Tin tức » Tin tức - Sự kiện
Sắc màu cuộc sống được giới thiệu qua các bức ảnh trong sách giáo khoa Mỹ thuật
Chủ Nhật, 01/10/2023 | 09:00
Số lượt xem: 1180Một trong những chỉ báo mang tính tiên quyết trong biên soạn sách giáo khoa là phải đảm bảo yếu tố vùng, miền. Đây cũng là một trong những thế mạnh có tính đặc thù của sách giáo khoa Mỹ thuật khi hình ảnh cũng chính là nội dung.
Điều ấn tượng khi mở những trang sách giáo khoa Mỹ thuật đó chính là sự đa dạng bởi vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, quê hương, đất nước được thể hiện một cách đa dạng, phong phú.
Trang sách trong sách giáo khoa Mỹ thuật 4, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Trong sách giáo khoa Mỹ thuật, từ hình ảnh cảnh quan thiên nhiên vùng núi phía Bắc; những ngọn thác hùng vĩ ở Tây Nguyên cho đến cánh đồng lúa chín của miền Nam; bãi biển, vịnh đẹp ở những vùng biển cho đến những đường phố đông vui ở khu vực thành phố, cảnh nên thơ, trữ tình ở những vùng quê thanh bình.
Trang sách trong sách giáo khoa Mỹ thuật 4, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Những di tích gắn liền với các địa danh như đình Trà Cổ ở tỉnh Quảng Ninh, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Thủ đô Hà Nội, di tích Phu Văn Lâu ở tỉnh Thừa Thiên - Huế cho đến những ngôi nhà cộng đồng của người Cơ-tu ở thành phố Đà Nẵng, chùa Cầu ở tỉnh Quảng Nam, tháp Nhạn ở tỉnh Phú Yên, chùa của cộng đồng người Khơ-me ở tỉnh Sóc Trăng, chợ nổi Cái Răng ở thành phố Cần Thơ… góp phần không nhỏ giới thiệu vẻ đẹp, sự đa dạng văn hóa vùng, miền của cả nước.
Trang sách trong sách giáo khoa Mỹ thuật 10 – Nhiếp ảnh, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Trong sách giáo khoa Mỹ thuật cũng không thể thiếu những hình ảnh thể hiện những hoạt động trong cuộc sống, từ những hình ảnh thể hiện tình thân trong gia đình, hoạt động vui chơi/học tập trong nhà trường cho đến những việc làm bình dị mà cao quý như công nhân ngành điện đưa điện về buôn làng, thanh niên tình nguyện giúp người dân làm ruộng, bộ đội biên phòng khám sức khỏe cho người dân… Đây là những định hướng, chỉ dẫn cần thiết giúp học sinh tăng cường khả năng quan sát, biết cách khai thác chất liệu từ cuộc sống trong những thực hành, sáng tạo sản phẩm mĩ thuật gắn với yêu cầu đặt ra ở mỗi chủ đề.
Cùng với đó, chúng ta thấy được những hình ảnh về đồng bào dân tộc gồm: Kinh, Hmông, Dao, Thái, Lô Lô, Pu-Péo, Ba-na, Xơ-đăng, Ê-đê, Chăm, Khơ-me, Cơ-tu,… được thể hiện qua những vẻ đẹp của hoạt động thường ngày, trang phục, kiến trúc… Qua đó, sách giáo khoa Mỹ thuật giúp học sinh thấy được sức sống và đa dạng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Điều này rất quan trọng bởi nó giúp học sinh hình thành một cách tự nhiên nhưng vững chắc phẩm chất yêu nước và tinh thần cố kết cộng đồng ngày từ những lớp học đầu tiên.
Để có được những bức ảnh đẹp thể hiện những khoảnh khắc chân thực của thiên nhiên, cuộc sống, nhóm tác giả đã liên hệ và được phép sử dụng những tác phẩm nhiếp ảnh của các nhiếp ảnh gia, những người yêu nhiếp ảnh ở nhiều địa phương trong cả nước.
Với tinh thần góp sức đóng góp để có được những cuốn sách chất lượng, đa số các tác giả ảnh đã không nhận tiền bản quyền ảnh như nhiếp ảnh gia Nick Út, Vũ Quốc Khánh, Bùi Minh Sơn, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Sơn Tùng, Huỳnh Lãnh, Lại Diễm Đàm, Ngô Thanh Bình, Trần Bảo Hòa, Nguyễn Xuân Chính, Nguyễn Ngọc Thái, Vũ Duy Thương, Hoàng Xuân Hảo, Phạm Huy Quang,… và điều này góp phần tiết giảm chi phí cấu thành nên sách giáo khoa Mỹ thuật.
Có thể thấy, sắc màu trong cuộc sống được thể hiện qua những bức ảnh trong những trang sách giáo khoa Mỹ thuật đã góp phần hình thành, phát triển năng lực mỹ thuật của học sinh một cách sinh động, mang tính trực quan. Điều này tác động trở lại, giúp học sinh có ý thức hơn về thái độ, hành vi để có những ứng xử đẹp đối với cảnh quan, môi trường, những người xung quanh, công việc… mà mỗi học sinh tiếp xúc trong cuộc sống hằng ngày.