Tin tức

TÔI – CHỊ – CHÚNG TA VÀ “CUỘC CHIẾN SÁCH GIÁO KHOA”

Thứ Hai, 06/06/2022 | 10:31

Số lượt xem: 1665

NXBGDVN - Ở những chặng đường gian nan, điều hạnh phúc giản đơn phải chăng là bạn có người đồng hành tin cậy? Cuộc thi sáng tác "Trang sách tôi yêu" xin trân trọng gửi tới độc giả bài dự thi của chị Nguyễn Thị Thu Trang - Bảng B. Câu chuyện của chị Trang, chị Cẩm là những mảnh ghép nhỏ trong ngôi nhà chung NXB Giáo dục Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, những mảnh ghép nhỏ ấy đã và đang đóng góp, cống hiến công sức trên chặng đường phát triển của NXB Giáo dục Việt Nam.

Tôi – ...

Sáng 28 Tết Nhâm Dần, cảm giác Sài Gòn rất lạnh. Tiết trời vào xuân đã mang đến luồng khí lạnh? Hay đường phố Sài Gòn đã trở nên lạnh lẽo sau mấy tháng trời “nghỉ dịch”? Đường phố vắng tanh. Cái lạnh lẽo thấm vào da thịt và tâm hồn mỗi người. Chạy dọc theo con đường Nguyễn Thị Minh Khai rồi rẽ vào đường Nguyễn Văn Cừ quen thuộc, nơi mà “chiến trường vẫn diễn ra ác liệt”, công ty của tôi, đơn vị đang làm nhiệm vụ tổ chức bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo. Vắng lạnh vậy mà dọc bên đường vẫn thấy các gian hàng bày bán hoa Tết. Không hiểu sao, cũng hàng đấy, cũng hoa đấy, nhưng màu sắc của hoa không còn rực rỡ, hoa đang buồn theo từng tiếng thở dài của những người buôn lái. Nhưng họ vẫn mang hoa ra bày, bày chứ chưa chắc đã bán được. Cũng như tôi, vẫn mang theo ba lô: máy tính, quần áo, bàn chải răng,... vào lại “chiến trường”, vào chứ chưa chắc đã về được. Tình hình dịch bệnh căng thẳng, mỗi sáng quyết tâm “ra đi” là quyết tâm sẵn sàng ở lại tại chỗ trong mọi trường hợp.

Phòng ban vắng hoe, hiện diện 3/6 “chiến sĩ”. Dịch mà, ai có việc thì vào giải quyết. Mà tôi thì không khi nào là không có việc để giải quyết. Mỗi lần thấy tôi loay hoay ở cửa nhà chuẩn bị đi làm vào mùa này, mẹ tôi vẫn luôn thắc mắc: “Giáo viên người ta ở nhà dạy online hết mà con, con bán sách cho ai?” À, thì mẹ tôi vẫn không hiểu (sau 5 năm) con gái đang làm công việc gì... Đến giờ nhiều bạn bè tôi vẫn không biết tôi chuyển việc từ lúc nào, mà có biết thì cũng từ “không biết” đổi sang “không hiểu”... như mẹ tôi. Nói vậy để hiểu rằng từ khi “gặp gỡ” sách giáo khoa thì cường độ và áp lực công việc của tôi chỉ có tăng chứ không giảm. Thế mà, nghề chọn người, người hợp nghề, tôi lại “vui sướng” bơi lặn trong mớ bản thảo một cách hết sức hăng say. Nhiều lúc nghĩ, nếu vẫn làm việc cũ mình có đủ sức để “liều” như thế không? Chắc là không, thật sự, có lẽ đó một mối duyên gì đó mà đến giờ tôi vẫn không thể lí giải được.

