Tin tức » Tin tức - Sự kiện
Không ngờ làm sách giáo khoa phức tạp đến thế
Thứ Hai, 15/07/2024 | 10:11
Số lượt xem: 1607
|
Vẫn như hồi làm Tổng biên tập Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Tiến Thanh mặc áo pull, quần jean, không giống chủ tịch kiêm tổng giám đốc một công ty nhà nước. Câu chuyện giữa chúng tôi cũng thẳng thắn, cởi mở như tính khí của ông vậy.
“Về công tác xuất bản nói chung thì tôi hiểu, vì bố tôi làm công tác xuất bản. Nhưng về xuất bản sách giáo dục và đặc biệt là sách giáo khoa (SGK) thì nó khác xa hình dung của tôi. Khi còn làm báo, tôi không hình dung ra việc để có một bộ SGK phải qua nhiều khâu và phức tạp kinh khủng như vậy” - ông Nguyễn Tiến Thanh, tân Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên NXB Giáo dục Việt Nam bắt đầu câu chuyện về công việc mới mẻ.
Doanh thu NXB Giáo dục Việt Nam lên tới 3.000 tỷ đồng. Con số này thực sự khiến nhiều người bất ngờ.
Ông Nguyễn Tiến Thanh: NXB Giáo dục Việt Nam khác xa so với hình dung của tôi cả về quy mô tổ chức và khối lượng công việc. Hiện nay cả nước có 57 NXB được tổ chức dưới hai mô hình là đơn vị sự nghiệp có thu và doanh nghiệp một thành viên 100% vốn nhà nước. NXB Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nhưng được Thủ tướng cho thí điểm theo mô hình tổ hợp công ty mẹ - con. Hiện nay có 38 công ty con và công ty thành viên. Trước đây còn nhiều hơn. Vì là mô hình thí điểm nên vừa làm, vừa phải dò dẫm, rút kinh nghiệm.
Trước khi giữ vai trò lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Thanh từng nhiều năm làm Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật.
Trong số 57 nhà xuất bản hiện nay với tổng doanh thu của cả ngành xuất bản là khoảng trên 4.000 tỷ, riêng NXB Giáo dục Việt Nam chiếm trên 3.000 tỷ. Tức là NXB Giáo dục Việt Nam chiếm trên 70% doanh số. Một năm, như năm 2023, Việt Nam in khoảng trên 400 triệu bản sách, riêng NXB Giáo dục Việt Nam trên 300 triệu. Tức là NXB Giáo dục Việt Nam cũng chiếm hơn 70% đầu bản sách.
NXB Giáo dục Việt Nam hiện nay, ngoài công ty mẹ, còn có 4 nhà xuất bản ở các vùng miền. Đây là cánh tay nối dài của NXB Giáo dục Việt Nam và quản lý các công ty con của NXB Giáo dục Việt Nam tại các vùng miền đó. Đó là mô hình khá đặc thù và rất lớn, tôi lại là người mới về nên còn nhiều cái mới mẻ phải nghiên cứu và học hỏi thêm.
Từng nhiều năm là Tổng biên tập, ông không lạ gì việc xuất bản. Vậy vì sao ông lại ngạc nhiên với việc xuất bản SGK?
Ông Nguyễn Tiến Thanh: Để xuất bản một cuốn sách hoặc ấn phẩm báo chí thì lâu nay làm nhiều rồi, nhưng xuất bản SGK lại vô cùng khác. Thứ nhất, nó đòi hỏi sự chính xác cao độ, sự nghiêm cẩn tuyệt đối. Hai là, mất rất nhiều công sức. Thứ ba là, khác với các loại sách khác, quá trình để đến được với người dùng rất gian nan.
