Sản phẩm » Giới thiệu sách

Lê Duy Ứng, người thương binh họa sĩ – chiến sĩ

Thứ Ba, 28/08/2012 | 16:44

Số lượt xem: 29887

Có những văn nghệ sĩ đã anh dũng hi sinh ngoài chiến trận, như nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Nguyễn Thi,... Có những người để lại chiến trường một phần cơ thể. Một trong những người nghệ sĩ thương binh ấy là hoạ sĩ Lê Duy Ứng.
Nói đến Đại tá - hoạ sĩ thương binh Lê Duy Ứng, biết bao người lại xúc động về một câu chuyện có thật mà như huyền thoại anh hùng. Huyền thoại - sự thật ấy kể rằng, ngày 28 tháng 4 năm 1975, trong trận đánh giải phóng Sài Gòn, hoạ sĩ Lê Duy Ứng bị trúng đạn vào hai mắt. Sau giây phút đổ máu ấy, anh không còn nhìn thấy ánh sáng nữa. Nhưng kì lạ thay, một thứ ánh sáng diệu kì bỗng soi rọi, bừng chiếu trong trái tim khối óc anh. Lúc đó, biết bao hình ảnh người thân, đồng đội cứ mồn một hiện lên. Nhưng rõ nhất, rực rỡ nhất là lung linh hình ảnh Bác Hồ. Anh chợt nghĩ, mình sẽ cống hiến những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình để vẽ tạc chân dung vị Lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc. Anh đã lấy máu mình vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lời đề tựa: “Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân”...
Bức chân dung Lãnh tụ ấy đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật có một không hai.
Nhắc đến Đại tá – hoạ sĩ thương binh Lê Duy Ứng, người ta còn nhắc đến một huyền thoại - sự thật khác, đó là khi may mắn trở về với cuộc sống, dù không còn đôi mắt, giác quan vô cùng quan trọng của người hoạ sĩ, anh vẫn tiếp tục sáng tác. Hàng trăm bức hoạ, bức tượng của anh vẫn được ra mắt trong các cuộc triển lãm. Anh đã lại làm nên một kì tích: vẽ tranh, nặn tượng chỉ bằng đôi tay và ánh sáng của trái tim.
Điều gì đã tạo nên nguồn sáng vô cùng kì diệu ấy? Phải chăng đó là Tình Yêu. Trước hết là tình yêu của anh đối với Đất nước, với Lãnh tụ, với đồng chí đồng đội, với người thân gia đình bè bạn xóm làng. Sau đó là tình yêu của cuộc đời dành cho anh. Trong đó, đặc biệt là tình yêu của người con gái đã tình nguyện “chia ánh sáng cuộc đời” với anh. Chị là Trần Thị Lê - một cô gái Hà thành - người anh đem lòng yêu thương từ một lần gặp mặt khi anh còn đôi mắt. Họ gặp lại nhau khi anh trở thành thương binh, nhưng hình như chính vì sự hi sinh mất mát của anh trong chiến trận đã thôi thúc chị đến với anh, trở thành người yêu, người vợ hiền, người bạn đời lớn nhất của anh...
Bấy nhiêu lời giới thiệu ấy cũng chỉ là gợi dẫn. Bạn đọc muốn hiểu sâu về anh, về những tác phẩm nghệ thuật của anh, xin đọc những lời cảm tưởng, truyện kí, bài viết... về anh trong cuốn sách này.

Thiết nghĩ, qua cuốn sách này, bạn đọc có cơ hội thêm hiểu, thêm yêu và kính trọng một người hoạ sĩ - thương binh. Cũng từ cuộc đời và sự nghiệp của anh, chúng ta lại càng cảm nhận rõ hơn về những cống hiến của những văn nghệ sĩ cách mạng trên trận tuyến chống quân thù cũng như trong cuộc sống xây dựng hoà bình.

TS. Nguyễn Văn Tùng

Cùng chuyên mục

Hướng dẫn thực hiện giáo dục quyền con người trong cơ sở giáo dục mầm non

Thứ Sáu, 20/12/2024 | 10:43

Đưa giáo dục quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm giáo dục mầm non, là nội dung quan trọng trong các hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của Nhà nước Việt Nam

Triết lí giáo dục Việt Nam: Từ truyền thống đến hiện đại

Thứ Sáu, 13/12/2024 | 14:19

Triết lí giáo dục Việt Nam: Từ truyền thống đến hiện đại là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước của nhóm tác giả 13 người do GS.TSKH Trần Ngọc Thêm làm chủ biên

Giao hưởng đương đại Việt Nam – Từ góc nhìn tiếp biến

Thứ Năm, 12/12/2024 | 11:42

So với bề dày lịch sử của âm nhạc giao hưởng thế giới, âm nhạc giao hưởng Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, chưa có nhiều công trình phân tích, giới thiệu về giao hưởng Việt Nam.

Giáo dục STEM - Hành trình sáng tạo

Thứ Sáu, 06/12/2024 | 10:48

Giáo dục STEM - Hành trình sáng tạo là bộ tài liệu STEM dành cho học sinh cấp Tiểu học được biên soạn bám sát hướng dẫn trong công văn số 909/BGDĐT-GDTH của Bộ GD&ĐT