Tin tức » Tin tức - Sự kiện
Một chương trình nhiều sách giáo khoa: hiểu sao cho đúng?
Thứ Tư, 22/01/2025 | 10:20
Số lượt xem: 16Một chương trình nhiều sách giáo khoa được áp dụng khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 đã học sách giáo khoa mới từ năm học 2020 đến nay - Ảnh: VĨNH HÀ
Đây là nội dung đã được quy định tại nghị quyết 88/2014 của Quốc hội, tại Luật Giáo dục. Và phải khẳng định đây là một bước tiến trong giáo dục nước nhà những năm gần đây.
Bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, cùng với việc thực hiện "cuốn chiếu" Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc biên soạn sách giáo khoa mới cũng được triển khai. Cho đến nay đã có đủ sách giáo khoa mới từ lớp 1 đến lớp 12, mỗi năm chỉ thay sách ở một số lớp.
Nhiều ưu điểm
Việc áp dụng sách giáo khoa xã hội hóa, thay thế cho cơ chế một doanh nghiệp nhà nước độc quyền biên soạn, phát hành như trước đã có những ưu điểm như nguồn học liệu đa dạng, chất lượng sách giáo khoa được cải thiện tốt hơn.
Và điều căn bản nhất, việc thực hiện quản lý dạy học dựa trên một chương trình giáo dục thống nhất với nhiều sách giáo khoa, tài liệu được thiết kế phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại và mục đích phát triển năng lực, phẩm chất người học, thay thế cho việc dạy học thiên về cung cấp kiến thức thuần túy.
Nhưng sau 5 năm triển khai, vấn đề nên hay không nên có nhiều sách giáo khoa vẫn được đặt ra. Và mới đây trả lời cử tri của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lại gây "sóng gió" khi ông bảo vệ quan điểm thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa.
Cử tri đề nghị quay về áp dụng một bộ sách giáo khoa thống nhất trên cả nước với mọi cấp học như trước đây để thuận tiện cho người dân sử dụng, chống lãng phí và thay đổi liên tục. Một trong những lý do cử tri nêu ra minh chứng cho sự khó khăn và lãng phí khi triển khai nhiều sách giáo khoa là đợt lũ lụt vừa qua, nhiều nơi thiếu sách giáo khoa nhưng lại khó sử dụng được nguồn sách cũ hỗ trợ do không tương thích.
Với mục đích giáo dục hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất người học thì chương trình và phương pháp tổ chức dạy học, đánh giá học sinh mang tính quyết định. sách giáo khoa chỉ còn là một trong nhiều tài liệu để dạy học và việc đa dạng hóa nguồn tài liệu về lý thuyết sẽ thúc đẩy tính tự chủ, linh hoạt, sáng tạo trong dạy và học.
Và khi sách giáo khoa được xã hội hóa, cạnh tranh trong việc nâng chất lượng sách giáo khoa và dịch vụ cung ứng sách giáo khoa sẽ hình thành.
Yếu trong khâu triển khai
Có những điều mà người dân đang hiểu chưa đúng về sách giáo khoa xã hội hóa. Thứ nhất, không có chuyện "năm nào cũng thay sách". Việc thay sách theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nằm trong chu trình được thực hiện cuốn chiếu trong 5 năm. Mỗi năm chỉ có một số lớp thay đổi sách cho tới khi hết chu trình từ lớp 1 đến lớp 12 thì sẽ ổn định trong một thời gian dài.
Thứ hai, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ có một, thống nhất trên cả nước. Việc dạy và học, kiểm tra, đánh giá, thi cử đều căn cứ theo chương trình. Nhưng nhiều người đang đánh đồng sách giáo khoa là chương trình và phát hoảng vì mỗi trường học, vùng miền thực hiện một "chương trình" khác nhau. Những hiểu nhầm này không được làm rõ và truyền thông tốt dẫn tới nhiều ý kiến chưa chuẩn xác.
Tuy vậy, để xảy ra việc hiểu chưa đúng và thiếu tin tưởng vào "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" cũng cần phải nói đến điểm yếu ở khâu triển khai trong các năm qua.
Trong các nhà trường, quan điểm dạy học, kiểm tra đánh giá lệ thuộc vào sách giáo khoa vẫn không được cởi bỏ hoàn toàn. Mặc dù việc đổi mới từ dạy học truyền thụ kiến thức thuần túy sang dạy học phát triển năng lực, phẩm chất người học được xem là cốt lõi của cuộc đổi mới giáo dục, nhưng rất nhiều nhà trường, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên vẫn mơ hồ về việc này.
Trên thực tế ở nhiều nhà trường, việc tổ chức dạy học không có nhiều chuyển biến so với trước đây, chỉ đơn thuần là áp dụng chương trình, sách giáo khoa khác. Khi những vấn đề căn cốt phải thay đổi chưa được làm đúng, làm tới cùng thì việc có nhiều sách giáo khoa không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Trong khi không thấy được ưu điểm của "nhiều sách giáo khoa" thì người dân chỉ thấy những điều bất cập: khó mua sách, khó dùng lại sách cũ, khó khăn khi học sinh chuyển trường phải đổi lại sách khác. Hằng năm việc chọn sách giáo khoa vẫn chậm trễ khiến nhiều học sinh chậm có sách để chuẩn bị cho năm học mới.
sách giáo khoa xã hội hóa tuy có những cải thiện về hình thức, chất lượng nhưng vẫn nhiều "sạn", vẫn xảy ra những sai sót và giá đắt hơn so với trước.
Đây là những vấn đề cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhìn nhận nghiêm túc và có giải pháp khắc phục, nhất là ở khâu quản lý chuyên môn. Việc này lẽ ra đã phải làm ngay song song với lộ trình đổi mới và có những điều chỉnh cần thiết khi việc thay sách đã đi trọn một chu trình.
Chủ trương đột phá Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay nghị quyết 88/2014 của Quốc hội đã quy định việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Bộ trưởng đánh giá chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa là chủ trương có tính đột phá, thay đổi việc xuất bản sách giáo khoa theo cơ chế độc quyền, đồng thời xã hội hóa sách giáo khoa, tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, tổ chức có khả năng, điều kiện tham gia việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa. Từ đó, tạo ra sự cạnh tranh, tạo động lực cho các nhóm tác giả sách, các nhà xuất bản có được những bộ sách có chất lượng tốt. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định công tác xã hội hóa sách giáo khoa đạt kết quả tốt, các môn học và hoạt động giáo dục đều có từ 3 - 9 bộ sách giáo khoa. |
Cần bám sát thực tiễn Trong một cuộc đổi mới, không thể vì gặp khó là chùn bước và quay lại điểm xuất phát. Nhưng cũng cần bám sát thực tiễn để đảm bảo việc triển khai hiệu quả. Chỉ khi người dân nhìn thấy rõ ưu việt thì họ mới chấp nhận vượt qua những trở ngại hiện nay để hướng đến mục tiêu lớn hơn. |