Tin tức

VĂN HỌC VÀ TUỔI TRẺ - NHỮNG TRANG SÁCH TÔI YÊU

Thứ Tư, 15/06/2022 | 10:24

Số lượt xem: 6111

NXBGDVN - Bài dự thi cuộc thi sáng tác  "Trang sách tôi yêu" của thí sinh Hoàng Khôi - Bảng A đã có những chia sẻ rất đáng trân trọng về tạp chí Văn học và Tuổi trẻ. Như thầy Khôi viết: "Đã hơn một phần tư thế kỷ Văn học và Tuổi trẻ vẫn tồn tại vẫn hấp dẫn về nội dung, vẫn giữ nguyên cấu trúc và mỹ thuật đã chứng minh sự bền vững của nó dù các thế hệ cán bộ từ Tổng biên tập đến các biên tập viên, họa sĩ, người trình bày…, đã có nhiều thay đổi...". 

Là người học văn lại dạy văn nên những TRANG SÁCH TÔI YÊU trong đời nhiều lắm! Với tôi, sách là bạn và tình bạn này tôi vẫn giữ gìn, trân trọng từ thời ấu thơ cho đến tận bây giờ. Nhưng mỗi một chặng đời sự gắn bó với sách lại có những cảm hứng, những định hướng khác nhau. Cái thời còn gắn trực tiếp với bảng đen, phấn trắng tôi không chỉ đọc văn, học văn cho mình mà còn hướng những trang văn cho học trò với những mong muốn các thế hệ học sinh của mình có nhiều hiểu biết, nhiều kiến thức văn chương phù hợp với nhận thức của các em. Những năm 80,90 của thế kỷ trước những tác phẩm văn học trong nước, tác phẩm văn học nước ngoài, những tên tuổi nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà khoa học…, chỉ mới có những thông tin chừng mực. Học sinh ở tỉnh lẻ đa số nhà nghèo nên càng khó tiếp cận. Trường Lam Sơn nơi tôi dạy dù ở giữa một thị xã trung tâm của một tỉnh lớn nhất nhì nước nhưng sách vở vẫn còn rất hiếm. Các trò chỉ có thể tiếp cận một cách khiêm tốn qua Thư viện tỉnh nhà! Hồi ấy, các đồng nghiệp dạy toán của chúng tôi đã có tờ Toán học và Tuổi trẻ nên học sinh các lớp chuyên tự nhiên rất sôi nổi tiếp nhận. Các lớp chuyên văn thì chỉ có tờ báo Hoa học trò cũng rất hấp dẫn nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nội dung chuyên sâu hơn. Cái mong ước có một tập Văn học và Tuổi trẻ luôn được ấp ủ và nhắc tới trong những cuộc thảo luận của các lớp chuyên văn thuở ấy.

Cầu được, ước thấy, cuốn Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ đột ngột ra đời trước sự vui mừng của tất cả học sinh khối chuyên Văn của Trường PTTH Lam Sơn. Tôi còn nhớ, hôm ấy vào cuối chiều, một cô học trò có bố làm ở Thư viện Tỉnh đạp xe vội vàng đến nhà tôi và hồ hởi khoe cuốn tạp chí đó. Cả thầy lẫn trò cứ xuýt xoa nâng niu. Có lẽ, so với bây giờ thì hình thức của nỏ cũng bình thường thôi, nhưng ở cái thời 1994 thì chúng tôi thấy nó sang trọng lắm! Bìa bóng in hình một bình hoa đặt trên bàn, bên trên là tựa đề Văn học và tuổi trẻ rất đậm và nổi bật. Nhìn vào dòng chữ phía dưới đề “Tập một”, cả hai thầy trò đều reo lên vì hiểu rằng, có tập một tức là sẽ có tập hai, tập ba… Lại lật sang phần Mục lục thì bắt gặp rất nhiều tên tuổi mà cả thầy và trò từng nghe tiếng. Đó là các nhà giáo lâu năm như thầy Trương Chính, thầy Hoàng Ngọc Hiền, Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Khắc Phi, các nhà văn như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trường, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Thiều. Lúc ấy tôi cũng phấn chấn giới thiệu cho cô trò nhỏ ấy biết thêm về những tên tuổi khác mà tôi có chút quen biết như thầy Phùng Ngọc Diễn, thầy Văn Tâm, Vũ Quốc Anh, Nguyễn Quốc Luân, Trần Đăng Xuyền… Ngay từ tập một này Văn học và Tuổi trẻ đã mời được các tác giả hàng đầu trong và ngoài ngành như thế thì chắc chắn đây là một tập sách giá trị.

Cho đến nay thì đã có thời gian kiểm nghiệm. Đã hơn một phần tư thế kỷ Văn học và Tuổi trẻ vẫn tồn tại vẫn hấp dẫn về nội dung, vẫn giữ nguyên cấu trúc và mỹ thuật đã chứng minh sự bền vững của nó dù các thế hệ cán bộ từ Tổng biên tập đến các Biên tập viên, họa sĩ, người trình bày…, đã có nhiều thay đổi.