Tôi về làm ở Công ty Gia Định khi “cuộc chiến” sách giáo khoa vẫn chưa chính thức bùng nổ, vẫn còn trong giai đoạn “hậu cần, thăm dò, tìm đường,... ” Đó là vào tháng 6 năm 2017. Một quyết định mà hầu như các bậc phụ huynh, bạn bè, đồng nghiệp,... của tôi khi ấy đều cho là liều lĩnh. Vì “Không ai đi bỏ viên chức mà làm tư nhân.”, vì “Đang dạy tốt sao không dạy, làm biên tập là làm gì, lỡ làm không tốt thì sao?”, vì “Công việc hơn 7 năm là quen, là ổn định rồi, chuyển làm gì?”, vì... hàng trăm lí do trong vô vàn lời khuyên của những người thân xung quanh tôi lúc đó. Tôi biết, khó để có người hiểu và ủng hộ cái lí do của đương sự là tôi đây: “Muốn làm việc mình thích làm.” Tôi im lặng tiếp nhận rồi... bỏ qua các lời khuyên, một lần nữa tôi khẳng định là vẫn luôn yêu quý tất cả những tình thương đó. Nhưng, tôi đã quá tuổi để chần chừ cho một cuộc thay đổi lớn trong đời, nếu không là lúc đó, thì sẽ là không bao giờ. Khi đi dạy, cái tinh thần bất chấp “sống chết” thời sinh viên của tôi đã ngủ quên đâu mất. Tôi vẫn hăng say làm việc, nhưng vẫn chưa đủ, vẫn hẫng, vẫn như còn trông chờ một điều gì khiến tôi không thể dành hết tình yêu và tâm trí cho công việc giảng dạy. Tôi vẫn thường buồn phiền với chính mình, bởi tôi biết, với tôi, làm như vậy chưa đúng là “làm” như tôi vẫn mong muốn: Sống như mình muốn sống và làm tốt những gì mình thích.

Vào làm khoảng một năm thì “cuộc chiến” chính thức bùng nổ, ngay lúc tôi biết mình có bé thứ hai. Nhưng cuộc chiến thì vẫn diễn ra và chiến sĩ thì vẫn phải chiến đấu. Tôi cũng hiểu mình được tuyển dụng để chuẩn bị cho công cuộc làm sách giáo khoa mới. Tôi không được phép dùng bất cứ một lí do nào để thoái thác nhiệm vụ của mình. Tôi vẫn nhớ mãi những lúc ngồi cặm cụi một mình đến 9, 10 giờ tối để lọc ý kiến chỉnh sửa của tất cả tác giả, những lúc đứng ở máy photo tài liệu 2, 3 tiếng đồng hồ để chuẩn bị hồ sơ cho một cuộc họp chỉnh sửa sách, những lúc chạy ra khỏi công ty đã gần bước đến 0 giờ của ngày hôm sau, thậm chí có khi ngủ luôn tại công ty,... Dù là trước hay sau khi nghỉ hộ sản, tôi vẫn chiến đấu với tinh thần “còn cái lai quần cũng đánh”. Nếu không đủ tình yêu, chắc chắn tôi không thể ở đây để viết những dòng này vào thời điểm này. Và tôi biết, mình đã được “làm” như mình vẫn mong muốn. Tôi đã tìm được đúng công việc để bắt đầu...

... – Chị

Muốn làm một công việc mới, bạn cần có người “thầy” mới. Muốn làm việc mới được tốt, bạn cần có đồng đội tốt. Không một cuộc chiến nào mà người thắng trận là người chiến đấu đơn độc. Tôi may mắn có được một người đồng đội, một người chị – một người thầy dạy tôi vào nghề biên tập: chị Cẩm của tôi.

Chị không phải là lí do đưa tôi đến với nghề, nhưng chị mãi là lí do giữ tôi lại với nghề. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên gặp chị, khi tôi được cô Trưởng Ban dẫn vào giới thiệu: “Đây là bạn Trang, sắp tới sẽ làm việc ở Ban mình.” Chỉ một cái nhìn thoáng qua, trong khoảng thời gian tích tắc đủ để cúi chào và nói lời cảm ơn trước khi ra về, tôi đã ấn tượng bởi gương mặt nhân từ của chị. Tôi không dùng từ “hiền lành”, vì nó không đủ để diễn đạt, phải là “nhân từ”. Đến giờ tôi càng hiểu rằng cảm giác của tôi khi ấy vô cùng chính xác.

Chị là biên tập viên rất lâu năm của Nhà xuất bản, từ khi công ty Gia Định chưa thành lập. Một người con gái mảnh khảnh, trông yếu ớt (vốn sức khoẻ của chị không tốt), chỉ có giọng nói hào sảng là nhận ra được nét đặc trưng của người con xứ biển Cam Ranh. Chị ít nói, nhưng nói thì lại khá dí dỏm, thu hút, và rất thật. Tôi vốn phản xạ chậm nên khó biết được ngay cảm giác của mình dành cho một người khi mới tiếp xúc vài lần. Với chị, không hiểu sao, tôi đã rất tin tưởng dù chưa thân quen, rất “nghe lời” dù khi ấy chị chưa phải là cấp trên của tôi. Có lẽ, chị đã “thu phục” được tôi bởi sự nhân ái của mình dành cho mọi người. Chị có thể thương cả con kiến ngoài bụi hồng trước cửa, ăn xôi luôn phần đường đem… nuôi kiến.