Từ khâu đầu tiên là tổ chức hệ thống tác giả. Trong hệ thống tác giả thì phải có người có chuyên môn sư phạm lâu năm. Thường là các nhà giáo từng làm việc trực tiếp tại các trường. Lại phải có các nhà khoa học đầu ngành để đảm bảo tính chính xác, chính thống. Chính vì vậy, tổ chức được một hệ thống các tác giả là một việc làm vô cùng khó khăn. Thứ hai là vấn đề bản quyền. Sách giáo khoa vô cùng nhiều bản quyền: bản quyền về nội dung, hình ảnh, âm thanh. Vì vậy hệ thống nhân sự làm về công tác bản quyền cũng rất lớn. Thứ ba là, sau khi tổ chức làm bản thảo xong, phải thực nghiệm tại các trường một thời gian dài. Khi được chấp nhận rồi thì bản thảo mới được hình thành. Khi bản thảo hình thành rồi phải qua một hội đồng xét duyệt của Bộ GD&ĐT rất gắt gao. Và cũng trượt rất nhiều. Có những bản thảo, tập sách mà qua Hội đồng thẩm định nhiều năm mới xong được.
Sau đó để in ấn được thì NXB Giáo dục Việt Nam cũng khá gian nan. Để in ấn được thì phải đấu thầu. Hầu như thời gian của anh em là quay vào công tác đấu thầu. Như năm ngoái và năm nay tôi mới về anh em phải tập trung vào đấu thầu mua giấy. Rồi đấu thầu hộp carton để chứa sách. Cuối cùng mới đến đấu thầu in. Chỉ cần trục trặc một trong ba khâu đó thôi thì rất phức tạp và nó ảnh hưởng ngay đến tiến độ phát hành sách.Sang năm, chúng tôi dự kiến cải tiến là cho đấu thầu in trọn gói. Làm như thế vừa rút ngắn được thời gian vừa đỡ tốn công sức của cán bộ, công nhân viên.
Sau khi in xong rồi, thông qua 7 công ty phát hành đầu mối để đưa sách đi các công ty phát hành sách Giáo dục địa phương, đến từng tỉnh, từng phụ huynh, thầy cô và học sinh. Nhưng công việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Bởi vì có SGK để giáo viên dùng được phải có khá nhiều sách đi kèm như sách hướng dẫn giáo viên. Mà sách đó là miễn phí. Tức là để có một bộ SGK phải rất nhiều thứ đi kèm theo, khác xa mình hình hình dung trước đây.
Tiếp theo là phải tổ chức tập huấn cho giáo viên 63 tỉnh thành. 3 tháng vừa qua tôi về đây là tập trung vào tổ chức tập huấn. Đây là một khối lượng công việc khổng lồ đối với NXB Giáo dục Việt Nam.
Ông có lần thổ lộ rằng lâu nay NXB Giáo dục Việt Nam hay bị dư luận hiểu không đúng. Vậy “nỗi oan” của NXB Giáo dục Việt Nam nằm ở đâu?
Ông Nguyễn Tiến Thanh: Thực ra lâu này NXB Giáo dục Việt Nam cũng bị hiểu sai nhiều. Tôi xin thưa làm SGK là lãi rất ít, nếu không muốn nói là không có lãi.
Sau năm 2018 Bộ GD&ĐT mới làm bộ sách mới này. Đến năm nay, sau 6 năm, NXB Giáo dục Việt Nam mới làm xong bộ SGK lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Quốc hội yêu cầu xã hội hóa SGK.
NXB Giáo dục Việt Nam không độc quyền nữa nên hiện nay NXB có 2 bộ SGK: một bộ ở phía Bắc là Kết nối tri thức với cuộc sống. Bộ ở phía Nam là Chân trời sáng tạo. Còn Công ty Vepic (của ông Ngô Trần Ái, nguyên TGĐ NXB Giáo dục Việt Nam) cũng có một bộ SGK Cánh diều, đây là bộ SGK xã hội hóa.
Hiện nay SGK của NXB Giáo dục Việt Nam rẻ hơn của tư nhân là 30% nhưng vướng víu nhiều các thủ tục nhà nước. Mọi người cứ hình dung sai về SGK. Lãi là ở các sản phẩm khác, các sản phẩm kèm theo SGK. Bản thân SGK là hầu như không có lãi. Nếu bây giờ mà giảm nữa thì tư nhân họ sẽ kiện ngay: “Ông” chiếm 70% thị trường, “ông” dẫn dắt thị trường, “ông” chi phối thị trường, “ông” làm thế là không lành mạnh, “ông” phá giá.
