Tin tức » Tin tức - Sự kiện
Thực nghiệm sách giáo khoa được tổ chức ra sao?
Thứ Ba, 03/12/2024 | 15:43
Số lượt xem: 479Để đảm bảo tính đại diện, các đợt thực nghiệm được triển khai trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam với sự tham gia của các trường nội thành và ngoại thành.
Để đảm bảo sách giáo khoa được biên soạn phù hợp với học sinh trên cả nước, các nhóm biên soạn đã tiến hành thực nghiệm giảng dạy tại nhiều địa phương với sự đa dạng về địa hình, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội. Quá trình này không chỉ nhằm kiểm chứng tính khả thi của nội dung sách mà còn để ghi nhận những phản hồi thực tế từ giáo viên và học sinh, từ đó điều chỉnh, hoàn thiện tài liệu.
Quá trình thực nghiệm sách công phu và bài bản
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trịnh Cam Ly, đồng chủ biên sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 3, 4, 5 bộ sách Chân trời sáng tạo cho biết, thực nghiệm là một công đoạn quan trọng trong quá trình biên soạn sách giáo khoa. Kế hoạch thực nghiệm sách giáo khoa được nhà xuất bản và nhóm tác giả xây dựng từ rất sớm và thực hiện trong một khoảng thời gian đủ dài, phân bố thời lượng đều cho các lớp.
Tiến sĩ Trịnh Cam Ly, đồng chủ biên sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 3, 4, 5 bộ sách Chân trời sáng tạo. Ảnh: NVCC.
Để đảm bảo tiến độ, quá trình hoàn thiện bản thảo sách giáo khoa lớp dưới luôn được thực hiện song song với việc biên soạn bài mẫu và tổ chức thực nghiệm cho lớp trên. Quá trình thực nghiệm được tổ chức bài bản nhằm mục đích đánh giá tính khoa học, tính sư phạm về cấu trúc chủ điểm và cấu trúc bài học; tính phù hợp về nội dung, hình thức sách; tính vừa sức về hệ thống văn bản, câu hỏi, bài tập và các hoạt động rèn kĩ năng đọc, viết, nói, nghe,…
Để sách giáo khoa phù hợp với học sinh trên toàn quốc, quá trình thực nghiệm được triển khai tại các địa bàn khác nhau, có sự khác biệt về địa hình, đặc điểm kinh tế, văn hoá, xã hội,... Sách giáo khoa của mỗi khối lớp đều được thực nghiệm ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam với cả hai nhóm học sinh ở khu vực nội thành và khu vực ngoại thành. Trường tham gia thực nghiệm cũng được chọn theo nhiều tiêu chí khác nhau như cơ sở vật chất, sĩ số, năng lực, kinh nghiệm của giáo viên.
Với sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3, 4, và 5, mỗi khối lớp được thực nghiệm ít nhất 25 tiết, chia thành từ 2 đến 4 đợt. Nội dung dạy ở các đợt sau sẽ được điều chỉnh dựa trên ý kiến góp ý của cán bộ quản lý và giáo viên sau mỗi đợt trước.
Tiến sĩ Trịnh Cam Ly chia sẻ: “Sau mỗi tiết dạy thực nghiệm, nhóm biên soạn luôn dành thời gian trao đổi trực tiếp với giáo viên và học sinh để thu thập ý kiến phản hồi về chất lượng sách. Những góp ý này từ thầy cô và các em học sinh đã giúp quá trình chỉnh sửa và hoàn thiện nội dung sách trở nên hiệu quả và thuận lợi hơn”.
Quá trình thực nghiệm kéo dài và được triển khai trên nhiều địa bàn với đa dạng đối tượng học sinh, nhóm biên soạn đã ghi nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi. Học sinh tham gia thực nghiệm, vốn quen với sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, tỏ ra thích thú khi tiếp cận bản mẫu sách giáo khoa mới. Các em đánh giá cao nội dung gần gũi, dễ hiểu của các bài học, bài đọc, cùng với cách trình bày bắt mắt và tranh minh họa sinh động.
