Sản phẩm » Giới thiệu sách
Đấu tranh quân sự ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)
Thứ Sáu, 27/12/2024 | 14:39
Số lượt xem: 422NXBGDVN - Đấu tranh quân sự là hình thức chủ yếu, đóng vai trò quyết định đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) của quân và dân Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Khánh Hòa là vùng sau lưng địch. Ngoài những điểm tương đồng với chiến trường cả nước, đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Pháp ở Khánh Hòa còn mang những nét đặc thù và luôn thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà quân sự trong và ngoài nước. Tuy nhiên chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu về vị trí, vai trò của đấu tranh quân sự ở Khánh Hòa. Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu vấn đề này, NXBGDVN xin giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách chuyên khảo Đấu tranh quân sự ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) của Tiến sĩ Hồ Hải Hưng. Sách gồm có 4 chương.
Chương I giới thiệu cho bạn đọc một cái nhìn tổng quan về tình hình nghiên cứu về đấu tranh quân sự trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) của các nhà nghiên cứu trên phạm vi toàn quốc và tỉnh Khánh Hòa. Các công trình như: Lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa - Ba mươi năm xây dựng chiến đấu và chiến thắng (1945-1975); Mặt trận Nha Trang- Khánh Hòa; Nam Trung Bộ: Hồi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1947); Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Khánh Hòa 1945-2010… đã làm sáng tỏ vai trò của Đảng bộ, Ban chỉ huy quân sự tỉnh Khánh hòa trong quá trình lãnh đạo quần chúng nhân dân cùng các lực lượng vũ trang tiến hành cuộc kháng chiến toàn diện chống thực dân Pháp, trong đó nổi bật lên những hoạt động đấu tranh quân sự.
Chương hai phản ánh cuộc đấu tranh quân sự ở Khánh Hòa thời kì 1945-1946. Do vị trí địa lí có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng nên Khánh Hòa luôn là một trong những mục tiêu đánh chiếm đầu tiên của thực dân Pháp. Với ta, do các đô thị có nhiều dãy núi bao quanh nên cũng thuận lợi cho hoạt động đấu tranh quân sự, đáp ứng được yêu cầu của một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện. Khi quân Pháp thực hiện các hành động đánh chiếm Nha Trang – Khánh Hòa, trong 101 ngày đêm, với vũ khí thô sơ nhưng quân và dân Khánh Hòa đã chiến đấu ngoan cường và gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại.
Từ đầu năm 1946, trước sự tăng viện của quân Pháp, hoạt động đấu tranh quân sự chuyển sang phương thức tác chiến du kích để để bảo đảm lực lượng và tiêu hao sinh lực địch. Cuộc chiến đấu hơn một năm kể từ tháng 10-1945 đến tháng 12 -1946 của quân và dân Khánh Hòa đã có ý nghĩa to lớn, góp phần quan trọng vào việc đánh bại chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, tạo điều kiện cho hậu phương chuẩn bị kháng chiến.
Chương ba là cuộc đấu tranh quân sự ở tỉnh Khánh Hòa từ năm 1947 đến năm 1954. Từ năm 1947 đến năm 1949, mặc dù đấu tranh quân sự gặp nhiều khó khăn, thử thách khi phải đối phó với những âm mưu và thủ đoạn hết sức tinh vi và xảo quyệt của thực dân Pháp nhưng quân và dân Khánh Hòa dưới dự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Liên khu ủy, Tỉnh ủy đã đẩy mạnh chiến tranh du kích, từng bước làm thất bại chính sách “bình định” của thực dân Pháp. Qua thực tiễn chiến đấu, các đơn vị vũ trang ngày càng lớn mạnh; tổ chức Đảng, chính quyền các cấp không ngừng trưởng thành. Khánh Hòa đã huy động được sức mạnh tổng hợp của mọi tầng lớp và lực lượng, đảm bảo hậu phương vững chắc. Trong ba năm (1950-1952), hoạt động đấu tranh quân sự đã có bước phát triển mới, đặc biệt là sự phối hợp hợp lí, chặt chẽ giữa lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang địa phương, giữa lực lượng vũ trang địa phương với lực lượng chủ lực. Từ năm 1953- 1954, cùng với những thắng lợi quân sự trên cả nước, quân và dân Khánh Hòa đã đẩy mạnh tấn công địch, phá tan hầu hết các hệ thống đồn bốt, tháp canh và các cuộc hành quân, càn quét của quân Pháp vào căn cứ kháng chiến. Phần lớn vùng nông thôn và đồng bằng được giải phóng. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, ngày 1-8-1954, chiến trường Khánh Hòa ngưng tiếng súng. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Khánh Hòa kết thúc thắng lợi.
Ở chương bốn cũng là chương cuối của cuốn sách nêu lên những đặc điểm, vai trò và một số kinh nghiệm đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống thực dân Pháp ở Khánh Hòa. Đó là nghệ thuật chiến tranh toàn dân “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”. Cuộc chiến đấu tại mặt trận Nha Trang – Khánh Hòa đã thể hiện rõ tinh thần chủ động tiến công địch trên nhiều lĩnh vực mà lực lượng nòng cốt trong đấu tranh quân sự là bộ đội địa phương và dân quân du kích với trang bị vũ khí thô sơ và chưa dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Bên cạnh đó là sự đấu tranh chính trị mạnh mẽ của quần chúng. Nó cũng thể hiện sự phong phú về hình thức và linh hoạt về biện pháp chiến thuật quân sự. Đấu tranh quân sự trên địa bàn Khánh Hòa trong chín năm kháng chiến đã góp phần kìm chân quân Pháp, bảo vệ vùng tự do Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên, tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, góp phần làm thất bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp; hỗ trợ nhân dân địa phương đấu tranh giải phóng, giành quyền làm chủ, cùng với quân dân Liên khu 5 và cả nước giành thắng lợi cuối cùng. Đấu tranh quân sự ở Khánh Hòa còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Đó là phát huy tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, bám sát tình hình, kịp thời chuyển hóa thế trận kháng chiến; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân phù hợp với điều kiện của chiến trường địa phương làm nòng cốt cho đấu tranh quân sự; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị và binh vận để nâng cao hiệu quả của đấu tranh quân sự.
Sự nghiên cứu về đấu tranh quân sự ở Khánh Hòa qua cuốn sách Đấu tranh quân sự ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) không chỉ có giá trị đối với địa phương mà còn giúp ích cho các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu tham khảo về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, đóng góp nhiều bài học quý báu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.