Tin tức

QUYỂN SÁCH GIÁO KHOA GIỮA MÙA TUYẾT BẮC ÂU

Thứ Tư, 16/03/2022 | 10:30

Số lượt xem: 2082

NXBGDVN - Cuộc thi sáng tác "Trang sách tôi yêu" trân trọng giới thiệu bài dự thi của chị Phan Thị Quỳnh Như - Bảng A, thể loại văn xuôi (truyện ngắn).

Tôi nhận được quyết định đi tu nghiệp ở tận vùng Bắc Âu- một đất nước nhỏ bé vẻn vẹn 5,5 triệu dân. Điều tôi chú ý nhất về Phần Lan vì  đây là quốc gia hạnh phúc nhất toàn cầu và đất nước này được đánh giá đứng đầu thế giới về giáo dục. Tôi náo nức muốn đến đó để trải nghiệm, mở rộng tầm nhìn nhưng cũng xen lẫn nhiều bịn rịn, lưu luyến vì xa chồng con, xa Việt Nam, xa những gì thân quen thường nhật ...Ừ, ai mà không vậy nhỉ! Cảm xúc bình thường ấy mà - tôi tự nhủ để tâm an, tập trung cho những ngày bận rộn thu xếp bàn giao công việc ở cơ quan, ghi ra sổ tay chi chít những chữ viết dặn dò cho chồng con những việc tủn mụn: “Em để Sổ tiết kiệm, Sổ bảo hiểm của con ở...”, “Su nhớ giúp mẹ nấu món cho ba và em, em Bu thích ăn món nui lắm”. Rồi qua nhà thăm ông ngoại các cháu. Điều tôi lo lắng là ông đã già, lỡ mình đi mà... Phút yếu lòng ấy, tôi vội gạt qua và lấy phép thắng lợi tinh thần AQ để trấn an “Ông còn khỏe, sẽ ổn thôi...Mình sẽ đi làm thêm, tiết kiệm để một hai năm về thăm nhà một lần...”. Và rồi thì nhiều thứ khác không tên... để chuẩn bị tốt cho cuộc hành trình xa quê dài ngày tận 5 năm bên ấy.

Bỏ hết vào valy những thứ cần thiết, tôi kéo khóa lại. Nhưng như chợt thấy thiếu thiếu cái gì chưa định rõ, tôi loay hoay rồi ngồi thần ra. Tìm mãi, tìm mãi,...bắt não phải vận hành như sinh viên đang được áp dụng “kĩ thuật động não” trong một hoạt động dạy học nào đó mà mình đã làm. Con gái tôi cũng tham gia vào sự tìm kiếm đó giúp mẹ và cuối cùng gợi ý: “Mẹ ơi, có lẽ mẹ cần những quyển sách!”. Tôi định thần và ngạc nhiên nhìn con vì sự thấu cảm này. Sách! Đúng rồi! Tôi như lao nhanh đến tủ sách nhưng không quên cảm ơn và dành cho con gái cái nhìn ấm áp dịu dàng. Tôi phân vân không biết chọn quyển nào trong tủ sách chứa đầy sách là sách. Không thể nhét hơn hai quyển sách vào valy lúc này- khi đã gần như đủ số cân quy định khi bay. 

Chọn quyển nào đây? Sau khi cân nhắc hồi lâu, tôi chọn hai quyển sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, chương trình giáo dục phổ thông 2018, bộ “Chân trời sáng tạo” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, xuất bản năm 2020. Con gái tôi ngạc nhiên khi thấy tôi chọn sách này: “Con cứ tưởng mẹ chọn quyển Nẻo về của ý của Thiền sư Thích Nhất Hạnh chứ!”. Có lẽ con để ý thấy thói quen tối nào trước khi đi ngủ, tôi cũng đọc vài trang mới an nhiên vào giấc. 

                                                   

Trời mùa Đông ở Phần Lan bắt đầu từ tháng 12 và kết thúc ở tháng 3. Một điều đặc biệt của mùa đông tại miền Bắc vòng cực Bắc là những đêm cực, thời điểm mặt trời không bao giờ mọc, thường kéo dài 51 ngày trong một năm. Tuyết bắt đầu bao phủ toàn bộ lãnh thổ xứ sở ngàn hồ sau khi mùa đông bắt đầu khoảng 2 tuần. 

