Tin tức » Tin tức - Sự kiện

SÁCH GIÁO VIÊN 7 – KHỞI NGUỒN CỦA YÊU THƯƠNG

Thứ Sáu, 18/03/2022 | 08:00

Số lượt xem: 2041

NXBGDVN - Vừa qua, cuộc thi sáng tác "Trang sách tôi yêu" đã nhận được bài dự thi "Sách giáo viên 7 - khởi nguồn của yêu thương". NXB Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu tới độc giả câu chuyện giàu cảm xúc của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Dung. 

Có ai đó từng nói, khởi nguồn của yêu thương là những điều bình dị? Có ai biết, khơi nguồn mạch suối ấy nhiều khi là một gánh hàng rong, một cây mạ mới hay chỉ là cánh chim nhỏ chao nghiêng giữa trời? Giữa những ngang dọc xoay vần sự sống, tôi lớn lên trong tiếng gà mỗi sớm, trong tiếng tuốt lúa sè sè mùa hạ, và trong cả thúng cá lõng bõng ướt nhèm của mẹ lúc tinh sương. Nghề giáo đến với tôi như một cơ duyên, một hẹn ước, từ giấc mơ ngày nào của cô học trò nhỏ, ao ước trở thành người dạy chữ cho xóm nghèo quê hương.

Cầm tờ giấy báo nhập học màu hồng của trường Đại học sư phạm Hà Nội, bố tôi khóc giữa gian nhà ngói ba gian trầm mặc. Vậy là tôi đã đỗ đại học. Ở cái xóm nhỏ ven đô, việc đỗ được đại học là một điều gì đó tự hào lắm. Nhất là…nhà tôi lại nghèo. Thế là tôi cũng lên đường, cũng ở trọ, cũng trở thành sinh viên. Mọi thứ bình lặng trôi đi, bình lặng như chính con sông chẳng mấy khi gợn sóng, bình lặng như rặng tre đầu làng cứ rì rầm mỗi tối bao điều kì lạ, bình lặng như chính ngôi nhà nhỏ của chúng tôi – ngôi nhà chất chứa bao mầm sống của bố mẹ, và của chính tôi nữa.

Nhưng cuộc sống nơi đô thị phồn hoa chẳng thể bình lặng như thế. Tôi phải đối diện với tiền trọ, tiền học, tiền mua sách, tiền liên hoan… Và thế rồi, tôi lựa chọn đi gia sư, dạy kèm tại nhà như bao anh chị sinh viên, chỉ khác, tôi còn quá trẻ. Những bước chân chập chững đầu đời, với sáu mươi ngàn cho một ca dạy, tôi hân hoan biết mấy khi cầm đồng lương đầu tiên. Nó cho tôi thêm hi vọng về những cuốn sách, nó vợi đi phần nào gánh nặng nơi thùng cá mỗi sáng của mẹ, nó…giúp tôi thêm tự tin với con đường mình đang đi.

Chiều cuối đông năm ấy, một cơ duyên đến với tôi thật diệu kì. Trên chiếc xe cà tàng cũ kĩ, mẹ chở thùng cá đã bán hết nhẵn, mang theo một cuốn sách gói ghém kĩ càng trong bọc ni lông. Mẹ cười thật tươi dù môi tím lịm vì lạnh, đưa cho tôi:

- Cho mày đấy, sách giáo viên lớp 7, bà Thiện kiếm được ở hiệu sách thằng Tẻo, hẳn của nhà xuất bản Giáo dục. Thấy bảo của nhà xuất bản này là xịn lắm! Có mỗi tập 1 thôi, nó bảo chửa có tập 2, khi nào có, tao lấy cho, tao dặn nó rồi.

Tôi ôm ấp cuốn sách trên tay, lòng rưng rưng như bắt được vàng. Hồi cấp hai, chúng tôi là khóa đầu tiên của chương trình Sách giáo khoa mới 2006, tôi chỉ biết tới sách giáo khoa lớp 7, bìa màu xanh đẹp mắt. Nhớ tới câu ca dao thuở nào:

 

Thương thay lũ kiến ti li

Kiếm ăn được mấy phải đi tìm môi

Thương thay hạc lánh đường mây

Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi.

Vậy mà, giờ tôi đã là một sinh viên Sư phạm Ngữ văn, sẽ trở thành người thầy trên bục giảng. Mẹ biết tôi đang dạy kèm một bé lớp 7, nên có ý tìm sách giúp, dù ngày xưa, mẹ chỉ học hết lớp 2. Chẳng biết…mẹ đã từng ước mơ những gì của tuổi trẻ? Chẳng biết hồi chưa có con, mẹ mong muốn được đặt chân tới miền đất nào? Chẳng biết nơi con sông quê, mẹ đã khao khát điều gì cho thanh xuân vụt sáng? Chỉ biết rằng, từ khi con lớn lên, mẹ cứ dõi theo, nhẫn nại, âm thầm. Mở cuốn sách, tôi bắt đầu khám phá một hành trình kiến tạo mới, hành trình tìm những mạch suối nguồn, cho chính bản thân, và cho cả những tâm hồn trẻ thơ sau này tôi đứng lớp.

