Tin tức » Tin tức - Sự kiện
Sứ mệnh phát triển văn hóa đọc và kết nối tri thức bền vững cho cộng đồng
Thứ Hai, 21/04/2025 | 09:00
Số lượt xem: 210Thời gian tới, NXBGDVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất bản mảng sách có hàm lượng tri thức cao, tăng cường phát triển sản phẩm số để đưa sách đến gần hơn với bạn đọc.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025 diễn ra trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 15/4 đến ngày 02/5. Một số thông điệp gồm: “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”...
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng - Thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, lắng nghe những chia sẻ về vai trò của sách và ý nghĩa lan tỏa văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Phóng viên: Trong thời đại công nghệ số hiện nay, sách vẫn giữ được vị trí quan trọng trong việc phát triển tri thức. Theo ông, vai trò của sách trong xã hội ngày nay là gì?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng: Trong thời đại công nghệ số với rất nhiều phương tiện nghe nhìn hấp dẫn, đặc biệt là các nền tảng xã hội luôn thu hút một lượng lớn người theo dõi, cung cấp nhiều thông tin hấp dẫn khiến người ta ngại đọc sách hơn. Nhưng tôi cho rằng, điều này không thể thay thế được việc đọc sách. Kiến thức trong sách vẫn là nền tảng và có chiều sâu, được biên tập kỹ, nên đảm bảo sự tin cậy. Nhờ vậy, sách giúp người đọc tạo ra được bộ lọc trong cả một “đại dương thông tin”.
Các nghiên cứu cho thấy, việc việc tiếp nhận tri thức từ việc đọc, nhất là với sách giấy sẽ có khả năng ghi nhớ lâu dài và phân tích sâu hơn so với các hình thức khác; đặc biệt, rất phù hợp với những nội dung phức tạp. Vì vậy, trong xã hội hiện đại với sự bùng nổ thông tin như hiện nay, sách vẫn giữ vai trò quan trọng.
Phóng viên: Thưa ông, ông có đánh giá gì về những thông điệp năm nay? Đặc biệt, thông điệp “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” gợi cho ông những gì?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng: Tôi cho rằng, những thông điệp của Ngày sách và văn hóa đọc năm nay khá sâu sắc và nhiều ý nghĩa, đặc biệt là thông điệp “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, toàn cầu hóa, chuyển đổi số, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm.
Sự phát triển của đất nước không thể tách rời việc học tập không ngừng của mỗi người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, trong đó văn hóa đọc chính là phần cốt lõi. Thông điệp này không chỉ nhấn mạnh vai trò của sách, mà còn khuyến khích mỗi người dân Việt Nam hãy coi việc đọc sách để nâng cao hiểu biết là công việc thường xuyên mỗi ngày. Đó chính là hành động thiết thực để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Phóng viên: Một trong những thông điệp của Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay là “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về việc sách và văn hóa đọc có thể giúp gắn kết cộng đồng như thế nào?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng: Việc đọc một cuốn sách tuy là hành động cá nhân, xuất phát từ nhu cầu riêng của mỗi người, nhưng cách tiếp cận riêng của mỗi người về cuốn sách lại mở ra cơ hội cho những cuộc trao đổi, chia sẻ để cùng nhau hiểu sâu sắc hơn về vấn đề được đặt ra trong cuốn sách.
Bạn có thể thấy rõ điều này tại các hội sách hàng năm, nơi không chỉ có các gian trưng bày sách, mà còn diễn ra các buổi tọa đàm về những cuốn sách hay, sự giao lưu giữa tác giả và độc giả đã thu hút đông đảo người yêu sách.
Chính những hoạt động như vậy đã tạo nên cộng đồng những người yêu sách, đồng thời, cũng truyền cảm hứng cho những người chưa quen đọc sách, giúp họ tìm thấy sự hấp dẫn và ý nghĩa khi đến với sách.
Trong cuộc sống hiện đại, văn hóa đọc vẫn giữ vai trò là chất keo gắn kết cộng đồng. Thông qua không gian văn hóa đọc như thư viện, câu lạc bộ sách, cà phê sách, hay nhóm đọc sách online…, người đọc có thể chia sẻ những mối quan tâm chung về sách, tham gia các hoạt động thiện nguyện. Văn hóa đọc, vì thế có vai trò kết nối con người không phân biệt giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp hay địa vị xã hội.
