Tin tức » Tin tức - Sự kiện

SGK Mĩ thuật trong Chương trình mới góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa

Thứ Hai, 14/08/2023 | 10:00

Số lượt xem: 1274

Giáo dục nghệ thuật đang được nhìn nhận như một bộ phận then chốt của nền giáo dục hiện đại.

Những con số ấn tượng

Từ năm 2016, Bộ GD&ĐT quy định các trường đại học phải báo cáo kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp 12 tháng. Đây là một trong các tiêu chí để các trường đề nghị chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp 12 tháng dưới 80% thì những ngành đó không được tăng chỉ tiêu. Trong báo cáo tình hình việc làm của sinh viên giai đoạn 2018 - 2021 của Bộ GD&ĐT, công bố ngày 26/5/2023, lĩnh vực đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật luôn chiếm tỉ lệ cao, trên 95% sinh viên ra trường có việc làm.

Hơn bao giờ hết, giáo dục nghệ thuật đang được nhìn nhận như một bộ phận then chốt của nền giáo dục hiện đại. Giáo dục nghệ thuật nâng cao kết quả học tập và giúp người học xây dựng các kỹ năng phù hợp trong xu thế phát triển của thời đại. Trong Chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục nghệ thuật góp phần truyền cảm hứng sáng tạo và xây dựng mối liên hệ giữa con người và nền văn hóa một cách tự nhiên.

Trong đó, giáo dục trong lĩnh vực Mĩ thuật đem lại những lợi ích sâu sắc và lâu dài cho người học, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh. Bên cạnh việc tiếp thu các kỹ năng mới, mang lại lợi ích cho người học, giáo dục Mĩ thuật trong nhà trường phổ thông giúp mỗi học sinh phát huy niềm yêu thích, năng lực của bản thân, cũng như kích thích sự tò mò, cảm hứng, sáng tạo và tôn trọng sự đa dạng, một biểu hiện của tính bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Qua đó đem đến sự tự tin và hạnh phúc.

Trong bối cảnh đó, sách giáo khoa Mĩ thuật biên soạn theo nội dung và yêu cầu cần đạt của môn Mĩ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã từng bước tiệm cận với tính hiện đại, phù hợp với sự vận động, phát triển trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật trên thế giới, cũng như chứa đựng những yếu tố tạo ra sức sống, bản lĩnh dân tộc, bao gồm những giá trị, tinh hoa của nền mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Những giá trị này được truyền tải, lồng ghép qua các chủ đề, bài học xuyên suốt từ cấp tiểu học, trung học cơ sở (giai đoạn giáo dục cơ bản) cho đến cấp trung học phổ thông (giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp).

Với mĩ thuật Việt Nam, hình ảnh về hiện vật, tác phẩm mỹ thuật trong các bảo tàng lịch sử quốc gia, bảo tàng mỹ thuật Việt Nam được đưa vào sách giáo khoa Mĩ thuật ở cả 3 cấp lớp phù hợp với định hướng chủ đề, là những minh chứng cho một nền mĩ thuật có bản sắc riêng và những đóng góp của các họa sĩ, nhà điêu khắc giai đoạn đầu của nền mĩ thuật hiện đại giúp cho học sinh, những công chúng nghệ thuật, thêm biết, yêu và tự hào với nền mĩ thuật Việt Nam.

Đối với mĩ thuật thế giới, theo dòng chảy của lịch sử, di sản mĩ thuật của những nền văn minh từ Đông sang Tây, những trường phái, khuynh hướng sáng tác mĩ thuật hiện đại, đương đại được đề cập giúp cho học sinh có những kiến thức, hiểu biết cơ bản về sự đa dạng và những đóng góp của mĩ thuật đối với nền văn minh của nhân loại một cách sâu sắc.

Lĩnh vực đào tạo 2021 2020 2019
Nghệ thuật 95,5 95,5 95,3

 

“Trả lại tên cho em”

Điều quan trọng và khác biệt khi đối sánh với sách giáo khoa Mĩ thuật theo Chương trình GDPT 2006 thì việc “trả lại” đúng bản chất và phạm vi của môn Mĩ thuật và tính định hướng nghề nghiệp trong sách giáo khoa Mĩ thuật theo Chương trình GDPT 2018 rõ hơn cả.