Bìa sách màu vàng đẹp đẽ, bên trong mỗi bài là các định hướng cho giáo viên khi lên lớp. Ồ, hóa ra cũng có sách hướng dẫn từng bước cho giáo viên chi tiết như thế này ư? Điều mà trước đây tôi không hề biết, không bao giờ biết, chỉ biết ngưỡng mộ thầy cô, vì những điều họ đã làm cho mình, và bạn bè trang lứa. Và thế là, tôi ngấu nghiến từng bài một, để có thể giúp cho em học sinh mình dạy kèm học và tiếp cận kiến thức tốt nhất, chính xác nhất. Quả thực, với một sinh viên năm nhất như tôi, có cuốn sách ấy, chẳng khác nào tìm được kim chỉ nam cho cuộc hành trình dài chưa kịp định hình.

Những năm đại học của tôi trôi qua bên chiếc xe đạp cọc cạch khắp phố phường để gia sư mỗi tối. Chẳng biết bằng cách nào, mà một bà hàng cá “đanh đá” như mẹ lại tìm đủ cho tôi bộ sách giáo viên cấp 2, để chúng rong ruổi theo tôi khắp Hà Nội, để ít nhất thì dù tôi không có kinh nghiệm đứng lớp, nhưng tôi cũng sẽ không dạy sai kiến thức cho các em nhỏ đã tin tưởng mình. Một cuốn sách, nhỏ thôi, nhưng là tâm huyết của một thế hệ, là nơi gửi gắm mơ ước của tôi, và…có lẽ, là cả mơ ước của mẹ nữa…

Giấc mơ cũng có khi trở thành ác mộng, khi năm thứ ba, tai họa ập đến gia đình tôi. Mẹ bị tai biến. Bị liệt nửa người. Trong sự hoang hoải, bàng hoàng, tôi bỏ tất cả lao về viện. Mẹ nằm đó, cái “bình lặng” đáng sợ hơn con sông mùa lũ, đáng sợ hơn rặng tre làng réo rắt khi bão tràn qua, đáng sợ hơn cả con đường phố thị chật xe mà lần đầu tiên tôi tự mình băng qua. Môi mẹ tím thâm, không phải vì lạnh. Mẹ không cười được. Mẹ chỉ khóc, nước mắt lặng thinh chảy xuống. Mẹ không nói được. Chỉ nhìn tôi thôi. Tôi quay mặt đi, giấu giọt nước mắt để mình mạnh mẽ. Bố bảo mẹ đưa chị dâu đi sinh, rồi tai biến và ngất luôn ở viện. Bác sĩ bảo mẹ bị liệt nửa người, cần uống thuốc và tập đi, vẫn có cơ hội phục hồi. Nhưng chắc chắn sẽ không được như trước.

Trở về nhà sau một tháng nằm viện. Căn nhà ngang trở thành “căn cứ” của mẹ. Bố buộc cho mẹ một sợi dây thừng to ngang nhà để tập đi. Ngày ngày, bố chăm mẹ, dìu mẹ tập đi mấy vòng quanh sân.

- Hay là…con nghỉ học nhé bố?

- Không phải nghỉ, mày cứ học đi, còn hơn năm nữa. Tao vay được tiền ngân hàng chính sách rồi.

Nhìn chiếc xe đạp cũ kĩ vẫn buộc chiếc thùng cá quen thuộc– chiếc xe xin lại được của nhà bác mà tôi đã đi suốt mấy năm cấp hai, lòng tôi quặn thắt. Trước hôm lên đường về nhà trọ, mẹ gọi tôi lại, ú ớ chỉ vào bọc sách. Tôi òa khóc giữa chồng sách giáo viên cấp ba. Mẹ biết tôi chuẩn bị đi thực tập, nên đã tìm đủ cho tôi cả bộ, không sót quyển nào. Tôi nắm tay mẹ thật chặt, dặn dò rồi lên đường trở về căn trọ nhỏ.

