Tin tức » Tin tức - Sự kiện
SGK Toán học bộ Chân trời sáng tạo: Đáp ứng yêu cầu đổi mới đề thi, kéo gần Toán học với cuộc sống
Thứ Sáu, 22/03/2024 | 15:38
Số lượt xem: 2870Môn Toán là môn học bắt buộc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, môn Toán cũng thường được coi là khó và khô. Thực tế, môn Toán có một vẻ đẹp mà các môn học khác không có, đó chính là qua từng bước giải, giống như lần lượt mở từng cánh ô cửa bí mật để đến với đáp số mà đáp số ấy đôi khi không phải một nghiệm mà là đa nghiệm. Sách giáo khoa (SGK) chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Toán đã đưa môn học này đến gần với cuộc sống hơn theo cách riêng của mình.
TS. Nguyễn Thành Anh, đồng chủ biên SGK Toán lớp 12 bộ Chân trời sáng tạo (CTST), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có những chia sẻ về “sự hấp dẫn” của môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thưa ông, so với môn Toán chương trình giáo dục phổ thông 2006, SGK môn Toán lớp 12 bộ sách Chân trời sáng tạo có điểm gì khác biệt và ông cảm thấy tâm đắc nhất?
Nếu so sánh với SGK theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 thì điểm khác biệt đáng chú ý nhất là SGK Toán 12 CTST thể hiện một cách nổi bật hai khía cạnh có liên hệ mật thiết như sau:
Thứ nhất, SGK Toán 12 CTST tạo cho học sinh nhiều cơ hội học toán một cách hứng thú, nhẹ nhàng và hiệu quả thông qua tích cực tham gia các hoạt động học tập, qua đó phát triển phẩm chất và năng lực, bao gồm các năng lực toán học và các năng lực chung;
Thứ hai, sách định hướng và hỗ trợ giáo viên đổi mới phương pháp dạy học mà trọng tâm là các phương pháp dạy học tích cực, trên tinh thần dạy học “lấy học sinh làm trung tâm”.
Có thể dễ dàng nhận biết điều này thông qua xem xét cấu trúc và các đặc điểm sư phạm của các thành phần cấu trúc trong bài học.
Các bài học trong SGK Toán 12 CTST có cấu trúc tường minh và nhất quán, với các hoạt động Khởi động - Khám phá - Thực hành - Vận dụng. Các hoạt động với mục đích và chức năng sư phạm rõ ràng và được sắp xếp phù hợp với tiến trình nhận thức.
|
Các ví dụ có đề bài và lời giải được trình bày rõ ràng, ngắn gọn và chuẩn mực, giúp học sinh học hỏi cả cách áp dụng kiến thức lẫn cách trình bày.
Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phát triển năng lực của người học. Vậy SGK Toán lớp 12 bộ Chân trời sáng tạo đã giải quyết yêu cầu này như thế nào, thưa ông?
Ta biết rằng năng lực của người học chỉ có thể hình thành và phát triển thông qua hoạt động.
Nhờ được thiết kế như nói ở trên, giáo viên rất dễ dàng sử dụng SGK Toán 12 CTST để tổ chức cho học sinh học thông qua hoạt động. Học sinh trở thành chủ thể tích cực, chủ động tham gia các hoạt động, hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Nhờ đó, học sinh hình thành và phát triển năng lực, bao gồm các năng lực toán học và các năng lực chung.
Chẳng hạn, thông qua tham gia hoạt động vận dụng và hoàn thành nhiều bài tập liên quan đến giải quyết vấn đề có bối cảnh gắn với thực tiễn, học sinh phát triển năng lực mô hình hoá toán học, năng lực giải quyết vấn đề toán học.
