Sản phẩm » Giới thiệu sách
Mô hình giáo dục phòng ngừa thiên tai cho học sinh trung học (Sách chuyên khảo)
Thứ Hai, 11/11/2024 | 09:53
Số lượt xem: 55NXGDVN - Việt Nam là nước thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc giáo dục cho học sinh nhất là ở bậc trung học phổ thông là điều cần thiết bởi nó sẽ giúp các em biết cách hành động nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam của châu Á, ven biển Thái Bình Dương với ba mặt giáp biển, lãnh thổ kéo dài hình chữ S, hẹp về chiều ngang, núi đồi chiếm đến 3/4 diện tích đất liền. Do đặc điểm trên, Việt Nam là nước thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc giáo dục cho học sinh nhất là ở bậc trung học phổ thông là điều cần thiết bởi nó sẽ giúp các em biết cách hành động nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên tài liệu nghiên cứu về đề tài này còn chưa nhiều. Nhằm khắc phục khó khăn này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Mô hình giáo dục phòng ngừa thiên tai cho học sinh trung học do tác giả Vũ Đình Bảy làm Chủ biên.
Cuốn sách gồm ba chương
Chương một: Cơ sở lí luận của việc đề xuất mô hình giáo dục phòng ngừa thiên tai cho học sinh trung học.
Ở Việt Nam, ngành Giáo dục với hơn 25 triệu giáo viên và học sinh, sinh viên và 42 nghìn trường học thì trường học là nhân tố tích cực trong việc cũng cấp kiến thức và kĩ năng cho học sinh hiệu quả nhất trong việc giáo dục phòng ngừa thiên tai. Các tác giả đã trình bày một số căn cứ pháp lý, mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp, kiểm tra đánh giá, các điều kiện tổ chức trong việc giáo dục phòng ngừa thiên tai. Sách cũng đã giới thiệu nghiên cứu về hoạt động giáo dục phòng ngừa thiên tai như: Phòng ngừa thảm họa của Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Tài liệu hướng dẫn dạy học về giảm nhẹ rủi ro thiên tai do Bộ Giáo dục - Đào tạo và Trung tâm Sống và Học tập về Môi trường và Cộng đồng phối hợp biên soạn,... và một số mô hình phòng chống thiên tai của thế giới như: Cơ quan Liên hiệp quốc về giảm nhẹ rủi ro thảm họa (UNISDR), Pakistan, Đài Loan, Indonesia, Hoa Kỳ, Nhật Bản,...
Chương hai: Cơ sở thực tiễn của việc đề xuất mô hình giáo dục phòng ngừa thiên tai cho học sinh trung học.
Việc nghiên cứu dựa trên phân tích dữ liệu định tính và định lượng dựa trên số liệu khảo sát từ 274 giáo viên và 1387 học sinh THCS và THPT về các mặt: kiến thức, nhận thức, kĩ năng, thực trạng giáo dục phòng ngừa thiên tai. Địa bàn thực hiện bao gồm 7 tỉnh Tây Nguyên và miền Trung thường xuyên chịu thiệt hại bởi bão, lụt bao gồm: Đắk Nông, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai. Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết giáo viên đều nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, học sinh cũng có nhu cầu được giáo dục về phòng ngừa thiên tai. Tuy nhiên do điều kiện hạn chế nên các hình thức giáo dục chưa phát huy hết hiệu quả mong muốn.
Chương ba: Đề xuất mô hình giáo dục phòng ngừa thiên tai cho học sinh trung học
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất mô hình giáo dục phòng ngừa thiên tai cho học sinh trung học đảm bảo nguyên tắc giáo dục, có tính kế thừa, tính hệ thống và tính thực tiễn. Mô hình đã đề cập đến các thành phần như: công tác khảo sát điều tra thực trạng và nhu cầu giáo dục, xác định mục tiêu, xây dựng nội dung, lựa chọn hình thức và phương pháp giáo dục phù hợp, huy động các nguồn lực đảm nhiệm công tác giáo dục, tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả giáo dục phòng ngừa thiên tai. Qua thực nghiệm thí điểm mô hình trên tại trường THPT Phan Đăng Lưu (tỉnh Thừa Thiên Huế), kết quả bước đầu cho thấy mô hình có tính khả thi, giúp học sinh nâng cao được kĩ năng ứng phó với thiên tai. Mô hình có thể nhân rộng và áp dụng rộng rãi ở nhiều trường trung học.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo bổ ích cho các cấp quản lý giáo dục, giáo viên và những người quan tâm đến công tác giáo dục phòng ngừa thiên tai trong trường học.