Tin tức » Tin tức - Sự kiện
Nhìn lại con đường hiện đại hóa mà văn học Việt đi qua
Thứ Hai, 06/05/2019 | 14:40
Số lượt xem: 2607Sáng ngày 22/4/2019, tại thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành buổi toạ đàm khoa học, giới thiệu công trình Nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kì 1865-1954.
Sách dày 827 trang do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành
Nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kì 1865-1954 là công trình chuyên khảo do PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân cùng 14 đồng nghiệp đủ mặt trẻ/ già, Nam/ Bắc, trường/ viện, cùng một lòng yêu văn học Nam Bộ là Lại Nguyên Ân, Lê Tiến Dũng, Đoàn Lê Giang, Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Công Lý, Võ Văn Nhơn, Lê Ngọc Phương, Huỳnh Như Phương, Lưu Hồng Sơn, Nguyễn Hữu Sơn, Lê Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Phương Thúy, Hồ Khánh Vân, Lê Thụy Tường Vy thực hiện, cung cấp một tư liệu đáng tin cậy về khu vực tiếp nhận văn học Nam Bộ từ buổi phôi thai giữa cuối thế kỉ XIX đến 1954. Đây là một công trình trong chuỗi nghiên cứu bảo tồn và khai thác giá trị to lớn của bộ phận di sản văn học Nam Bộ trước 1954 - bộ phận mà do hoàn cảnh chiến tranh liên tục, tình hình phức tạp của đất nước, cho đến nay vẫn còn là những “mảnh vụn”, những “lớp sương mù”, chưa được sưu tập, tìm hiểu và đánh giá một cách đầy đủ, công bằng và khách quan (trước công trình này, từ năm 2005, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã lần lượt trình xuất những nghiên cứu về văn học quốc ngữ Nam Bộ gồm: Khảo sát, đánh giá, bảo tồn di sản văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Khảo sát, đánh giá, bảo tồn di sản văn học Nam Bộ 1930-1945 - đ�� tài do PGS.TS Đoàn Lê Giang chủ nhiệm và Sưu tầm, khảo sát và đánh giá văn học Nam Bộ 1945-1954 - đề tài do PGS.TS Võ Văn Nhơn chủ nhiệm).
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân phát biểu tại buổi toạ đàm
Công trình Nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kì 1865-1954 tập trung làm rõ diễn trình hình thành, vận động và phát triển của hoạt động nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học ở Nam Bộ từ 1865-1954; phân tích những biểu hiện kế thừa và tiếp thu; đúc kết những xu hướng, đặc điểm, thành tựu, hạn chế của hoạt động nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học ở Nam Bộ từ 1865-1954; đồng thời chọn lựa và giới thiệu sâu về một số tác giả tiêu biểu trong hoạt động nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kì này - những người đã mở đầu và có những đóng góp to lớn vào tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam như Nguyễn Duy Cần, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Phan Khôi, Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu, Ca Văn Thỉnh, Đông Hồ, Thiếu Sơn, Kiều Thanh Quế, Tam Ích, Lưu Quý Kỳ, Triều Sơn, Thẩm Thệ Hà...
Chân dung những nhân vật chính của đời sống nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học ở Nam Bộ 1865-1954
Tập chuyên khảo Nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học Nam Bộ thời kỳ 1865 - 1954 dày 827 trang do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản, PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân chủ biên cùng 14 đồng nghiệp vừa ra mắt, giúp người đọc có thêm một tư liệu đáng tin cậy về văn học Nam bộ từ buổi phôi thai giữa cuối thế kỷ 19 đến 1954.
Đây là một công trình trong chuỗi nghiên cứu bảo tồn và khai thác giá trị to lớn của bộ phận di sản văn học Nam bộ trước 1954.
Trên thực tế, do môi trường lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội đặc thù của nơi tiếp xúc đầu tiên với văn hóa phương Tây, văn học Nam bộ có vai trò đặc biệt mang tính tiên phong khai mở trong giao lưu và tiếp nhận các trào lưu tư tưởng triết học, văn học, góp phần đưa văn học Việt Nam vào tiến trình hiện đại hóa từ cuối thế kỷ 19 - đầu 20.
Công trình được chia thành 2 phần chính.
Phần một: Diện mạo nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Nam bộ trước 1954 được tái hiện chi tiết qua từng chặng đường lịch sử. Bố cục đi theo những mốc sự kiện lớn của dân tộc, các phương pháp vận dụng khá linh hoạt. Nổi bật hơn là phương pháp thực chứng, đi từ văn bản cụ thể để đưa ra nhận định từng giai đoạn nên tính khoa học và độ tin cậy cao.
Phần hai gồm 27 chân dung tiêu biểu trong giới nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Nam bộ, được giới thiệu về tiểu sử, cuộc đời hoạt động, quan điểm xã hội và nghệ thuật, sự nghiệp văn học như Nguyễn Duy Cần, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Phan Khôi, Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu, Ca Văn Thỉnh, Đông Hồ, Thiếu Sơn, Kiều Thanh Quế, Tam Ích, Lưu Quý Kỳ, Triều Sơn, Thẩm Thệ Hà...
TS.Hoàng Kim Oanh
Theo Thanh Niên
|