Có thể khẳng định Văn học và Tuổi trẻ từ ngày đầu, đến nay và cả sau này nữa vẫn đang là một ấn phẩm được các thầy cô giáo, không chỉ là giáo viên dạy văn và học sinh rất ưa thích bởi nó là ấn phẩm duy nhất có uy tín và ảnh hưởng tốt cho việc dạy, học văn các cấp.

Tôi nhớ, ngay từ số đầu ấy, Văn học và Tuổi trẻ đã chuyển khá nhiều thông tin cho bạn đọc nên học sinh rất thích thú. Như đã nói, ngoài cái hình thức của cuốn tạp chí, nội dung của nó cũng rất phong phú, đến giờ vì quá lâu nên không nhớ hết nhưng có chi tiết về cây nhất chi mai mà thầy Hoàng Hữu Yên giới thiệu là tôi vẫn không quên để thỉnh thoảng dạy đến bài Cáo tất thị chúng của Mãn Giác thiền sư là tôi lại kể cho học sinh. Hóa ra câu thơ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai (Đêm qua sân trước một cành mai) là tả cây nhất chi mai, một loại cây cao hơn một mét, lá nhỏ, xum xuê hoa đỏ rực rỡ đầy sức sống thường trồng giữa sân nhà chùa, hoa nở quanh năm phù hợp với xứ nóng. Những thông tin như thế rất có ích giúp thầy trò có thêm hiểu biết và tiếp nhận tăng thêm tính thẩm mỹ.

Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ càng ngày càng trở thành TRANG SÁCH THẦY TRÒ TÔI YÊU qua rất nhiều khóa học. Tôi cũng có một kỷ niệm đáng nhớ với Văn học và Tuổi trẻ. Đó là hồi 1996 hay 1997 gì đó, trong những lần dạy học, tôi thường lấy tạp chí này chỉ ra một số bài nhằm hướng dẫn cho các em đọc. Tôi cũng động viên các em viết bài gửi cho tạp chí vì trước đó các em thường làm thơ, viết truyện ngắn đã được đăng trên Hoa học trò. Bấy giờ có em yêu cầu tôi phải viết trước “xem họ có in bài của thầy không?”. Vì thầy viết mà họ không in thì trò viết chắc gì đã được cái tạp chí sang trọng kia để mắt tới! Thế là tôi đành phải viết một bài về kinh nghiệm học văn. Thật may, bài viết được đăng, đấy là vào thời kỳ tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng đã thay tiến sĩ Nguyễn Quốc Luân làm biên tập chính – tôi không nhớ số báo nữa! Thế là học trò của tôi từ đó hồ hởi gửi bài cho tạp chí. Lại có một chuyện vui hơn nữa là sau khi bài báo của tôi được đăng, nhiều học sinh chuyên ở Thái Bình, ở Hải Dương thường xuyên viết thư để cùng tôi trao đổi chuyện học hành, chuyện văn chương chữ nghĩa. Và nhờ đó các thầy cô ở các trường này cũng cùng tôi có thêm cơ hội để quen biết để học hỏi nhau về chuyên môn. Nói như thế để thấy cái sức lan tỏa của tạp chí Văn học và Tuổi trẻ. Tạp chí đã càng ngày càng làm tốt cái sứ mệnh mà nó đứng ra đảm nhận. Tôi nhớ không chính xác lắm, hình như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có một nhận xét rất hay “Văn học và Tuổi trẻ là một kiểu dạng ma túy văn chương – ai đọc nó thì nghiện cho đến khi đã 30,40… tuổi đời”. Tôi thì quá cái tuổi ấy lâu rồi, không nghiện nữa nhưng đọc Văn học và Tuổi trẻ thì vẫn còn thấy nhiều thú vị. Đấy chính là những TRANG SÁCH TÔI YÊU một thời.

Cảm ơn các thế hệ làm cuốn tạp chí có ích này.

Hoàng Khôi

Tags: Cuộc thi sáng tác Trang sách tôi yêu Hoàng Khôi

Cùng chuyên mục

Thư mời báo giá dịch vụ Về việc thẩm định giá cho thuê tại Nhà A – cơ sở 187B Giảng Võ, P. Cát Linh, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội.

Thứ Năm, 21/11/2024 | 17:29

Hiện nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang có nhu cầu thẩm định giá cho thuê tại Nhà A – cơ sở 187B Giảng Võ, P. Cát Linh, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội.

Quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu 13 - In bổ sung SGD phục vụ năm học 2024-2025

Thứ Tư, 20/11/2024 | 11:13

Quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu 13 - In bổ sung SGD phục vụ năm học 2024-2025

Khi nhà giáo là nhà thơ

Thứ Ba, 19/11/2024 | 15:16

Xuất phát từ tình yêu nghề, yêu trẻ thơ, nhiều nhà giáo đã sáng tác được nhiều  bài thơ hay và được lựa chọn vào sách giáo khoa.

Kỉ niệm 45 năm thành lập Nhà xuất bản Giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, 15/11/2024 | 14:06

Ngày 15/11/2024, NXB Giáo dục tại TP.HCM đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm thành lập