Tin tức » Tin tức - Sự kiện
Kiểm soát giá sách giáo khoa - Bài 1: Hóa giải nỗi lo mùa tựu trường
Thứ Tư, 24/07/2024 | 15:19
Số lượt xem: 684Từ khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, vấn đề giá sách giáo khoa luôn là mối quan tâm của cả xã hội bởi giá các bộ sách theo chương trình mới cao gấp 2-3 lần so với bộ sách theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Trong khi đó, sách giáo khoa được coi là mặt hàng đặc thù, thiết yếu để phục vụ công tác giáo dục, liên quan trực tiếp đến các gia đình có trẻ trong độ tuổi đi học.
Trước thềm năm học mới, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm hai bài viết về “Kiểm soát giá sách giáo khoa”, ghi nhận ý kiến của phụ huynh học sinh và các chuyên gia về vấn đề này nhằm định giá sách giáo khoa đảm bảo hài hòa lợi ích các bên và thực hiện an sinh xã hội.
Bài 1: Hóa giải nỗi lo mùa tựu trường
Việc điều chỉnh giảm giá sách giáo khoa từ năm học này là nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống để có giá sách giáo khoa ở mức thấp nhất theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15-2023 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với gần 18 triệu học sinh phổ thông trên cả nước, mỗi đầu sách được giảm giá là tín hiệu vui với mỗi gia đình trước thềm năm học mới.
Giảm giá sách giáo khoa năm học mới
Từ khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, vấn đề giá sách giáo khoa luôn là mối quan tâm của cả xã hội. Ảnh tư liệu: Bích Huệ/TTXVN
Năm học 2024-2025, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam điều chỉnh giảm giá bán sách giáo khoa tái bản lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11; đồng thời, xây dựng giá bán sách giáo khoa các lớp 5, 9 và 12 (xuất bản năm đầu tiên) theo cơ cấu giá đã giảm của sách giáo khoa tái bản. Cụ thể, giá bìa mới của bộ sách giáo khoa “Kết nối tri thức với cuộc sống” giảm 9,6%; giá bìa bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo” giảm 11,2%.
Bảng giá mới đã được niêm yết đầy đủ, công khai tại các điểm bán trên toàn quốc; trên trang thông tin điện tử của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng hành với học sinh trước thềm năm học mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dự kiến tặng khoảng 1.000 tủ sách giáo khoa cho các trường Trung học Cơ sở trên toàn quốc; đồng thời, tặng khoảng 30.000 bộ sách giáo khoa, 2.000 bộ sách giáo viên lớp 5 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho tủ sách giáo khoa dùng chung trong các trường Tiểu học.
Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam cũng công bố giảm 20% giá bìa bộ sách giáo khoa “Cánh Diều” đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo khi mua sách để trang bị cho thư viện trường học. Mức giá trên còn được áp dụng đối với những cá nhân, đơn vị mua sách tặng cho thư viện để học sinh dùng chung. Công ty cũng có chính sách giảm giá sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 cho học sinh khi mua thông qua nhà trường và chương trình tặng sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Có hai con đều đang học Tiểu học nên chi phí để mua sách giáo khoa là mối quan tâm hằng năm của gia đình anh Mai Văn Phương (Hà Nội). Năm nay, khi đi chọn sách giáo khoa cho con, anh rất vui khi thấy giá mỗi cuốn sách giáo khoa đã giảm so với năm trước, có cuốn giảm 1.000 đồng nhưng có cuốn giảm tới 20.000 đồng.
Anh Phương chia sẻ: “Năm nay, tôi thấy giá sách thay đổi như cuốn Mỹ thuật lớp 4, giá bìa là 12.000 đồng nhưng có thêm tem phụ là 11.000 đồng; cuốn Tiếng Anh lớp 1 giá từ 62.000đ giảm xuống còn 42.000 đồng, như vậy là đã giảm khá nhiều. Sách giảm giá thì người làm cha làm mẹ cũng vui mừng, giảm được chút nào thì chi phí cho gia đình lại giảm xuống”.
Cùng chung niềm vui, chị Bình Diên (Hà Nội) cho rằng: Ở thành phố, điều kiện kinh tế tốt hơn mà giảm một chút thế này đã mừng rồi, huống hồ là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, còn rất nhiều khó khăn. Giá sách giáo khoa giảm mỗi thứ một ít thì các con có thêm cơ hội để tiếp xúc với kho tàng khoa học, tri thức rộng mở.
Như vậy, dù các nhà xuất bản đã từng kêu khó nhưng giá sách giáo khoa vẫn có thể giảm khi quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để chia sẻ phần nào gánh nặng với học sinh, phụ huynh và đảm bảo an sinh xã hội.
Đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá
Để điều tiết giá sách giáo khoa đảm bảo công bằng, thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội, đặc biệt cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, Luật Giá năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 đã đưa sách giáo khoa vào mặt hàng do Nhà nước định giá. Theo đó, giá sách giáo khoa của các đơn vị sản xuất, kinh doanh không cao hơn mức giá do Nhà nước quy định.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên tắc định giá là tuân theo các hạng mục cụ thể trong sản xuất mà nhà xuất bản phải chi ra và có mức lợi nhuận phù hợp để tái đầu tư.
Để định giá sách giáo khoa, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần dựa vào ba căn cứ: Trước hết, rà soát các yếu tố cấu thành nên giá sản phẩm. Tiếp đó, căn cứ vào quan hệ cung - cầu trên thị trường để đánh giá xem bộ sách này có quy mô tiêu thụ lớn hay nhỏ… Nếu chúng ta sử dụng một bộ sách giáo khoa thì quy mô rất lớn, nhưng có nhiều bộ sách thì thị phần bị chia sẻ hay những bộ sách chuyên biệt cho người khiếm thị, người dân tộc thiểu số thì quy mô cũng nhỏ… Cuối cùng, khi định giá, thường đề cập đến giá các sản phẩm tương đồng trên thị trường. Hiện, không chỉ có sách giáo khoa mới là sản phẩm in để bán, mà nhiều sách khác cũng in để bán và nội dung, cách thức, kiểu cách tương tự nhau. Chúng ta phải căn cứ vào những sản phẩm cùng loại, có tính tương đồng đó để so sánh, đánh giá và làm căn cứ định giá cho sản phẩm sách giáo khoa, đảm bảo không có chi phí bất hợp lý, gây thiệt hại cho người học, nhưng phải đủ để bù đắp cho người sản xuất kinh doanh.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng giá trần đối với sách giáo khoa. Trên tinh thần đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tính toán để ban hành quy định giá tối đa sách giáo khoa, đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các quy định về phương pháp định giá đối với hàng hóa dịch vụ theo quy định của Luật Giá, trong đó có sách giáo khoa.
Ông Trần Thanh Đạm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Đây là công việc quan trọng nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thảo luận với cơ quan liên quan, trao đổi với nhà xuất bản để xác định giá của sách giáo khoa hình thành từ khoản chi phí nào, tính đúng, tính đủ nhưng phải hài hòa lợi ích giữa các bên, phản ánh đúng nguyên tắc phù hợp với thị trường và sự chi trả của người dân.
Bài cuối: Tính đúng, tính đủ khi định giá