Hai năm trôi qua, tôi ra trường. Mẹ cũng đi lại được, nói trở lại. Chỉ là, mẹ không thể chạy chợ nữa. Chân mẹ yếu, ngày ngày đều phải uống thuốc để bình ổn huyết áp. Chiếc xe cà tàng nằm góc vườn lặng lẽ. Còn mẹ, mẹ xin đi cắt cỏ vườn thuê cho người ta. Cả đời mẹ bình lặng để hồn con dậy sóng. Mẹ tự hào, khi tôi ra trường với tấm bằng giỏi. Và được tuyển thẳng vào hợp đồng quận ở một trường cấp hai giữa thủ đô. Cuốn sách mẹ mua cho tôi, vẫn ở cạnh, ngay trong tiết dạy thử khi tôi về trường: “Một thứ quà của lúa non: Cốm”. Lần đầu đứng trên bục giảng, không phải tư cách là giáo sinh thực tập, mà là giáo viên, tôi hồi hộp, sợ hãi, run rẩy. “Cốm không chỉ hình thành từ những tinh túy của thiên nhiên mà còn từ bàn tay khéo léo của con người. Chờ đến khi vừa nhất, chỉ những người chuyên môn mới biết, họ gặt về, làm nên hạt lúa thơm nhất, ngon nhất, dẻo nhất…”. Tôi giảng bài, cảm giác như mình đang đứng giữa cánh đồng quê, như đang tắm mình nơi con sông cũ, như đang khua tay thùng cá mát lành của mẹ ngày nghỉ hè. Mẹ tôi không duyên dáng như cô gái làng Vòng có cái đòn gánh cong vút hai đầu. Nhưng mẹ cũng khéo léo, cũng có những “sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn”, tất cả, đều để cho tôi.

Năm nay, năm cuối cùng cuốn sách giáo khoa lớp 7 chương trình GDPT 2006 còn trên bục giảng. Và cuốn sách giáo viên đã đi hết hành trình của nó. Chỉ năm tới thôi, những bộ sách mới lớp 7, to hơn, đẹp hơn, của chương trình GDPT 2018 sẽ “lên sóng”. Rồi tôi cũng sẽ dùng sách giáo khoa mới, sách giáo viên mới, sẽ đến với chân trời mới, rộng mở. Thế nhưng, cuốn sách ấy đã đi trọn cuộc đời, tận hiến hết thảy, ít nhất là với tôi. Như sợi dây neo giữ con thuyền về bến, nó là niềm hi vọng của mẹ, mơ ước của tôi. Nó nuôi sống tôi, cùng tôi ăn học. Nó đưa tôi vào bục giảng một cách “tròn trịa” nhất. Nó sống cùng tôi suốt tám năm kể từ khi ra trường. Thật biết ơn và trân trọng! Bởi với tôi, nó không chỉ là tâm huyết của các thầy cô biên soạn, không chỉ là tri thức trao gửi thầy – trò, mà nó còn là yêu thương, ước vọng mà mẹ dành trọn đời mình.

Nếu có ai đó hỏi tôi rằng khởi nguồn yêu thương là gì? Thì tôi sẽ trả lời, đó chính là mẹ. Một bà mẹ nông dân lam lũ cần cù, một bà hàng cá chẳng đanh đá chanh chua, một con người bằng da bằng thịt, lúc nào cũng luôn chân luôn tay, không biết ngơi nghỉ. Mẹ dành trọn cuộc đời bên thúng thóc, bên thùng cá, bên căn nhà cũ, chỉ để cho con đủ sức vẫy vùng tắm táp nơi biển trời rộng lớn ngoài kia. Giống như cuốn sách tặng con, mẹ cũng đã đi trọn cuộc đời mình, để chúng con trưởng thành, bản lĩnh. Mẹ ơi, mẹ đã khổ một đời, mà đến già vẫn chẳng được sướng. Mẹ vẫn cứ lo cái này, sợ cái kia. Mẹ vẫn cứ thương con, nhớ cháu. Con chẳng biết phải làm gì, để lòng con bình lặng, để lo cho mẹ, để mẹ bớt khổ. Đến tận giờ, mẹ vẫn chẳng yên lòng. Mẹ ơi!

Yêu nhớ mẹ!

Nguyễn Thị Dung

Tags: Cuộc thi Trang sách tôi yêu văn xuôi

Cùng chuyên mục

NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC VIỆT NAM TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG ĐOÀN NĂM 2024

Thứ Bảy, 21/12/2024 | 11:14

Ngày 21/12/2024, tại Hà Nội, Công đoàn NXB Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Hội nghị tổng kết công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2024 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Thứ Bảy, 21/12/2024 | 10:47

Ngày 20/12/2024, Hội nghị tổng kết công tác “Vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025” của Ban “Vì sự tiến bộ phụ nữ” Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã diễn ra tại Ba Vì.

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN CÔNG TÁC CÔNG ĐOÀN NĂM 2024

Thứ Bảy, 21/12/2024 | 09:36

Ngày 20/12/2024, nhằm triển khai Chương trình hoạt động năm 2024 của Công đoàn NXBGDVN, Công đoàn NXB Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho cán bộ làm công tác công đoàn.

Lễ ra mắt bản dịch tác phẩm văn học thiếu nhi "Papelucho"

Thứ Sáu, 20/12/2024 | 16:03

NXBGDVN - Sáng ngày 20/12/2024, tại Hà Nội, NXB Giáo dục Việt Nam và Đại sứ quán Chile tại Việt Nam đã tổ chức Lễ ra mắt bản dịch tác phẩm văn học thiếu nhi Papelucho.