Tin tức
MỘT CÂY LÀM CHẲNG NÊN NON...
Thứ Năm, 02/06/2022 | 09:21
Số lượt xem: 1423NXBGDVN - Cuộc thi sáng tác "Trang sách tôi yêu" trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài dự thi "Một cây làm chẳng nên non..." của chị Đào Hà - Bảng B (bảng dành cho cán bộ công nhân viên NXBGDVN).
Xuất phát điểm của tôi là một họa sĩ vẽ tranh sáng tác và công việc đó khiến tôi thấy mình có “quyền tối cao” với mỗi tác phẩm – đứa con tinh thần của mình. Sau đó, tôi có gần hai mươi năm làm giảng viên đại học, khi ấy, tôi cũng có sở thích viết những điều mình đã tích lũy được thành tài liệu dạy học giống như một “tác giả”. Thế rồi khi bén duyên với vai trò họa sĩ minh hoạ, thiết kế, chế bản của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tôi đã có cái nhìn khác về việc phối hợp với đồng nghiệp, với tác giả để hoàn thiện một xuất bản phẩm và đã học hỏi được rất nhiều điều.
Cùng đồng nghiệp tạo ra được những trang sách đẹp – cả về nội dung và hình thức để đồng hành với sự phát triển của các thế hệ tương lai của đất nước là một niềm vinh dự đối với tôi. Dù đã có nhiều năm làm công tác chuyên môn nhưng khi đến với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tôi chỉ là một “tân binh” vì mới cống hiến cho nơi này được ba năm. Khi chính thức bắt tay vào công việc, tôi được trăn trở cùng những trang sách, được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc – buồn, vui, mệt mỏi, căng thẳng – và vỡ òa hạnh phúc khi được cầm trên tay những cuốn sách mới còn thơm mùi mực. Tôi thầm cảm ơn cuộc đời, đã cho tôi may mắn được làm việc ở một môi trường mang đến cho tôi những kiến thức mới, mỗi trang sách chứa đựng biết bao trí tuệ và tâm huyết của cả một ê-kip làm việc.
Ngay từ khi mới tiếp cận công việc, tôi đã thấy được sự chỉn chu, cẩn thận của đội ngũ Biên tập viên Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam (Công ty Phương Nam). Nhiệm vụ của biên tập viên là “bà đỡ” các “đứa con tinh thần” của tác giả không chỉ về mặt nội dung, ngữ pháp mà còn góp ý về hình thức và phong cách trình bày; đảm bảo các sản phẩm đều chỉn chu trước khi ra mắt công chúng. Chính vì lẽ đó, những anh chị biên tập viên phải vừa đảm bảo công việc của mình, vừa tôn trọng các ý tưởng và nội dung của tác giả, đồng thời thuyết phục tác giả “tâm phục, khẩu phục” chỉnh sửa từng con chữ, dấu câu trên “đứa con tinh thần” của mình. Đã không ít lần tôi chứng kiến sự căng thẳng, trăn trở của các anh chị biên tập viên khi cần trao đổi với tác giả, sợ tác giả không đồng ý, sợ tác giả hiểu nhầm, sợ tác giả tự ái... nhất là đối với “cây đa, cây đề”, “gạo cội” trong nghề viết lách. Các anh chị đã phải vô cùng cẩn trọng trong quá trình làm việc với tác giả để đi đến sự thống nhất cao cho mỗi cuốn sách. Các biên tập viên hoàn toản hiểu “sách là đứa con tinh thần mà tác giả đã thai nghén với bao tâm huyết, không phải lúc nào tác giả cũng đồng ý sửa lại”.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lại là một đơn vị làm sách chuyên nghiệp với quy trình kiểm định qua nhiều khâu rất khắt khe để đưa ra thị trường những cuốn sách chất lượng. Mỗi cuốn sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trước khi đến tay người đọc phải dạo qua nhiều con mắt “soi”, từ các biên tập viên, họa sĩ, trưởng ban biên tập, ban giám đốc, ban kiểm định, rồi cả phó tổng biên tập - họ đều là những người có trình độ và học vấn nhất định sẽ tìm ra những lỗi mà người chắp bút có thể không kiểm soát hết trong quá trình biên soạn. Sau các khâu trình duyệt, biên tập viên sẽ là người phản hồi với tác giả những ý kiến đề nghị chỉnh sửa, có tác giả đồng ý ngay, nhưng cũng không ít tác giả bảo lưu nội dung ban đầu. Khi đó, biên tập viên chịu trách nhiệm chính về cuốn sách lại phải giải trình lại với các bên liên quan lí do vì sao lại không sửa chữa, bảo lưu. Có những lúc “tiếng nói chung” giữa tác giả, biên tập viên và các cấp đọc duyệt không đồng hành thì “những áp lực không tên đó” đành theo vào giấc ngủ “chập chờn” của biên tập viên... với bao phương án chỉnh sửa bản thảo phải hoàn thành trong những ngày tiếp theo.
