Tin tức » Tin tức - Sự kiện
Sách giáo khoa Việt Nam qua các thời kì
Thứ Bảy, 03/12/2022 | 08:00
Số lượt xem: 16061Nền giáo dục cách mạng Việt Nam sau khi được thiết lập nền tảng ban đầu vào đầu những năm 50 của thế kỉ XX, đã trải qua 4 lần đổi mới chương trình sách giáo khoa (CT-SGK). Việc đổi mới CT-SGK ở mỗi giai đoạn đều gắn liền với những đòi hỏi từ thực tiễn của đất nước.
Lần thứ nhất (1956-1975): chuyển hệ giáo dục 9 năm thành hệ giáo dục 10 năm:
Trước năm 1956, hệ thống giáo dục nước ta được cấu trúc gồm 9 năm theo 3 cấp học: Cấp 1 - 4 năm; cấp 2- 3 năm; cấp 3- 2 năm.
Ngày 30/8/1956, theo Nghị định 596 “ban hành quy chế trường phổ thông 10 năm” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, các trường phổ thông thực hiện dạy học theo hệ 10 năm, chia làm 3 cấp học (Cấp 1: 4 năm, từ lớp 1 đến lớp 4; Cấp 2: 3 năm, từ lớp 5 đến lớp 7 và Cấp 3: 3 năm, từ lớp 8 đến lớp 10). Lần cải cách này, CT-SGK có nhiều nội dung học tập CT-SGK các nước xã hội chủ nghĩa anh em.
Để phục vụ cho việc chuyển hệ giáo dục 9 năm thành hệ giáo dục 10 năm, SGK phải được tổ chức biên soạn, biên tập lại cho phù hợp. Việc biên soạn, biên tập SGK do Ban Tu thư của Bộ Giáo dục đảm nhiệm.
Năm 1957, Nhà xuất bản Giáo dục được Bộ Giáo dục thành lập để thực hiện nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục, đó là xuất bản SGK. Nhà xuất bản Giáo dục khi đó được coi như một phòng của Bộ Giáo dục, đồng thời lại được phép "hoạt động dưới hình thức một doanh nghiệp quốc gia".
Lần thứ hai (1976 – 2000): hợp nhất hệ thống giáo dục hai miền Bắc – Nam : Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, với chủ trương “xúc tiến việc chuẩn bị thực hiện Cải cách giáo dục theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị”, ngày 4/12/1975, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định 219/CP “giao cho Bộ Giáo dục nhiệm vụ tổ chức biên soạn SGK và sách hướng dẫn giảng dạy các bộ môn theo Chương trình Cải cách giáo dục cho tất cả các lớp từ vỡ lòng đến hết cấp phổ thông trung học (kể cả sách bổ túc văn hoá cho người lớn tuổi”. Đây là việc cấp bách nhằm thống nhất hai hệ thống giáo dục ở hai miền Bắc-Nam.
Tuy nhiên, từ năm 1976 đến năm 1981, do chưa có CT-SGK dùng chung, miền Bắc tiếp tục chương trình 10 năm và miền Nam tiếp tục chương trình 12 năm. Đến năm học 1981-1982 mới thực hiện được việc thay sách Cải cách giáo dục ở lớp 1 trên toàn quốc. Từ năm 1981-1988, Nhà xuất bản Giáo dục đã thực hiện đúng tiến độ thay SGK các cấp tiểu học và trung học cơ sở của Bộ Giáo dục.
Từ tháng 2/1989, sách trung học phổ thông bắt đầu được triển khai. Để tạo điều kiện cho học sinh trung học phổ thông có cơ hội được lựa chọn và học bộ SGK phù hợp, Bộ Giáo dục chỉ đạo làm nhiều bộ SGK đối với hai môn Văn và Toán. SGK Văn làm hai bộ và SGK Toán làm ba bộ. Các bộ SGK Toán và Văn trung học phổ thông đó đã được sử dụng đồng thời trong 10 năm, đến năm 2000 thì được chỉnh lý hợp nhất lại thành một bộ.
- Lần thứ ba (2002 – 2008) theo Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội “đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”:
Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục đã thực hiện việc biên soạn và xuất bản SGK theo hình thức cuốn chiếu. Từ năm 2002 trở đi, thực hiện SGK mới ở các lớp 1 - lớp 6; 2003 là lớp 2 - lớp 7; 2004 là lớp 3 - lớp 8; 2005 là lớp 4 - lớp 9; 2006 là lớp 5... Theo lộ trình trên, đến năm 2006, Nhà xuất bản Giáo dục đã hoàn thành việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa mới từ lớp 1 đến lớp 9 theo Nghị quyết 40 của Quốc hội. Đến năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục đã hoàn thành việc biên soạn xuất bản sách giáo khoa 12 lớp theo Nghị quyết 40 của Quốc hội.
- Lần thứ tư (2013 - nay) theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương và Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học
Theo đó sách giáo khoa lần này được biên soạn xuất bản theo chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa. Từ năm 2017 đã có thêm nhiều nhà xuất bản được cấp phép xuất bản SGK.
Tháng 12/ 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Từ năm học 2020 – 2021, đã có một số bộ SGK lớp 1 theo CT mới được đưa vào sử dụng.
Từ đó cho đến nay, theo lộ trình, năm học 2020 - 2021 SGK lớp 1; 2021 - 2022 SGK lớp 2 - lớp 6; 2022 - 2023 SGK lớp 3 - lớp 7 - lớp 10 theo CT 2018 đã được đưa vào nhà trường sử dụng đại trà.
Trong bối cảnh có nhiều nhà xuất bản tham gia vào việc xuất bản sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn giữ được vị thế quan trọng trong lĩnh vực này. 2 bộ sách giáo khoa của NXBGDVN (Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo) được khoảng 80% cơ sở giáo dục lựa chọn sử dụng.