúp học sinh tìm đọc văn bản và viết nhật kí đọc sách; Chia sẻ: học sinh sử dụng văn bản đã tìm đọc và nhật kí đọc sách để chia sẻ trong nhóm hoặc trước lớp theo gợi ý; Thi: sau khi chia sẻ cùng bạn, học sinh được chọn một hình thức thể hiện kết quả đọc phù hợp với nội dung và thể loại văn bản; Ghi chép một số nội dung liên quan đến văn bản được nghe chia sẻ và tìm đọc văn bản đó.

Hoạt động nói và nghe được thiết kế ở bài 2 và bài 6 với các yêu cầu nói, giới thiệu, kể, trao đổi, thảo luận,... Ngữ cảnh nói và nghe đa số gắn với văn bản đọc, với chủ điểm hoặc thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, tuân thủ yêu cầu cần đạt của chương trình, kĩ năng nghe ghi và nói có sử dụng phương tiện hỗ trợ cũng đặc biệt được chú trọng.

Hoạt động luyện từ và câu được chia thành hai nhóm bài là mở rộng vốn từ và kiến thức Tiếng Việt.

Bài mở rộng vốn từ được thiết kế gắn với chủ điểm, nhằm mục đích làm phong phú kho từ vựng mà các em đã được tích lũy ở các lớp dưới. Với hệ thống bài tập đa dạng về nội dung, sáng tạo về hình thức, 8 bài học cung cấp cho các em một số từ ngữ mới, nghĩa mới của từ và quan trọng hơn là giúp các em sử dụng các từ ngữ này một cách hiệu quả trong học tập và giao tiếp.

Nhóm tác giả chọn chiến lược dạy kiến thức tiếng Việt gắn với ngữ cảnh sử dụng, ưu tiên dạy ý nghĩa của ngôn từ hơn hình thức, cấu trúc của ngôn ngữ. Hệ thống bài tập được thiết kế theo hướng vận dụng, ngữ liệu dạy kiến thức tiếng Việt được chọn lọc khiến việc hình thành kiến thức trở nên gần gũi, nhẹ nhàng, làm nên màu sắc riêng của bộ sách.

Hoạt động viết được thiết kế thành hai nhóm bài:

Viết đoạn văn

Thông thường, mỗi kiểu bài được dạy từ 3 đến 4 tiết (tương ứng với 1 - 2 đề bài) theo quy trình 4 bước: Nhận diện thể loại; tìm ý; thực hành viết đoạn văn; đánh giá đoạn viết.

Viết bài văn

Thông thường, mỗi kiểu bài được dạy từ 8 đến 13 tiết (tương ứng với 1 - 2 đề bài) theo các bước: Nhận diện thể loại; quan sát và tìm ý; lập dàn ý; viết đoạn mở bài; viết đoạn thân bài; viết đoạn kết bài; viết bài văn hoàn chỉnh; trả bài viết.

Mỗi nhóm bài đều có hình thức tổ chức nhận diện thể loại đa dạng; đoạn văn, bài văn sử dụng để hướng dẫn học sinh nhận diện thể loại thường có cấu trúc rõ ràng, diễn đạt gãy gọn, trong sáng, phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh. Đặc biệt, nhóm tác giả luôn chú trọng hướng dẫn học sinh tìm ý, lập dàn ý hoặc gợi ý bằng sơ đồ tư duy đơn giản dạng hình ảnh giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ.

Hoạt động vận dụng được thiết kế bao gồm vận dụng trong phạm vi bài học và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống, hỗ trợ học sinh kết nối kiến thức, kĩ năng được trang bị qua bài học vào đời sống với hình thức sinh động, được các em yêu thích như chơi trò chơi, sáng tác, hát, vẽ...

Ở mỗi kiểu bài, hoạt động này được thiết kế đa dạng, gồm cả kênh chữ (từ ngữ, câu hỏi, đoạn văn…) và kênh hình (hình minh hoạ, tranh ảnh, sơ đồ...) vừa tạo hứng thú, vừa có giá trị khơi gợi giúp học sinh sáng tạo trong nói, viết; đồng thời giúp giáo viên chủ động trong tổ chức hoạt động dạy học, phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

Xem xét các hoạt động trong từng bài học, có thể khẳng định điểm mới nổi bật của sách Tiếng Việt 5 là tổ chức dạy học đọc, viết, nói và nghe; kiến thức tiếng Việt và kiến thức văn học gắn với ngữ cảnh chân thực, chú ý khai thác kinh nghiệm xã hội và kinh nghiệm ngôn ngữ của học sinh.

Các bài học trong sách được thiết kế mở, trao quyền chủ động cho giáo viên trong quá trình tổ chức, hướng dẫn cũng như tạo cơ hội cho học sinh sẵn sàng tham gia các hoạt động, mở ra cho thầy cô và các em một chân trời sáng tạo, đúng như tên gọi của bộ sách.

 

TS. Trịnh Cam Ly (Đồng Chủ biên SGK Tiếng Việt 5, bộ sách Chân trời sáng tạo)

Nguồn: Báo Giáo dục Việt Nam

Cùng chuyên mục

NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC VIỆT NAM TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG ĐOÀN NĂM 2024

Thứ Bảy, 21/12/2024 | 11:14

Ngày 21/12/2024, tại Hà Nội, Công đoàn NXB Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Hội nghị tổng kết công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2024 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Thứ Bảy, 21/12/2024 | 10:47

Ngày 20/12/2024, Hội nghị tổng kết công tác “Vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025” của Ban “Vì sự tiến bộ phụ nữ” Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã diễn ra tại Ba Vì.

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN CÔNG TÁC CÔNG ĐOÀN NĂM 2024

Thứ Bảy, 21/12/2024 | 09:36

Ngày 20/12/2024, nhằm triển khai Chương trình hoạt động năm 2024 của Công đoàn NXBGDVN, Công đoàn NXB Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho cán bộ làm công tác công đoàn.

Lễ ra mắt bản dịch tác phẩm văn học thiếu nhi "Papelucho"

Thứ Sáu, 20/12/2024 | 16:03

NXBGDVN - Sáng ngày 20/12/2024, tại Hà Nội, NXB Giáo dục Việt Nam và Đại sứ quán Chile tại Việt Nam đã tổ chức Lễ ra mắt bản dịch tác phẩm văn học thiếu nhi Papelucho.