Dưới vai trò một họa sĩ, có những trang sách thiết kế mà tôi cho rằng nó đã “hoàn mỹ” nhưng đã phải quay vòng sửa chữa không biết bao nhiêu lần; mỗi khi cuốn sách đi đến được một chặng đường, là nhiều lần chỉnh sửa, mỗi lần như vậy chị biên tập viên lại gọi tên tôi tha thiết “Hà ơi..”. Ôi cái tên cha sinh mẹ đẻ đặt cho tôi, mỗi lần họ gọi tôi, tôi đều cảm giác thân thương và trìu mến, vậy mà khi chị biên tập viên gọi, tôi lại thấy một đống công việc sửa chữa lại đang đổ ụp vào đầu. Không ít lần tôi vui miệng bảo: “thôi chị đừng gọi tên em nữa”… Mỗi cuốn sách dù đã ra mắt bạn đọc “hàng thế kỉ” rồi nhưng những lời góp ý, yêu cầu chỉnh sửa của biên tập viên cứ văng vẳng bên tai như vừa mới từ hôm qua, nào là vẽ mẹ đang ốm sao môi hồng hào thế, đứa trẻ này lớp 2 mà mặt trông hơi già dặn, vật dụng trang phục của người dân tộc này khác với dân tộc kia,… Ban đầu, tâm hồn của một họa sĩ chỉ vẽ tranh sáng tác như tôi khi chuyển sang vẽ tranh minh họa sách theo ý tưởng của tác giả và sự kiểm soát của họ về nội dung, hình ảnh, màu sắc khiến tôi cảm thấy bị bó buộc, tổn thương ghê lắm, nhưng rồi sau này khi vỡ ra, làm sách giáo dục không phải thích vẽ thế nào cũng được, tất cả đều có những quy phạm về tính sư phạm, tính thẩm mĩ một cách chặt chẽ. Tôi đã thầm cảm ơn họ vì có những lời góp ý như vậy tôi mới tiến bộ, nhìn ra được những thiếu sót, hạn chế của bản thân mình.
Ngày nọ, tôi phải làm việc trực tiếp với một tác giả với viết cuốn sách dành cho lớp Một nhưng vì quá tâm huyết nên dưới mỗi hình ảnh lại cho một đoạn dài ghi chú. Tôi rất khó để thiết kế cho đẹp, hình ảnh của mỗi trang lại nhiều nên các tấm hình phải thu gọn rất nhỏ và dày trong một trang. Tôi bèn góp ý với tác giả: “Sách lớp Một không nên để nhiều chữ dưới hình như vậy anh ạ? Quy định ghi chú hình cần ngắn gọn, không nên vừa ghi chú vừa giải thích, như vậy trang sách sẽ khó trình bày đẹp. Theo em sách lớp Một cần hình vẽ sinh động kèm nội dung súc tích sẽ dễ hiểu với học sinh lớp Một – khi các con mới qua độ tuổi mầm non vv…”. Tôi nói thêm một chút nữa rất say sưa mà không để ý gương mặt vị tác giả hơi ngại ngùng với chị biên tập viên đứng cạnh. Khi tác giả đã ra về, chị biên tập viên cười bảo: “Hôm nay em dám thẳng thắn chia sẻ với tác giả và “chững chạc” như một biên tập viên thực sự, điều mà không phải ai cũng dám nói”. Tôi cũng hơi bất ngờ và sợ tác giả sẽ không vui với những lời trao đổi thẳng thắng của tôi, nhưng những bài sau đó, tác giả gửi bản thảo thiết kế đã “gọn gàng” hơn rất nhiều. Tôi tự nhủ: Có lẽ cái đúng sẽ có điểm gặp nhau và việc góp ý để công việc tốt lên thì mọi người sẽ đều đồng thuận vì ai cũng luôn mong muốn những cuốn sách mình làm có nội dung tốt nhất, có ý nghĩa nhất - điều đó khiến tôi hạnh phúc.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam
Dù làm việc tại nhà xuất bản chưa lâu, chỉ gần 3 năm, nhưng tôi hay nói vui là tôi cảm thấy tôi may mắn vì được đi “du lịch tìm hiểu và khám phá nhiều văn hóa vùng miền” thông qua những trang sách, từ các vùng dân tộc thiểu số trải dài Bắc – Trung – Nam tới tận nước Anh xa xôi. Làm sách không chỉ “được đi du lịch” mà còn được góp một phần nhỏ bé cho sự đổi mới và phát triển chung của sự nghiệp giáo dục, của Công ty Cổ phần và Phát triển giáo dục Phương Nam nói riêng và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói chung.
Làm việc cùng các anh chị biên tập viên tôi chứng kiến những thăng trầm của họ, rồi tôi cũng đã có cơ hội làm việc cùng với phòng Truyền thông –Marketing, lại một thế giới hoàn toàn mới, các bạn còn rất trẻ, có bạn nhỏ hơn tôi đến 15 tuổi nhưng rất năng động, sáng tạo, và đặc biệt là họ rất giỏi ngoại ngữ và công nghệ. Tôi đã nhìn thấy mọi người tâm huyết và vất vả thế nào cho công việc truyền thông về sách mới, sản phẩm mới, từ xây dựng kế hoạch cho đến quá trình triển khai thực tế. Dường như mọi người chẳng quản giờ giấc, thời gian. Tôi đã thấy những lần mọi người vội vã, tất bật khi hỗ trợ tập huấn cho giáo viên, khi tìm kiếm thông tin để phản hồi độc giả, chia sẻ thông tin, hướng dẫn truy cập trang sách số, rồi mùa đại dịch bao trùm, công việc đó lại vất vả thêm nhiều lần,… Nhóm Zalo của chúng tôi rung liên tục vì những công việc gấp… Mỗi người một việc nhưng vẫn hỗ trợ nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày nào còn được làm sách, chúng tôi thầm hứa sẽ góp sức mình bằng những việc nhỏ bé nằm trong chuỗi dây chuyền hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam! Bởi lẽ, rất đơn giản, tôi là nhân viên của Công ty Cổ phần và Phát triển giáo dục Phương Nam - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam – nơi tôi đã sống, được sống và làm việc với tinh thần đồng đội cao nhất.