Cứ tưởng tượng khi bạn bắt đầu ở môi trường mới, bạn hoàn toàn là tờ giấy trắng, thì phản xạ đầu tiên là copy từ một phiên bản nào đó. Tôi may mắn vì đã nhìn đúng phiên bản – chị – để học và copy vào hành trình biên tập mới mẻ của mình. Chị đối với bản thảo là cả một sự kiên nhẫn và trách nhiệm. Chị dạy tôi thế nào để kiểm soát nội dung, khi nào để kiểm soát hình thức, làm gì để trao đổi với tác giả,… Chị “cài” vào tôi cách nghĩ hết sức nghiêm túc về bản thảo và “lập trình” bản năng “tự tôn” khi đứng tên biên tập viên trên một quyển sách. “Tự tôn” là tự trọng và tôn trọng. Cái tên biên tập ấy mà, ở cuối sách thôi, ít đọc giả quan tâm lắm, nhưng đó là cái tên của mình. Đã có tên thì sách đó là sách của mình, là một phần do mình nhào nặn mà có được, như một đứa con mình rứt ruột sinh ra. Mình làm tốt, làm kĩ, làm hay là tự trọng với chính mình và tôn trọng những người xung quanh. Từ chị, tôi hiểu thế nào là xấu hổ khi bản thảo còn lỗi morat. Từ chị, tôi biết thế nào là day dứt với một bản thảo nếu đã giao in rồi mà mình phát hiện ra mình vẫn còn có thể làm tốt hơn thế nữa. Từ chị, tôi nhận ra rằng, việc làm sách giáo khoa không phải là nhiệm vụ, đó là nghĩa vụ.

Tôi vốn là đứa học văn nhưng tính võ từ nhỏ. Chị là người của văn từ trong ra ngoài, lại thêm ăn chay trường nên hoàn toàn đằm tính. Tôi đi với chị có thể ví như Tôn Ngộ Không đi cùng Đường Tăng thỉnh “sách giáo khoa”. Như khi tôi la loạn lên vì bản thảo thì chị vẫn bình tĩnh để đọc, để tìm hiểu, để giải quyết: Tôi học được từ chị. Như khi tôi đang soàn soạt lật giở các trang kiểm soát giao in thì chị vẫn điềm tĩnh mở từng trang một, xem nhiều lần, nhiều lượt từ dấu hai chấm đến dấu gạch đầu dòng: Tôi học được từ chị. Và tôi còn học được từ chị nhiều nhiều thứ lắm, đến nỗi tôi có thể tự hào về những “kho báu” quý giá đó, thậm chí một số thứ vẫn “ích kỉ” giữ cho riêng mình, vì tôi sợ, tôi sẽ không còn một cái gì là riêng về chị. Vì, khi tôi đang mong mỏi học hỏi ở chị nhiều hơn nữa, thì chị đã không đi cùng tôi nữa… Giữa đoạn cuối của sách Tiếng Việt 2 thì chị chọn về với chân tâm của mình, chị đã rẽ sang con đường xuất gia tu hành và dặn dò tôi vẫn phải đi tiếp cho hết con đường sách giáo khoa còn dang dở. Tôi có phản đối, tôi có “doạ” nghỉ theo nếu không có chị. Nhưng rồi, tôi hiểu chị đã kì vọng ở tôi như thế nào: “Nếu không có em, chị đã không thể làm việc chị hằng mong muốn sớm như vậy.” Tôi hiểu, nếu tôi không tiếp tục ở con đường này, chị sẽ không an lòng để đi con đường mà chị muốn. Tôi hiểu, vì tôi cũng đã từng là người rẽ hướng giữa chừng… Tôi đủ thương để ủng hộ chị, đủ thương để ở lại một mình. Và chị mãi mãi là lí do giữ tôi lại với nghề, hoặc ít nhất là đến khi đứa con cuối cùng – Tiếng Việt 5 ra đời.

Chúng ta và “Cuộc chiến sách giáo khoa”