Hơn nữa NXB Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Vì vậy toàn bộ lợi nhuận là nộp vào ngân sách. Công tác truyền thông của NXB Giáo dục Việt Nam chưa làm rõ để xã hội hiểu cặn kẽ, cứ tưởng NXB Giáo dục Việt Nam thích thay SGK để kiếm chác. Khác với các công ty làm sách tư nhân. Sau khi họ làm ăn có lãi, họ đóng thuế và dư ra họ được hưởng, còn chúng tôi lãi nộp ngân sách, chỉ trích lại một phần trả lương và các loại bảo hiểm và quyền lợi khác.
Từ trước đến nay, nhiều người, trong đó có cả tôi, cũng hình dung sai về chuyện đó. NXB Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước, nên nếu lãi cao thì phải luôn luôn tự hào và được xã hội đánh giá cao, nhưng lại luôn luôn bị hiểu nhầm rằng lãi cao về SGK.
NXB Giáo dục Việt Nam quản lý một đội ngũ tác giả có chuyên môn cao và sâu. Trong đó không ít tác giả có học hàm học vị Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học. Ông là nhà báo giỏi, từng là một Tổng biên tập tài năng, nhưng lại không có học hàm học vị. Vậy việc quản lý đội ngũ này có gặp khó khăn?
Ông Nguyễn Tiến Thanh: Thực ra gốc của tôi cũng là giáo dục. Trước khi đi làm báo tôi được giữ lại trường dạy khoa ngữ văn 4 năm. Tôi về đây cũng có thêm may mắn nữa là thiết chế mô hình ở đây nó hơi khác với cơ quan báo chí. Ở đây có HĐTV, tôi là Chủ tịch và có Ban Tổng giám đốc, tôi là Tổng giám đốc.
Trước đây, theo mô hình cũ là Chủ tịch riêng và Tổng giám đốc riêng. Theo Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp nhà nước Chủ tịch HĐTV không được kiêm Tổng giám đốc. Nhưng Luật Xuất bản thì lại yêu cầu Tổng giám đốc phải là Chủ tịch HĐTV. Nghiên cứu mãi và chúng tôi đi đến thống nhất là cơ cấu lại tổ chức theo Luật xuất bản, Chủ tịch HĐTV viên kiêm Tổng giám đốc.
Đồng thời Luật Xuất bản cũng quy định chức danh Tổng biên tập là một chức danh riêng. Tổng biên tập là người điều phối nội dung, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng giám đốc về nội dung. Cho nên cũng rất may mắn là như vậy. Còn về tiếp cận với đội ngũ tác giả thì cũng là một việc. Anh nên nhớ tôi là Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc. Nhiệm vụ của tôi là quản lý và điều hành. Tôi sẽ cố gắng tập hợp những anh chị em có có học hàm học vị cao hơn tôi, tạo điều kiện tốt nhất có thể được để họ thể hiện hết khả năng và trí tuệ của họ đóng góp cho NXB; đoàn kết họ lại để cùng nhau phấn đấu vì sự nghiệp chung.
Cũng xin nhấn mạnh là phần nội dung cụ thể do Tổng biên tập và các Phó tổng biên tập chịu trách nhiệm. Tổng giám đốc chỉ là người chịu trách nhiệm cuối cùng thôi. Ở đây NXB Giáo dục Việt Nam có Tổng biên tập và 12 Phó tổng biên tập phụ trách 12 môn. Hầu hết các anh chị ấy đều là GS, PGS, TS và là các chuyên gia giỏi, cũng là các học giả đầu ngành nên tôi rất yên tâm điều phối công việc nội dung và sản xuất kinh doanh cho thật tốt thôi.
Là Chủ tịch, Tổng giám đốc, ông phải chịu trách nhiệm cuối cùng. Với một khối lượng công việc phải ký xuất bản khổng lồ như vậy, liệu có quá tải?
Ông Nguyễn Tiến Thanh: Quy trình của NXB là rất nghiêm ngặt, quy định cụ thể từ khâu tổ chức bản thảo, biên tập lần một, lần hai. Sau đó đến các khâu duyệt; Phó tổng biên tập, Tổng biên tập duyệt và cuối cùng mới đến Tổng giám đốc. Thông thường một cuốn sách phải có 4 đến 5 chữ ký. Đọc thật kỹ thì chắc là với vai trò Tổng giám đốc thì không đọc kỹ được, nhưng lướt sơ bộ về nội dung tổng thể thì nhất định phải làm rồi. Giống như khi mình duyệt báo thôi.
