Tin tức » Tin tức - Sự kiện
TÔI ĐÃ TRỞ THÀNH NGƯỜI BIÊN TẬP SÁCH GIÁO DỤC NHƯ THẾ
Thứ Sáu, 03/06/2022 | 14:00
Số lượt xem: 2983NXBGDVN - Cuộc thi sáng tác "Trang sách tôi yêu" trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài dự thi "Tôi đã trở thành người biên tập sách giáo dục như thế" của cô Tăng Kim Ngân - Bảng B (bảng dành cho cán bộ công nhân viên NXBGDVN).
Một lần do công việc, tôi gặp gỡ và chuyện trò với một người đàn ông chừng 50 tuổi. Anh tự giới thiệu anh là Nguyễn Thành Chương (bút danh Chu Huy), đang là cán bộ biên tập tại Ban Biên tập sách Văn học của Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD). Qua anh, lần đầu tiên tôi có thêm chút hiểu biết về công việc biên tập sách giáo dục và cũng được biết NXBGD đang có nhu cầu tuyển dụng thêm một biên tập viên (BTV) để thay vào chỗ một người sắp nghỉ hưu. Anh Chu Huy (sau này là đồng nghiệp nhiều năm cùng ban chuyên môn với tôi) nói rằng: “Tôi đã đọc khá nhiều bài viết của chị trên tạp chí chuyên ngành, thấy chị có nhiều khả năng làm công việc biên tập sách văn học. Nếu có hứng thú với công việc này, chị có thể liên hệ với phòng tổ chức cán bộ của NXBGD”.
Lúc ấy công việc và cuộc sống của tôi đã khá an bài. Sau khi tốt nghiệp ngành Ngữ văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1975), tôi về công tác tại Viện Nghiên cứu Văn học, sau đó về Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Năm 1992, tôi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ Ngữ văn, chuyên ngành Văn học dân gian. Vừa nghiên cứu văn học, tôi vừa tham gia giảng dạy chuyên đề cho sinh viên một số trường đại học, một số khóa nghiên cứu sinh và thạc sĩ ngành Văn hóa dân gian của Viện, tham gia biên tập tạp chí chuyên ngành,… Sau hơn 20 năm làm việc, tôi đã có trên 30 công trình nghiên cứu lớn nhỏ được đăng tải ở các tạp chí và sách chuyên ngành, được giới chuyên môn ghi nhận.
Thời chúng tôi (những năm 90 của thế kỷ 20), việc chuyển nghề đối với một phụ nữ ngoài 40 tuổi, công việc ổn định và được cơ quan đánh giá tốt là điều ít ai nghĩ tới. Nhưng cuộc gặp và trò chuyện với anh Chu Huy dường như là một cơ duyên mà mãi nhiều năm sau này tôi mới ngẫm ra: Trong trường hợp của tôi, đúng là việc đi tìm người chứ không phải người đi tìm việc !
Với sự hiểu biết còn rất sơ đẳng của tôi lúc ấy thì BTV chỉ là người làm công việc biên tập. Nghĩa là: Sau khi tác giả chuyển bản thảo đến, người biên tập đọc, phát hiện, sửa những lỗi chính tả và những lỗi nội dung nhỏ (nếu có), sau đó chuyển bản thảo đi duyệt, rồi in (như tôi đã từng biên tập tạp chí chuyên ngành). Và tôi nghĩ các sách giáo khoa (SGK) của NXBGD cũng được ra đời theo một quy trình như thế. Với cách hình dung đó, tôi cho rằng, một người từng trải qua hơn 20 năm nghiên cứu, đọc, viết, đã từng biên tập tạp chí chuyên ngành, đã có thời gian giảng dạy, … hành trang đó đủ để tôi có thể đến với nghề biên tập sách văn học một cách tự tin. Thông tin từ người bạn mới quen làm tôi nhiều đêm suy nghĩ.
Cuối cùng, sau nhiều ngày đắn đo, cân nhắc, tôi quyết định thử sức ở một lĩnh vực mà sự hiểu biết nghề nghiệp của mình còn rất hạn chế: biên tập SGK văn học tại NXBGD. Cuộc đời tôi đã rẽ sang một ngả khác.
