NXBGDVN –Hai tác phẩm Phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu, giảng dạy văn học và Nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ 1865-1954 của NXB Giáo dục Việt Nam đã được Hội đồng Lí luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương trao tặng giải thưởng.
GS.TS. Trần Nho Thìn (thứ 2 từ phải qua) cùng các tác giả có tác phẩm đạt giải A.
Tối ngày 1-8-2019, tại Hà Nội, sau quy trình xét giải nghiêm túc, chặt chẽ, Hội đồng Lí luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã trao thưởng cho 15 tác phẩm, trong đó giải A: 4 tác phẩm; giải B: 6 tác phẩm; giải C: 5 tác phẩm, đồng thời tặng thưởng cho 9 đơn vị có đóng góp cho sự phát triển lí luận, phê bình văn học, nghệ thuật nước nhà.
Ông Phan Xuân Thành, Phó Tổng Giám đốc kiêm Tổng biên tập đại diện cho NXB Giáo dục Việt Nam nhận tặng thưởng cho đơn vị có đóng góp cho sự phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Cuốn Phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu, giảng dạy văn học của GS.TS. Trần Nho Thìn là một trong bốn cuốn sách đạt giải A; cuốn Nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ 1865-1954 của tác giả PSG. TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân đạt giải B. Ngoài việc có 2 tác phẩm đạt giải cao, NXB Giáo dục Việt Nam vinh dự là một trong 9 đơn vị được Hội đồng Lí luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương tặng thưởng vì có đóng góp cho sự phát triển lí luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu, giảng dạy văn học do GS.TS. Trần Nho Thìn biên soạn là một trong những cuốn sách thuộc mảng sách chất lượng cao của NXB Giáo dục Giáo dục Việt Nam. GS.TS. Trần Nho Thìn quan tâm đến phương pháp tiếp cận văn hoá trong nghiên cứu, giảng dạy văn học từ nhiều năm nay và các công trình nghiên cứu của ông đều được NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản và phát hành.
Hiện nay, có nhiều lí luận và phương pháp nghiên cứu, phê bình văn học được vận dụng ở Việt Nam, làm cho đời sống phê bình đa dạng, phong phú. Trong cuốn sách này, tác giả Trần Nho Thìn tập trung làm rõ vị trí, vai trò của văn hóa và đề xuất phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu, giảng dạy văn học. Tác giả đã công phu tham khảo một khối lượng tài liệu nghiên cứu bằng nhiều thứ tiếng và đưa ra đề nghị một hệ thống vấn đề nghiên cứu, phê bình gồm ảnh hưởng chi phối đến văn học Việt Nam của văn hoá chính trị, văn hoá ứng xử với thân thể, văn hoá ứng xử với cảm xúc, văn hoá ứng xử với thiên nhiên, văn hoá ứng xử giới (người nam và người nữ) và văn hoá của con người cá nhân - cộng đồng. Trên cơ sở lí luận hiện đại về văn hoá, hướng tiếp cận văn hoá đã mang lại những cái nhìn mới, cảm nhận mới về văn học Việt Nam, đồng thời tiềm tàng những gợi ý cho các nhà nghiên cứu, phê bình văn học cùng tiếp tục khám phá thêm các mối quan hệ sâu sắc giữa văn hoá Việt Nam và văn học Việt Nam.
Cuốn Nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kì 1865 – 1954 (do PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân làm chủ biên) là công trình khoa học đầu tiên ở nước ta nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện và có hệ thống về hoạt động nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học ở Nam Bộ giai đoạn 1865 – 1954.
Trong công trình nghiên cứu công phu này, từ góc nhìn lịch đại và đồng đại, nhóm tác giả (là những chuyên gia nghiên cứu văn học hàng đầu) đã tái hiện diễn trình hình thành, vận động và phát triển của hoạt động nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học ở Nam Bộ từ năm 1865 đến 1954; phân tích những biểu hiện kế thừa và tiếp thu; đúc kết những xu hướng, đặc điểm, thành tựu, hạn chế của hoạt động nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học ở Nam Bộ từ năm 1865 đến 1954; chọn lựa và giới thiệu sâu về một số tác giả tiêu biểu đã mở đầu và có những đóng góp to lớn vào tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam.
NXB Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Hiền Thương (Tổng hợp)
Ban TT - TVTH