Tin tức » Vấn đề giáo dục

Báo cáo Bộ GD-ĐT về bản quyền tác phẩm văn học được sử dụng trong SGK

Thứ Ba, 30/09/2014 | 16:05

Số lượt xem: 25337

Báo cáo số 1509 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) gửi Bộ GD-ĐT ngày 26/9 do Tổng Giám đốc Vũ Văn Hùng ký cho biết: Bộ sách giáo khoa (SGK) hiện hành được tổ chức biên soạn từ năm 2002 đến năm 2008. Tác giả biên soạn SGK được Bộ GD-ĐT lựa chọn. Các tác giả biên soạn SGK theo chương trình Giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành. Trong quá trình biên soạn, Tổng Chủ biên, Chủ biên và các tác giả lựa chọn một số tác phẩm thơ, văn trích đưa vào SGK Tiếng Việt và SGK Ngữ văn để phục vụ cho nội dung bài học. Các tác phẩm thơ, văn được sử dụng với vai trò là ngữ liệu để biên soạn nội dung bài học. Việc trích sử dụng tác phẩm đưa vào SGK về nguyên tắc tác giả biên soạn SGK thỏa thuận với các tác giả có tác phẩm được trích sử dụng.

Phí trả bản quyền cho tác phẩm văn học sử dụng trong SGK sẽ rất khiêm tốn

so vớisự đồn thổi lên đến hơn 20 tỷ đồng.

Sau các vòng thẩm định, SGK được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua và trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt lưu hành trong toàn quốc. NXBGDVN được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ tổ chức biên tập, in - phát hành, cung ứng đầy đủ SGK trong toàn quốc.

Đã chủ động thực hiện trả tiền sử dụng tác phẩm

Trong báo cáo gửi Bộ GD-ĐT, NXBGDVN cũng nhấn mạnh: Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ đến năm 2006 mới có hiệu lực, nhưng tại thời điểm biên soạn, NXB Giáo dục Việt Nam đã có ý thức và thực hiện trả tiền sử dụng tác phẩm cho các tác giả có tác phẩm thơ, văn được các tác giả biên soạn SGK trích, sử dụng trong SGK Tiếng Việt và Ngữ Văn. Tùy thuộc vào mức độ trích sử dụng, NXB Giáo dục Việt Nam trả từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng cho mỗi tác phẩm hoặc đoạn trích và sách biếu (mức trả được áp dụng tùy theo việc trích dẫn: vài câu thơ, 1 khổ thơ hay 1 đoạn văn. Mức cao nhất không vượt quá tiền nhuận bút biên soạn bài học đó).

SGK là loại hình xuất bản phẩm đặc biệt. Nội dung sách được Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định, giá sách do Ban Vật giá Chính phủ quy định (trước đây) và Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính hiện nay thẩm định chặt chẽ. Với giá bán hiện nay, mỗi năm NXBGDVN phải bù lỗ từ 70 - 100 tỉ đồng.

Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo NXBGDVN cho biết: Theo Pháp lệnh giá và các văn bản quy định thì trước năm 2013 SGK thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký giá. Theo đó, khi thực hiện điều chỉnh giá bán SGK, NXBGDVN thực hiện đăng ký và được phê duyệt, chấp thuận của Ban Vật giá Chính phủ, nay là Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính. Từ ngày 1/1/2013, Luật Quản lý Giá và các văn bản mới ban hành thì SGK thuộc đối tượng phải thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính.

Báo cáo của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

“Giá bán SGK hiện hành giữ ổn định từ năm 2011 đang thấp hơn giá thành từ 10% - 20%, nên bị lỗ từ 50 tỉ đồng đến 70 tỉ đồng mỗi năm (các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra của Tổng cục Thuế kiểm tra và xác nhận). NXBGDVN phải dùng các nguồn thu khác như tiền cho thuê nhà, cổ tức, phí quản lý xuất bản… để bù đắp”

Giá trả bản quyền: Con số sẽ khiêm tốn!

Theo tìm hiểu của Dân trí, ngày 14/8/2014, đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, Trung tâm quyền tác giả Văn học Việt Nam và NXBGDVN đã có cuộc họp trao đổi về việc chi trả tiền bản quyền cho các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong bộ SGK Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5 và SGK Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 12 và phương hướng hợp tác trong những năm tới.

Cuộc họp này cũng đi đến kết luận bằng văn bản chính thức. Cụ thể, Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam sẽ phối hợp với NXBGDVN trong việc chi trả tiền bản quyền của tác phẩm văn học được sử dụng trong sách giáo khoa. Việc thống kê chi tiết bản quyền sẽ do chuyên viên làm việc cụ thể và có kết quả báo cáo gửi tới lãnh đạo hai bên. Quy trình thực hiện, cách thức triển khai sẽ gồm hai giai đoạn: Đối với SGK xuất bản năm 2014, hai bên sẽ đối soát để bàn bạc và thống nhất phương án chi trả bản quyền; Đối với những ấn phẩm từ năm 2013 trở về trước, hai bên tiếp tục trao đổi để thống nhất quan điểm.