Bởi lúc này, “Mĩ thuật” không còn bó hẹp trong phạm vi của “vẽ” (theo Chương trình GDPT 2006, môn Mỹ thuật cấp THCS gồm 4 phân môn: Vẽ theo mẫu, Vẽ trang trí, Vẽ tranh và Thường thức Mĩ thuật), mà đã cập nhật và tiệp cận với các ngành, nghề trong lĩnh vực mĩ thuật như: Hội họa; Điêu khắc; Đồ họa (tranh in); Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật; Thiết kế đồ họa; Thiết kế công nghiệp Thiết kế thời trang; Thiết kế Mĩ thuật đa phương tiện; Thiết kế Mĩ thuật sân khấu, điện ảnh; Kiến trúc.

Để đáp ứng được các nội dung giáo dục và chuyên đề học tập, sách giáo khoa Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông (lớp 10, 11, 12), lần đầu tiên xuất hiện trong Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia đã mời hơn hai mươi tác giả tham gia biên soạn để đáp ứng được các chuyên ngành liên quan.

Chính sự công phu trong biên soạn, cũng như rộng khắp ở các chuyên ngành, nên bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống duy nhất có sách giáo khoa môn Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông được kí phê duyệt danh mục sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường, từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 10, năm học 2023 - 2024 đối với lớp 11.

Sự thay đổi căn bản, toàn diện sách giáo khoa Mĩ thuật theo Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia đã đem đến những cơ hội to lớn ở các phương diện:

Đối với gia đình: Học sinh được tiếp cận và lựa chọn học những môn phù hợp với sở thích, nguyện vọng và năng lực của bản thân từ giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Tránh đi những lựa chọn không phù hợp, hao tổn thời gian, tiền bạc của gia đình và bản thân.

Đối với nhà trường: Các trường sư phạm đào tạo giáo viên cần thiết thay đổi Chương trình đào tạo giáo sinh nhằm đáp ứng được sự thay đổi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp với thực tiễn triển khai môn học trong nhà trường. Các trường phổ thông định biên nhân sự đáp ứng nhu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đối với xã hội: Có sự phân luồng về nguồn nhân lực từ sớm, đáp ứng được nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nghệ thuật ở giai đoạn đào tạo sau giáo dục phổ thông.

Chính những biến chuyển rõ ràng như vậy nên trong giai đoạn đầu triển khai môn Mĩ thuật, theo Chương trình GDPT 2018 đã và đang gặp nhiều khó khăn, từ phía nhà trường lựa chọn tổ hợp nội dung giáo dục, chuyên đề học tập để học sinh lựa chọn phù hợp với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất (ở cấp THPT), cho đến những thay đổi về cách xây dựng Kế hoạch dạy học, Kế hoạch bài dạy (giáo án), phương pháp/ hình thức tổ chức dạy học (ở cấp tiểu học, THCS) cũng đã đặt ra nhiều thách thức, cần sự thay đổi trong chính đội ngũ giáo viên, quản lí giáo dục ở mỗi địa phương.

Chúng tôi hy vọng với sự quyết tâm cao, những thách thức sẽ biến thành động cơ, những khó khăn sẽ từng bước được khắc phục để những kiến thức, kĩ năng từ những cuốn sách giáo khoa Mĩ thuật chuyển hóa thành năng lực mĩ thuật ở học sinh, từng bước đáp ứng được tính bình đẳng, dân chủ trong giáo dục một cách thực chất, phù hợp theo sự vận động, phát triển chung của đất nước và sự kì vọng thành công của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

 

PGS.TS Đinh Gia Lê (Tổng Chủ biên Sách giáo khoa Mĩ thuật – bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống)

Cùng chuyên mục

Bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc mới của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Thứ Sáu, 26/04/2024 | 20:00

Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc NXBGDVN.

Khai mạc Liên hoan Tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách năm 2024

Thứ Tư, 24/04/2024 | 07:31

Tối 23/4, tại Trung tâm Hội nghị Văn hóa tỉnh Điện Biên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ Khai mạc Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức hội nghị  tập huấn công tác thiết bị dạy học các lớp 5, 9 và 12

Thứ Hai, 22/04/2024 | 15:55

Vừa qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn sử dụng Thiết bị dạy học (TBDH) lớp 5, 9, 12 theo chương trình GDPT 2018 tại TP. Hồ Chí Minh.

NXB GIÁO DỤC VIỆT NAM TRAO TẶNG SÁCH GIÁO KHOA, ĐỒ DÙNG HỌC TẬP CHO HỌC SINH GỐC VIỆT TẠI CAMPUCHIA

Thứ Hai, 22/04/2024 | 11:07

Ngày 18/4/2024, đoàn công tác của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đến thăm và trao tặng sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh gốc Việt đang sinh sống, học tập tại Campuchia.