Tin tức » Tin tức - Sự kiện
SÁCH LẬU, VIRUT NGUY HIỂM LÂY LAN TRONG XÃ HỘI
Thứ Tư, 01/09/2010 | 15:39
Số lượt xem: 7215Bề nổi của tảng băng chìm.. !
Khoảng trên 5 tấn sách lậu (một phần lớn là SGK và giáo trình đại học) mà Đội kinh tế thương mại, Phòng CSĐT về TTQLKT và Chức vụ (PC46)-Công an TP.Hà Nội phối hợp lực lượng Quản lý thị trường thành phố thu giữ tại Nhà sách Minh Thắng, thuộc Công ty TNHH Văn hóa Minh Tân vào ngày 22/6/2010, hay trước đó Đoàn kiểm tra của liên ngành Thanh tra Sở Thông tin-Truyền thông TP.Hà Nội và Phòng Bảo vệ an ninh văn hóa – CATP Hà Nội tiến hành kiểm tra tại xưởng in của Công ty CP In Sao Việt, đường Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân-Hà Nội cũng đã phát hiện và tạm giữ gần 3 tấn ấn phẩm lậu đã được in đang chuẩn bị đóng xén.
Điều làm ngỡ ngàng ngay cả những nhà điều tra là thủ đoạn và hoạt động của mạng lưới in ấn sách lậu ngày càng tinh vi, được trang bị hiện đại… Mỗi công ty đều có giấy phép hoạt động in ấn làm “sân sau” cho các nhà xuất bản, nhưng song song với việc in thuê kiểu gia công cho một số nhà xuất bản, thì các công ty như Minh Tân, Sao Việt đều có nhà sách để làm đầu mối tiêu thụ sách lậu được chính các cơ sở “bạch tuộc” mà họ xây dựng nên sản xuất ra.
Tại thời điểm đoàn kiểm tra có mặt tại xưởng in của Công ty CP In Sao Việt có 3 máy in hiện đại công suất lớn, 2 máy khâu, 2 máy gấp, 1 máy dán keo…và khoảng 30 công nhân đang làm việc hết công suất. Tương tự như vậy nhưng với quy mô “hoành tráng” hơn nhiều của Công ty TNHH Văn hóa Minh Tân. Các hoạt động của công ty này do Trần Minh Thắng (tức Thắng “virút”) điều hành hoạt động theo dây chuyền sản xuất kiểu “phân khu”, tức là xưởng in và đóng xén được đặt ở vị trí khác nhau để tránh sự phát hiện của quần chúng và cơ quan chức năng. Nhà sách Minh Thắng tại 808 đường Láng thuộc Công ty TNHH Văn hóa Minh Tân chỉ là một trong 5 địa điểm bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện. Đi theo nó là 2 điểm gia công đóng xén tại quận Hoàng Mai; 1 xưởng in ở Xí nghiệp nhập khẩu rau hoa quả 389 Trương Định với gần 10 máy in công suất lớn… Từ đây sách được chia nhỏ các khâu đóng xén, các bản phôi được mang đến cơ sở tại Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai cắt xén, rồi chuyển đến cơ sở ở phường Tân Mai đóng ghim, sau đó lại về Giáp Nhị đóng bìa. Cuối cùng sách được chuyển đến Nhà sách Minh Thắng để tiêu thụ theo hình thức tổng đại lý vừa bán buôn cho các địa phương, vừa bán lẻ cho khách mua tại chỗ.
Trung tá Đặng Thọ Cường, Đội phó Đội Kinh tế Thương mại cho biết: Trần Minh Thắng đang là một trong những “đầu nậu” sừng sỏ lớn nhất miền Bắc. Cái tên Thắng “vi-rút” được các đối tượng trong “làng” in lậu sách đặt ra để chỉ sự tinh vi, xảo quyệt, nguy hiểm với nhiều mánh khóe in lậu tinh vi và tiến hành tiêu thụ sách lậu len lỏi đến hầu hết các tỉnh ở phía Bắc.
Theo điều tra của PV báo GD&TĐ, hiện trên địa bàn TP.Hà Nội có hàng trăm nhà sách hoạt động theo kiểu nhà sách Minh Thắng tại số 808 đường Láng, tức là từ sản xuất đến tiêu thụ. Chỉ tính riêng trong vụ phá được đường dây sách lậu của Công ty TNHH Văn hóa Minh Tân và nhà sách Minh Thắng, các cơ quan chức năng của Hà Nộ đã mất hơn 4 tháng kỳ công trinh sát, điều tra, xác minh… Tuy nhiên, đến khi bắt quả tang hành vi tiêu thị và sản xuất sách lậu thì những chế tài xử lý lại chưa đủ mạnh để các đầu nậu này nản lòng.
Cần một chế tài đủ mạnh
Nếu chúng ta tìm hiểu các quy định của pháp luật về vấn đề này, có thể nhận thấy chế tài trong lĩnh vực xử lý in ấn và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu đang rất thiếu và yếu. Để xử lý sách lậu, cơ quan chức năng đang áp dụng NĐ số 56/2006/NĐ-CP “về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa-thông tin”. Theo văn bản này, hành vi “tàng trữ trái phép xuất bản phẩm in sao lậu” sẽ bị tịch thu tang vật và tùy theo số lượng ấn bản vi phạm, sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 15 triệu đồng. Riêng hành vi “in, nhân bản xuất bản phẩm không đủ thủ tục hoặc không có hợp đồng theo quy định” (thực chất là in lậu) sẽ bị tịch thu tang vật – phương tiện vi phạm và bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng. NĐ 56 không quy định xử phạt hành chính hành vi đóng xén sách lậu và bán sách lậu… Hay như đối với hành vi tái phạm bị phát hiện, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mức phạt quy định tại NĐ 56 như hiện nay chưa đủ mạnh để khiến những kẻ làm sách lậu chùn tay.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Đặng Thọ Cường cũng cho biết: Trên thực tế, hành vi và mánh in lậu các loại sách giáo khoa, giáo trình, trueyẹn… hết sức tinh vi. Qua những vụ việc vừa được phát hiện gần đây cho thấy, các chủ đầu nậu sách đã thay đổi phương thức hoạt động từ nhỏ lẻ sang hoạt động dây chuyền. Chúng thiết lập một hệ thống tinh vi và hiện đại từ in ấn đến tiêu thụ trên phạm vi rộng. Để lừa dối khách hàng, chúng thường in đội giá các sản phẩm sau đó đưa ra các điểm bán sách rồi lại ghi chiết khấu từ 40% đến 60% để người mua lầm tưởng là được lợi. Ngoài ra nhìn vào các ấn phẩm được in trên hệ thống máy hiện đại nên người mua sẽ không phát hiện ra đâu là sách lậu. Ngoài ra hoạt động in ấn lậu đã vi phạm nghiêm trọng bản quyền tác giả và gây thiệt hại không nhỏ đến nguồn thu thuế của Nhà nước.
Trước những thủ đoạn làm lậu sách ngày càng tinh vi và lây lan gây nguy hại trong toàn xã hội thì chế tài xử lý hoạt động phi pháp này lại chưa đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Chính vì vậy, các chủ in sách lậu “sẵn sàng” chịu phạt nếu bị bắt quả tang,bởi lợii nhuận từ việc làm sách lậu quá cao. Còn các nhà xuất bản có quyền lợi trong các ấn phẩm bị làm lậu chỉ biết than trời trước thực trạng sách lậu đang ngày càng hoành hành, thách thức pháp luật.
Theo Báo Giáo dục và Thời đại (5/8/2010)