Nhưng khối lượng công việc thì nó lớn hơn rất nhiều. Trung bình một năm ký duyệt để xuất bản sách Tổng giám đốc phải ký tới 30.000 chữ ký. Một ngày cũng phải ký một xe sách. Một khối lượng công việc khổng lồ như vậy, nên mỗi ngày tôi làm việc ít nhất là 12 tiếng. May cơ quan gần nhà nên cũng thuận lợi. Có thể nói công việc hiện nay của tôi vất vả hơn gấp 10 lần khi còn làm Tổng biên tập.
Thay đổi người đứng đầu thường sẽ kéo theo những thay đổi về tổ chức, vận hành bộ máy và công việc. Công việc đầu tiên, ông làm khi trở thành người đứng đầu NXB Giáo dục Việt Nam là gì?
Ông Nguyễn Tiến Thanh: Tôi về NXB Giáo dục Việt Nam ngày 15/5/2024, đến nay là gần 60 ngày, đúng vào giai đoạn nước rút chuẩn bị in và phát hành SGK. Vì vậy việc đầu tiên là phải tập trung vào vấn đề này. Tuy nhiên, công việc cũng rất bộn bề. Như tôi đã nói NXB Giáo dục Việt Nam trước đây là tự mua vật tư như giấy để cung cấp cho nhà in. Vì là doanh nghiệp nhà nước nên dứt khoát phải đấu thầu. Mà năm vừa rồi lại thay đổi phương thức đấu thầu. Đó là đấu thầu qua mạng nên còn nhiều bỡ ngỡ.
SGK đã xã hội hóa nên phải thông qua các công ty đầu mối phát hành mới nắm được số lượng sách cần in. Đấu thầu xong, nếu phát sinh ra một số lượng mới cần in tiếp thì lại phải đấu thầu tiếp. Mà mỗi lần đấu thầu mất chừng 70 ngày.
Đó là đấu thầu giấy. Sau đấu thầu giấy là đấu thầu công in. Tiếp theo là đấu thầu thùng carton. Hơn nữa, năm nay, theo luật đấu thầu mới phải cộng thêm 7,5% giá giấy sản xuất nội địa so với giá nhập khẩu. Năm nay phải dùng giấy nội địa, mà giấy nội địa thì nó xốp hơn giấy nước ngoài. Năm ngoái dùng giấy của Nhật Bản mỏng và trơn nên in ra sách mỏng hơn. Năm nay giấy xốp hơn nên in ra dày hơn, nên hộp carton để chứa sách cần nhiều hơn năm ngoài. Và, hiện nay đang thiếu đến mấy trăm nghìn hộp carton. Vì thế lại đang phải đấu thầu lại hộp carton. Đấy nó phức tạp như vậy đấy. Tức là anh có sách rồi nhưng thiếu hộp đựng anh cũng không vận chuyển được.
Sách giáo khoa do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành.
Vì vậy, khi về tôi thấy thực tế đó nên đã làm hẳn một kế hoạch, rồi hội thảo do Hiệp hội in tổ chức để xin ý kiến các nhà in là năm tới sẽ đấu thầu trọn gói. Không tự mua vật tư như giấy, hộp carton để đóng gói nữa. Như thế sẽ rút gọn được 3 khâu đấu thầu và rút gọn được nhiều thời gian và công sức. Hơn nữa cũng để cho nhà in họ tự chủ được giấy. Khi giấy rẻ thì họ mua vào.
Đồng thời tôi cũng chỉ đạo anh em là lập kế hoạch 2 giai đoạn. Thông thường, trước đây NXB lập kế hoạch trên cơ sở lấy số liệu từ các đầu mối phát hành. Lập từ tháng 7 tháng 8, nhưng nó thay đổi liên tục đến tháng 1 tháng 2 năm sau mới xong và mới đấu thầu được giấy. Sau đó mới đấu thầu công in. Như thế là rất là muộn. Thông thường thì các nhà in giai đoạn tháng 8 đến tháng 12 họ rất nhàn rỗi. Tháng 1 tháng 2 đấu thầu xong, đến tháng 3 tháng 4 bắt đầu in khi ấy các nhà in rất bận rộn. Họ thậm chí phải gác lại các việc khác để in cho mình.
