Tin tức » Vấn đề giáo dục

Cần có lộ trình đổi mới một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa

Thứ Ba, 30/09/2014 | 15:10

Số lượt xem: 24809

Tuy nhiên, tư duy về SGK cũng đang tồn tại những suy nghĩ khác biệt mà nếu như không tạo ra sự đồng thuận - dù là tương đối - thì quyết sách có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng, gây mất ổn định cho công tác giáo dục, hoang mang trong xã hội. Bởi vậy, để chủ trương đúng đắn một CT- nhiều bộ SGK đem lại sự khởi đầu tốt đẹp cho công cuộc đổi mới GD và ÐT, cần phải có một lộ trình chuyển đổi khoa học và phù hợp thực tiễn.

Trong sự nghiệp GD và ÐT, SGK không chỉ là phương tiện và nội dung quyết định chất lượng của nền giáo dục nói chung, của mỗi cấp học, ngành học mà còn là yếu tố quyết định sự phát huy năng lực của người học theo quan điểm giáo dục hiện đại. Là tài liệu dùng trong nhà trường, nhưng cũng như nghề dạy học, một nghề vừa mang tính nghiệp vụ và nghề nghiệp rất cao vừa mang tính xã hội rất rộng, nên SGK luôn thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và hầu như ai cũng có thể tham gia nói về GD nói chung, về SGK nói riêng ở dưới các góc độ và khía cạnh khác nhau. Ðó là điều cần trân trọng và nên khuyến khích nhưng cũng cần tỉnh táo lựa chọn những đóng góp để có được SGK đúng như vị trí và đặc điểm của nó. Và chỉ có đứng trên góc độ chuyên môn, nghiệp vụ (chứ không phải là vì lợi ích nhóm tiêu cực như có người nghĩ) mới có thể đưa ra các giải pháp hợp lý.

 

Ðổi mới CT, SGK là một vấn đề hàng đầu cấp thiết, phải là điểm khởi đầu của công cuộc đổi mới GD và ÐT. Ðể đổi mới CT, SGK đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng GD và ÐT, cần phải bắt đầu từ việc xây dựng một CT chuẩn. CT giống như là bản thiết kế chi tiết một căn nhà, còn viết SGK chỉ là khâu thi công theo thiết kế đó. SGK trước kia có những điểm chưa được như mong muốn có nguyên nhân từ quy trình ngược: viết sách rồi mới làm CT chi tiết, trước đó chỉ có CT khung. Lần đổi mới này cần đầu tư xây dựng CT thật kỹ, càng chi tiết bao nhiêu tốt bấy nhiêu. CT phải được các lực lượng, nhất là giáo viên, các nhà khoa học, các hội khoa học, đóng góp ý kiến. Với chức năng quản lý Nhà nước, Bộ GD và ÐT nên tập trung xây dựng CT, đấy mới là cốt lõi của mỗi lần thay SGK.

 

Trên cơ sở CT chi tiết, xã hội hóa việc biên soạn SGK là một xu hướng chung. Ở nhiều nước trên thế giới, dựa theo CT khung do Bộ Giáo dục ban hành, các nhóm tác giả khác nhau biên soạn nhiều bộ SGK khác nhau và các bộ sách đó đều được sử dụng sau khi đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua. Tuy nhiên, trong tình hình nước ta hiện nay, từ đặc điểm của quá trình hình thành tư duy và phương pháp "làm" SGK, việc xây dựng SGK theo tinh thần đổi mới cũng cần có cách suy nghĩ và bước đi thận trọng, chặt chẽ, không trì trệ cũng không nóng vội. Từ "một chương trình - một bộ SGK" chuyển sang "một chương trình - nhiều bộ SGK", tuy đơn giản trong diễn đạt nhưng thật phức tạp trong tư duy và tổ chức thực tiễn. Vì vậy cần có một định hướng rõ ràng và một cách làm kiên định, dứt khoát. Thực tế vừa qua cho thấy, ý thức được vai trò, vị trí và yêu cầu của SGK, các nhà lãnh đạo và quản lý, nhà sư phạm, nhà giáo... đã dồn nhiều tâm huyết cho việc "làm" SGK, từ định hướng - định tính - định lượng, đến xây dựng đội ngũ các chuyên gia là nhà sư phạm, nhà khoa học, nhà quản lý... cũng như quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, quy chế làm việc, chính sách chế độ,... Trong bối cảnh đó, bên cạnh những mặt và thành tựu quan trọng, SGK còn bộc lộ những thiếu sót và hạn chế đã phát hiện. Việc mở rộng việc biên soạn sách đọc thêm cho nhà trường (dưới nhiều dạng và nội dung khác nhau) đã xuất hiện những sai sót nghiêm trọng và rất đáng tiếc ở góc độ sư phạm và giáo dục mà dư luận thường xuyên phát hiện và phản ứng. Trên thực tế, chúng ta chưa có nhiều tác giả có thể biên soạn SGK. Khi số lượng tác giả viết SGK không nhiều và chưa chuyên nghiệp mà xã hội hóa không có kiểm soát thì khó mà có chất lượng. Làm SGK, dù độc quyền hay cạnh tranh, mục đích kinh doanh không được đặt lên hàng đầu. Nếu không thì việc lựa chọn, sử dụng SGK sẽ không lành mạnh, thậm chí sẽ xảy ra độc quyền sử dụng và nảy sinh nhiều tiêu cực. Hậu quả là sách hay, sách tốt có khi không được chọn và nếu như vậy, mục tiêu nâng cao chất lượng sẽ thất bại.