Tôi đã dần thích nghi khi học tập, nghiên cứu ở môi trường này, khác xa trong trí nghĩ khi còn ở Việt Nam. Tôi nhớ cồn cào, da diết, quay quắt một đất nước chan hòa ánh sáng  và gió của xứ sở nhiệt đới ở quê nhà, thèm được trở về, có lúc muốn bỏ hết để về với nếp sống cũ. Nhận phone của chồng, của con, lại  được truyền thêm năng lượng, vững tinh thần, lại học tập và an yên ngắm tuyết rơi. 

Và có một ngày mùa đông, thật bất ngờ vô cùng khi vào siêu thị gặp ngay đồng bào mình. Tôi mừng rỡ như trẻ con được quà. Người mẹ dắt tay con nhỏ ở quầy chọn mua bánh chocolate. Người phụ nữ nói tiếng Việt với con mình làm tôi nhìn sững, vui sướng. Đứa bé thì nói lơ lớ nửa giọng Anh nửa giọng Việt. Chẳng mấy chốc mà chúng tôi đã làm quen với nhau và biết cậu có tên gọi ở nhà là Tôm (tên gọi dân dã, cái tôm cái tép ở quê mình ấy mà). Chúng tôi trả tiền ở quầy và rảo bước tìm một quán nước trên đại lộ bên đường. Chúng tôi gọi món bánh ngọt và ân cần mời nhau tách Cappuccino. Được nghe nói tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt yêu thương nơi đất khách này, thú thật là một diễm phúc, một cuộc hạnh ngộ tuyệt vời. Tôi lắng nghe tâm tình của người mẹ trẻ kể về những câu chuyện mưu sinh của nhiều người Việt mình ở xứ này - cả chạnh lòng, cả thương xót, cả đồng cảm. Tôi được biết chị bằng tuổi tôi, tên Việt Hà, quê ở Hải Phòng - thành phố hoa phượng đỏ. Chị  làm công sở ở Hà Nội rồi yêu một người ngoại quốc là người Phần Lan. Từ đấy “có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” và theo chồng qua xứ này. Chị tạm thời ở nhà làm nội trợ, chưa tìm được việc phù hợp. Tôi nghĩ chắc lòng chị vẫn nhớ nhiều về quê Việt.

Chúng tôi dừng lời và nhìn sang cháu bé, bé đang hồn nhiên đôi mắt trong veo ngạc nhiên thú vị khi nhìn hình chiếc lá được pha chế khéo trong tách Cappuccino. Chị và tôi còn hỏi thăm nhau thêm vài chuyện nữa về công việc, về học tập, về dự định tương lai... Cuối cùng, chúng tôi trao nhau địa chỉ và số phone trước lúc chia tay, còn dặn dò nhau phải qua lại để gắn kết tình thân. Một buổi chiều đông lạnh buốt bên xứ xa nhưng ấm lòng tình đồng hương biết mấy! Trước khi ra về, Việt Hà còn nói với tôi như một tâm niệm:

- Em quyết sẽ dạy con mình biết nói, đọc, viết tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của mình chị ạ!

Tôi cũng rưng rưng cảm xúc đồng tình và đáp lời là tôi tin điều đó.

                                                     ***

Tiếng chuông điện thoại reo liên hồi như thúc giục tôi thoát khỏi bài hát đang nghe “Thuyền viễn xứ” của cố nhạc sĩ Phạm Duy, phổ thơ của Huyền Chi- ca từ thể hiện thành công nỗi lòng của người ly hương: “...Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi,...”. Đầu dây bên kia hiện lên số điện thoại mà tôi đã lưu trong danh bạ “Chị Việt Hà”. Chị ngỏ ý mời tôi đến nhà dùng bữa vào chiều cuối tuần. Tôi vui vẻ nhận lời. Đúng là tình người nơi xứ xa níu kéo người ta lại gần nhau dễ dàng hơn so với lúc thường.

