Sản phẩm » Giới thiệu sách
Ngôn ngữ sử dụng ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam
Thứ Hai, 27/05/2024 | 14:45
Số lượt xem: 2765NXBGDVN- Làm thế nào để bảo tồn và phát huy ngôn ngữ của các dân tộc nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá của từng dân tộc là một điều trăn trở đối với các nhà quản lý. Cuốn sách Ngôn ngữ sử dụng ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam của GS.TS Nguyễn Văn Khang là một gợi ý hay nhằm giải quyết vấn đề này.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ. Tại các vùng dân tộc thiểu số, các dân tộc cư trú đan xen nhau, hình thành các cộng đồng đa ngữ. Những thập kỉ gần đây, sự phát triển của kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế đã tạo ra nhiều thay đổi mạnh mẽ ở các nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có vấn đề ngôn ngữ. Làm thế nào để bảo tồn và phát huy ngôn ngữ của các dân tộc nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá của từng dân tộc là một điều trăn trở đối với các nhà quản lý.
Cuốn sách Ngôn ngữ sử dụng ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam của GS.TS Nguyễn Văn Khang là một gợi ý hay nhằm giải quyết vấn đề này. Cuốn sách dày 583 trang, thuộc mảng sách chất lượng cao do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành. Tác giả là nghiên cứu viên cao cấp từng tham gia đào tạo bậc Tiến sĩ tại Viện Ngôn ngữ học. Ông đã viết nhiều tác phẩm ngôn ngữ trong đó có nhiều công trình liên quan đến ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt Nam như: Ngôn ngữ học xã hội: Những vấn đề cơ bản (1999), Tiếp cận tiếng Mường từ góc độ ngôn ngữ học xã hội (2002), Kế hoạch hoá ngôn ngữ - Ngôn ngữ học xã hội vĩ mô (2003), Chính sách ngôn ngữ và lập pháp ngôn ngữ ở Việt Nam (2014)…
Sách gồm ba nội dung lớn với 9 chương.
Từ chương 1 đến chương 2 là phần lý thuyết về đa ngữ xã hội và chính sách ngôn ngữ nhằm cung cấp cho bạn đọc những khái niệm liên quan trực tiếp đến trạng thái đa ngữ xã hội như: người đa ngữ, tiếng mẹ đẻ và hệ quả của trạng thái đa ngữ xã hội như giao thoa, vay mượn, chuyển đổi ngôn ngữ. Sách cũng làm rõ đặc điểm, nội dung và mối quan hệ của chính sách ngôn ngữ và kế hoạch hoá ngôn ngữ trên phương diện lý thuyết, đồng thời chỉ ra những nội dung cơ bản và mới về cảnh huống ngôn ngữ và chính sách ngôn ngữ của Việt Nam qua các thời kì cùng những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới.
Từ chương 3 đến chương 8 là nội chung chính của cuốn sách bao gồm những nghiên cứu về tình hình sử dụng ngôn ngữ ở sáu vùng dân tộc thiểu số bao gồm: Đông Bắc Bộ, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Các tư liệu được khảo sát thực tế tại các vùng dân tộc thiểu số ở 15 tỉnh qua các hình thức: trao đổi, toạ đàm, phỏng vấn sâu, quan sát, ghi chép và phiếu hỏi với đối tượng là học sinh dân tộc thiểu số đang theo học tại các trường dân tộc nội trú, lực lượng biên phòng tại một số cửa khẩu. Nội dung khảo sát bao gồm: đặc điểm chung về hiện trạng đa ngữ, năng lực ngôn ngữ (nói, viết), sử dụng ngôn ngữ, hiện tượng trộn ngữ, nhất là thái độ ngôn ngữ đối với: tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ, tiếng dân tộc thiểu số khác, ngoại ngữ, việc biết tiếng dân tộc thiểu số của người Kinh, dịch một số văn bản tiếng Việt sang tiếng dân tộc thiểu số trong các bối cảnh giao tiếp: gia đình, hành chính, đời sống thường nhật và trong khi các nghi lễ truyền thống, trong hát ru… Các dữ liệu trong sách được chính các chuyên gia ngôn ngữ thu thập từ những các đợt điền dã và được xử lí bằng phần mềm chuyên dụng, dữ liệu được sử dụng công bằng và công khai để đảm bảo tính khách quan cao.
Từ kết quả trên, sách cũng đưa ra những phân tích, đánh giá để bạn đọc có được một bức tranh tổng quát về bức tranh cảnh huống ngôn ngữ ở Việt Nam và ở các vùng dân tộc thiểu số (chương 9), đồng thời chỉ ra các yếu tố làm thay đổi bản đồ ngôn ngữ ở Việt Nam. Tác giả cũng đưa ra dự báo và đề xuất các kiến nghị ở cả tầm vĩ mô và vi mô trong việc sử dụng ngôn ngữ và bảo tồn phát huy các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Cuốn sách cũng đã đăng tải nguyện vọng của các cá nhân, các tổ chức ở địa phương về việc sử dụng ngôn ngữ ở vùng dân tộc thiểu số qua đó góp phần hoàn thiện chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước, việc thực thi ngôn ngữ ở từng địa phương cụ thể, đảm bảo trật tự an ninh, phát triển bền vững ở vùng dân tộc thiểu số, tăng cường khối đoàn kết giữa các dân tộc Việt Nam.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo có giá trị cho những nhà chuyên môn, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đang quan tâm đến ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách này.