Tin tức » Tin tức - Sự kiện

Phong phú minh chứng tư liệu trong sách giáo khoa Lịch sử mới

Thứ Tư, 01/01/2025 | 09:28

Số lượt xem: 188

Đổi mới cách tiếp cận kiến thức Lịch sử là vấn đề không mới nhưng hiện thực hóa những đổi mới là yêu cầu đặt ra với sách giáo khoa mới. Để cùng hiểu thêm vấn đề này, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Tổng Chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý cấp Tiểu học và THCS, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Chọn mua sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại một nhà sách ở Hà Nội. Ảnh: HT

Thưa ông, sách giáo khoa (SGK) Lịch sử theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có sự khác biệt gì với sách giáo khoa cũ? Điều này đòi hỏi tác giả viết sách phải thực hiện những điều gì thưa ông?

Nếu SGK Lịch sử của Chương trình năm 2006 viết theo khung chương trình chung, thì với Chương trình mới, SGK Lịch sử phải căn cứ vào yêu cầu cần đạt để phát triển năng lực. Chẳng hạn, với việc tìm hiểu lịch sử và cách vận dụng: Trước đây, học sinh chỉ cần quan tâm đến các sự kiện, vắng bóng các nguồn tư liệu chứng minh; nhưng hiện nay, học Lịch sử phải trên các nền tảng tư liệu, từ đó phát triển năng lực đọc hiểu, vận dụng của học sinh như thế nào. Kèm theo đó, từng bước khởi động với bài mới, trong bài mới cũng phải đặt ra câu hỏi phát triển năng lực học sinh. Nếu không có sự kiện, không minh chứng được, thì không thể phát triển năng lực của học sinh. Điều đó yêu cầu người viết sách phải cụ thể hóa được mục tiêu của Chương trình mới.  

Từ kiến thức trong bài giảng, cần hình thành và phát triển năng lực lịch sử, thông qua việc khám phá, hiểu biết, làm chủ nội dung kiến thức phổ thông nền tảng về lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Góp phần hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, có ý thức trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và đất nước. Từ đây, học sinh có khả năng và ý thức tự học lịch sử suốt đời, đồng thời có những hiểu biết cơ bản về đặc điểm, vai trò của khoa học lịch sử theo định hướng nghề nghiệp.

Trong quá trình viết sách, làm sách Lịch sử, yêu cầu cốt yếu từ trước đến nay phải thực hiện chính là phải đúng sự kiện lịch sử, đúng đường lối của Đảng. Nhưng sự khác biệt vẫn là những nguồn tư liệu đặc sắc. Đặc biệt với sách ở cấp THCS, nguồn tư liệu ấy phải thực sự phong phú hơn.  

Môn Lịch sử cũng chia 3 cấp học: Ở cấp Tiểu học, tác giả viết sách sẽ đưa các kiến thức từ đơn giản đến phức tạp, lồng các mối quan hệ từ gia đình, làng xóm, quê hương đất nước và ra thế giới; Cấp THCS gộp lại từ nguồn gốc con người đến hiện nay; cấp THPT được thiết kế bằng cách học sinh phải học theo chủ đề để học sinh phát triển năng lực một cách tổng quan. Với nguồn tư liệu gợi mở để đảm bảo học sinh tiếp cận được những kiến thức cơ bản.

Để giáo viên dạy theo hướng phát triển năng lực học sinh và phương pháp giảng dạy hay, thì các bài học cũng phải được thiết kế để giáo viên có vai trò như điều hành, cố vấn lớp học đó. Việc biên soạn sách cũng cần dành nhiều thời gian để học sinh có hoạt động ngoại khóa, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử…

                                     PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Tổng Chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý cấp Tiểu học và THCS,                                                bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Vậy để cùng đạt những mục tiêu của chương trình, thì đội ngũ Tổng chủ biên, tác giả viết sách đã cùng vượt khó như thế nào        thưa ông?

Bên cạnh những nỗ lực vượt khó về chuyên môn, đội ngũ tác giả viết sách đã nhận được sự hỗ trợ rất hiệu quả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.  

