GIỚI THIỆU SGK MỚI THEO CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018 » BỘ SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG

7 điểm mới trong SGK Tiếng Việt lớp 1

Thứ Tư, 22/01/2020 | 14:17

Số lượt xem: 50613

GD&TĐ - SGK Tiếng Việt 1 thuộc bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của NXB Giáo dục Việt Nam tiếp thu thành quả biên soạn SGK dạy học ngôn ngữ của nhiều nước tiên tiến, kế thừa kinh nghiệm biên soạn SGK dạy tiếng Việt ở Việt Nam qua nhiều giai đoạn với mong muốn đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học tiếng Việt trong thời gian tới. Bài viết giới thiệu những  điểm mới cơ bản của sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của bộ sách này.

7 điểm mới trong SGK Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của NXB Giáo dục Việt Nam.

Những điểm mới trong SGK Tiếng Việt lớp 1

1. Ngay từ những bài đầu tiên, sách đã đặt những âm chữ được học vào câu, gắn với một sự việc, trạng thái cụ thể. Như vậy, khác với nhiều SGK Tiếng Việt cho lớp 1 khác, ở giai đoạn đầu, dạy âm chữ chỉ gắn với từ ngữ (đơn vị định danh), cuốn sách Tiếng Việt 1 này dạy âm chữ gắn ngay với câu (đơn vị giao tiếp). Từ câu trọn vẹn để nhận biết âm chữ, vần; rồi từ âm chữ, vần ghép thành tiếng, từ ngữ, câu, đoạn.
SGK dạy học tiếng mẹ đẻ cho HS lớp 1 của Phần Lan, xuất bản năm 2014, và một số SGK dạy học tiếng khác ở châu Âu cũng có cách “giới thiệu” âm chữ mới trong bài học qua đơn vị câu. Tăng cường gắn kết đơn vị ngôn ngữ cần dạy học với ngữ cảnh giao tiếp là xu hướng dạy học ngôn ngữ hiện đại, có cơ sở lí luận và thực tiễn vững chắc, được SGK của nhiều nước phát triển áp dụng. Tiếng Việt 1 nỗ lực đổi mới theo cách tiếp cận đó.
Ngoài ra, Tiếng Việt 1 cũng tạo cho HS cơ hội tự đọc được câu ngay từ bài đầu (từ câu đơn giản nhất là A!). Theo cách này, HS không ch��� được phát triển nhanh kĩ năng giao tiếp mà còn có được cơ hội phát triển khả năng quan sát, tưởng tượng, suy luận,…
Việc dạy học các vần riêng biệt kết thúc ở học kỳ 1. Sang học kỳ 2, học các văn bản trọn vẹn. Để thực hiện được ý tưởng đó, Tiếng Việt 1 áp dụng những giải pháp sau: Các vần ít thông dụng, đặc biệt là vừa ít thông dụng vừa khó (24 vần), được học ở tập hai, lồng ghép vào văn bản đọc, tức gắn vần với từ ngữ chứa vần đó và đưa từ ngữ chứa vần đó vào ngữ cảnh giao tiếp, chứ không dạy thành bài riêng biệt như ở tập một. Đây là giải pháp cơ bản.

Thiết kế nhiều (20) bài học có 3 vần (bên cạnh 14 bài học 2 vần và 6 bài học 4 vần). Các bài 3 hoặc 4 vần thường bao gồm những vần đơn giản (dễ đọc, dễ viết), phát âm gần nhau và viết tương tự nhau, giúp HS phát huy được khả năng loại suy khi đánh vần, rút ngắn được thời gian học các vần riêng lẻ. Để không tạo áp lực đối với GV và HS, Tiếng Việt 1 thiết kế số lượng tiếng, từ ngữ cần viết trong các bài 3 hoặc 4 vần tương đương các bài 2 vần.

Sách cũng chủ trương HS không nhất thiết phải đọc, viết thành thạo các vần ngay sau khi học xong các vần đó. Trong vòng 2 tiết của một bài học, HS đọc và viết các vần đến mức độ nào tùy thuộc vào khả năng của mỗi em. Kĩ năng đọc và viết các vần trong bài sẽ được củng cố, phát triển trong 2 tiết luyện tập tăng thêm trong mỗi tuần, trong bài ôn tập cuối tuần và được lặp đi lặp lại trong những bài học còn lại của sách.