Tôi và chị đã cùng nhau đi qua hai tập sách giáo khoa Tiếng Việt 1 – Chân trời sáng tạo, đi qua chặng đường khai sơ gian nan và thử thách nhất, chiến thắng cột mốc đầu tiên của “Cuộc chiến sách giáo khoa”. Tôi không nhớ rõ mình đã làm gì, đã làm thế nào, làm bằng cách nào. Tôi chỉ nhớ tôi đã ở bên cạnh chị trong suốt khoảng thời gian đó, để học, để làm, để dùng hết sức lực và tâm hồn tôi cho sách. Khi ấy, tôi không lo nghĩ nhiều, tôi chỉ cần biết làm theo lời chị là được. Có những lúc, tôi làm việc mà như cầu thủ ra sân bóng, phải dùng salonpas dạng xịt liên tục vì chứng đau vai gáy và đau thắt lưng sau sinh. Có những lúc, chị đọc bản thảo đến chảy nước mắt sống vì đọc tập trung trong thời gian quá dài. Chúng tôi đã luôn ở bên cạnh nhau. Chắc nhiều người vẫn nghĩ tôi với chị đã chia sẻ với nhau nhiều chuyện lắm, chắc có nhiều sở thích cùng nhau lắm,… Nhưng không, tôi với chị, ngoài sách giáo khoa thì chẳng có điểm chung nào cả. Dù cùng đi công tác dài ngày cũng không kể với nhau được bao nhiêu câu chuyện đời, nhiều nhất là chuyện bản thảo,… Nhưng tôi với chị lại đủ hiểu nhau. Tôi cũng không còn nhỏ tuổi nhưng đến giờ mới thấu hiểu ý nghĩa của hai từ “đồng chí”, những người sẵn sàng chiến đấu cùng nhau, thậm chí hi sinh cùng nhau, ăn ý hoàn toàn trong công tác.

Biên tập viên Võ Thị Thu Cẩm – Nguyễn Thị Thu Trang

Tôi thường nghe ba tôi kể về thời gian ông tham gia chiến tranh chống Pôn-pốt ở Campuchia. Người đồng đội vừa ngủ cạnh mình hôm nay, sáng mai đã không còn nữa. Khi “Cuộc chiến sách giáo khoa” đang diễn ra và kéo dài, rồi “Cuộc chiến Covid19” kéo đến, “những người chiến sĩ” càng thêm hoang mang, lo sợ. Chỉ trong khoảng thời gian chưa đến một năm, ngoài chị, tôi đã phải tạm biệt không ít những người đồng đội đã từng cùng mình “ăn ở Gia Định, ngủ ở Gia Định, xem Gia Định như gia đình”. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một lí do, họ lần lượt bỏ cuộc chiến. Trong không khí vắng vẻ của ngày giáp Tết này, lẽ ra là khoảng thời gian con người ta hướng tới sự sum họp, vui vầy, tôi lại cảm nhận rõ ràng sự “tàn khốc” của dịch bệnh, của cuộc chiến làm sách giáo khoa…

Đặt ví von là đồng đội cùng chiến đấu như trên, duy sự rẽ ngang của chị đối với tôi không phải là “đào ngũ”, không, tới giờ tôi vẫn hiểu được chị đã yêu sách và yêu công việc này như thế nào. Có những thời điểm nhất định, người ta buộc phải có chọn lựa nhất định, tôi sẽ gánh vác luôn cả nhiệm vụ của chị. Với tôi, dù là chiến đấu lúc nào, dù là bây giờ chỉ còn lại một mình tôi, tôi vẫn luôn có chị ở bên cạnh. Nên, không phải là “chúng tôi”, mà là “chúng ta”, nếu được phép, tôi vẫn muốn tên của tôi được đặt cạnh tên chị ở trang cuối sách, vị trí ghi: “Biên tập viên nội dung: Võ Thị Thu Cẩm – Nguyễn Thị Thu Trang”.

Nguyễn Thị Thu Trang

Tags: Cuộc thi sáng tác Trang sách tôi yêu Nguyễn Thị Thu Trang

Cùng chuyên mục

Thư mời báo giá dịch vụ Về việc thẩm định giá cho thuê tại Nhà A – cơ sở 187B Giảng Võ, P. Cát Linh, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội.

Thứ Năm, 21/11/2024 | 17:29

Hiện nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang có nhu cầu thẩm định giá cho thuê tại Nhà A – cơ sở 187B Giảng Võ, P. Cát Linh, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội.

Quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu 13 - In bổ sung SGD phục vụ năm học 2024-2025

Thứ Tư, 20/11/2024 | 11:13

Quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu 13 - In bổ sung SGD phục vụ năm học 2024-2025

Khi nhà giáo là nhà thơ

Thứ Ba, 19/11/2024 | 15:16

Xuất phát từ tình yêu nghề, yêu trẻ thơ, nhiều nhà giáo đã sáng tác được nhiều  bài thơ hay và được lựa chọn vào sách giáo khoa.

Kỉ niệm 45 năm thành lập Nhà xuất bản Giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, 15/11/2024 | 14:06

Ngày 15/11/2024, NXB Giáo dục tại TP.HCM đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm thành lập