Tin tức » Vấn đề giáo dục
Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chương trình và sách giáo khoa: Cơ bản nhất là chương trình, quan trọng nhất là nhân lực
Thứ Tư, 24/12/2014 | 14:10
Số lượt xem: 26591Trọng trách thuộc về Bộ GD-ĐT
Thực tiễn giáo dục Việt Nam và thế giới cho thấy, CT là sự cụ thể hóa mục tiêu giáo dục, vì vậy nó có vai trò định hướng quan trọng, mang tính quyết định cho việc hình thành phẩm chất cho thế hệ trẻ. Để xây dựng được mục tiêu, CT vừa đáp ứng yêu cầu phát triển trên cơ sở thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước, của từng vùng miền; vừa mang tính khả thi, để mục tiêu và CT không chỉ hay về lý thuyết, mà còn có tính khả thi cao. Do vậy, Bộ GD-ĐT có rất nhiều việc cần phải triển khai.
Việc trước tiên và quan trọng nhất là xây dựng CT và thẩm định đầy đủ trước khi tổ chức biên soạn SGK. Trong CT phải quy định rõ: Mục tiêu GD chung và mục tiêu GD từng cấp; Mục tiêu GD ở từng môn học, ở các hoạt động GD; Các yêu cầu chi tiết về chuẩn kiến thức từng lớp; Các yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất. CT phải bảo đảm tính tích hợp và gắn với thực tiễn cuộc sống, coi học sinh (HS) là trung tâm của quá trình GD. Xây dựng CT là trọng trách của Bộ GD-ĐT.
Thực hiện tinh thần Nghị quyết của Quốc hội theo cơ chế mới "một chương trình - nhiều bộ SGK" thì vấn đề chất lượng các bộ, cuốn SGK trở nên khó khăn, phức tạp hơn, nhất là ở giai đoạn chuyển tiếp hiện nay trong buổi đầu của cơ chế thị trường. Vì vậy, vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT cần phải được xác định là rất quan trọng, mang tính quyết định cho việc ra đời và sử dụng các bộ SGK đó. Muốn làm tốt việc này, việc thẩm định chất lượng các bộ SGK là yêu cầu hàng đầu phải đặt ra; Bộ GD-ĐT phải thể hiện và chịu trách nhiệm về việc này với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, được Quốc hội và Chính phủ giao phó. Việc cần làm là ban hành quy định về Tiêu chí đánh giá SGK. Tiêu chí này không chỉ nhấn mạnh chất lượng nội dung SGK, mà cần chú ý yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh và đổi mới phương pháp dạy - học. Tiếp theo là thành lập một Hội đồng thẩm định gồm những người am hiểu GD, nắm chắc yêu cầu của CT mới, công tâm, khách quan.
Tổng chủ biên: Không chỉ môn mà cả lớp
Để có bộ SGK đạt chất lượng tốt ngoài các yếu tố vĩ mô, cần có các điều kiện cụ thể về nhân lực, vật lực, tài lực. Trong đó yếu tố nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất. Có người cho rằng SGK hiện hành có tính hàn lâm, sách vở, bác học; thiếu tính thực tiễn, ít gắn với đời sống. Tuy vậy, việc hình thành SGK cần hai nhân tố là bác học (phần lý thuyết) và thực tiễn (phần thực hành), vấn đề là hài hòa giữa hai nhân tố, cân nhắc nặng nhẹ, tùy theo từng bài học, từng môn học. Do đó, cơ cấu đội ngũ tác giả phải gồm những người có trình độ chuyên môn cao và những giáo viên có kinh nghiệm đứng lớp. Rất cần một chủ biên cho từng môn học của mỗi lớp, và họ phải là người có trình độ chuyên môn cao, có khả năng chỉ đạo nhóm tác giả, bảo đảm chất lượng SGK thuộc bộ môn. Cũng phải có Tổng chủ biên môn học xuyên suốt lớp 1 đến lớp 12 để bảo đảm tính nhất quán về nội dung, đặc biệt là chuẩn kiến thức, các yêu cầu đã quy định trong chương trình GD. Và cũng không thiếu người chịu trách nhiệm tổng thể về SGK của mỗi lớp học để bảo đảm rằng khối lượng kiến thức mà học sinh tiếp nhận mỗi năm học không phải là gánh nặng.
Để lựa chọn tác giả viết SGK, phải có tiêu chí, trong đó lưu ý nhóm tác giả của một cuốn sách cần bao gồm các nhà khoa học, các nhà sư phạm và giáo viên cốt cán; tác giả SGK phải là người đã từng viết sách; số lượng tác giả của mỗi nhóm không quá đông, thường ở các môn khoa học tự nhiên và kỹ thuật dưới 5 người; các môn khoa học xã hội dưới 10 người. Mỗi nhóm tác giả chỉ nên viết một cuốn SGK, trừ trường hợp đặc biệt.
Đội ngũ biên tập, những người "đỡ đẻ" cho SGK cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng của sách. Họ sẽ là những người tìm kiếm tác giả, "đặt hàng" cho tác giả. Bởi thế, họ cần phải có khả năng đàm phán, thuyết phục tác giả thực hiện theo mục tiêu, ý tưởng, mô hình đã được thống nhất; có khả năng xử lý, hoàn thiện bản thảo. Với vai trò "bà đỡ", biên tập viên đưa sách và các bài học vào môi trường sống của nó, bằng cách dự giờ, thăm lớp, thực nghiệm; để biết ưu khuyết điểm của sách, của bài học. Chưa kể, họ còn phải là người quảng cáo, tiếp thị, để đưa sách vào thị trường và tồn tại vững chắc trên thị trường.
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về CT và SGK là một cơ hội, nhưng đồng thời cũng là một thách thức đối với vai trò trách nhiệm, năng lực lãnh đạo và quản lý của Bộ GD-ĐT trong bối cảnh hiện nay. Điều này đòi hỏi Bộ GD-ĐT phải thật sự nghiêm túc, thận trọng trong việc xác định các nội dung công việc, tổ chức thực tiễn phù hợp với yêu cầu và có lộ trình, bước đi thích hợp, không vội vàng và duy ý chí nhưng cũng không được bảo thủ, trì trệ, phải biết lắng nghe nhưng đồng thời phải thể hiện bản lĩnh của cơ quan quản lý nhà nước trong các quyết sách, nhằm bảo đảm thực hiện thành công Nghị quyết của Quốc hội trong vai trò và trách nhiệm của mình.