2. Các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe được kết nối và dạy học tích hợp trong một bài học. Trong sách Tiếng Việt 1 này, người đọc không tìm thấy các “phân môn” mà chỉ nhìn thấy các hoạt động giao tiếp. Cách thiết kế bài học dựa trên các “trục kĩ năng” đọc, viết, nói và nghe là một xu hướng phổ biến đối với SGK dạy học ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ cũng như ngoại ngữ) của các nước phát triển ngày nay, đặc biệt là Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Australia, Phần Lan, Đức, Hàn Quốc,…

3. Ngữ liệu bảo đảm tỉ lệ cân đối, hài hòa giữa văn bản văn học và văn bản thông tin. Các văn bản được chọn lựa kĩ lưỡng, có nội dung phù hợp với hiểu biết và trải nghiệm đã có của người học, có hình thức ngôn ngữ trong sáng, chuẩn mực và có tính thẩm mĩ cao.

4. Nội dung bài học được thiết kế dưới dạng các hoạt động, bắt đầu bằng các câu lệnh thể hiện yêu cầu mà người học cần phải thực hiện. Nhờ đó, HS có thể dùng sách để tự học, cha mẹ HS có thể giúp con mình học tập ở nhà, GV thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động dạy học.

5. Với cách thiết kế nội dung dạy học có tính tích hợp liên môn cao và phương pháp dạy học hiện đại, Tiếng Việt 1 không chỉ giúp HS học tiếng Việt mà còn được tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh; trao đổi các ý tưởng, tham gia các hoạt động tương tác; có cơ hội kết nối với trải nghiệm cá nhân trong tiếp cận cái mới, phát triển cá tính lành mạnh và tư duy độc lập.

6. Theo yêu cầu của CT mới, Tiếng Việt 1 chú ý dành thời gian cho hoạt động đọc mở rộng. Đây là hoạt động tạo cho HS có được cơ hội tự tìm thêm sách để đọc theo sở thích của bản thân với sự hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm tra của GV.

7. Sách có hình thức trình bày và tranh ảnh minh họa sinh động, hấp dẫn. HS sẽ cảm thấy thích thú với việc học tiếng Việt và từng bước khám phá những bài học viết cho các em trong sách.

Cấu trúc sách của SGK Tiếng Việt lớp 1
SGK Tiếng Việt 1 được chia thành 2 tập, tập một dành cho học kì 1 (18 tuần, mỗi tuần 12 tiết), tập hai dành cho học kì 2 (17 tuần, mỗi tuần 12 tiết).

Tập một: Ngoài các bài học ở Tuần mở đầu (giúp HS làm quen với môi trường và hoạt động học tập ở lớp 1) và Tuần ôn tập, 16 tuần còn lại có 80 bài, mỗi tuần có 5 bài, gồm cả bài Ôn tập và kể chuyện ở cuối tuần. Mỗi bài được dạy học trong 2 tiết, trình bày trong 2 trang sách. Ngoài ra, mỗi tuần còn có 2 tiết tập viết tăng thêm ngoài thời gian tập viết trong các bài học; trước khi viết, HS cũng được luyện đọc các từ ngữ luyện viết. Ngoài luyện viết và luyện đọc, thời gian còn lại của 2 tiết (nếu có) có thể dành để HS làm các bài tập nối, điền,… được thiết kế trong vở bài tập.

Tập hai: Có 8 bài lớn, mỗi bài được dạy học trong 2 tuần (24 tiết). Các bài lớn được thiết kế theo hệ thống chủ điểm. Với hệ thống chủ điểm có “độ phủ” rộng, kết hợp với kênh hình được thiết kế công phu, Tiếng Việt 1 đáp ứng giáo dục HS những vấn đề có tầm quan trọng đối với thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay, như chủ quyền quốc gia, nhân quyền (quyền trẻ em), bảo vệ môi trường, bình đẳng giới,… 
Trong mỗi bài lớn thường có đủ các kiểu loại văn bản cơ bản: truyện, thơ, văn bản thông tin. Mỗi văn bản đọc là trung tâm của một bài nhỏ. Khởi đầu bài học là hoạt động khởi động nhằm huy động trải nghiệm, hiểu biết và tạo tâm thế để HS đọc hiểu văn bản tốt hơn. Sau đó là đọc thành tiếng, đọc hiểu. Riêng đối với văn bản thơ, HS được nhận biết vần và học thuộc lòng. Đối với văn bản văn xuôi, HS được thực hành viết câu, nói và nghe, nghe viết chính tả, làm bài tập chính tả. Đôi khi có hoạt động kể chuyện hay đóng vai diễn lại câu chuyện đã đọc. Cuối mỗi bài học có thể có hoạt động tích hợp, mở rộng, vận dụng đa dạng.