Thực nghiệm sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam. Ảnh: NXBGDVN
Đa số giáo viên dạy thực nghiệm cũng đưa ra nhận xét tích cực, cho rằng bản mẫu sách giáo khoa đã chọn lọc được nhiều bài học và bài đọc có nội dung mới mẻ, hấp dẫn nhưng vẫn rất gần gũi. Các bài tập trong bộ sách Chân trời sáng tạo đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức và tương đối phù hợp với khả năng của học sinh. Thiết kế và minh họa của sách được đánh giá là hiện đại và bắt kịp xu hướng.
Bên cạnh đó, thầy cô và các em cũng góp ý để nhóm biên soạn điều chỉnh một số nội dung để sách hoàn thiện hơn như đề xuất thay mới hoặc chỉnh sửa một số văn bản để phù hợp hơn với trình độ nhận thức của học sinh và bối cảnh xã hội hiện đại.
Một số ý kiến khác đề xuất điều chỉnh nội dung ở một vài văn bản để phù hợp hơn với trình độ nhận thức của học sinh hoặc sát với bối cảnh xã hội hiện đại; điều chỉnh độ khó của một số câu hỏi, bài tập; bổ sung giải nghĩa một số từ ngữ mới hoặc khó; điều chỉnh chi tiết ở một số tranh minh họa cho phù hợp hơn với nội dung văn bản; giảm bớt bài tập ở một số tiết học để đảm bảo thời gian… Những ý kiến này đã được nhóm tác giả cân nhắc điều chỉnh.
Chiến lược giúp học sinh chuyển từ giai đoạn “học đọc” sang “đọc để học” trong bộ sách Chân trời sáng tạo
Theo Tiến sĩ Trịnh Cam Ly, nhóm tác giả có chiến lược riêng để hỗ trợ học sinh chuyển từ giai đoạn “học đọc” sang “đọc để học”. Chiến lược này được cụ thể hóa trong sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 5, rõ nét nhất ở hoạt động đọc.
Riêng ở lớp 3, nhóm tác giả tính toán để gia tăng độ dài và độ khó của văn bản đọc cũng như câu hỏi, bài tập so với lớp 2. Văn bản được chọn đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, một số văn bản thông tin được trình bày dưới dạng đa phương thức để khơi gợi sự hứng thú ở học sinh. Ngoài ra, văn bản cũng được cài đặt thêm một số từ mới hoặc từ ngữ được dùng với nghĩa mới để giúp học sinh tích lũy, làm giàu vốn từ.
Tuy nhiên, giáo viên chính là những nhà sư phạm giúp chúng tôi cụ thể hóa ý tưởng này. Do đó, trong tài liệu tập huấn và sách giáo viên, nhóm tác giả có hướng dẫn chi tiết việc phân phối thời gian cũng như cách thức tổ chức các hoạt động luyện đọc, tìm hiểu bài và luyện đọc lại để thầy cô chú trọng hơn vào tốc độ và chất lượng đọc thầm cũng như đọc thành tiếng, tập trung hơn vào hoạt động đọc hiểu… Khi kỹ năng đọc của học sinh phát triển, tốc độ đọc nhanh hơn, khả năng hiểu tốt hơn đồng nghĩa với việc các em đã chiếm lĩnh được một công cụ học tập hiệu quả: đọc để học.
Chiến lược dạy viết đoạn văn, văn bản cũng được cụ thể hóa trong sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 5. Để phát triển năng lực viết cho học sinh, chúng tôi chuẩn bị cho các em vốn sống, vốn ngôn ngữ cũng như bồi dưỡng những cảm xúc đẹp đẽ về đối tượng viết. Các em được tích lũy vốn từ, luyện nói và viết câu qua hoạt động đọc, viết kỹ thuật, nói và nghe, luyện từ và câu. Vốn sống, cảm xúc được vun bồi qua chuỗi các bài đọc phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, mở ra cho các em những điều mới mẻ về thế giới xung quanh.