Tôi nhận việc tại Ban Văn với sự đón tiếp thân tình của những đồng nghiệp mới. Mọi người đã kê sẵn cho tôi chiếc bàn làm việc trong một góc nhỏ xinh xắn từ mấy tháng trước, ngay sau khi NXBGD có công văn tiếp nhận. Những ngày tháng ban đầu làm quen với công việc biên tập của tôi là những ngày thật khó khăn, vất vả. Những hình dung trước đây của tôi về BTV, về công việc biên tập sách giáo dục, … giờ chẳng hề giống với thực tế.
Không có sẵn bản thảo do tác giả chuyển đến để biên tập mà BTV phải căn cứ trên kế hoạch đề tài chung của NXB, của ban chuyên môn, để từ đó tự xây dựng kế hoạch đề tài ngắn hạn, dài hạn cụ thể cho riêng mình, đáp ứng yêu cầu, chủ trương của Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT). Rồi từ đó tự đi tìm tác giả hoặc nhóm tác giả có khả năng viết, có nhiều kinh nghiệm sư phạm để đặt họ viết theo đúng yêu cầu và tiến độ đề ra. Rồi những quy chuẩn thuộc kỹ năng trong công việc biên tập mà BTV phải rất thuần thục để đảm bảo cuốn sách đạt chuẩn khi phát hành tới tay giáo viên, học sinh (như quy ước về chính tả, về kiến thức chuẩn cho từng cấp, lớp, lứa tuổi, về số lượng trang, tranh ảnh minh họa trong sách,…). Điều tôi lo lắng nhất là tiến độ và thời gian hoàn thành bản thảo ở sách giáo dục được quy định rất chặt chẽ. Cuốn sách phải được in và bán ra đúng thời điểm trước năm học mới. Rồi định mức công việc phải hoàn thành hàng năm đối với từng BTV cũng đòi hỏi ở tôi rất nhiều cố gắng…
Bao nhiêu khó khăn bày ra trước mắt khiến tôi nhiều lúc bối rối, hoang mang. Trước đây tôi chỉ phải đến cơ quan tuần 2 lần, chủ yếu là để họp hành, giao ban, còn công việc là do mình tự thu xếp, miễn sao có sản phẩm hoàn thành. Còn bây giờ, tôi phải đến cơ quan hàng ngày, đúng giờ, ra vào cơ quan giữa giờ để đi làm việc với tác giả cũng phải được trưởng ban ký giấy cho phép,… Tôi cảm thấy vô cùng áp lực. Nhiều khi căng thẳng quá, tôi chợt nghĩ: hay mình đã sai lầm khi chọn công việc này? Trước khi về đây, tôi rất tự tin với những hành trang mang theo (có kỹ năng nghiên cứu, có phông kiến thức văn học và văn hóa khá rộng,…). Nhưng khi vào thực tế biên tập, tôi mới nhận ra rằng cái lớn nhất gây không ít khó khăn cho tôi chính là thiếu kiến thức về khoa học sư phạm – thứ tôi hoàn toàn không được đào tạo, dẫn đến hạn chế hiểu biết về đặc điểm của mảng sách giáo dục.
Nhận ra điểm yếu cơ bản, hàng ngày tôi cố gắng bổ sung những kiến thức về chuyên ngành sư phạm. Tôi tranh thủ gần gũi các đồng nghiệp có kỹ năng và kinh nghiệm biên tập lâu năm để học hỏi ở họ, từ cách khai thác đề tài đến tìm hiểu và làm quen với tác giả mảng sách giáo dục… Tôi tìm hiểu, đọc và ghi chép các quy tắc, quy chuẩn, các bước cơ bản trong quy trình làm các mảng sách của NXBGD (sách tham khảo cho các bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, sách cho sinh viên đại học và công chúng rộng rãi, sách lý luận, sách phổ biến kiến thức…).
#
Sau khoảng ba năm cho một công việc với tôi là hoàn toàn mới, nhờ kiên trì vượt khó, nhờ học hỏi với một quyết tâm cao, các sản phẩm do tôi biên tập đã được đồng nghiệp và lãnh đạo ghi nhận, đánh giá tốt.