 

SGK phải được coi như những sản phẩm văn hóa đặc thù ở góc độ chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế, lịch sử... Cần hết sức tránh khuynh hướng thương mại hóa cách nhìn về SGK và đồng nhất cách xử lý SGK như xử lý với các ấn phẩm văn hóa bình thường khác. Trong tình hình hiện nay, mà ngay một lúc, lại muốn cho ra đời nhiều bộ SGK là một việc làm cần cân nhắc thận trọng từ nhiều góc độ. Vấn đề không phải là giữ nguyên chủ trương cũ (một bộ SGK) không phù hợp mà vấn đề là tạo điều kiện cần và đủ để việc xây dựng các bộ SGK với số lượng bộ SGK phù hợp với điều kiện - dù là tối thiểu cần thiết - để bảo đảm có SGK có chất lượng, tránh những sai sót, ảnh hưởng đến chất lượng GD và uy tín ngành GD nước nhà.

 

Vì vậy, xây dựng nhiều bộ SGK phải có lộ trình hợp lý. Phải chăng, lộ trình của quá trình chuyển đổi theo hướng đổi mới đối với vấn đề này là: Một chương trình - Một bộ SGK - Một ít bộ SGK - Nhiều bộ SGK. Trong lộ trình ấy, các cơ quan quản lý tạo ra các điều kiện cần và đủ như xây dựng cơ chế sử dụng nhiều bộ sách như thế nào, đào tạo bồi dưỡng giáo viên và lựa chọn nhiều bộ SGK ra sao; làm cho phụ huynh và xã hội tiếp cận và đồng thuận với thực tiễn mới bằng cách nào; làm cho học sinh yên tâm và tin tưởng vào bộ sách mình sử dụng... Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cần thiết để các bộ sách khác nhau đó đến được với học sinh ở mức giá chấp nhận được.

 

Những bước chuyển như vậy cần bắt đầu từ quan điểm đúng đắn và thống nhất về xã hội hóa biên soạn SGK và về một lộ trình chuyển đổi từ một CT, một bộ SGK sang một CT, nhiều bộ SGK một cách phù hợp.

 

 

NGƯT. Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam

Cùng chuyên mục

SGK Mĩ thuật trong Chương trình mới góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa

Thứ Hai, 14/08/2023 | 10:00

Giáo dục nghệ thuật đang được nhìn nhận như một bộ phận then chốt của nền giáo dục hiện đại.

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ cho giáo viên

Thứ Hai, 03/06/2019 | 14:31

Phóng sự giới thiệu về bộ sách Smart Time dành cho học sinh bậc trung học phổ thông, do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành, được phát sóng trên chuyên mục Cuộc sống 24h kênh VTC14 vào 6h05' sáng 02/6/2019.

Tương tác trong dạy và học Tiếng Anh

Chủ Nhật, 26/05/2019 | 16:45

Bản tin Cuộc sống 24h ngày 26/05/2019

Tác động khi tăng giá sách giáo khoa

Thứ Bảy, 30/03/2019 | 18:00

Chương trình thời sự 12h trên kênh VTV1 ngày 30-03-2019