... Bẵng đi một thời gian để thích nghi ở môi trường mới cho việc học tập, rèn luyện chật vật với ngoại ngữ, giờ tôi mới có thời gian nhớ ra là mình bỏ quên thói quen đọc sách- bạn đồng hành của tôi là những quyển sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam từ bao lâu nay. Đây là nhà xuất bản uy tín, có nhiều cống hiến, đồng hành 65 năm nay cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Tôi bắt đầu nhớ những bạn nhỏ của mình. Lâu ngày không được đọc, được ngắm chúng. Chao ôi, tôi nhớ...!

Tôi đã giới thiệu với các bạn là mình làm việc trong ngành giáo dục chưa nhỉ? Vâng, từ nhỏ tôi đã yêu thích môn Văn, thường đạt những giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi hồi học ở Phổ thông. Vì thế, khi học đại học, tôi chọn ngay ngành Ngữ văn và ra trường về công tác ở một trường Cao đẳng Sư phạm địa phương tận miền Tây Nam đất nước. Tôi yêu nghề, nhiệt huyết và kì vọng mong giáo dục Việt Nam mình phát triển như các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Đồng nghiệp thân thương cứ đùa bảo tôi là mê Nghề nên nghề đã thấm vào máu. Tôi ngẫm lại, ừ có lẽ thế thật. Trót yêu quá nên mê, mê say, mê đắm (nhưng cũng nói nhỏ, có lúc sự nhiệt thành ấy đôi khi bị chùng xuống như biểu đồ hình sin, đôi khi có chút vụn vỡ niềm tin, không như mong đợi, có lẽ mình lí tưởng hóa mọi chuyện như con bé ngày xưa mơ mộng văn khoa còn tàn dư lại). Nhưng rồi cảm xúc thiếu năng lượng đó cũng qua nhanh...Rồi lại yêu, yêu đến say, đến mê, theo đuổi tận cùng cho đến ngày nay.

...Và cũng bẵng đi một vài ngày sau đó, tôi chợt nhớ mình có đem theo hai quyển sách giáo khoa mà con gái lớn đã giúp tôi tìm chúng. Tôi lục tìm lại trong valy. Sách vẫn còn thoảng mùi giấy in, trang bìa đẹp, chữ rõ. Tôi còn thích chúng huống gì trẻ con nhỉ! Tôi giở nhẹ từng trang để đắm mình trong hoài niệm. Quả là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã song hành từ ấu thơ tôi cho đến khi trưởng thành rồi đến với Nghề. Những quyển sách giáo khoa tuyệt vời trong cuộc đời mỗi người- ai cũng có ngăn riêng để cất giữ cho mình. Chúng là những kí ức đẹp thân thương, gần gũi của quá khứ trong tôi, trong bạn. Chúng là hiện thân của hiện tại và tương lai cho những ai đang kiếm tìm tri thức. Thật vậy, để thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng, phát triển cho tâm hồn, trí tuệ, không gì thay thế được việc học và đọc. Sách giáo khoa là người bạn giúp ta học tập, rèn luyện hằng ngày. Tôi nhớ có nghe một diễn giả nào đó đã nói: sách giáo khoa mở mang trí tuệ, hiểu biết cho ta, dẫn dắt ta vào những chỗ sâu sắc, bí ẩn của thế giới xung quanh, từ sông ngòi, rừng núi cho tới vũ trụ bao la. Chúng là người thầy đưa ta vào thế giới của những tâm hồn người đủ các thời đại để ta thông cảm với những cuộc đời, chia sẻ những niềm vui, nỗi đau dân tộc và nhân loại.

Bạn có đang đặt ra câu hỏi tại sao tôi chọn quyển sách này trong vô vàn quyển sách trên kệ để mang chúng theo tận Phần Lan này không? Đấy là quyển sách tôi được chủ biên mời làm báo cáo viên trong đợt tập huấn cho giáo viên dạy học Tiếng Việt 1- ghi dấu sự cộng tác, sự lan tỏa, góp chút sức mình vào công cuộc đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong bối cảnh canh tân giáo dục nước nhà. Vì thế, tôi trân quý chúng như một kỉ niệm đẹp là vì lẽ đó. Chợt tôi cũng có ý nghĩ rất hay... dù không muốn nhưng nên thế...