Đạt được mục tiêu kép
Môn Toán vốn được coi là môn khô – khó – khổ đối với học sinh và tính ứng dụng ở chương trình giáo dục phổ thông 2006 gần như không có. Ở sách Toán lớp 12 bộ Chân trời sáng tạo, tính ứng dụng thực tế của môn học này được các tác giả lồng ghép, thể hiện ra sao để giúp học sinh hình thành được năng lực tư duy theo yêu cầu của môn học?
|
Ứng dụng toán học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn được nhấn mạnh trong chương trình môn Toán thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tính ứng dụng thực tiễn trong SGK Toán 12 CTST trước hết thể hiện rõ nét trong các hoạt động vận dụng và những bài tập ở mức độ phân hoá. Ở đó, học sinh cần vận dụng các kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề có bối cảnh gắn thực tiễn.
Tuy nhiên, trong SGK Toán 12 CTST, tính ứng dụng thực tiễn không chỉ được chú trọng trong các hoạt động vận dụng mà được chú trọng ngay từ đầu bài học, trong các hoạt động khởi động và khám phá. Ở các hoạt động này, tình huống gắn với thực tiễn có tác dụng tạo sự hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của người học, kết nối và huy động những trải nghiệm của người học vào việc hình thành các khái niệm, kiến thức mới. Cách tiếp cận này giúp học sinh dễ nhận ra một cách tự nhiên nguồn gốc, ý nghĩa và nhu cầu nhận thức các khái niệm toán học, kết nối các khái niệm trừu tượng với các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống và trong khoa học.
|
Tóm lại, giáo dục toán học gắn với bối cảnh thực tiễn được chú trọng và được thể hiện một cách rõ nét trong SGK Toán 12 CTST.
Bộ GD&ĐT vừa công bố dạng thức đề thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ năm 2025 dành cho học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phần bài tập thực hành của SGK môn Toán lớp 12 bộ Chân trời sáng tạo đưa các hình thức câu hỏi tiệm cận với dạng thức đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT như thế nào thưa ông?
Có thể nhận thấy dạng thức đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 các môn nói chung vừa được Bộ GD&ĐT công bố có những đổi mới rất tích cực, trong đó môn Toán (và một số môn khác) có 3 dạng thức câu hỏi là: trắc nghiệm nhiều lựa chọn, trắc nghiệm đúng sai và trắc nghiệm trả lời ngắn. Các câu hỏi được phân bổ thành ba mức độ là nhận biết, thông hiểu và vận dụng, cho phép phát triển khá toàn diện các năng lực, bao gồm các năng lực tư duy và lập luận toán học, mô hình hoá toán học và giải quyết vấn đề toán học.
Nhìn chung, mục đích của sự thay đổi dạng thức đề thi là nhằm đánh giá được đúng và tương đối toàn diện kết quả học tập theo mục tiêu, chuẩn yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để hoàn thành tốt bài thi ở dạng thức đề thi này, học sinh cần hiểu đúng bản chất các kiến thức cơ bản; liên hệ, so sánh và phân biệt giữa các khái niệm (không chỉ nhớ một cách máy móc); có khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề ở mức độ phù hợp trong những bối cảnh khác nhau. Đáng chú ý là đề thi không có những câu hỏi đòi hỏi tính toán lắt léo, mẹo mực, có tính đánh đố.
SGK Toán 12 CTST được biên soạn bám sát mục tiêu và yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018, đã trải qua quá trình thẩm định rất chặt chẽ. Do đó, đương nhiên các hoạt động, câu hỏi, bài tập trong SGK Toán 12 CTST sẽ giúp học sinh chiếm lĩnh các kiến thức cơ bản, rèn luyện kĩ năng, làm quen với dạng thức câu hỏi để chuẩn bị tốt cho các kì thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Tất nhiên, do đặc thù của kì thi tốt nghiệp THPT có quy mô lớn, cần tận dụng được công nghệ cho việc chấm thi trở nên nhanh và khách quan, nên dạng thức đề thi cần thoả mãn những yêu cầu nhất định. Chẳng hạn, kết quả của câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn cần viết được dưới dạng số thập phân với không quá nhiều chữ số (có thể sau khi làm tròn). Câu hỏi trong SGK thì đa dạng hơn, không cần thiết có những giới hạn kiểu như vậy.
Cảm ơn ông!
(Theo Tiền phong)