Nguyên tắc chi trả thực hiện theo chế độ chi trả của Nghị định 61/2002 (áp dụng cho xuất bản từ năm 2013 trở về trước), Nghị định 18/2014 (áp cho xuất bản từ năm 2014 trở đi) của Chính phủ về chế độ nhuận bút.

Trong văn bản báo cáo Bộ GD-ĐT, ông Vũ Văn Hùng - Tổng Giám đốc NXBGDVN khẳng định: “Việc trả tiền sử dụng tác phẩm được trích của các nhà văn, nhà thơ đưa vào SGK, NXBGDVN sẽ phối hợp với Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam để giải quyết một cách hợp lí, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật”.

Trước câu hỏi của Dân trí về luồng thông tin NXBGDVN phải tiêu tốn hơn 20 tỷ đồng để trả bản quyền cho các tác phẩm văn, thơ trong SGK, lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: “Một số thông tin đưa ra con số về việc chi trả tiền sử dụng tác phẩm văn học trong SGK là không chính xác. Nguyên nhân là do không phân biệt rõ khái niệm “tiền bản quyền” của tác giả có tác phẩm được trích, sử dụng làm ngữ liệu cho các bài học trong SGK và “tiền nhuận bút” của các tác giả biên soạn SGK do Bộ GD-ĐT phân công, giao nhiệm vụ; các Nghị định của Chính phủ về chế độ nhuận bút”.

Mức trả bản quyền được áp dụng tùy theo việc trích dẫn: vài câu thơ,1 khổ thơ hay 1 đoạn văn.

Đại diện của NXBGDVN cũng khẳng định, việc trả tiền sử dụng tác phẩm thơ, văn được các tác giả SGK trích sử dụng để làm ngữ liệu cho bài học sẽ rất khiêm tốn bởi tiền nhuận bút cho SGK tái bản chỉ bằng 25% nhuận bút sách mới. Tiền trả bản quyền cho các tác phẩm thơ, văn trích dẫn được tính theo tỷ lệ và dung lượng của tác phẩm so với dung lượng bài học. Hiện tại đơn vị đang rà soát lại một cách chi tiết để có thể đưa ra một con số chính xác.

Nghị định 61/2002 cũng quy định rõ, đối với sách giáo khoa thì nhuận bút được tính trả theo tỷ lệ phần trăm (%) trong khung nhuận bút nhân với mức tiền lương tối thiểu Nhà nước quy định đối với công chức, viên chức khu vực hành chính sự nghiệp (sau đây gọi là mức tiền lương tối thiểu) và nhân với số lượng bài hay tiết học. Nghĩa là: Nhuận bút = Tỷ lệ phần trăm (%) x Mức tiền lương tối thiểu x Số lượng bài hay tiết học. Đối với xuất bản phẩm loại này thì xuất bản phẩm tái bản hưởng bằng 10 - 25% nhuận bút xuất bản lần đầu.

Trong khi đó, chế độ nhuận bút thực hiện tại NXBGDVN đối với SGK hiện hành được thực hiện: Tiền nhuận bút 1 cuốn SGK mới = Số tiết học x 30% đến 140% Tiền lương tối thiểu; Tiền nhuận bút SGK tái bản = 25% nhuận bút sách mới.

Chính vì thế việc đưa ra con số chi trả bản quyền các tác giả có tác phẩm văn, thơ được trích sử dụng trong SGK lên đến hàng chục tỷ đồng là không đúng với thực tiễn, thậm chí là vượt xa nhiều so với thực tiễn.

Nguyễn Hùng

Cùng chuyên mục

SGK Mĩ thuật trong Chương trình mới góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa

Thứ Hai, 14/08/2023 | 10:00

Giáo dục nghệ thuật đang được nhìn nhận như một bộ phận then chốt của nền giáo dục hiện đại.

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ cho giáo viên

Thứ Hai, 03/06/2019 | 14:31

Phóng sự giới thiệu về bộ sách Smart Time dành cho học sinh bậc trung học phổ thông, do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành, được phát sóng trên chuyên mục Cuộc sống 24h kênh VTC14 vào 6h05' sáng 02/6/2019.

Tương tác trong dạy và học Tiếng Anh

Chủ Nhật, 26/05/2019 | 16:45

Bản tin Cuộc sống 24h ngày 26/05/2019

Tác động khi tăng giá sách giáo khoa

Thứ Bảy, 30/03/2019 | 18:00

Chương trình thời sự 12h trên kênh VTV1 ngày 30-03-2019