Tin tức » Tin tức - Sự kiện
Tác giả SGK của NXBGDVN được vinh danh top 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021
Thứ Ba, 04/05/2021 | 10:00
Số lượt xem: 3962NXBGDVN – Mới đây, TSGD. Nguyễn Thụy Anh – Chủ biên SGK Hoạt động trải nghiệm thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của NXBGDVN đã được FORBES Việt Nam vinh danh Top 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021.
Đây là lần đầu tiên, Forbes Việt Nam tôn vinh phụ nữ ở mọi lứa tuổi có những hoạt động tiên phong, bứt phá, vượt qua những giới hạn, nghịch cảnh của mình để tạo ra những tác động tích cực, đủ lực để xóa đi các bức tường dù hữu hình hay vô hình lâu nay vẫn cản trở sự phát triển của phụ nữ.
TS. Nguyễn Thụy Anh sinh năm 1974, tại Hà Nội. Từ năm 1989 đến 1991, chị theo học tại trường THPT Hanoi Amsterdam. Sau đó, chị đi du học tại trường Đại học Sư phạm Tổng hợp Quốc gia Moskva (Nga). Khi về Việt Nam, chị làm việc và phát triển trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, giáo dục và đã trở thành một gương mặt được nhiều người biết đến bởi dấu ấn ghi lại qua bất cứ lĩnh vực nào chị đảm nhiệm.
Mang trên vai nhiều trọng trách: Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con, thuyền trưởng EcoCamp – trại hè kỹ năng hướng nghiệp, nhà văn – nhà thơ – dịch giả, chuyên gia chuyên mục Tư vấn tuổi hồng tạp chí Văn học và Tuổi trẻ… và mới đây là Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam, dù ở vai trò nào chị vẫn luôn là “sứ giả của cảm xúc”, luôn làm việc với một tình yêu.
Có lẽ, tình yêu trẻ luôn là thứ tình cảm dào dạt chảy trong con người chị nên chị luôn sẵn sàng tham gia những công việc để thỏa mãn tình yêu đó với mong ước được làm điều gì đó có ích cho thế hệ trẻ. Cũng chính vì lẽ đó nên chị đã nhận lời tham gia viết sách và trở thành Chủ biên SGK Hoạt động trải nghiệm (HĐTN) cấp Tiểu học của NXBGDVN.
Điều đó thật may mắn cho NXBGDVN bởi chị là một trong những tác giả phù hợp nhất, với tất cả vốn kinh nghiệm quý báu đã tích lũy được trong quá trình hoạt động của mình. Hơn 10 năm qua, chị đã theo đuổi việc tổ chức các HĐTN, hướng nghiệp cho trẻ em, tìm cách đưa các em đến gần hơn với cuộc sống thật từ cuộc sống “ảo” trong sách vở, đồng thời cũng khuyến khích trẻ em quay trở lại đọc sách với một tâm thế khác. Ngoài ra, trong thời gian học ở Nga, TS. Nguyễn Thụy Anh đã nghiên cứu về giáo học pháp - các vấn đề về phương pháp dạy học và tổ chức hoạt động học. Điều này càng giúp chị có đủ hệ thống lý thuyết, tư duy vững chắc cùng kinh nghiệm thực tế để bắt tay vào việc biên soạn SGK HĐTN.
Tuy nhiên, công việc viết SGK vô cùng phức tạp, vất vả, đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức. Đó không đơn giản là việc chỉ viết ra và sắp xếp lại kinh nghiệm theo lý thuyết. Từ việc điều chỉnh nội dung, thời lượng các tiết HĐTN chặt chẽ theo Chương trình cân đối với thực tế cuộc sống của trẻ em hiện nay, đến việc “đối mặt” với những vòng kiểm định, thẩm định trong một thời gian tương đối gấp gáp. Từ việc thể hiện sự khác biệt, sáng tạo đến việc thuyết phục Hội đồng thẩm định Quốc gia tin vào sự khả thi của các thiết kế hoạt động mình đưa ra hoặc chỉnh sửa theo khuyến nghị của Hội đồng mà vẫn đảm bảo logic nội tại trong mạch phát triển nội dung của mình.
Đã không ít lần, những áp lực về quy trình, tiến độ… khiến tác giả có ý muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, chứng kiến sự nỗ lực hết mình của từng bộ phận, từng cá nhân tham gia việc làm sách trong NXBGDVN, sự quyết tâm và kiên nhẫn của các biên tập viên, người tư vấn và hỗ trợ, các hoạ sĩ, thiết kế chế bản..., chị đã quyết định sẽ ở lại và tiếp tục đồng hành cùng các tác giả khác để cho ra đời những cuốn SGK chất lượng với tất cả tâm huyết của một người yêu nghề, yêu trẻ, mong muốn được làm điều gì đó có ích đối với nền giáo dục nước nhà.
Chị bày tỏ sự tin tưởng rằng, những hoạt động được thiết kế trên quan điểm “mở” và “tạo động lực” sẽ khiến HS hào hứng tham gia, tạo điều kiện cho các em tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, chủ động áp dụng tổng hợp các kiến thức được học từ các môn học trong nhà trường vào việc giải quyết những nhiệm vụ cụ thể cũng như những vấn đề có thật nảy sinh trong cuộc sống của các em.
Với đội ngũ giáo viên, chị mong muốn được chia sẻ với các thầy cô giáo những phương pháp, kỹ thuật tổ chức hoạt động, các cách tiếp cận mới mẻ, hiện đại nhưng bền vững trong việc dạy học nói chung và việc tổ chức hoạt động giáo dục nói riêng ở nhà trường. Chị cũng kỳ vọng, thông qua việc tập huấn GV đã và đang được tổ chức bài bản, đội ngũ tác giả sẽ nhận lại được nhiều kinh nghiệm thực tế của các thầy cô ở từng địa phương, từ đó hoàn thiện hơn việc thiết kế các hoạt động đưa vào sách.
TS. Nguyễn Thụy Anh chia sẻ: “Tôi thực sự rất vui mừng khi được NXBGDVN mời tham gia biên soạn sách HĐTN cho cấp Tiểu học. Tôi cho rằng, việc tổ chức biên soạn SGK theo định hướng phát triển năng lực là một hướng đi đúng đắn, góp phần thúc đẩy việc đổi mới căn bản và toàn diện của giáo dục Việt Nam. Việc đưa nội dung HĐTN và HĐTN-hướng nghiệp vào Chương trình phổ thông là quyết định hợp lý, tạo cơ hội cho từng thầy cô giáo làm mới và hoàn thiện mình ở góc độ chuyên môn, tạo điều kiện cho học sinh Việt Nam tham gia vào cuộc sống, chủ động khám phá năng lực của bản thân để dần đối mặt với câu chuyện chọn nghề, hướng nghiệp trong tương lai. Tôi nghĩ, mình có thể đóng góp được nhiều trong lĩnh vực này với kinh nghiệm thực tế của mình.”
Cảm ơn Tiến sĩ thật nhiều! Hy vọng với cuốn sách Hoạt động trải nghiệm của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống dành cho cấp Tiểu học của NXBGDVN, TS. Nguyễn Thụy Anh sẽ truyền được nguồn cảm hứng tích cực của mình qua từng trang sách, và những cảm xúc, năng lượng tốt đẹp đó sẽ được lan tỏa đến các em học sinh may mắn được tiếp cận, được đọc và học cuốn sách này./