Tin tức » Tin tức - Sự kiện
Kiến thức sinh động và tính thực tiễn cao ở SGK Giáo dục Kinh tế - Pháp luật 12
Thứ Sáu, 08/03/2024 | 12:13
Số lượt xem: 939GDVN -Sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 sử dụng cách trình bày bài học theo tuyến chính và tuyến phụ để học sinh dễ nắm tổng thể nội
LTS: Năm học 2024-2025, sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 – bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống sẽ tiếp tục đồng hành cùng học sinh và giáo viên cả nước. Lớp 12 là năm học cuối cấp, vậy sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 sẽ trang bị những kiến thức như thế nào để để góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh? Các giáo viên cần làm gì để đáp ứng yêu cầu dạy học?
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Mai Phương - Chủ biên sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 12.
Phóng viên: Thưa Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Mai Phương, các mạch kiến thức trong sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) có điểm gì mới cần chú ý và được triển khai như thế nào để đảm bảo sự liên thông với các lớp dưới nhưng vẫn đảm bảo định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh sau khi tốt nghiệp?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Mai Phương: Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở cấp trung học phổ thông, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nội dung chủ yếu của môn học là những kiến thức phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật, phù hợp với lứa tuổi; mang tính ứng dụng, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh; được lồng ghép với nội dung giáo dục đạo đức và kĩ năng sống, giúp các em có nhận thức đúng và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Mai Phương trong một buổi Hội thảo giới thiệu sách
Nội dung chương trình Giáo dục kinh tế và Pháp luật 12 vẫn tiếp nối và phát triển các mạch kiến thức từ lớp dưới nhưng cũng có nhiều kiến thức mới mang tính hướng nghiệp cao. Ví dụ như ở lớp 10, các em được hiểu thế nào là tín dụng, rồi từ đó các em sẽ vận dụng kiến thức này để đề ra các ý tưởng và tìm kiếm cơ hội kinh doanh (lớp 11), rồi tiến tới lập kế hoạch kinh doanh (lớp 12). Đối với học sinh cuối cấp, các em đứng trước nhiều ngưỡng cửa như: học đại học, học nghề, hoặc kinh doanh…, cho nên kiến thức về kinh tế pháp luật sẽ giúp các em có được lựa chọn phù hợp nhất.
Phóng viên: Với lượng kiến thức mới khá lớn trong sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12, nhóm tác giả có những gợi ý gì về phương pháp dạy học để tạo sự hứng thú cho học sinh cũng như hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Mai Phương: Đây cũng là điều mà chúng tôi dồn nhiều tâm huyết nhất trong quá trình biên soạn. Với mục tiêu phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, nhóm tác giả đã chọn lọc những tình huống, ngữ liệu phù hợp với sự hiểu biết và trải nghiệm của học sinh để giải quyết vấn đề. Ví dụ như khi dạy về an sinh xã hội, các em có thể thông qua những điều đã thấy trong cuộc sống như: các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với những đồng bào vùng bị thiên tai, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hoặc những người bị khuyết tật… Từ đó những kiến thức về an sinh xã hội của học sinh sẽ hình thành một cách tự nhiên và lâu bền. Đó là mục tiêu sách hướng đến.
Đối với phần bài tập, chúng tôi cũng thiết kế theo hướng đó để sau những giờ học trên lớp, học sinh có thể sử dụng kiến thức của bài học giải quyết các tình huống thực tế của chính các em hoặc trong gia đình.
Với những chủ đề mang tính vĩ mô, ít liên quan trực tiếp đến học sinh, chúng tôi chọn cách trình bày theo hướng diễn dịch. Trước hết, các em phải nắm được những yếu tố có tính chuẩn mực phải thực hiện trong các hoạt động kinh tế và pháp luật. Dựa trên những yếu tố đó, các em mới hoạch định nên kế hoạch hoạt động của chính mình. Trong quá trình hướng dẫn học sinh tham gia giải quyết các tình huống thường gặp, giáo viên cũng có rất nhiều không gian mở để có thể phát huy sự sáng tạo và linh hoạt trong dạy học, đặc biệt là hướng dẫn các em sử dụng kiến thức trong sách áp dụng vào các vấn đề cụ thể ở địa phương nơi các em sinh sống.
Chẳng hạn như bài 11: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong học tập, nếu chỉ nghe tiêu đề thì có vẻ chẳng hấp dẫn, nhưng sách chỉ trình bày một cách ngắn gọn về khái niệm, còn lại tập trung đưa ra những ngữ liệu liên quan đến nhu cầu học tập thực tế của các em.
Sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 sử dụng cách trình bày bài học theo tuyến chính và tuyến phụ để học sinh dễ nắm tổng thể nội dung bài học. Tuyến chính gồm nội dung cơ bản của bài học, còn tuyến phụ là những nội dung ngắn gọn, dễ nhớ xen kẽ trong bài nhằm bổ sung, minh hoạ cho bài học như mục Em có biết, hoặc những câu chuyện, tình huống thường gặp trong thực tế…
Thông qua các xử lí các tình huống cụ thể của bài học cũng như trong cuộc sống, sách cũng đòi hỏi học sinh phải có chính kiến của mình về các tình huống đó. Để làm được điều này, học sinh cần tham khảo thêm các tư liệu khác ngoài sách giáo khoa, thực hiện giao tiếp và hợp tác để cùng nhau giải quyết một vấn đề nào đó.
Phóng viên: Giáo dục Kinh tế và Pháp luật là môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để đảm bảo nội dung và yêu cầu mục tiêu giảng dạy thì giáo viên cần chuẩn bị những gì để dạy tốt môn học này ở cấp trung học phổ thông cũng như lớp 12 nói riêng?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Mai Phương: Với 6 chủ đề ở phần giáo dục kinh tế, 3 chủ đề phần giáo dục pháp luật và 3 chuyên đề học tập với nhiều kiến thức mới, trong đó có kiến thức chuyên sâu hoặc đòi hỏi có sự trải nghiệm của học sinh sẽ là thử thách ban đầu đối với giáo viên khi tiếp cận nội dung sách. Vì vậy, đội ngũ giáo viên cần được bồi dưỡng về kiến thức cũng như phương pháp dạy học.
Sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống)
Tới đây, khi thực hiện việc tập huấn sử dụng sách, chúng tôi sẽ dành thời gian để bổ sung kiến thức mới cho giáo viên. Chúng tôi cũng đã biên soạn nhiều tài liệu để hỗ trợ giáo viên như sách giáo viên, sách bài tập, kế hoạch bài dạy... Những tài liệu này có hướng dẫn cụ thể và kịch bản chi tiết các bài dạy, các mẫu đề kiểm tra tương đương mẫu đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thuận lợi cho giáo viên. Các thầy cô có thể vào trang taphuan.nxbgd.vn tải miễn phí các tài liệu này. Ngoài ra, chúng tôi cũng có các hình thức tương tác trực tiếp qua mạng xã hội facebook theo phạm vi tỉnh, thành.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Mai Phương
Kim Ngọc (thực hiện)
Nguồn: Báo Giáo dục Việt Nam