***

Cuối tuần, như đã hẹn, tôi đi tàu điện ngầm đến chỗ hẹn. Đến nơi dừng của tàu, tôi đã thấy bóng dáng từ xa của Việt Hà đứng chờ sẵn đón tôi bên chiếc xe ôtô màu trắng đỗ bên vệ đường. Tôi vào trong xe, chào cậu bé Tôm. Xe lăn bánh, tiếng nhạc cất lên nhè nhẹ bài hát của Phú Quang “Chiều đông Matxcơva”- rất hợp với tình cảnh của chúng tôi lúc này. Giai điệu lãng đãng, dìu dặt: “Từng bông tuyết nhẹ rơi. Một chiều đông giá trắng trong lòng tôi. Khi chiều trùm lên bóng em nhỏ nhoi. Về đâu hỡi người ơi...”. Giọng Việt Hà như chùng xuống:

- Nhạc sĩ phú Quang cũng vừa rời Cõi tạm. Ừ, chưa ai sáng tác bài hát Chiều đông Phần Lan cho chị em mình nghe nhỉ!

Cả hai cùng lặng yên, mắt tư lự, xa xăm...Chẳng mấy chốc, sau nửa giờ, ngôi nhà màu gỗ hòa mình trong màn tuyết trắng cũng dần hiện lên rõ khi xe dừng lại trước cổng nhà. Việt Hà tiếp tục cho xe chạy vào gara. Chồng chị đi công tác, chỉ có hai mẹ con chị ấy và tôi là khách mời. Đêm đó, tôi ở lại. Quà tôi cho mẹ con Việt Hà là hai quyển sách Tiếng Việt 1- món quà tôi rất trân quý khi đem theo qua đây. Tôi quý chúng, không nỡ rời nhưng tặng cho người phụ nữ này để lan tỏa tình yêu tiếng Việt thì cần hơn chứ. Việt Hà bất ngờ trước món quà này, chị run run giở từng trang sách:

- Ôi, em không ngờ có được món quà vô giá này ở đây giờ này. Quyển sách giáo khoa này chắc đủ để em tự tin dạy cháu học tốt tiếng Việt của mình rồi chị ạ! Nhưng chị có thể...

Nhìn dáng vẻ ngập ngừng của Việt Hà, tôi tiếp lời:

- Tôi sẵn lòng giúp!

- Em không có phương pháp sư phạm nên chưa biết bắt đầu thế nào...(lại ngập ngừng). Chị là nhà giáo, chị có thể chia sẻ giúp em cách thức để em có thể dạy cho con tốt hơn ạ!

Tôi cười và bảo sẵn lòng thôi. Tối đó, tôi như một cô giáo và Việt Hà như một sinh viên. Bé Tôm thì ngồi xem một bộ phim hoạt hình của Disney. Tôi giở từng trang sách và say sưa giới thiệu và tự dưng nhớ lại những lần chia sẻ chuyên môn cho các nhà quản lí giáo dục và giáo viên tiểu học khi được mời tham dự thao giảng chuyên môn ở các trường hồi còn ở Việt Nam. Tôi xúc động và như truyền thêm năng lượng, giọng càng lúc càng hăng say. Tôi không quên chia sẻ cho Việt Hà biết thêm về sự đóng góp to lớn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong nền giáo dục của nước nhà. Tôi nói thêm về sự tâm huyết của những tác giả viết sách giáo khoa. Họ đã bỏ bao công sức, trí tuệ, làm việc nghiêm túc, khoa học, cầu toàn, chỉn chu, cả những đêm thức trắng để thảo luận, tìm tòi điều chỉnh sách theo yêu cầu của hội đồng thẩm định sách giáo khoa. Tiếp theo, tôi nói về những điểm mới của môn Tiếng Việt 1 trong chương trình mới, cấu trúc SGK ở 2 tập. Sau khi giới thiệu về tập 1, tôi tiếp đến tập 2:

- Sang tập 2, các hệ thống chủ điểm có “độ phủ” rộng. Trong mỗi bài lớn thường có đủ các kiểu loại văn bản cơ bản như truyện, thơ, văn bản thông tin. Khởi đầu bài học là hoạt động khởi động nhằm huy động trải nghiệm, hiểu biết và tạo tâm thế để trẻ hứng thú học tập.