Những năm 1997-1999, Ban Văn tổ chức bộ sách tham khảo chuyên đề VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM giới thiệu các tác gia và tác phẩm tiêu biểu của nền văn học Việt Nam từ cổ trung đại đến hiện đại (từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,… đến Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tô Hoài, Nguyễn Minh Châu, …). Chúng tôi cùng đội ngũ tác giả của Viện Nghiên cứu văn học, của Khoa Văn các trường Đại học khoa học Xã hội – Nhân văn, Đại học Sư phạm, làm việc miệt mài, bền bỉ, trong một thời gian khá dài để cuối cùng, bộ sách gồm hơn 30 cuốn lần lượt được “trình làng” với diện mạo đẹp đẽ, thật sự ấn tượng. Mỗi cuốn dày khoảng 500 trang, có cuốn gần 1.000 trang, được in 2 loại bìa cứng và bìa mềm để đáp ứng nhu cầu khác nhau của người sử dụng. Bộ sách được giảng viên, sinh viên các trường Đại học Khoa học Xã hội, đội ngũ giáo viên các bậc học phổ thông và công chúng rộng rãi đón nhận nhiệt thành. Tiếp theo bộ VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM, Ban Văn chúng tôi lại tiếp tục tổ chức bộ sách TUYỂN TẬP với mục đích tri ân và tôn vinh các nhà khoa học, nhà văn hóa đã có nhiều công trình nghiên cứu văn hóa, văn học, các tác giả có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục Việt Nam và cho NXBGD. Bộ sách gồm nhiều cuốn lần lượt được ra đời: Trần Đình Hượu tuyển tập (2 tập), Bùi Duy Tân tuyển tập (2 tập), Phan Cự Đệ tuyển tập (3 tập), Hà Minh Đức tuyển tập (3 tập), Đinh Gia Khánh tuyển tập (3 tập), Trần Đình Sử tuyển tập (2 tập), Nguyễn Đăng Mạnh tuyển tập (2 tập), Nguyễn Khắc Phi tuyển tập, …
Về phương diện xuất bản, hai bộ sách tham khảo cỡ lớn mang tính chuyên đề, chuyên khảo trên thực sự là những đóng góp đáng ghi nhận của NXBGD vào việc quảng bá những tri thức chuyên sâu về các tác gia, tác phẩm văn hóa, văn học tới người đọc; góp phần nâng cao sự hiểu biết của đội ngũ giáo viên các bậc học, của học sinh, sinh viên và độc giả rộng rãi muốn tìm hiểu sâu văn hóa, văn học nước nhà.
Cuốn “Văn học dân gian” (GS. Đinh Gia Khánh chủ biên) do tôi biên tập, là một trong số ít cuốn được Cục Xuất bản trao giải Sách hay-sách đẹp và tôi được NXBGD tặng giấy khen. Đối với tôi, đó là một trong những nguồn cổ vũ để tôi tiếp tục công việc với nhiều hứng khởi.
#
Những khó khăn buổi ban đầu trong công việc biên tập của tôi cũng dần qua đi. Những lúng túng, lo lắng, băn khoăn, trăn trở,… dần nhường chỗ cho những niềm vui khi nho nhỏ, lúc vỡ òa khi chứng kiến những sản phẩm qua bàn tay “bà đỡ” của mình đã đơm hoa kết trái. Cứ thế, ngày lại ngày, tôi trở thành người say mê làm sách lúc nào không hay. Tôi ít khi rời cơ quan ngay sau giờ làm mà thường chỉ có mặt ở nhà từ sau 8 giờ tối (những ngày “chiến dịch” làm SGK thì còn muộn hơn thế rất nhiều). Với BTV, ban ngày ở cơ quan phải giải quyết rất nhiều sự vụ: gặp và làm việc với tác giả về bản thảo, tra cứu tài liệu, làm việc với các bộ phận liên quan như thiết kế mỹ thuật, chế bản, sửa morat (thời chúng tôi BTV chưa tự đánh máy bản thảo như bây giờ), về bản thảo, về minh họa bìa và ruột sách,… Sau khi hết giờ làm việc, cơ quan yên tĩnh mới là lúc thích hợp nhất để tôi tĩnh tâm đầu tư biên tập nội dung bản thảo.