Đấu thầu 2 giai đoạn là căn cứ vào sản lượng năm ngoái từng đầu sách, từng thị trường lập ra kế hoạch giai đoạn 1 in khoảng 80% . Đến giai đoạn 2 khoảng tháng 12 tháng 1 năm tiếp theo, khi thống kê được số liệu cụ thể (còn khoảng 20-25 % chẳng hạn) thì in tiếp. Nếu sau đó có phát sinh nữa thì số lượng cũng rất nhỏ nên dễ xoay chuyển chứ cứ để như bây giờ thì rất căng thẳng. Như vậy, tôi tin rằng năm sau sẽ làm chủ được tiến độ làm SGK.
Ngoài xuất bản SGK và các loại sách bổ trợ kèm theo ra NXB Giáo dục Việt Nam có dự kiến mở ra một một loại ấn phẩm mới như các loại sách kinh điển hoặc có hàm lượng trí tuệ cao về giáo dục không?
Ông Nguyễn Tiến Thanh: NXB Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước. Trước đây thường thiên về sản xuất kinh doanh bảo tồn vốn nhà nước và có lợi nhuận mà chưa chú trọng lắm đến công tác xuất bản những ấn phẩm tương xứng với tiềm năng còn rất lớn chưa được khai thác hết của NXB. Nhiều sản phẩm có giá trị cao về trí tuệ trước đây và kể cả hiện nay chưa được chú trọng vì làm những cuốn sách đó thường không có lãi.
Tuy nhiên là NXB quốc gia, lớn nhất nước, phải có những sản phẩm giáo dục khác mang tính trí tuệ cao về giáo dục phục vụ xã hội thì uy tín và thương hiệu của NXB Giáo dục Việt Nam mới ngày càng được nâng cao và xứng tầm với nhiệm vụ được giao. Còn để bảo tồn vốn nhà nước và có lợi nhuận cao là đúng, nhưng NXB có nhiều sản phẩm khác nhau, cái này bù cho cái kia, vừa có lợi nhuận vừa có uy tín và thương hiệu. Và thương hiệu cũng là một tài sản.
Qua 4 lần cải cách Chương trình học và SGK (năm 1975, 2000, 2002-2008 và 2018) quanh đi quẩn lại vẫn là “Một chương trình một bộ sách”, rồi “Một chương trình nhiều bộ sách”. Còn nhớ năm 2018 sau Nghị quyết 88 của Quốc hội về “Một chương trình nhiều bộ sách” đã được dư luận ca ngợi là từ nay bỏ được độc quyền của NXB Giáo dục Việt Nam. Nhưng rồi năm ngoái, sau khi thanh tra giám sát về đổi mới giáo dục, SGK giáo dục phổ thông thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại ra Nghị quyết 686 giao nhiệm vụ về tổ chức biên soạn một bộ SGK nhà nước. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này và việc này có mang lại nhiều khó khăn cho NXB Giáo dục Việt Nam không?
Ông Nguyễn Tiến Thanh: Mỗi lần thay SGK là cả một vấn đề. Như chúng ta vừa nói ở trên để ra được một bộ SGK không hề đơn giản. Còn nếu bây giờ giao cho một NXB, thậm chí là Bộ GD&ĐT làm một bộ SGK nữa là không làm nổi. Bởi vì các tác giả SGK cũng chỉ có chừng ấy con người. Họ cũng đã viết nhiều SGK rồi. Giờ viết thêm nữa thì không đơn giản.
Hai nữa là chi phí cực lớn. Một bộ SGK chi phí phải hàng nghìn tỷ. Đó là chưa kể để có được một bộ SGK nó mất công sức và thời gian như thế nào. Cho đến năm nay, sau 6 năm thực hiện một chương trình học nhiều bộ SGK thì bên Cánh diều họ cũng chưa hoàn thành hết, còn bên này dù là hoàn thành hết nhưng có sách ngoại ngữ xong cũng không in được.