Sau đó, tôi tiếp tục chia sẻ những điểm cần lưu ý khi tổ chức dạy học từng hoạt động, bao gồm dạy đọc âm chữ trong giờ Học vần, cách đọc, kĩ thuật viết, tập viết và chính tả. Tôi phải nói đến hơn hai lần để Việt Hà rõ nắm rõ về quy tắc viết các phụ âm đầu: c/q/k; g/gh, ng/ngh, d/gi; các nguyên âm đôi, thanh điệu. Nhiều, nhiều nữa... Dường như quá tải với Việt Hà khi tiếp nhận một lượng lớn về kiến thức tiếng Việt, tôi dừng lại và hẹn 2 tuần sau sẽ đến chia sẻ thêm. Tôi cũng hứa sẽ gửi các clip dạy học minh họa môn Tiếng Việt 1 cho Việt Hà xem, cả việc tìm giúp quyển Tập viết 1, quyển Vở bài tập cho cháu Tôm.

Khi chia tay, Việt Hà dạy con chào tôi bằng tiếng Việt và cháu vẫy vẫy bàn tay nhỏ xíu đáng yêu:

- Tôm chào dì Như ạ!

                                                   ***

Trên đường về, ngồi trên tàu điện ngầm mà tôi lâng lâng niềm xúc cảm...

Về đến nhà, tôi gọi điện ngay cho người bạn hiện đang làm việc ở nhà xuất bản này và tha thiết mong được bạn giúp đỡ để làm thế nào mà tôi được đọc những quyển sách giáo khoa xuất bản- chương trình 2018 như Tiếng Việt 2, Ngữ văn 6, cả những quyển tôi hứa tìm giúp Việt Hà. Bạn nhiệt tình cho tôi đường link “hanhtrangso.nxbgd.vn”- đúng là thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 quá tuyệt vời! Tôi vui mừng vì từ đây dù ở xa nhưng vẫn song hành được đọc, trải nghiệm từng trang sách giáo khoa điện tử của nhà xuất bản tôi yêu. 

Trước giáng sinh mấy ngày của năm sau, Việt Hà viết email cho tôi: “Chị ạ, Tôm đã đọc, viết và nói được tiếng Việt. Những quyển sách giáo khoa thật tuyệt vời để em yêu hơn và gắng gìn giữ tiếng mẹ đẻ. Cảm ơn chị Quỳnh Như vì tất cả...!”.

Tôi khẽ nói thầm: Mình sẽ viết lại câu chuyện này để tham gia cuộc thi “Trang sách tôi yêu” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức.

Giữa mùa tuyết Bắc Âu tự dưng ấm áp chi lạ...

Phan Thị Quỳnh Như

Tags: Cuộc thi sáng tác "Trang sách tôi yêu" Truyện ngắn Chân trời sáng tạo

Cùng chuyên mục

Thư mời báo giá dịch vụ Về việc thẩm định giá cho thuê tại Nhà A – cơ sở 187B Giảng Võ, P. Cát Linh, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội.

Thứ Năm, 21/11/2024 | 17:29

Hiện nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang có nhu cầu thẩm định giá cho thuê tại Nhà A – cơ sở 187B Giảng Võ, P. Cát Linh, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội.

Quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu 13 - In bổ sung SGD phục vụ năm học 2024-2025

Thứ Tư, 20/11/2024 | 11:13

Quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu 13 - In bổ sung SGD phục vụ năm học 2024-2025

Khi nhà giáo là nhà thơ

Thứ Ba, 19/11/2024 | 15:16

Xuất phát từ tình yêu nghề, yêu trẻ thơ, nhiều nhà giáo đã sáng tác được nhiều  bài thơ hay và được lựa chọn vào sách giáo khoa.

Kỉ niệm 45 năm thành lập Nhà xuất bản Giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, 15/11/2024 | 14:06

Ngày 15/11/2024, NXB Giáo dục tại TP.HCM đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm thành lập