Và mỗi ngày tôi cố gắng học thêm một điều mới vì theo trải nghiệm của tôi, mỗi cuốn sách là một thế giới riêng biệt, hoàn toàn khác với những “bạn bè” của nó: tri thức mới, cách diễn đạt mới, công chúng thưởng thức mới trong một không gian, thời gian mới, … Chính những điều đó đòi hỏi ở người biên tập – “bà đỡ” phải luôn nỗ lực mỗi ngày để tự
nâng cao về nhiều phương diện (hiểu biết, tri thức, kỹ năng…). Và hoàn toàn khác với những ngày đầu mới vào nghề, tôi đã thật sự yêu nghề làm sách giáo dục.
#
Nhưng nhiệm vụ trọng tâm nhất của NXBGD là tổ chức biên soạn bộ SGK cho cấp, bậc học, mà người biên tập là nhân tố quan trọng để thực hiện quá trình này. Ban Lãnh đạo NXBGD thời chúng tôi luôn khẳng định “BTV là trung tâm”. SGK được biên soạn theo chương trình khung quốc gia được Bộ Giáo dục - Đào tạo phê duyệt, nhưng BTV là nhân vật thứ hai sau tác giả có nhiệm vụ theo sát cuốn sách từng ngày, ngay từ lúc nó mới ở dạng đề cương cho đến lúc sách lên kệ vào đầu năm học mới. Quy trình làm SGK chặt chẽ đến từng chi tiết, trải qua nhiều lần góp ý và sửa chữa theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định sách quốc gia. BTV phải dõi theo từng công đoạn để cùng tác giả hoàn thiện bản thảo sau mỗi lần thẩm định. Có thể nói, muốn đánh giá trình độ BTV sách giáo dục ra sao thì phải căn cứ vào mảng sách này. Vì ngoài việc phải thống nhất về chuẩn chính tả theo quy định làm SGK, BTV còn phải đặc biệt quan tâm đến nhiều chi tiết khác như xuất xứ các văn bản được trích dạy trong sách, nội dung các chú thích trong văn bản, cách trình bày chú thích sao cho đúng chuẩn mực và khoa học,…
TS. Tăng Kim Ngân và các đồng nghiệp tại NXB Giáo dục Việt Nam
Không thể kể hết những kỷ niệm vui nhiều, buồn cũng lắm mà BTV chúng tôi đã nếm trải qua các mùa làm SGK. Trong thời gian “chiến dịch”, nhiều bộ phận phải làm việc thâu đêm suốt nhiều ngày để sách kịp in đúng tiến độ phục vụ năm học mới. Ngay cả khi sách đã in xong, BTV vẫn chưa thôi lo lắng, thấp thỏm, nhiều khi “thót tim” chờ đợi những phản hồi từ dư luận xã hội,… Khác với các SGK về khoa học tự nhiên, đối với sách khoa học xã hội, các phản hồi có thể đến từ mọi tầng lớp xã hội.
Có một kỷ niệm về SGK mà đến nay, sau hơn 20 năm tôi vẫn không thể nào quên.
Năm 2000, NXBGD thực hiện bộ SGK chỉnh lý hợp nhất bậc trung học phổ thông. Tôi được phân công biên tập cuốn “Văn học 10” tập 1. Phần văn học dân gian có một trích đoạn truyện thơ “Tiễn dặn người yêu” (Xống chụ xon xao) của dân tộc Thái Tây Bắc, nội dung nói về mối tình bị chia lìa của một đôi trai gái rất yêu nhau nhưng cô gái bị cha mẹ ép duyên, đem gả cô cho người khác. Trong đoạn trích truyện thơ (được dịch từ tiếng Thái) có chi tiết: Người bên nhà trai mang lễ vật đến dạm hỏi cô gái là GÓI GÀ cùng với những lễ vật khác theo phong tục Thái. Văn bản được tác giả Trần Gia Linh ghi xuất xứ lấy từ bản in truyện thơ cùng tên của Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc in năm 1977. Vậy là, văn bản trích trong SGK có xuất xứ rõ ràng. Qua mấy lần thẩm định không có ý kiến nào về chi tiết này nên sau khi biên tập xong, sách được in ra.