Rồi thì sách tiếng dân tộc. Bản thảo của NXB là tài sản nhà nước nên NXB Giáo dục Việt Nam phải in và phát hành, nhưng in và phát hành sẽ lỗ. Doanh nghiệp nhà nước phải làm ăn có lãi. Mà không có lãi lại không bảo toàn được vốn thì rất gay go. Còn giao cho các doanh nghiệp bên ngoài thì không được.
Vì vậy tôi đang định dùng lợi nhuận của NXB để hỗ trợ in và phát hành miễn phí cho đồng bào dân tộc. Nghe ra thì dễ và mình cũng sẵn sàng thế, nhưng thủ tục để làm được cái đó là vô cũng khó khăn. Vì vậy tôi dự kiến sẽ làm đề án trình Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt rồi mới làm được. Theo quan điểm cá nhân tôi, cải cách giáo dục gì thì cải cách, phải có sự ổn định. Đến bây giờ mới cơ bản hoàn thành SGK theo chương trình năm 2018. Nếu bây giờ lại thay đổi thì 10 năm nữa mới hoàn thành. Mà cũng chưa chắc đã xong được.
Theo ông Nguyễn Tiến Thanh, một bộ SGK chi phí phải hàng nghìn tỷ. Ảnh: ischool.vn
Lâu này dư luận than phiền nhiều về giá sách. Mặc dù đã xã hội hóa để giảm giá thành, nhưng giá vẫn tăng cao.
Ông Nguyễn Tiến Thanh: Như tôi đã nói giá SGK thì gần như giá gốc rồi, nghĩa là không có lãi. Tuy vậy NXB Giáo dục Việt Nam cũng sẵn sàng giảm giá hơn nữa. Nhưng muốn giảm giá cũng không phải dễ. Các doanh nghiệp khác họ sẽ kiện về phá giá, dù vừa qua NXB Giáo dục Việt Nam được Thủ tướng khen ngợi vì giảm giá 15%.
Nhiều người đang hiểu sai rằng NXB Giáo dục Việt Nam tận dụng nguồn lực bên ngoài xã hội để hưởng lợi, nhưng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, lợi nhuận nộp toàn bộ vào ngân sách chứ có phải NXB này được hưởng hết đâu. Và tôi xin khẳng định là làm SGK hầu như không có lãi. Nếu có thì cũng cực kỳ thấp so với các sản phẩm giáo dục khác như sách tham khảo, sách bổ trợ. Nhưng những loại sách ấy thì ai cũng được làm, đặc biệt là sách tham khảo chứ không phải chỉ riêng NXB Giáo dục Việt Nam được làm.
Lâu này, người ta nói nhiều đến câu chuyện chuyển đổi số.Vậy NXB Giáo dục Việt Nam đã và đang làm gì để hướng tới SGK điện tử?
Ông Nguyễn Tiến Thanh: Tôi cũng dự định hướng điều đó, nhưng thực tế khi về đây thì thấy NXB đã làm chuyển đổi số rất tốt rồi. Đã làm học liệu điện tử bao gồm cả SGK và các tài liệu kèm theo SGK, rồi hình ảnh, video…. Ngoài ra còn có rất nhiều các ứng dụng khác trong chuyển đổi số thì NXB cũng đang làm, có khâu đã làm tương đối tốt.
Chúng tôi coi đó là một hướng đi chiến lược. Tức là phải thay đổi, nó như là báo giấy và báo điện tử. 5 năm nữa SGK sẽ rất khác và 10 năm nữa liệu SGK giấy có còn được sử dụng nữa hay không?
Vì vậy NXB đã và đang có rất nhiều giải pháp được triển khai. Từ khi tôi về đây cũng đã có khá nhiều ý tưởng từ chính NXB và các công ty công nghệ lớn như FPT đề xuất rất nhiều giải pháp. Trong chiến lược phát triển sắp tới là tăng cường các giải pháp công nghệ và đưa AI vào quá trình chuyển đổi số công tác xuất bản.
- Xin cám ơn ông!