Sản phẩm » Giới thiệu sách
Chân dung cán bộ quản lí trường phổ thông thời kì đổi mới giáo dục
Thứ Sáu, 29/11/2024 | 14:18
Số lượt xem: 205NXBGDVN - Có lẽ để mô tả về người cán bộ quản lí giáo dục ở trường phổ thông thì có lẽ mỗi người có một cách khác nhau. Với tác giả Phạm Thị Thúy Vĩnh – từng là một cán bộ quản lí và sáng lập trường tư thục Ngô Thời Nhiệm (TP. Hồ Chí Minh) trong gần ba mươi năm đã chọn cách phác họa về người quản lí giáo dục theo chuẩn quy định của ngành giáo dục nhưng vẫn sinh động đậm nét thực tiễn. Độc giả sẽ thấy rõ điều này qua cuốn sách Chân dung cán bộ quản lí trường phổ thông thời kì đổi mới giáo dục do NXBGD Việt Nam ấn hành.
Cuốn sách gồm có bốn phần.
Phần một: Những nhiệm vụ chung đối với cán bộ lãnh đạo quản lí
Trong phần này, sách nêu ra những khái niệm chung về lãnh đạo và quản lí, giới thiệu và nhiệm vụ của bộ máy lãnh đạo của trường học như: Đảng bộ, Chi bộ, Hội đồng trường, tổ chức công đoàn... Từ đó đưa ra những yêu cầu về phẩm chất nghề nghiệp và năng lực lãnh đạo đối với hiệu trưởng và thành viên lãnh đạo nhà trường. Đặc biệt tác giả nhấn mạnh đến yêu cầu về tư tưởng đổi mới và khả năng thích ứng với bối cảnh đổi mới giáo dục và thực tiễn của nhà trường.
Phần hai: Quản trị các hoạt động dạy học và giáo dục học sinh
Đối với các hoạt động quản trị dạy học và giáo dục học sinh, điều đầu tiên người hiệu trưởng cần tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường dựa trên những nguyên tắc và yêu cầu cụ thể kết hợp với các kĩ thuật thu thập thông tin, phân tích đánh giá những nhân tố ngoại lực và nội lực. Ngoài việc thực hiện quản trị phải dựa trên mục tiêu giáo dục của nhà trường, Chương trình giáo dục phổ thông thì việc đổi mới phương pháp dạy học cần được chú trọng nhằm phát huy năng lực của học sinh. Trong tổ chức hoạt động giáo dục cần đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm để người học có cái nhìn tổng quát mang tính thực tế về kiến thức và cuộc sống. Với những vấn đề như: bạo lực học đường, học sinh cá biệt, yêu đương tuổi học trò... còn xảy ra ở trường học thì nhiệm vụ xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực hiện là một giải pháp quan trọng trong việc đảm bảo an toàn trường học. Để thực hiện được điều này thì người đứng đầu nhà trường cần đảm bảo các hoạt động về cơ sở vật chất, xây dựng mối quan hệ tích cực giữa nhà trường với phụ huynh học sinh và xã hội, thực hiện tốt công tác tư vấn học đường. Những bài học trên đã được trường Ngô Thời Nhiệm áp dụng và đạt hiệu quả cao.
Phần ba: Quản trị nhân sự, hành chính trong nhà trường
Đội ngũ giáo viên có “tâm” và “ tầm” chính là lực lượng nòng cốt thực hiện sứ mệnh của nhà trường. Kinh nghiệm của tác giả chính là phân công nhiệm vụ của giáo viên đúng người, đúng năng lực; căn cứ vào hiệu quả để trả lương và có chính sách khen thưởng, đề bạt; chú trọng xây dựng các nội dung bồi dưỡng (kĩ năng, kiến thức...) cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là việc bồi dưỡng giáo viên trong tổ chuyên môn để xây dựng tổ chuyên môn thành tổ chức học tập, tăng cường khả năng làm việc nhóm. Riêng với cán bộ quản lí nhà trường thì cần được bồi dưỡng các kĩ năng về quản trị về: hoạt động dạy học, giáo dục, nhân sự, tài chính; các kĩ năng về xây dựng văn hóa nhà trường, ứng dụng công nghệ thông tin...
Bên cạnh thực hiện theo các quy chuẩn pháp luật, quy chế thì việc xây dựng quy chế quản lí của nhà trường cùng với việc kiểm tra, đánh giá đội ngũ sẽ có tác dụng rất lớn trong việc phát triển nguồn nhân lực. Nhưng điều quan trọng vẫn là phải tạo được động lực cho giáo viên, nhân viên. Đó chính là nhiệm vụ của người quản lí nhà trường.
Ở nhà trường tư thục, công tác quản trị tài chính có phần phức tạp hơn vì phải thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, tiền lương trả theo năng lực cống hiến nên cũng thường xuyên thay đổi. Để đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, người học, đội ngũ giáo viên, nhà nước, người cán bộ quản lí cần đảm bảo được nguồn thu bằng cách nâng cao uy tín của nhà trường và giảm các chi phí như tiết kiệm điện nước, văn phòng phẩm, quản lí chặt chẽ để ít bị hư hỏng...; tích cực thực hiện chuyển đổi số để tăng năng suất các công việc liên quan đến giấy tờ và hồ sơ sổ sách.
Phần 4: Sự thành công của một học hiệu và bài học kinh nghiệm
Những bài học khắc cốt ghi tâm đã được tác giả đúc rút trong quá trình dài làm quản lí. Đó là cái tâm và tầm của người lãnh đạo nhất là đối với trường ngoài công lập thì đòi hỏi phải có những phẩm chất, bí quyết riêng, là sự sáng suốt, kiên định trong chiến lược giáo dục của nhà trường. Để làm được điều này thì bản thân mỗi người quản lí nhà trường cần biết định vị bản thân, không ngừng tu dưỡng học hỏi, đặc biệt biết nhận biết các mâu thuẫn và giải quyết các mâu thuẫn xung đột một cách hài hòa để đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của nhà trường.
Hi vọng rằng, những bài học kinh nghiệm trong cuốn sách Chân dung cán bộ quản lí trường phổ thông thời kì đổi mới giáo dục sẽ giúp ích cho những ai đang làm công tác quản lí trường phổ thông, nhất là các trường ngoài công lập.