Sau khi chuẩn bị chất liệu, nhóm tác giả biên soạn sách giáo khoa tập trung hướng cho học sinh cách viết một đoạn văn, bài văn hoàn chỉnh theo các bước: nhận diện thể loại; xác định đối tượng và mục đích viết; quan sát, tìm ý; lập dàn ý; viết đoạn văn, văn bản; đánh giá bài viết. Việc chú trọng vào tiến trình này là một trong những điểm nhấn quan trọng trong chiến lược phát triển năng lực viết cho học sinh.
Để hình thành kỹ năng viết vững chắc, mỗi kiểu bài đều được học sinh thực hành và luyện tập từ 2 đến 5 đề bài khác nhau. Ý tưởng về tiến trình viết này được trình bày chi tiết trong tài liệu tập huấn và sách giáo viên, nhằm hỗ trợ thầy cô tổ chức dạy học viết một cách hiệu quả và nhất quán, cô Cam Ly cho biết thêm.
Theo định hướng đổi mới được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sách giáo khoa Tiếng Việt, bộ sách Chân trời sáng tạo chuyển tải những thành tựu giáo dục hiện đại qua các bài học, các chủ điểm với những tên gọi gần gũi, thân thuộc với học sinh, lấy học sinh làm trung tâm, phát triển và mở rộng dần theo vòng tròn đồng tâm. Các nội dung giáo dục về sự chia sẻ, về những nét đẹp của văn hoá, phong tục tập quán được bố trí, cài đặt hài hòa trong các bài học.
Mặt khác, các nội dung về giáo dục bình đẳng giới, giáo dục đạo đức, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, giáo dục ý thức về chủ quyền quốc gia, biển đảo, giáo dục lòng biết ơn lãnh tụ, anh hùng dân tộc… được kết nối, lồng ghép qua các bài đọc, viết, nói và nghe.
Những hình ảnh về học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc có nhu cầu đặc biệt, học sinh da màu…cũng được cân nhắc, cài đặt nhẹ nhàng qua một số bài đọc nhưng vẫn đảm bảo giữ được màu sắc trong trẻo, hồn nhiên, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí, tâm lí nhận thức, tâm lý phát triển của học sinh lớp tiểu học ở mọi vùng miền đất nước.
Sách giáo khoa Tiếng Việt thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo được biên soạn theo quan điểm tích hợp, trong đó các nội dung giáo dục được lồng ghép, tích hợp trực tiếp trong các văn bản đọc được tuyển chọn cẩn trọng.
Tiếng Việt 5, tập 2, trang 8 và 9. Ảnh: NVCC.
Cô Cam Ly lấy ví dụ trong văn bản đọc “Điều kỳ diệu dưới những gốc anh đào” mở đầu chủ điểm “Giữ mãi màu xanh” (Tiếng Việt 5, tập 2) vừa sử dụng để rèn kĩ năng đọc nhưng đồng thời nội dung về môi trường, về trồng và chăm sóc, bảo vệ cây xanh cũng được cài đặt hết sức nhẹ nhàng qua câu chuyện giữa những người có chung tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương. Tình bạn đẹp vừa kịp nảy nở trong những giây phút ngắn ngủi cùng nhau gieo hạt giống hoa sao – một loài hoa tím xinh xắn – giữa một bạn học sinh thành phố với một bạn nhỏ người dân tộc cũng chính là thông điệp về tình thân ái, về giá trị nhân văn.
Những nội dung này được khai thác khéo léo, vừa sức, phù hợp với lứa tuổi học sinh thông qua câu chữ, hình ảnh và một số câu hỏi, bài tập đọc hiểu. Sách giáo khoa Tiếng Việt, bộ sách Chân trời sáng tạo không chỉ dạy chữ, dạy ngôn ngữ mà còn dạy người, truyền tải những giá trị văn hóa đẹp đẽ và nhân văn cho công dân của thế kỉ XXI.