Chỉ vài tuần sau khi sách được phát hành, một bài báo đăng ở mục “Nhặt sạn SGK” (của một tờ báo nếu tôi không nhầm, là tờ Văn nghệ) có đoạn viết lời lẽ khá châm biếm về chi tiết này. Đại ý là: NXBGD chỉ thích ăn thịt GÀ, vì thịt gà ngon hơn chứ không thích ăn CÁ, nên đã tự ý sửa bản dịch truyện thơ của Mạc Phi từ CÁ thành GÀ. Theo tác giả bài báo, phong tục của người Thái ngày xưa, khi đi hỏi vợ, trong những lễ vật nhà trai mang đến nhà gái có một thứ là CÁ (chứ không phải là GÀ như đoạn trích trong SGK). Và tất nhiên, BTV là người bị truy cứu trách nhiệm đầu tiên. Phải làm việc ngay với các bộ phận liên quan và nhanh chóng giải trình trước Tổng Biên tập để trả lời báo chí.
Khỏi phải nói tôi đã bất ngờ, bàng hoàng thế nào khi tiếp nhận phản hồi này. Tôi tìm đọc ngay mấy bài nghiên cứu về phong tục của người Thái và nhận ra tác giả bài báo đã nói đúng: CÁ chứ không phải GÀ. CÁ mới là lễ vật dạm vợ theo phong tục dân tộc Thái. Nhưng sao văn bản tác giả SGK cung cấp lại viết là GÀ ? Tôi chuyển ý kiến bài báo đến tác giả Trần Gia Linh, trao đổi với ông. Hóa ra nguyên nhân của sự nhầm lẫn “chết người” này là từ sự sai lệch của bản in lại truyện thơ “Xống chụ xon xao” của Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc năm 1977 (lần in đầu tiên theo bản dịch từ tiếng Thái của Mạc Phi là năm 1963, Nhà xuất bản Văn học) mà tác giả trích đưa vào sách Văn học 10. Vậy là từ một sự “tam sao thất bản” trong khi làm sách của Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc đã dẫn đến một sai sót lớn về kiến thức dân tộc học trong SGK. Vậy là, suy đến cùng, một phần do tác giả SGK trong quá trình chọn văn bản đưa vào sách đã không truy đến bản dịch đầu tiên của truyện thơ và một phần do thiếu kiến thức về dân tộc học của BTV. Cuối cùng, NXBGD đã phải in đính chính sửa lỗi này kèm vào sách và sẽ sửa trong sách vào lần tái bản.
Còn có những kỷ niệm, những vấp váp khác, nhưng có lẽ “nhờ” vấp váp này mà những năm sau, khi biên tập SGK ngữ văn cải cách giáo dục, tôi đã tự tin hơn. Rút kinh nghiệm, tôi đóng ghim các tập bản thảo, lưu đủ bút tích của tác giả, của người đọc duyệt sau mỗi lần góp ý của Hội đồng thẩm định. Sau “chiến dịch” làm sách ngữ văn hồi ấy, tôi đã lưu giữ tới 14 tập bản thảo theo thứ tự thời gian của 14 lần sửa chữa. Cách làm này sau được Ban Giám đốc ghi nhận, biểu dương.
Hôm nay, ngồi viết lại những kỷ niệm của một thời biên tập, trong tôi biết bao cảm xúc cứ ùa về. Tôi thực tình không tính viết để dự thi. Thật sự chỉ nhằm để ghi, để nhớ, để tri ân những năm tháng tôi đã được gắn bó trong NXB của chúng ta. Những năm tháng ấy thực sự là những năm tháng phấn đấu hết mình, học tập không ngừng, thực sự hiểu, yêu và biết rõ ý nghĩa của công việc mình làm. Nên tôi cũng như bao đồng nghiệp có được những niềm vui của đóng góp, của thành công, trưởng thành cùng NXB. Nghề biên tập SGK đã cho tôi niềm hứng khởi mới, những đồng nghiệp mới, những gắn bó, yêu thương, quý trọng suốt từ những năm tháng cùng làm việc cho đến hôm nay.
Tháng 4-2022