Tin tức » Tin tức - Sự kiện

Những đóng góp thầm lặng với giáo dục của đạo diễn phim Ma làng Nguyễn Hữu Phần mà không nhiều người biết đến

Thứ Sáu, 24/05/2024 | 09:12

Số lượt xem: 940

Nhắc đến NSND, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, đa số chúng ta biết đến những tác phẩm phim điện ảnh như Em còn nhớ hay em đã quên (1992), Bản tình ca trong đêm (1996), Mộ gió (2004)…; phim truyền hình như Ngọt ngào và man trá (1996), Cảnh sát hình sự (1999) (đồng đạo diễn), Ma làng (2007) (đồng đạo diễn và biên kịch), Gió làng Kình (2007)...

Nhưng thực ra, xuất phát điểm của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần là một thầy giáo dạy Văn, ông có bằng tốt nghiệp ngành Sư phạm Văn - Sử của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 vào năm 1972. Chính cái vốn văn chương ấy giúp ông bén duyên với điện ảnh với vai trò đạo diễn, với bằng tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu, điện ảnh ngành Đạo diễn điện ảnh vào năm 1988. Trải qua hàng chục năm công tác, ông là người thầy không chính thức trên trường quay, người thầy mẫu mực của không biết bao nhiêu thế hệ đạo diễn, nhà quay phim, diễn viên... trên giảng đường trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, trường Cao đẳng Truyền hình (Đài truyền hình Việt Nam – VTV). Lớp lớp sinh viên học được ở ông không chỉ chuyên môn mà còn cả về thái độ làm nghề một cách nghiêm túc, cách đối nhân xử thế hài hoà, thuận theo hoàn cảnh... để có thể thực hiện tốt nhất công việc của mình trong điều kiện có thể. Trong quá trình làm nghề của mình, ông luôn mong muốn thế hệ trẻ cần biết đến nghệ thuật điện ảnh một cách đơn giản nhất, để có thể “nói chuyện” với điện ảnh một cách đúng nghĩa, tránh cách hiểu sai do thiếu hiểu biết, bởi chỉ có vậy mới hình thành được một nền điện ảnh lớn mạnh.

Nhân duyên với giáo dục một lần nữa lại bén với ông khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nội dung Thiết kế mỹ thuật, sân khấu điện ảnh trong môn Mỹ thuật cấp Trung học phổ thông, và nhóm làm sách giáo khoa Mỹ thuật đã mời ông tham gia biên soạn nội dung này, lúc này ông đã ngoài bảy mươi và vừa qua cơn bạo bệnh. Trong quá trình tham gia và nghiên cứu Chương trình môn học, ông thật sự trăn trở với thời lượng mỗi nội dung có hơn mười tiết thì viết, tổ chức nội dung thế nào để thật dễ hiểu, giáo viên dạy được và học sinh học được, cũng như đáp ứng được mục tiêu đặt ra trong Chương trình. Nhiều bản thảo với những phương án tổ chức khác nhau được ông viết ra rồi lại bỏ bởi chưa thuyết phục, theo ông là còn nặng, hàn lâm dễ khiến học sinh nhanh chán. Ông muốn sách giáo khoa không chỉ cung cấp kiến thức mà còn phải thực sự gần gũi, thân thiện, gây hứng thú, là cầu nối để học sinh biết, hiểu và yêu thích loại hình này đã. Muốn tìm hiểu sâu hơn thì còn thời gian học ở các cấp học cao hơn...

    

Bộ sách giáo khoa Mỹ thuật 10, 11, 12 – Thiết kế mỹ thuật sân khấu, điện ảnh của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và cộng sự

Sau 4 năm tham gia biên soạn sách giáo khoa, ông cùng cộng sự cũng đã hoàn thành 3 cuốn sách giáo khoa nội dung Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh lớp 10, 11, 12. Để hoàn thành công việc này, ông không nề hà mang nội dung đã biên soạn xuống trường dạy thực nghiệm nhằm kiểm chứng xem nội dung mình viết có ứng dụng được vào thực tiễn dạy và học được không, cần điều chỉnh điều gì để tốt hơn... Ông cũng không ngại mình là tác giả cao niên nhất trong nhóm để lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý, phản biện của những đồng nghiệp trẻ, thành viên Hội đồng thẩm định để cân nhắc, điều chỉnh nội dung biên soạn của mình được hoàn thiện, đủ điều kiện để thẩm định và sử dụng trong nhà trường theo một quy trình chặt chẽ.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần trong một buổi dạy thực nghiệm sách giáo khoa tại nhà trường

Điều ông tâm đắc nhất sau khi hoàn thành công việc biên soạn sách giáo khoa đó chính là “sân khấu, điện ảnh”, dù chỉ một phương diện rất nhỏ gắn với mỹ thuật, được xuất hiện trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sẽ là cơ hội để có nhiều thế hệ học sinh được tiếp cận những khái niệm cơ bản của loại hình nghệ thuật thứ 7, và biết đâu đấy tạo nên sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này, cũng giống như “Ma làng” đã tạo một cú hích đối với phim truyền hình về đề tài nông thôn.

Rằm tháng tư này, ông đã dừng mọi cuộc chơi ở cõi tạm để tiếp tục với những hành trình mới, nhưng những đóng góp của ông với nền giáo dục sẽ vẫn tiếp tục đồng hành cùng nhiều thế hệ tương lai của đất nước.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần với tập thể giáo viên, học sinh lớp dạy thực nghiệm nội dung Thiết kế mỹ thuật sân khấu, điện ảnh lớp 10, trường THPT Yên Lãng, Hà Nội

 

PGS.TS Đinh Gia Lê (Tổng chủ biên sách giáo khoa Mỹ thuật, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống)

Cùng chuyên mục

Khi nhà giáo là nhà thơ

Thứ Ba, 19/11/2024 | 15:16

Xuất phát từ tình yêu nghề, yêu trẻ thơ, nhiều nhà giáo đã sáng tác được nhiều  bài thơ hay và được lựa chọn vào sách giáo khoa.

Kỉ niệm 45 năm thành lập Nhà xuất bản Giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, 15/11/2024 | 14:06

Ngày 15/11/2024, NXB Giáo dục tại TP.HCM đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm thành lập

GS.NGND Đoàn Quỳnh - Nhà sư phạm, nhân cách lớn

Thứ Tư, 13/11/2024 | 08:52

GS.NGND Đoàn Quỳnh - một nhà trí thức uyên bác, tài hoa, am hiểu nhiều lĩnh vực toán học và giáo dục toán học đã qua đời vào hồi 14h25 ngày 12/11.