Bao gồm nhiều thể loại từ tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa đến thơ, kịch; từ văn học Việt Nam đến văn học nước ngoài; từ cổ chí kim, tác phẩm văn học trong nhà trường luôn luôn thu hút được sự quan tâm của xã hội. Trao đổi về cách hiểu một bài thơ, cách nhìn nhận một nhân vật truyện ngắn, cách cắt nghĩa một tình tiết kịch... luôn là những đề tài hấp dẫn trên các diễn đàn báo chí. Mặc dù tác phẩm được đưa vào chương trình bao giờ cũng được lựa chọn dựa trên tiêu chí ổn định về giá trị nghệ thuật, tuy nhiên, tuân theo quy luật tiếp nhận, các hình tượng nghệ thuật vẫn luôn được cắt nghĩa theo những quan điểm mới.
Việc trao đổi, tranh luận về các tác phẩm văn học trong nhà trường từ lâu đã trở thành một chuyên mục trên các báo, tạp chí: Văn nghệ, Giáo dục và Thời đại, Nghiên cứu văn học, Giáo dục, Văn học và Tuổi trẻ... Vấn đề trao đổi hết sức phong phú, từ đề tài, chủ đề, tư tưởng nghệ thuật, phương pháp tiếp cận, phân tích đến tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm... Những bài viết này đã lên tới con số hàng trăm và thực sự đã tạo ra một dư luận xã hội rộng lớn và lành mạnh, ảnh hưởng tích cực đến không khí dạy học môn Ngữ văn.
Tuyển chọn những bài nghiên cứu, trao đổi về các tác phẩm văn học trong nhà trường đã đăng trên các báo chí trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là trong mười năm thực hiện chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn mới nhằm cung cấp cho người học môn Ngữ văn một bộ tài liệu bổ ích chính là mục đích của người tuyển chọn. Như tên của bộ sách, chúng tôi có chủ ý tuyển chọn những bài viết mang tính đối thoại về những tình huống cụ thể trong việc đọc hiểu, cắt nghĩa, lí giải các hình tượng văn học. Mỗi tác phẩm văn học có thể có nhiều vấn đề đã được các tác giả trao đổi, tuy nhiên chúng tôi chỉ chọn những vấn đề tiêu biểu nhất, mang tính điển hình nhất.
Bộ sách bao gồm ba tập:
- Tập một, tuyển chọn những bài nghiên cứu, trao đổi về các tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại.
- Tập hai, tuyển chọn các bài về các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại.
- Tập ba, tuyển chọn bài viết về các tác phẩm văn học dân gian Việt Nam và văn học nước ngoài.
Trong quá trình tổ chức bản thảo, chúng tôi đã cố gắng thu thập một số lượng lớn các bài viết đã từng công bố trên báo chí. Song do khuôn khổ sách mà ở đây chỉ có thể giới thiệu một số lượng bài nhất định. Có những vấn đề trao đổi đã ngã ngũ, nhưng có vấn đề còn bỏ ngỏ, gợi mở những cách lí giải mới. Vì thế, bộ sách bên cạnh giá trị tư liệu học tập còn có khả năng kích thích tư duy sáng tạo, giúp người học văn tự rút ra cho mình những nhận thức khách quan và hợp lí.
TS. Nguyễn Văn Tùng