Sản phẩm » Giới thiệu sách

Lý luận Văn học và đổi mới đọc hiểu tác phẩm

Thứ Sáu, 24/08/2012 | 13:42

Số lượt xem: 28671

Trước hết, qua những bài viết cụ thể, tác giả Nguyễn Văn Tùng đã trình bày một cách dễ hiểu các thuật ngữ, khái niệm văn học, qua đó làm nổi bật, tô đậm vai trò của kiến thức lí luận văn học trong việc học tập, nghiên cứu văn học.
Lí luận văn học là một chuyên ngành nghiên cứu về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực đời sống, quan hệ giữa văn học với các loại hình nghệ thuật khác, từ đó làm nổi bật đặc trưng, vịtrí của văn học.
Cùng với đó, lí luận văn học đi sâu giải phẫu, khám phá cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học với các yếu tố không gian, thời gian, nhân vật, người kể chuyện, cốt truyện, kết cấu...; đặc trưng các thể loại như thơ ca, tiểu thuyết, truyện ngắn...
Lí luận văn học còn tìm hiểu quá trình vận động hay còn gọi là tiến trình văn học và đặc trưng thi pháp nghệ thuật của các xu hướng, các trường phái, trào lưu văn học qua các thời kì lịch sử xã hội.
Nhìn chung, kiến thức lí luận văn học mang tính chất tổng kết, khám phá những vấn đề cốt lõi, bản chất của văn học.
Chính vì thế, nắm kiến thức cơ bản của lí luận văn học là một cách giúp người học tập nghiên cứu văn học tự trang bị cho mình một bảo bối, cẩm nang để chủ động, tự tin trong mọi tình huống, có thể giải mã, cắt nghĩa hàng trăm hàng ngàn hiện tượng tác giả tác phẩm văn học từ cổ chí kim, từ đông sang tây.
Ngay ở phần lời nói đầu Lí luận văn học và đổi mới đọc hiểu tác phẩm, tác giả đã có những nhận xét và lí giải mang tính thuyết phục về tình trạng học văn một cách cảm tính khá phổ biến hiện nay. Tác giả cho rằng phần lớn người học môn Ngữ văn chưa nhận thức được sự đắc dụng của lí luận văn học. Phương pháp học môn Ngữ văn, nắm bắt giá trị của văn học bị quy về hai chữ học thuộc. Chính điều đó đã làm giảm sút hứng thú của người học văn, hạ thấp vai trò phát triển tư duy cũng như định hướng thẩm mĩ của môn Ngữ văn.
Thông qua những bài viết cụ thể, tác giả cuốn sách luôn tập trung thể hiện tư tưởng vận dụng tri thức lý luận văn học vào việc đổi mới phương pháp đọc hiểu tác phẩm. Muốn làm được điều đó, trước hết cần khiến cho người học môn Ngữ văn cảm thấy lí luận văn học là một hệ thống kiến thức không hề xa vời, khó hiểu, mà thật sự gần gũi, dễ hiểu. Những bài viết ở đây đã làm rõ nội hàm một số thuật ngữ, khái niệm, vấn đề lý luận văn học, đặc biệt là những khái niệm lí luận văn học được sử dụng trong chương trình sách giáo khoa.
Vì hiểu rằng, thông thường người đọc cảm thấy khó hiểu từ đó giảm hứng thú tìm hiểu lý luận văn học, nên trong quá trình trình bày các vấn đề, tác giả cuốn sách luôn có ý thức diễn đạt một cách hiển ngôn nhất.
Bên cạnh đó, nội dung cơ bản của cuốn sách còn là sự vận dụng lí luận văn học vào việc cắt nghĩa, lí giải các tác phẩm văn học đang được giảng dạy trong nhà trường. Qua những bài viết này, người viết sách đã khẳng định công năng hữu hiệu của lí luận văn học trong việc khám phá, phát hiện những tầng lớp nghĩa mới mẻ, thú vị, giàu sức thuyết phục. Theo cách ấy, tác giả mong muốn chia sẻ với người học văn một động hình tư duy, dùng lí luận văn học tự mình khám phá tác phẩm. Rõ ràng là khi người học văn tự mình nhận ra được những giá trị thẩm mĩ còn tiềm ẩn trong tác phẩm văn học thì sẽ tăng thêm phần hứng thú với môn Ngữ văn.
Với một tư tưởng rõ ràng, nội dung tập trung, nhất quán, những đơn vị kiến thức lí luận dễ hiểu và sự vận dụng có hiệu quả thể hiện tính lô-gic, khoa học, chúng tôi tin rằng, ấn phẩm này sẽ trở thành một người bạn gần gũi, thân thiết của mỗi người trên con đường tìm hiểu, thưởng thức văn học cũng như nâng cao hiệu quả học tập môn Ngữ văn.

Nguyên Vũ

Cùng chuyên mục

Hướng dẫn thực hiện giáo dục quyền con người trong cơ sở giáo dục mầm non

Thứ Sáu, 20/12/2024 | 10:43

Đưa giáo dục quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm giáo dục mầm non, là nội dung quan trọng trong các hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của Nhà nước Việt Nam

Triết lí giáo dục Việt Nam: Từ truyền thống đến hiện đại

Thứ Sáu, 13/12/2024 | 14:19

Triết lí giáo dục Việt Nam: Từ truyền thống đến hiện đại là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước của nhóm tác giả 13 người do GS.TSKH Trần Ngọc Thêm làm chủ biên

Giao hưởng đương đại Việt Nam – Từ góc nhìn tiếp biến

Thứ Năm, 12/12/2024 | 11:42

So với bề dày lịch sử của âm nhạc giao hưởng thế giới, âm nhạc giao hưởng Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, chưa có nhiều công trình phân tích, giới thiệu về giao hưởng Việt Nam.

Giáo dục STEM - Hành trình sáng tạo

Thứ Sáu, 06/12/2024 | 10:48

Giáo dục STEM - Hành trình sáng tạo là bộ tài liệu STEM dành cho học sinh cấp Tiểu học được biên soạn bám sát hướng dẫn trong công văn số 909/BGDĐT-GDTH của Bộ GD&ĐT