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã mời các tác giả cùng tham gia viết sách. Điểm mới là bên cạnh những tác giả viết sách giáo khoa từ 2, 3 chương trình trước đây thì có những tác giả đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội. Những người mới có những đóng góp tích cực trong quá trình viết sách lần này.  

Sự chỉ đạo, đồng hành sát sao của Ban Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với các công ty thành viên chuyên làm sách, đã mang lại những hiệu năng không ngờ. Những lúc chúng tôi thảo luận đều có sự tham gia của đại diện công ty làm sách. Trong đó, họ đã tích cực đóng góp ý kiến hay, hữu ích cho việc làm sách. Đội ngũ biên tập viên đều giàu kinh nghiệm. Sở dĩ tôi nói vậy là bản thân đã có quá trình gắn bó nhiều năm với Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam qua các thời kỳ. Đó là đội ngũ tinh thông, đọc nhiều và kinh nghiệm để đóng góp xứng đáng.

Một lợi thế nữa là biên tập viên, tác giả trẻ giỏi công nghệ thông tin đã hỗ trợ nhóm làm sách rất nhiều trong việc lấy tư liệu, hình ảnh. Đặc biệt, đội ngũ họa sĩ cũng thể hiện vai trò gắn bó chặt chẽ với tác giả khi họ trang trí bìa sách, đưa ra những bản đồ rất đẹp, bắt mắt. Điều đó giúp cả giáo viên và học sinh tăng hứng thú khi  tiếp cận sách.  

Ông đã nhận được những phản hồi tích cực như thế nào với những bản sách giáo khoa Lịch sử mới?

Chúng tôi cũng nhận được những phản hồi tích cực từ các giáo viên khi sử dụng bản SGK mới; như việc giúp các em giảng dạy dễ dàng hơn và có thêm những tài liệu tham khảo. Căn cứ này cũng giúp giáo viên đưa thêm các câu hỏi mở để phát triển năng lực học sinh.  

SGK theo Chương trình mới hạn chế về số trang, tinh giản kiến thức cơ bản trình bày ngắn gọn, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình. Với môn Lịch sử - Địa lý, những kết nối lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam, kết nối kiến thức lịch sử và kiến thức địa lý. Học sinh được tiếp cận và nâng cao năng lực xử lý tư liệu lịch sử.

SGK hệ thống hóa, hoàn thiện, nâng cao kiến thức cốt lõi về Lịch sử Việt Nam trong sự kết nối với Lịch sử thế giới và khu vực; hệ thống hóá kiến thức cơ bản về địa lý kinh tế - xã hội Việt Nam. Chú trọng khả năng vận dụng, kết nối kiến thức lịch sử, kiến thức địa lý với thực tiễn cuộc sống. Kết nối liên thông về nội dung với các lớp, cấp học khác. Viết theo hướng mở, tạo thuận lợi cho tổ chức hoạt động thảo luận nhóm/cặp đôi. Ở nhiều trường, lớp, nội dung này đã được triển khai và có những tín hiệu tích cực. 

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo Báo Tin tức

Cùng chuyên mục

Tọa đàm “Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đồng hành cùng các trường nâng cao chất lượng giảng dạy”

Thứ Năm, 02/01/2025 | 11:44

Chiều 27-12, tại Báo Hànộimới diễn ra tọa đàm “Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đồng hành cùng các trường nâng cao chất lượng giảng dạy”.

NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC VIỆT NAM TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG ĐOÀN NĂM 2024

Thứ Bảy, 21/12/2024 | 11:14

Ngày 21/12/2024, tại Hà Nội, Công đoàn NXB Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Hội nghị tổng kết công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2024 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Thứ Bảy, 21/12/2024 | 10:47

Ngày 20/12/2024, Hội nghị tổng kết công tác “Vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025” của Ban “Vì sự tiến bộ phụ nữ” Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã diễn ra tại Ba Vì.

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN CÔNG TÁC CÔNG ĐOÀN NĂM 2024

Thứ Bảy, 21/12/2024 | 09:36

Ngày 20/12/2024, nhằm triển khai Chương trình hoạt động năm 2024 của Công đoàn NXBGDVN, Công đoàn NXB Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho cán bộ làm công tác công đoàn.