Phóng viên: Ông có thể điểm qua những con số ấn tượng trong năm qua có sự đồng hành của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong sứ mệnh phát triển văn hóa đọc, kết nối tri thức đến độc giả?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng: Có thể nói, năm 2024 là một năm ghi dấu nhiều nỗ lực nổi bật của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc lan toả văn hóa đọc đến cộng đồng trong và ngoài nước.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tham gia nhiều sự kiện hội sách trên toàn quốc, trong đó, nổi bật là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba diễn ra từ ngày 17-21/4/2024 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Tại hội sách này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã trưng bày hơn 1.000 đầu sách, bao gồm sách giáo khoa, sách mầm non và sách tham khảo…, thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả.
Tham gia trưng bày, triển lãm và tặng hơn 2.000 cuốn sách tại Liên hoan Cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách tại tỉnh Điện Biên từ ngày 22-26/4/2024 tại Trung tâm Hội nghị Văn hóa tỉnh Điện Biên, nhằm chung tay góp phần hỗ trợ, đẩy mạnh văn hóa đọc trong cộng đồng tại tỉnh Điện Biên.
Tại Hội Sách Hà Nội lần thứ IX từ ngày 27-29/9/2024 diễn ra tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục giới thiệu nhiều ấn phẩm tiêu biểu, đặc biệt là các bộ sách thiếu nhi, góp phần khuyến khích thói quen đọc sách trong giới trẻ.
Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thực hiện các chương trình đóng góp xã hội với tổng giá trị lên tới 31 tỷ đồng, bao gồm tặng Tủ sách dùng chung, sách tham khảo cho các thư viện trường học; tặng sách giáo khoa, thiết bị học tập và học bổng cho các em học sinh và trường học vùng khó khăn để thực hiện trách nhiệm xã hội và sứ mệnh đồng hành cùng giáo dục.
Một hoạt động nổi bật nữa là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phối hợp Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài ra mắt Tủ sách tiếng Việt dành cho người Việt Nam ở nước ngoài - một sáng kiến góp phần gìn giữ tiếng mẹ đẻ và bản sắc văn hóa dân tộc. Tủ sách giúp các gia đình Việt xa xứ tạo không chỉ tạo thói quen đọc sách Tiếng Việt cho các em từ nhỏ, mà còn tạo không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng người Việt, đọc sách Tiếng Việt cũng tạo nên sự gắn kết giữa kiều bào với đất nước.
Ngoài ra, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục mở rộng hệ thống phát hành đến các vùng sâu vùng xa, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để giúp việc truyền tải tri thức thuận lợi hơn. Hiện tại, bạn đọc có thể truy cập sách giáo khoa điện tử miễn phí cũng như các tài liệu phục vụ giáo viên trên trang: https://hanhtrangso.nxbgd.vn và https://taphuan.nxbgd.vn/.
Tôi cho rằng, những hoạt động trên là minh chứng rõ ràng cho vai trò tích cực của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc phát triển văn hóa đọc và kết nối tri thức bền vững cho cộng đồng.
Phóng viên: Thay cho lời kết, ông có những chia sẻ, gửi gắm và kỳ vọng gì đối với sự phát triển văn hóa đọc, nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2025?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng: Hiện nay, số đầu sách người Việt đọc trung bình hàng năm còn thấp so với khu vực và thế giới.
Để cải thiện tình hình này, cần nhiều hình thức khuyến khích và giải pháp đồng bộ. Và tôi hy vọng, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2025 sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả. Tôi mong rằng, các em học sinh, sinh viên sẽ thực hiện duy trì việc đọc sách như một thói quen tốt.
Dù công nghệ số phát triển với nhiều phương tiện hiện đại và văn hoá nghe nhìn phát triển, nhưng văn hóa đọc vẫn không thể thay thế. Đọc sách ngoài việc nâng cao tri thức, còn tạo điều kiện để các em cải thiện sự tập trung và tăng cường kỹ năng tư duy. Điều này sẽ giúp các em linh hoạt và nhanh nhạy hơn khi xử lý những tình huống trong cuộc sống.
Với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chúng tôi luôn xem phát triển văn hóa đọc là sứ mệnh quan trọng.
Bên cạnh sách giáo khoa và những đầu sách tham khảo đặc biệt đã xuất bản và đạt giải, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất bản mảng sách tham khảo đặc biệt có hàm lượng tri thức cao, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập, quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra trường thế giới. Chúng tôi sẽ tăng cường phát triển các sản phẩm số với mong muốn đưa sách đến gần hơn với bạn đọc.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!