Sản phẩm » Giới thiệu sách
Địa chí Kiên Giang
Thứ Sáu, 10/01/2025 | 15:08
Số lượt xem: 25(NXBGD) Kiên Giang là một tỉnh nằm ở tận cùng phía tây nam của Việt Nam, là một vùng đất mới được khai phá sau cùng trong tiến trình lịch sử của dân tộc, có vị trí chiến lược rất quan trọng về an ninh – quốc phòng cũng như phát triển kinh tế, xã hội. Quá trình lịch sử và vị trí địa lí đã tạo cho Kiên Giang những nét đặc trưng riêng so với các địa phương khác.
Nhằm giới thiệu với đông đảo bạn đọc về những nét đẹp của Kiên Giang, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã cho xuất bản bộ sách Địa chí Kiên Giang gồm 3 quyển. Sách do Tỉnh Ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Ban Tuyên giáo tỉnh Ủy Kiên Giang thực hiện trong 20 năm với sự cộng tác của nhiều nhà khoa học, các đơn vị, ban ngành đoàn thể. Địa chí Kiên Giang phản ánh khá toàn diện và có hệ thống những vấn đề về đặc điểm tự nhiên, con người, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội,… qua các giai đoạn của lịch sử, từ khi khai mở vùng đất vào khoảng thế kỉ XVII đến năm 2015.
Bộ sách được chia làm sáu phần:
Phần một: Tự nhiên và dân cư
Phần hai: Lịch sử
Phần ba: Kinh tế
Phần bốn: Chính trị
Phần năm: Văn hóa
Phần sáu: Giáo dục, khoa học – công nghệ, y tế, thể dục thể thao.
Trong mỗi phần, bộ sách đã trình bày khá chi tiết đầy đủ sự phát triển toàn diện của Kiên Giang qua các giai đoạn lịch sử. Ở mỗi thời kì đều có những tư liệu, và hình ảnh minh họa sinh động. Vì vậy, bạn đọc dễ dàng có được cái nhìn bao quát về địa chí Kiên Giang.
Từ khoảng đầu Công nguyên đến thế VII, Kiên Giang vốn thuộc Vương quốc Phù Nam. Đây vốn là vùng nước mênh mông, nhiều rừng rậm, rất ít vùng đất cao nên hầu dân cư thưa thớt. Đến khoảng thế kỉ XVI -XVII, khi nước rút đi và trấn Hà Tiên được thành lập (1708), nơi đây dần trở nên sầm uất kéo theo nhiều người Việt, người Hoa, người Khơ me đến đây sinh sống.
Hơn 300 năm kể từ ngày khai phá nhưng do phải chịu nhiều cuộc chiến tranh, cướp phá của Xiêm, Cao Miên, nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh, gần 100 năm đô hộ của Pháp, 20 năm đấu tranh chống Mỹ, và cuối cùng là cuộc xâm lược của Khơ – me Đỏ, cho nên Kiên Giang chưa có điều kiện phát huy được nhiều lợi thế.
Kiên Giang là tỉnh nằm tận cùng phía tây nam tổ quốc có diện tích trên 6.400 km2 với ba thành phố: Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc và 12 huyện với dân số trên 1.75 triệu người (2021). Địa hình của tỉnh gồm đồng bằng, đồi núi, hải đảo và khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, được chia làm mùa mưa và mùa khô. Kiên Giang có các đảo Phú Quốc, Lại Sơn, Hòn Tre, Hòn Nghệ và 5 quần đảo lớn: quần đảo An Thới, quần đảo Thổ Chu (Thổ Châu), quần đảo Nam Du, quần đảo Hải Tặc và quần đảo Bà Lụa. Hệ thực vật và thảm thực vật rất phong phú với nhiều loại cây dây leo, cây đại mộc được dùng làm dược liệu, thực phẩm và lấy gỗ (trâm, tràm). Hệ động vật rất đa dạng với nhiều chủng loại như bò sát, thú, ếch nhái, chim, cá,… trong đó có nhiều loại động vật quý hiếm.
Kiên Giang là cửa ngõ để các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long mở rộng giao lưu thương mại với các nước và thế giới.
Nằm trong khu vực của văn hóa Óc Eo tồn tại hàng nghìn năm trước cùng với những hoạt động trong quá trình khai phá, xây dựng và bảo vệ bờ cõi từ thời Nguyễn, Kiên Giang có những nét văn hóa rất đặc sắc được thể hiện qua các công trình kiến trúc (đền, chùa, nhà cổ, lăng mộ,…), các món ăn (canh, nướng, bánh,…), trang phục, các điệu dân ca, múa, nhạc cổ, lễ hội cổ truyền,….
Từ năm 1986 đến nay, cùng với sự đổi mới của đất nước, Kiên Giang đã có nhiều sáng tạo trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã tập trung phát triển thế mạnh của mình là xuất khẩu lúa gạo và khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản, du lịch. Hiện tại, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng,… chất lượng cao và coi đó là ngành kinh tế mũi nhọn.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu kinh tế mà đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.500 USD (2015) đứng thứ 12 cả nước và đứng thứ hai ở đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống giáo dục đã phát triển đến vùng nông thông và biên giới hải đảo. Mạng lưới y tế ngày được mở rộng góp phần quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các hoạt động công nghệ gắn liền với các ngành kinh tế - kĩ thuật của tỉnh và có những đóng góp đáng kể.
Bộ sách Địa chí Kiên Giang không chỉ là nguồn tư liệu quý cho việc khảo cứu mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương đất cho các thế hệ hôm nay và mai sau.